Thứ sáu, 26/04/2024 13:36 (GMT+7)

Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 22/10/2019

MTĐT -  Thứ ba, 22/10/2019 11:31 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 2/10/2019. Cập nhật tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 22/10/2019 trong nước và thế giới.

Thủ tướng đến thủ đô Tokyo, Nhật Bản

Khoảng 7h sáng 22/10 (giờ địa phương), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến sân bay quốc tế Narita, Tokyo, Nhật Bản, bắt đầu chuyến tham dự lễ đăng quang của Nhà vua Nhật Bản Naruhito.

Đón Thủ tướng tại sân bay có đại diện Bộ Ngoại giao Nhật Bản, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam.

Được biết, hơn 400 thượng khách là nguyên thủ và lãnh đạo cấp cao của hơn 190 quốc gia, khu vực, tổ chức quốc tế dự kiến tới Nhật Bản để tham dự buổi lễ sẽ diễn ra chiều 22/10. Đây là sự kiện trọng đại đối với Nhật Bản, đánh dấu sự bắt đầu của một thời đại mới – Thời đại Lệnh Hòa.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Nhật Bản

Ngay sau khi Nhật hoàng Naruhito lên ngôi, lãnh đạo cấp cao của Việt Nam đã gửi điện chúc mừng, thể hiện tin tưởng chắc chắn dưới triều đại Lệnh Hòa, đất nước và nhân dân Nhật Bản sẽ đạt thành tựu to lớn trong công cuộc xây dựng đất nước thịnh vượng và phồn vinh.
Việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ Đăng quang của Nhà vua Naruhito thể hiện Việt Nam coi trọng quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng với Nhật Bản, đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu, là nước tài trợ ODA lớn nhất, nhà đầu tư số hai, đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam và cùng là thành viên của Hiệp định CPTPP. Hiện quan hệ hai nước đang ở giai đoạn tốt nhất trong lịch sử kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao.

Trong dịp dự lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ có một số cuộc tiếp xúc song phương.

Cổng TTĐT Chính phủ sẽ cập nhật thông tin về hoạt động của Thủ tướng tại Nhật Bản.

Đề xuất tăng lương cơ sở lên 1,6 triệu đồng/tháng

Trình bày Báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2019, dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương năm 2020 tại Quốc hội chiều nay, 21/10, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội (TCNS) Nguyễn Đức Hải cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS nhất trí với đề xuất tăng lương cơ sở lên 1,6 triệu đồng/tháng.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban TCNS Nguyễn Đức Hải, Ủy ban TCNS đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và sự cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp Nhân dân, sự chủ động, tích cực của ngành tài chính, cùng với sự phối hợp có trách nhiệm cao của các cơ quan trong hệ thống chính trị đã nỗ lực cố gắng vượt qua khó khăn, thách thức để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ TCNS trong năm 2019 đã đề ra.

Về cơ bản, Ủy ban TCNS nhất trí với Báo cáo của Chính phủ. Tuy nhiên, đánh giá tình hình thu NSNN năm 2019, Ủy ban TCNS cho rằng, dù ước thu NSNN năm 2019 là năm thứ tư vượt dự toán, nhưng còn chưa chắc chắn. Thu nội địa chỉ tăng 1,9% so với dự toán. Số thu NSNN thực chất từ nội lực nền kinh tế tăng còn thấp.

Năm 2019 nhiều địa phương ước thu thấp không đạt dự toán Chính phủ giao và HĐND giao… Do vậy, Ủy ban đề nghị Chính phủ lưu ý có biện pháp quyết liệt để thực hiện các vấn đề này trong công tác hành thu NSNN từ nay đến cuối năm.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải.

Về thu từ thuế và thu từ các khu vực kinh tế, theo Ủy ban TCNS, tỷ lệ huy động từ thuế, phí vào NSNN chỉ đạt 20,2%GDP, chưa đạt yêu cầu do Quốc hội đề ra là 21%GDP. Thu từ 3 khu vực doanh nghiệp đều không đạt dự toán.

“Điều này cho thấy tình hình sản xuất, kinh doanh vẫn còn nhiều khó khăn. Đề nghị Chính phủ cần tiếp tục có những giải pháp mới để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong nước, góp phần bảo đảm thu NSNN ngày càng vững chắc hơn từ các khu vực kinh tế”, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Đức Hải nói.

