Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 4/10/2023
Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 4/10/2023. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 4/10/2023 trên Môi trường và Đô thị.
Bão Koinu vẫn giật cấp 17, dự kiến cuối tuần di chuyển vào biển Đông
Theo Trung tâm dự báo KTTV Quốc gia, đến 13h hôm nay (4/10), sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150-166km/h), giật cấp 17, di chuyển theo hướng Tây, tốc độ khoảng 15km/h.
Dự báo trong 24-72 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, sau đổi hướng sang hướng Tây, với tốc độ 10km/h.
Đến 13h ngày 5/10, vị trí tâm bão ở khoảng 22,4 độ Vĩ Bắc - 120,4 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Nam đảo Đài Loan, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13, giật cấp 16.
Đến 13h ngày 6/10, bão di chuyển vào Biển Đông và suy yếu dần, lúc này vị trí tâm bão ở khoảng 22,6 độ Vĩ Bắc - 118,1 độ Kinh Đông, cách Phúc Kiến (Trung Quốc) 150km về phía Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11, giật cấp 13.
Đến 13h ngày 7/10, bão tiếp tục suy yếu thêm, lúc này vị trí tâm bão ở khoảng 22,6 độ Vĩ Bắc - 116,4 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông Nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9, giật cấp 11.
Từ 72 đến 120 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 5km, cường độ tiếp tục suy yếu thêm.
Do tác động của bão Koinu, vùng biển phía Đông Bắc của khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 6-7, từ đêm 4/10 mạnh lên cấp 8-10, từ chiều ngày 5/10 vùng gần tâm bão đi qua cấp 11-12, giật cấp 15; biển động dữ dội.
Vùng biển phía Đông Bắc của khu vực Bắc Biển Đông sóng biển cao 2-4 m; từ đêm 4/10, sóng biển cao 4-6 m, từ chiều ngày 5/10 vùng gần tâm bão sóng cao 6-8 m.
Bắc Ninh: Huyện Yên Phong thực hiện tổng thể nhiệm vụ bảo vệ môi trường
Bước sang năm thứ 4 thực hiện Đề án tổng thể bảo vệ môi trường tỉnh Bắc Ninh, giai đoạn 2019-2025 và thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về “Bắc Ninh hành động vì môi trường sạch”, Huyện ủy, UBND huyện Yên Phong chỉ đạo gắt gao các cấp, các ngành, địa phương tích cực thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, bước đầu có những chuyển biến tích cực; nhận thức, trách nhiệm về công tác bảo vệ môi trường của các cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và nhân dân được nâng lên. Các Đề án “Phát động phong trào làm sạch đồng ruộng, vệ sinh đường làng, ngõ xóm huyện Yên Phong giai đoạn 2019-2021”;
Đề án tổng thể xử lý môi trường làng nghề xã Văn Môn, huyện Yên Phong giai đoạn 2022-2026”; Dự án đầu tư xây dựng Khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải làng nghề xã Văn Môn… được xây dựng và gấp rút chỉ đạo triển khai thực hiện. Các phòng, ban chuyên môn tăng cường kiểm tra, đôn đốc công tác vệ sinh, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt tại các điểm tập kết của các xã, thị trấn; kiểm tra, ngăn chặn và xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; xây dựng, quản lý, vận hành các lò đốt rác thải sinh hoạt công suất nhỏ để xử lý các điểm bức xúc rác thải phát sinh tại khu vực thị trấn và một số xã giáp ranh KCN... hạn chế thấp nhất lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tồn đọng ngoài môi trường.
