Thứ hai, 29/04/2024 09:13 (GMT+7)

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm và làm việc tại Lạng Sơn

MTĐT -  Thứ sáu, 25/08/2023 13:30 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sáng 25-8, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu Đoàn công tác Trung ương thăm và làm việc tại tỉnh Lạng Sơn

Cùng dự buổi làm việc có các đồng chí: Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Lê Minh Hưng, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; Lê Minh Khái, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo Quân khu 1, thủ trưởng Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng và các cơ quan chức năng Trung ương.

Tiếp và làm việc với Tổng Bí thư và Đoàn công tác có ông Nguyễn Quốc Đoàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn, các cán bộ Thường trực Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy và cán bộ chủ chốt của tỉnh.

tm-img-alt
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy và đội ngũ cán bộ chủ chốt tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Báo QĐND

Báo cáo với Tổng Bí thư và Đoàn công tác, Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn Nguyễn Quốc Đoàn cho biết, thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Tỉnh ủy Lạng Sơn đã ban hành Chương trình hành động, tập trung vào 7 chương trình công tác trọng tâm và 3 khâu đột phá để lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội.

Kết quả sơ kết giữa nhiệm kỳ của Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn cho thấy, mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã luôn đoàn kết, thống nhất, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, tranh thủ thời cơ thuận lợi, đã lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ cơ bản của nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra và dự kiến sẽ đạt, vượt các chỉ tiêu, kế hoạch.

Về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, Đảng bộ tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ, đồng thời tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các chi bộ, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội ở cơ sở.

Về xây dựng tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ, Đảng bộ tỉnh tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW của Trung ương và Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị. Đến nay, đã giảm 2 đơn vị cấp tỉnh, 54 phòng, ban cấp tỉnh và tương đương, 21 phòng và 81 đơn vị sự nghiệp công lập cấp huyện. Giai đoạn 2019-2021, sắp xếp 51 đơn vị hành chính cấp xã, giảm 26 đơn vị. Từ nay đến năm 2030, thực hiện Kết luận số 48-KL/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyế số 35/2023/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Lạng Sơn tiếp tục sắp xếp và giảm thêm 12 đơn vị hành chính cấp xã. Đối với thôn, tổ dân phố, Lạng Sơn đã chỉ đạo sắp xếp giảm từ 2.314 thôn, tổ dân phố năm 2017 còn 1.658 thôn, tổ dân phố, giảm 656 thôn, tổ dân phố.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp của Lạng Sơn đã kiểm tra, giám sát hơn 3.000 tổ chức đảng và hơn 6.200 đảng viên. Qua kiểm tra,  cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp và chi bộ đã thi hành kỷ luật tăng 160% tổ chức so với nhiệm kỳ trước và tăng gần 71% đảng viên so với cùng kỳ. Trong đó, cơ quan điều tra đã khởi tố 5 vụ, tăng 400% so với nhiệm kỳ trước.

Bám sát sự chỉ đạo của Trung ương và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Lạng Sơn đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh. Từ khi thành lập đến nay, Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo phát hiện, xử lý 22 vụ án, 113 bị can, bị cáo về tham nhũng, tiêu cực, trong đó đưa vào diện Ban Chỉ đạo trực tiếp theo dõi, chỉ đạo 11 vụ án với 75 bị can và 3 vụ việc. 6 tháng đầu năm nay, đã chỉ đạo phát hiện, đấu tranh, xử lý 15 vụ án, vụ việc, 56 bị can liên quan đến tham nhũng, tiêu cực, trong đó đưa thêm 4 vụ án, vụ việc vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.

Khắc phục những khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, trong giai đoạn 2021-2023, tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội của Lạng Sơn có nhiều chuyển biến tích cực, đạt một số kết quả nổi bật. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2021-2022 đạt 6,95%, cao hơn 1,5% so với bình quân giai đoạn 2015-2020. Thu ngân sách của tỉnh năm 2020 đạt hơn 7.100 tỷ đồng, năm 2021 đạt gần 10.800 tỷ đồng, năm 2022 đạt hơn 7.900 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm nay đạt hơn 4.300 tỷ đồng, tăng hơn 14% so với cùng kỳ.