Về chi thường xuyên, Ủy ban TCNS nhận thấy dù Chính phủ đã nỗ lực để giảm chi thường xuyên, chú trọng công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí… nhưng về cơ bản, những tồn tại trong chi thường xuyên đã được Quốc hội đề cập trong những năm gần đây vẫn chưa được khắc phục triệt để.

Về chi đầu tư phát triển, ông Hải cho hay,Ủy ban TCNS thấy rằng, trong tiến trình cơ cấu lại chi NSNN theo Nghị quyết số 07-NQ/TW của Trung ương, Chính phủ và các ngành, các cấp đã chú trọng tăng chi đầu tư phát triển, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn này.

Tuy nhiên, đối với chi ĐTPT vẫn còn những tồn tại, hạn chế, trong đó có tình trạng chậm giao vốn, giao nhiều đợt và chậm điều chỉnh vốn đầu tư phát triển, trong đó có vốn ODA vẫn chưa được khắc phục.

Thủ tục giao vốn vẫn còn phức tạp, chưa xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công, khiến nhiều dự án quan trọng tác động đến phát triển kinh tế - xã hội chậm được triển khai, bị dở dang, chuyển tiếp kéo dài.

“Đề nghị Chính phủ cần có giải pháp quyết liệt, tổ chức thực hiện có hiệu quả hơn Luật đầu tư công, Luật quản lý nợ công”, ông Hải nói.

Bên cạnh đó, Ủy ban TCNS cũng chỉ ra tình trạng vốn đầu tư phát triển tiếp tục giải ngân rất chậm. Tỷ lệ giải ngân đến nay mới chỉ đạt 49,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Khả năng giải ngân hết nguồn vốn trong năm 2019 là khó khăn.

Ủy ban TCNS cho rằng nguyên nhân của tình trạng giải ngân nêu trên vẫn tập trung vào các yếu tố như chuẩn bị dự án đầu tư, giao dự toán chậm, giải phóng mặt bằng khó khăn…

Các vấn đề này đã kéo dài nhiều năm nhưng biện pháp khắc phục chưa thật sự quyết liệt, khiến hiệu quả đạt thấp.

Vì vậy, trong thời gian tới ngoài việc tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện về cơ chế, chính sách, đề nghị Chính phủ chú trọng đến khâu tổ chức thực hiện quy định pháp luật về TCNS, trong đó có Luật đầu tư công.

Về chi cải cách tiền lương, theo ông Nguyễn Đức Hải, đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS nhất trí với đề xuất tăng lương cơ sở lên 1,6 triệu đồng/tháng.

Một số ý kiến cho rằng, cần cân nhắc việc tăng lương vì có thể làm cho chi NSNN mang tính chất chi tiêu dùng nhiều hơn cho chi đầu tư phát triển khi sẽ phải dùng 50% nguồn tăng thu so với dự toán của NSĐP và 40% tăng thu của NSTW cho cải cách tiền lương.

Một số ý kiến đề nghị tăng phụ cấp công vụ, vì từ năm 2012 đến nay vẫn giữ nguyên là 25%; đề nghị dành một phần nguồn lực để tăng lương cho các đối tượng hưởng lương hưu trước năm 1993, vì mức thu nhập của các đối tượng này khá thấp so với mặt bằng chung của xã hội.

Hội nghị thượng đỉnh thành phố thông minh 2019

Từ ngày 21-24/10, UBND TP Đà Nẵng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam (VINASA) phối hợp tổ chức chuỗi hoạt động quốc tế về CNTT tại Đà Nẵng gồm: Hội nghị thượng đỉnh TP thông minh 2019 - Smart City Summit 2019 lần thứ 3 và Ngày Công nghệ thông tin Nhật Bản 2019 - Japan ICT Day 2019 lần thứ 12.

Một góc thành phố Đà Nẵng bên bờ sông Hàn. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN.

Smart City Summit là sự kiện quốc tế thường niên được tổ chức nhằm thúc đẩy hợp tác, chia sẻ tầm nhìn, chiến lược, kinh nghiệm xây dựng TP thông minh của các TP trong nước và khu vực, đưa ra những giải pháp quản lý, quy hoạch và phát triển đô thị thông minh phù hợp với các TP dựa trên nền tảng công nghệ mới như: IoT, Big Data, AI, SMAC… giúp quản lý hiệu quả hoạt động của TP và đem lại các tiện ích thiết thực, an sinh xã hội cho người dân, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của chính quyền, tổ chức, doanh nghiệp.