Để tạo sự chuyển biến và lan toả ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường của các tầng lớp nhân dân, huyện giao Ủy ban MTTQ huyện chủ trì, phối hợp với các đoàn thể chính trị - xã hội tích cực tuyên truyền, vận động, triển khai thực hiện Đề án “Phát động phong trào làm sạch đồng ruộng, vệ sinh đường làng, ngõ xóm huyện Yên Phong giai đoạn 2019-2021”; duy trì và xây dựng các hoạt động cụ thể bảo vệ môi trường như “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường”, “Tuyến đường, cánh đồng tự quản không rác thải”, “Làm sạch đường làng, ngõ xóm”, “Ngày chủ nhật xanh”, “Xây dựng nếp sống văn minh gắn với bảo vệ môi trường”…; Hệ thống Đài Truyền thanh cơ sở thường xuyên thông tin, tuyên truyền nội dung về bảo vệ môi trường trên hệ thống phát thanh ở tất cả các địa phương; bổ sung các quy định trong hương ước, quy ước về đảm bảo vệ sinh môi trường.
Đến nay, 100% các làng, khu phố tiến hành sửa đổi, đưa các quy định về bảo đảm vệ sinh đường làng, ngõ, xóm vào hương ước, quy ước của địa phương. Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về môi trường, nhất là tại các CCN, làng nghề. Đã có hàng chục vụ việc vi phạm về môi trường được phát hiện, xử phạt hàng trăm triệu đồng và đình chỉ hoạt động, nhằm tạo sức răn đe với các đối tượng cố tình vi phạm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Hiện nay, trên địa bàn huyện vẫn còn lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tồn đọng ngoài môi trường khá lớn, đòi hỏi các biện pháp xử lý cấp bách và tiến tới xử lý dứt điểm. Trước thực tế đó, huyện cho chủ trương vận chuyển rác thải sinh hoạt từ các điểm bức xúc về 2 lò đốt rác thải tại thị trấn Chờ và cụm xã Long Châu - Trung Nghĩa để xử lý bằng phương pháp đốt, góp phần giảm tình trạng ùn ứ rác thải sinh hoạt cho các địa phương. Phần lớn khối lượng rác thải của các xã còn lại được lưu giữ và xử lý tạm thời tại các điểm tập kết; triển khai thí điểm mô hình xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại hộ gia đình, các điểm tập kết rác thải sinh hoạt bằng chế phẩm IMO, hạn chế tối đa lượng chất thải phát sinh ra ngoài môi trường.
Đề xuất với Sở TN & MT phương án vận chuyển chất thải tồn đọng về các khu xử lý tập trung của tỉnh để xử lý, hạn chế tối đa rác thải tràn ra ngoài môi trường. Đối với việc xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề, CCN, huyện đang đốc thúc thực hiện đúng lộ trình Đề án tổng thể xử lý môi trường làng nghề xã Văn Môn, huyện Yên Phong giai đoạn 2022-2026; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng Khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải làng nghề xã Văn Môn; phối hợp với Viện Kinh tế và xây dựng (Bộ xây dựng) xây dựng phương án và đơn giá xử lý chất thải rắn tồn đọng xã Văn Môn; thành lập tổ tự quản bảo vệ môi trường làng nghề; xây dựng quy chế quản lý chất thải rắn (xỉ nhôm) làng nghề thôn Mẫn Xá, xã Văn Môn; tuyên truyền, vận động các hộ sản xuất nằm xen kẹp trong khu dân cư di dời ra CCN làng nghề. Yên Phong rất cần sự phối hợp của các sở, ngành, sự hỗ trợ của tỉnh để thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các đề án, dự án về bảo vệ môi trường, tiến tới xây dựng một Yên Phong năng động, phát triển công nghiệp công nghệ cao gắn chặt với các yếu tố môi trường bền vững, bắt nhịp cùng hội nhập.
Hội LHPN tỉnh Bắc Ninh học tập, trao đổi kinh nghiệm ứng dụng vi sinh IMO
Vừa qua, Đoàn công tác của Hội LHPN tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm trong việc triển khai các mô hình ứng dụng men vi sinh IMO vào sản xuất nông nghiệp và xử lý ô nhiễm môi trường tại huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai.