Công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh được tập trung đẩy mạnh. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ra Nghị quyết lãnh đạo và tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả nổi bật, như đứng thứ 2 toàn quốc về sản phẩm trên sàn thương mại điện tử Việt Nam; là tỉnh đầu tiên trong cả nước triển khai thành công Cửa khẩu số và ứng dụng “Công dân số xứ Lạng” trên quy mô toàn tỉnh và là một trong hai đơn vị của cả nước được nhận giải thưởng VietSolusions 2022 - Bài toán và giải pháp chuyển đổi số xuất sắc cho địa phương. Tính tổng thể, Lạng Sơn đứng thứ 6 toàn quốc về chuyển đổi số, tăng 10 bậc so với năm 2020; đứng thứ 5 toàn quốc về tỷ lệ hồ sơ xử lý dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 xếp thứ 15/63, tăng 34 bậc so với 2020. Đặc biệt, năm 2022, Lạng Sơn xếp thứ 2 toàn quốc về chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI).

Xác định công tác quốc phòng, an ninh, đối ngoại là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ này, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia, thường xuyên chăm lo xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân ngày càng vững mạnh, toàn diện; đồng thời thực hiện tốt hoạt động đối ngoại trên cả ba trụ cột đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân trên địa bàn, nhất là ở khu vực biên giới.

Công tác đối ngoại được thực hiện tích cực, chủ động. Đặc biệt, sau chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, lãnh đạo 2 Tỉnh - Khu đã tăng cường tiếp xúc, làm việc, trao đổi bằng nhiều hình thức, như gặp gỡ trực tiếp, trực tuyến, thư công tác. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn cũng đã phân công, chỉ đạo các sở, ngành, huyện thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi, ký các thỏa thuận hợp tác với các cấp, các ngành của tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.

Qua các cuộc gặp gỡ, hai bên đã trao đổi, thống nhất các biện pháp nhằm tăng cường xuất nhập khẩu hàng hóa, kinh tế biên mậu, nâng cao năng lực thông quan hàng hóa, xây dựng cửa khẩu số thông minh, tăng cường hạ tầng giao thông, dịch vụ logicstics, thúc đẩy hợp tác văn hóa, du lịch và giáo dục đào tạo. 6 tháng đầu năm nay, lượng người xuất nhập cảnh qua các cửa khẩu của Lạng Sơn tăng 376% so với cùng kỳ; lượng phương tiện xuất nhập cảnh tăng 197% so với cùng kỳ; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh tăng hơn 101% so với cùng kỳ; lượng khách du lịch tăng gần 27% với doanh thu tăng hơn 145% so với cùng kỳ…

Tuy nhiên, báo cáo của Tỉnh ủy Lạng Sơn cũng nêu rõ, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Lạng Sơn còn một số hạn chế cần được khắc phục, như công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị có mặt còn chuyển biến chậm. Một số cán bộ, đảng viên còn hạn chế về năng lực, trình độ và kỹ năng thực thi nhiệm vụ, chưa gương mẫu, thiếu tinh thần trách nhiệm, vi phạm kỷ luật, pháp luật. Quy mô kinh tế còn nhỏ, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, truyền thống cách mạng và văn hóa lâu đời của tỉnh. Số hộ nghèo giải nhanh, nhưng tỷ lệ còn cao, đời sống bà con nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới và trong đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, thiếu thốn về hạ tầng điện, viễn thông, nước sạch, giao thông, trường học, bệnh viện…

Trong thời gian tới, Lạng Sơn xác định tập trung chỉ đạo bám sát Chương trình hành động cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp; tổ chức thực hiện linh hoạt và hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, đề án, kế hoạch chuyên đề đã ban hành. Trong đó trọng tâm là tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế dựa trên 4 trụ cột, gồm kinh tế cửa khẩu; công nghiệp; thương mại và dịch vụ (từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh); tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Duy trì ổn định các chỉ tiêu đã đạt và vượt, chỉ đạo quyết liệt hoàn thành các chỉ tiêu dự kiến đến hết năm 2023 còn đạt ở mức thấp và các chỉ tiêu của cả nhiệm kỳ được đánh giá còn nhiều khó khăn để thực hiện mục tiêu đề ra.