Smart City Summit 2019 lần thứ 3 có sự tham dự của 600 đại biểu, trong đó có khoảng 200 đại biểu quốc tế. Bên lề còn các hoạt động xúc tiến hợp tác như triển lãm và giới thiệu các sản phẩm, giải pháp CNTT cho đô thị thông minh, gặp gỡ giao thương (business matching), tiếp xã giao lãnh đạo các TP trong khu vực, thăm một số doanh nghiệp tiêu biểu, các chương trình du lịch, giao lưu văn hoá cho đại biểu trong nước và quốc tế…

Việt Nam tham dự Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh 2019 tại Trung Quốc

Sáng 21/10, Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh lần thứ 9 đã chính thức khai mạc tại thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc.

Đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam do Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu, tham dự diễn đàn

Theo TTXVN, tại Trung Quốc, Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh lần thứ 9 có chủ đề bao trùm là “Duy trì trật tự quốc tế và thúc đẩy hoà bình tại châu Á - Thái Bình Dương”, thu hút sự tham gia của hàng trăm lãnh đạo quốc phòng, lãnh đạo quân đội, chuyên gia, học giả đến từ nhiều nước và các tổ chức trên thế giới.

Diễn đàn có 4 phiên toàn thể về các chủ đề: Quan hệ nước lớn và trật tự thế giới; Quản lý rủi ro về an ninh tại châu Á – Thái Bình Dương; Lợi ích của các nước vừa và nhỏ và an ninh chung; Cơ chế kiểm soát vũ khí quốc tế và an ninh toàn cầu. Bên cạnh đó, diễn đàn cũng có phiên đặc biệt về 70 thành lập Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) và các phiên thảo luận đặc biệt đồng thời với nội dung: Các biện pháp xây dựng lòng tin chiến lược; Cấu trúc an ninh châu Á – Thái Bình Dương; Sự thay đổi nhanh chóng của an ninh biển.

Đại tướng Ngô Xuân Lịch phát biểu, khẳng định lập trường của Việt Nam đối với vấn đề Biển Đông. Ảnh: Vĩnh Hà/Phóng viên TTXVN tại Trung Quốc

Trong thông điệp gửi tới Diễn đàn, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết, Trung Quốc quyết tâm thúc đẩy hoà bình, phát triển ở khu vực thông qua đối thoại và hợp tác. Chủ tịch Trung Quốc nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay, các mối đe doạ về an ninh ngày càng phức tạp, do đó, các quốc gia cần phải đoàn kết với nhau, tôn trọng luật pháp quốc tế và thông qua đối thoại để tìm kiếm các giải pháp để xử lý các thách thức an ninh chung, cùng nhau đóng góp vào hoà bình và phát triển của khu vực.

Tại phiên khai mạc, Thượng tướng Ngụy Phượng Hòa, Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc, đã giới thiệu về chính sách tăng cường hợp tác, thúc đẩy đối thoại của quân đội Trung Quốc. Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc đề cao việc thông qua trao đổi, đối thoại để giải quyết các vấn đề giữa các quốc gia, đồng thời cho rằng các cơ chế hợp tác hiện nay cần củng cố, các quốc gia cần chung tay xây dựng một cộng đồng có vận mệnh chung, từ đó chung tay giải quyết các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống. Ông Ngụy Phượng Hòa cũng nhấn mạnh Trung Quốc mong muốn tăng cường hợp tác với các quốc gia khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Tại phiên toàn thể thứ 2 với chủ đề “Quản lý rủi ro về an ninh tại châu Á – Thái Bình Dương”, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có bài phát biểu thể hiện quan điểm của Việt Nam về các vấn đề an ninh và phát triển mà thế giới và khu vực cùng quan tâm. Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch cho rằng môi trường chính trị và an ninh khu vực vẫn tiềm ẩn nhiều nhân tố phức tạp, khó lường, đặt ra nhiều thách thức và những rủi ro an ninh, bao gồm cả những vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống.

Để quản lý tốt các rủi ro an ninh khu vực, Đại tướng Ngô Xuân Lịch nêu lên 4 yêu cầu: Đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật và tôn trọng lẫn nhau trong quan hệ quốc tế cũng như trong giải quyết các mâu thuẫn, bất đồng; Phát huy trách nhiệm của các nước lớn; Phát huy tốt vai trò, hiệu quả của các cơ chế hợp tác song phương và đa phương trong xây dựng lòng tin và quản lý an ninh khu vực; Giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, với tinh thần đối tác, vì trách nhiệm cộng đồng.