Đoàn được lãnh đạo UBND huyện Vĩnh Cửu chia sẻ kinh nghiệm, kết quả cũng như thuận lợi, khó khăn trong việc triển khai ứng dụng vi sinh IMO trong sản xuất nông nghiệp và xử lý ô nhiễm môi trường tại địa phương; tham quan thực tế 4 mô hình: Vườn bưởi Năm Hồng và trang trại nuôi vịt bằng men vi sinh của anh Võ Vũ Mạnh (xã Thạnh Phú); mô hình xử lý rác hữu cơ, phụ phế phẩm nông nghiệp (xã Tân Bình) và mô hình xử lý ô nhiễm trong chăn nuôi tại Công ty TNHH một thành viên Trọng Khôi (xã Hiếu Liêm).
Tại các mô hình, Đoàn được chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm hay, sáng tạo trong việc sử dụng men vi sinh IMO để tự ủ phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật, xử lý mùi hôi chất thải của chuồng trại chăn nuôi với chi phí thấp. Theo các chủ mô hình chia sẻ, việc sử dụng men IMO giúp tiết kiệm nhiều chi phí đầu tư, trồng trọt, chăn nuôi, rút ngắn thời gian sản xuất, đồng thời tạo ra sản phẩm vì đó là sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, an toàn nên được thị trường ưu chuộng hơn.
Đây là hoạt động nằm trong chương trình công tác Hội và phong trào phụ nữ năm 2023 của Hội LHPN tỉnh. Sau chuyến đi thực tế này, các thành viên trong Đoàn học tập kinh nghiệm, cách làm hay của huyện Vĩnh Cửu và cách làm sáng tạo của các mô hình để vận dụng vào thực tiễn hoạt động phong trào của Hội tại Bắc Ninh, góp phần thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ môi trường, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Vườn Quốc gia Bạch Mã đón 2 cá thể gấu đầu tiên
Hai chú gấu này được một hộ gia đình tại xã Phụng Thượng (huyện Phúc Thọ, Hà Nội) tự nguyện viết đơn chuyển giao và không đòi hỏi bất cứ một nguồn kinh phí nào. Sau đó, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội hỗ trợ mọi thủ tục bàn giao và phối hợp với Tổ chức Động vật châu Á trong công tác cứu hộ gấu, các bác sĩ thú y đã khám sàng lọc và sau đó cho lên xe đưa đến Huế.
Ông Nguyễn Vũ Linh, Giám đốc Vườn Quốc gia Bạch Mã cho biết, xe chuyên dụng chở 2 chú gấu xuất phát ở Hà Nội vào ngày 2/10, vượt khoảng 800 km vào đến Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam II vào chiều muộn ngày 3/10. Trong quá trình di chuyển, cứ 2 - 3 tiếng đồng hồ đi trên đường, nhân viên chăm sóc sẽ kiểm tra và tiếp nước, lá chuối để đảm bảo sức khỏe tốt cho gấu.
Hai gấu đều rất linh hoạt, đáp ứng tốt với các tương tác của các chuyên gia chăm sóc gấu. Hai cá thể gấu được đặt tên là Amstrong (gấu đực) và Buzz (gấu cái), tên của hai phi hành gia đầu tiên đặt chân lên mặt trăng.
Hai cá thể gấu này được gia đình chăm sóc từ năm 2006, tính đến nay chúng đã sống trong điều kiện nuôi nhốt gần 20 năm, trong khi tuổi tự nhiên của gấu là từ 30 - 35 năm tuổi. Do gấu nuôi đã nhiều năm nên phần lớn chúng đều bị rụng lông và có những vệt mất da.
Tại trung tâm, hai “cư dân” đầu tiên sẽ được các nhân viên cho ăn mật ong pha sữa rồi đưa vào khu cách ly theo dõi sức khỏe, sau hơn 1 tháng sẽ đưa vào khu nhà riêng.
Được biết, Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam II tại Vườn Quốc gia Bạch Mã đã xây dựng xong giai đoạn 1 với khu cơ sở vật chất, bệnh viện, khu cách ly tạm thời và 2 nhà gấu đôi với 4 khu bán tự nhiên. Tổng kinh phí xây dựng trung tâm này là hơn 10 triệu USD trên diện tích 12,7 hecta, tổng 6 nhà gấu đôi. Sau khi hoàn thiện, nơi đây đủ chỗ để cứu hộ hơn 300 cá thể gấu.