Tập trung xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đảm đương được yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực…

Không ngừng nâng cao cảnh giác, chủ động xây dựng Lạng Sơn thành khu vực phòng thủ vững chắc về an ninh, quốc phòng. Tiếp tục xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc gắn kết chặt chẽ với thế trận an ninh nhân dân; kết hợp phát triển kinh tế-xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh. Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại trên cả ba trụ cột đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân. Duy trì các hoạt động giao lưu, hợp tác với Quảng Tây, Trung Quốc; xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; thực hiện hiệu quả Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc ngày 1.11.2022 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Để phát triển toàn diện kinh tế-xã hội, phấn đấu là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội của vùng theo đúng tinh thần Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị, Lạng Sơn đề xuất Trung ương cho chủ trương về xây dựng thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh (về phân cấp quản lý, phân bổ ngân sách nhà nước; cơ chế, chính sách đặc thù cho khu vực biên giới; phân cấp phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chung đô thị; cơ chế thực hiện tách nội dung về triển khai thực hiện giải phóng mặt bằng trong dự án đầu tư công thành dự án độc lập…).

Đề xuất nâng cấp, mở rộng Ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng và bố trí vốn xây dựng đường sắt tốc độ cao Hà Nội-Đồng Đăng trước năm 2030. Đây là tuyến đường sắt duy nhất kết nối thẳng, phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân hai nước Việt Nam - Trung Quốc và vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu sang Trung Quốc cũng như sang châu Âu của cả nước khi được kết nối với tuyến đường sắt tốc độ cao Hà Nội - TP Hồ Chí Minh.

Đề xuất đầu tư cải tạo, nâng cấp tuyến Quốc lộ 1B để kết nối tỉnh Lạng Sơn với Thái Nguyên. Đây là tuyến liên vùng quan trọng của 14 tỉnh đồng bằng và trung du miền núi phía Bắc, kết nối các vùng căn cứ cách mạng Bắc Sơn, vùng ATK trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, qua đó thúc đẩy trao đổi hàng hóa, hoạt động du lịch, phát huy giá trị các di tích lịch sử, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội cho khu căn cứ cách mạng.

Tại cuộc làm việc, đại diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy và cán bộ chủ chốt của tỉnh Lạng Sơn đã phát biểu, làm rõ hơn những kết quả đạt được cũng như những hạn chế, vướng mắc và đề xuất nhiều ý kiến, kiến nghị với Tổng Bí thư và Đoàn công tác.

Tuấn Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm và làm việc tại Lạng Sơn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thúc đẩy hành động để giải quyết các thách thức toàn cầu
Cuộc họp đặc biệt của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) về 'hợp tác toàn cầu, tăng trưởng và năng lượng cho phát triển' sẽ diễn ra trong hai ngày 28-29/4 tại thủ đô Riyadh của Saudi Arabia nhằm tìm kiếm giải pháp cho những thách thức toàn cầu hiện nay.

Tin mới

Thiết kế cấp phối bê tông san hô
Thiết kế cấp phối bê tông san hô cấp độ bền B15, B20, B22,5 (sử dụng cốt liệu cát, đá san hô và nước mặn). Kết quả cho thấy, việc sử dụng vật liệu vật liệu, nước biển thay thế cho vật liệu truyền thống là khả thi.
Giữ lửa Chèo truyền thống trong lớp trẻ
Với mục tiêu tôn vinh, quảng bá giá trị đặc sắc của nghệ thuật Chèo Việt Nam, nhiều năm qua, trường Đại học Sân khấu điện tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng những tài năng trẻ có đam mê với loại hình văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc này.