Liên quan đến tình hình Biển Đông, Đại tướng Ngô Xuân Lịch cho rằng, đây là khu vực chứa đựng nhiều rủi ro an ninh do tác động của nhiều yếu tố, như cạnh tranh giữa các nước lớn; tranh chấp chủ quyền; các vấn đề an ninh phi truyền thống. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, tình hình Biển Đông vẫn diễn biến phức tạp, nếu không được xử lý tốt sẽ tác động đến hòa bình, ổn định tại khu vực, làm xói mòn lòng tin giữa các quốc gia, cản trở những nỗ lực hợp tác của khu vực. Lập trường của Việt Nam là ủng hộ và bảo vệ quyền tự do đi lại, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế.

Việt Nam kiên trì chủ trương giải quyết vấn đề Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982). Bộ trưởng nêu rõ: “Vấn đề Biển Đông phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực, trên cơ sở luật pháp quốc tế, tôn trọng lợi ích hợp pháp của mỗi nước với tinh thần đối tác, vì trách nhiệm cộng đồng. Việt Nam cam kết sẽ nỗ lực cùng các nước thúc đẩy hợp tác nhằm xây dựng Biển Đông thành một khu vực hòa bình, ổn định và phát triển, vì lợi ích chung của tất cả các nước trong và ngoài khu vực”.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch cũng khẳng định an ninh, ổn định của Trung Quốc và các nước ASEAN không thể tách rời nhau. Chính vì vậy, hai bên luôn coi trọng và thúc đẩy quan hệ, hợp tác toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, trong đó hợp tác quốc phòng, an ninh là trụ cột quan trọng. Việt Nam ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp của Trung Quốc đối với hợp tác phát triển, giải quyết các vấn đề an ninh toàn cầu và khu vực, cũng như các cơ chế hợp tác do ASEAN giữ vai trò trung tâm và những đề xuất, sáng kiến hợp tác giữa hai bên nhằm duy trì môi trường hòa bình, ổn định vì lợi ích của mỗi nước và cả khu vực.

Theo Bộ trưởng, trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và phát huy truyền thống đoàn kết, hữu nghị, những vấn đề còn tồn tại trong quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc cần phải được kiên trì xử lý theo tinh thần Thỏa thuận cấp cao giữa lãnh đạo hai nước, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân hai nước, đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực.

Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch cho biết, bước sang năm 2020, Việt Nam sẽ đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ. Với tinh thần trách nhiệm cao nhất, Việt Nam hoan nghênh và đánh giá cao sự ủng hộ, hợp tác thiết thực của tất cả nước trong và ngoài khu vực để hoàn thành tốt những trọng trách mới.

Nhân dịp kỷ niệm 10 năm ngày ra đời của ADMM+, một trong những cơ chế quản lý an ninh hữu hiệu nhất hiện nay ở khu vực, Việt Nam đề nghị ASEAN và các nước đối tác cùng nhau xây dựng tầm nhìn chiến lược về an ninh châu Á - Thái Bình Dương, làm cơ sở định hướng cho những khuôn khổ, mục tiêu hợp tác trong thời gian tới, vì một châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, hữu nghị và thịnh vượng, trở thành hình mẫu về hợp tác trên toàn thế giới.

Cũng tại Diễn đàn, Phó Tổng thư ký ASEAN Hoàng Anh Tuấn đã chia sẻ góc nhìn của ASEAN về quan hệ với các nước lớn, việc duy trì trật tự quốc tế và thúc đẩy hoà bình ở khu vực. Ông Hoàng Anh Tuấn cũng thông báo các nhà lãnh đạo ASEAN đã thông qua Quan điểm về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của ASEAN, đồng thời nhận thức rõ ràng rằng hoà bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực chỉ có thể đạt được nếu tất cả các quốc gia trong khu vực đồng lòng ủng hộ mục tiêu này.

Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh là diễn đàn được tổ chức nhằm thảo luận các vấn đề an ninh khu vực. Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh lần thứ 9 dự kiến sẽ bế mạc vào ngày 22/10.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 22/10/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Liên hợp quốc lập quỹ chống chịu khí hậu mới
Liên hợp quốc (LHQ) ngày 24/4 đã công bố kế hoạch triển khai quỹ chống chịu khí hậu mới nhằm tăng cường bảo vệ “những người tị nạn và cộng đồng phải di dời”, vốn đang bị vấn đề biến đổi khí hậu đe dọa.

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.