Thêm một số hình ảnh về 2 cá thể gấu đầu tiên được đưa đến tại Bạch Mã:
Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu
Hội thảo có sự tham dự của đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, lãnh đạo Ban Tuyên giáo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ; các sở, ngành, địa phương…
Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe 10 báo cáo tham luận với các chủ đề như: Chủ động thích ứng với BĐKH, quản lý tài nguyên và BVMT, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội; công tác tham mưu, định hướng về chủ động thích ứng với BĐKH, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường của Sở Xây dựng; Báo Bà Rịa-Vũng Tàu với công tác tuyên truyền về phòng chống BĐKH, quản lý tài nguyên và BVMT; Đổi mới phương thức thông tin tuyên truyền về BĐKH, quản lý tài nguyên và BVMT trên các phương tiện thông tin đại chúng…
Các tham luận đã đánh giá kết quả mà các ngành, các đơn vị đã thực hiện, đồng thời tập trung phân tích những hạn chế, vướng mắc và đề xuất giải pháp nhằm nâng cao công tác tham mưu chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.
Khánh Hoà rà soát, bố trí quỹ đất cho các khu xử lý rác
Theo báo cáo của Sở TN-MT tỉnh Khánh Hoà, đến nay, Khu Kinh tế Vân Phong đã thu hút được 153 dự án đầu tư, trong đó có 82 dự án đã đi vào hoạt động. Lượng chất thải rắn sinh hoạt từ khu kinh tế hơn 14,4 tấn/ngày, chất thải rắn công nghiệp thông thường gần 83,4 tấn/ngày.Chất thải rắn phát sinh từ Khu Kinh tế Vân Phong hầu hết được phân loại, thu gom và chuyển giao cho các đơn vị có chức năng xử lý; riêng các doanh nghiệp ở một số vùng ven biển còn gặp khó khăn do chưa có đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý rác triệt để. Theo quy hoạch phát triển cụm công nghiệp đến năm 2030, trên địa bàn tỉnh có 14 cụm công nghiệp. Đến nay, đã có 6 cụm công nghiệp đi vào hoạt động. Qua kết quả kiểm tra mới đây của Sở TN-MT, 100% cơ sở sản xuất trong 6 cụm công nghiệp đã thực hiện quan trắc, giám sát môi trường định kỳ theo quy định; chất thải rắn phát sinh được chủ cơ sở ký hợp đồng với đơn vị có chức năng thu gom, xử lý theo quy định.
Thông tin từ Sở TN-MT, hiện nay, công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh về cơ bản được thực hiện khá tốt, nhất là ở khu vực đô thị, với tỷ lệ thu gom, vận chuyển đạt 98,7%. Tuy nhiên, công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt ở khu vực nông thôn chưa được triệt để, chỉ đạt khoảng 50 - 70%.
Trên địa bàn tỉnh chỉ có các bãi chôn lấp: Lương Hòa (TP. Nha Trang), Hòn Rọ (thị xã Ninh Hòa), Cam Thịnh Đông (TP. Cam Ranh) áp dụng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh, còn lại hầu hết các bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt ở các địa phương khác đều không hợp vệ sinh. Quy định phân loại rác thải tại nguồn vẫn chưa được triển khai rộng rãi cả về văn bản quy phạm pháp luật của địa phương lẫn thực tế ở hộ gia đình, cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Do đó, lượng rác thải phải chôn lấp khá lớn và lãng phí nguồn rác thải có thể tái sử dụng, tái chế; các bãi chôn lấp hiện hữu đang dần trở nên quá tải, làm phát sinh các tác động tiêu cực đến môi trường đất, nước, không khí và sức khỏe của cộng đồng.
Trên địa bàn tỉnh hiện nay chưa có dự án đầu tư về xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng các công nghệ tiên tiến (như: Điện rác, làm phân vi sinh, nhà máy phân loại, tái chế…) đủ khả năng đáp ứng về quy trình công nghệ, công suất tiếp nhận và xử lý khối lượng chất thải phát sinh tăng nhanh. Vì vậy, bên cạnh việc triển khai thực hiện phân loại rác tại nguồn một cách đồng bộ và quyết liệt, để có thể tiết kiệm được diện tích chôn lấp cần phải xây dựng khu xử lý chất thải rắn có tính linh hoạt cao, có khả năng tái chế nhiều loại rác thải, đem lại hiệu quả kinh tế, góp phần bảo vệ môi trường và phù hợp với lộ trình hạn chế xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ chôn lấp trực tiếp mà Chính phủ quy định.
Tại buổi làm việc với Ban Pháp chế HĐND tỉnh giám sát chuyên đề tình hình chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường mới đây, đồng chí Trần Hòa Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, tỉnh quy hoạch 13 khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt, 3 khu xử lý chất thải rắn công nghiệp; đồng thời nâng cấp, cải tạo và mở rộng cơ sở xử lý chất thải rắn hiện hữu. Mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ chất thải rắn được xử lý bằng các công nghệ khác (tái chế, tái sử dụng, chế biến phân hữu cơ…) của tỉnh đạt 85%.
Hiện nay, UBND tỉnh chỉ đạo Sở TN-MT phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, bố trí quỹ đất cho các khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt, khu xử lý chất thải rắn công nghiệp phù hợp theo quy hoạch được duyệt. Đối với các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, nguồn phát sinh chất thải lớn phải tuân thủ nghiêm quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn liên quan.
Thời gian tới, UBND tỉnh kiến nghị với HĐND tỉnh hàng năm xem xét tăng nguồn kinh phí cho hoạt động quan trắc môi trường nhằm đảm bảo thực hiện chương trình quan trắc đúng tần suất, số lượng vị trí theo Quy hoạch mạng lưới quan trắc môi trường tỉnh đến năm 2025; ưu tiên bố trí nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường để thực hiện việc quan trắc, giám sát môi trường tại khu vực các bãi chôn lấp theo quy hoạch; hỗ trợ địa phương trong khắc phục ô nhiễm môi trường tạm thời tại các bãi rác không hợp vệ sinh; từng bước đóng cửa tất cả các bãi chôn lấp quy mô cấp xã và huyện không phù hợp với quy hoạch, không đảm bảo vệ sinh môi trường.
Cà Mau: Hàng chục ngàn ha lúa – tôm bị ngập do mưa lớn kết hợp triều cường
Ngày 4/10, Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Cà Mau cho biết, trong 2 ngày 2/10-3/10, do mưa lớn kéo dài kết hợp với triều cường dâng cao đã gây ngập hơn 19.000 ha lúa – tôm trên địa bàn hai huyện Thới Bình và U Minh.
Theo đó, tại huyện Thới Bình, diện tích lúa bị ngập nhiều tập trung tại địa bàn các xã: Biển Bạch (2.100 ha), Trí Phải (2.100 ha), Biển Bạch Đông (2.000 ha), Trí Lực (hơn 1.800 ha), Thới Bình (hơn 1.940 ha), Tân Bằng (hơn 1.850 ha), Tân Phú (1.600 ha)…
Tại huyện U Minh, diện tích lúa tôm bị ngập là hơn 4.400 ha, trong đó, xã Khánh An bị thiệt hại 477 ha; xã Nguyễn Phích thiệt hại 1.821 ha; thị trấn U Minh khoảng 740 ha; xã Khánh Lâm 112 ha; xã Khánh Thuận 303 ha; xã Khánh Hoà 450 ha và xã Khánh Tiến 508 ha.
Ngoài diện tích lúa tôm bị ảnh hưởng, còn có hơn 880 ha lúa mùa, lúa đông xuân cùng hơn 150 ha diện tích rau màu, cây ăn trái và 450 ha ao cá bị ngập úng.
Nguyên nhân là do mực nước trên các tuyến kênh, rạch cao hơn trong ruộng lúa, kết hợp với mưa kéo dài nên công tác bơm tháo nước còn chậm; nước từ các tuyến kênh nội đồng tràn qua các tuyến lộ nông thôn vào các khu vực sản xuất lúa – tôm.
Để chủ động ứng phó với tình hình trên, UBND hai huyện Thới Bình và U Minh đã chỉ đạo các ngành liên quan, UBND các xã, thị trấn tổ chức kiểm tra, rà soát và khẩn trương thống kê diện tích sản xuất bị ngập và các thiệt hại khác; vận động người dân bơm nước ra khỏi ruộng lúa để hạn chế ngập úng, tránh gây thiệt hại cho người dân.
Đồng thời chỉ đạo các đơn vị, địa phương tập trung huy động các lực lượng giúp dân khắc phục thiệt hại. Chủ động theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo về triều cường để kịp thời thông tin rộng rãi đến tổ chức, cá nhân và người dân biết, để chủ động phòng, tránh, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.
Các quốc gia huy động 12 tỷ USD để bảo vệ rạn san hô
CRI cho biết sẽ huy động nguồn quỹ từ lĩnh vực đầu tư công và tư nhân để hỗ trợ bảo tồn và phục hồi hệ sinh thái san hô. Tổ chức này cũng cam kết sẽ gia tăng sự phục hồi các rạn san hô bị hư hại bằng các giải pháp sáng tạo mới.
Mục tiêu của ICRI là "đảm bảo tương lai" cho diện tích 125.000 km2 rạn san hô nhiệt đới vùng nước nông và tăng gấp đôi diện tích san hô được bảo vệ hiệu quả vào cuối thập kỷ này. Tổ chức này cũng cam kết sẽ gia tăng sự phục hồi các rạn san hô bị hư hại bằng các giải pháp sáng tạo mới.
Hệ sinh thái san hô vốn là môi trường sống của 1/4 loài sinh vật biển và của hơn 1 tỷ người trên Trái Đất. Hiện tại, các rạn san hô đang chịu áp lực ngày càng tăng do tình trạng ô nhiễm biển gia tăng, sự phát triển khu vực duyên hải và tần suất hoạt động gia tăng của các đội tàu đánh cá. Không chỉ vậy, các rạn san hô cũng đang phải chịu đựng nhiệt độ nước biển tăng cao, khiến san hô bị "tẩy trắng".
Các rạn san hô đang chịu áp lực ngày càng tăng do tình trạng ô nhiễm biển gia tăng, sự phát triển khu vực duyên hải và tần suất hoạt động gia tăng của các đội tàu đánh cá. Không chỉ vậy, các rạn san hô cũng đang phải chịu đựng nhiệt độ nước biển tăng cao, khiến san hô bị "tẩy trắng."
Bà Marian Wong, giảng viên cao cấp tại Trường Khoa học Trái Đất, khí quyển và sự sống tại Đại học Wollongong của Australia, đánh giá việc có thêm có thêm nguồn tài trợ để bảo vệ và phục hồi san hộ là một thông tin đáng mừng, nhưng nhiệt độ tăng cao vẫn là nguy cơ lớn đối với sự sống của các rạn san hô, đặc biệt khi hiện tượng El Nino hoành hành và nhiệt độ tăng cao hơn.
Các chuyên gia cho rằng khủng hoảng khí hậu, đặc biệt tình trạng nhiệt độ nước biển tăng cao mang lại rủi ro lớn hơn đối với công tác bảo tồn các rạn san hô. Do đó, các quốc gia thành viên ICRI nên tập trung trực tiếp vào việc giảm phát thải khí nhà kính, nhằm giải quyết tận gốc nguyên nhân dẫn đến biến đổi khí hậu.
ICRI do liên minh các nước Australia, Pháp, Nhật Bản, Jamaica, Philippines, Thụy Điển, Anh và Mỹ đưa ra năm 1994. Hiện sáng kiến này có 45 nước thành viên, tham gia quản lý 3/4 diện tích các rạn san hô trên thế giới.
T.Anh (T/h)