Chủ nhật, 28/04/2024 22:06 (GMT+7)

Hàng chục tuyến đường bị ngập sâu, TP. HCM nói chỉ bị “tụ nước”

MTĐT -  Thứ tư, 23/05/2018 09:50 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo báo cáo của Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP. HCM, trên địa bàn TP có 10 tuyến đường ngập sâu và 22 tuyến đường bị tụ nước nhưng không xác định là điểm ngập.

Chiều 22/5, Phó Giám đốc Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP. HCM Nguyễn Hoàng Anh Dũng cho biết, trung tâm đã gửi văn bản báo cáo UBND TP. HCM về trận ngập sau cơn mưa lớn vào chiều 19/5.

Theo đó, trận mưa trên xảy ra vào lúc 16h30 và kéo dài khoảng 2 giờ với lượng mưa rất cao. Lượng mưa đo được ở trạm Tân Sơn Hòa (Tân Bình) hơn 119mm, trạm Phú Lâm (quận 6) hơn 102mm, nhiều trạm khác có lượng mưa trên 60mm…

Thời điểm mưa mực triều trên sông Sài Gòn đạt đỉnh 1,32m. Đây là trận mưa lớn nhất từ đầu năm 2018 đến nay. Sau trận mưa này, theo tiêu chí đánh giá ngập được quy định tại Văn bản số 338/BXD-KTQH ngày 10/3/2003 của Bộ Xây dựng, trên địa bàn TP. HCM có 10 tuyến đường ngập sâu và 22 tuyến đường bị tụ nước nhưng không xác định là điểm ngập.

Báo cáo cũng cho biết có 10 tuyến đường ngập với độ sâu từ 0,10 - 0,25m, thời gian rút nước trung bình từ 30 phút đến 3h như Ung Văn Khiêm, Đinh Bộ Lĩnh, Cây Trâm, Phan Huy Ích, Nguyễn Xí. Cá biệt có những tuyến đường phải mất tới 5h như Huỳnh Tấn Phát, An Dương Vương.

Nhiều tuyến đường bị "tụ nước" chứ không phải bị ngập. Ảnh: TPO.

Ngoài ra còn 22 tuyến đường bị “tụ nước” do mưa lớn tập trung trong thời gian ngắn, như: Mai Thị Lựu, Tô Hiến Thành, Trường Sơn, Nguyễn Hữu Cảnh, Nguyễn Biểu, Mai Xuân Thưởng… với thời gian rút nước trung bình sau mưa từ 10 – 20 phút.

Riêng đường Nguyễn Hữu Cảnh, Sở cho biết dù lượng mưa lớn nhưng do vận hành trạm bơm trong suốt thời gian mưa nên không xảy ra tình trạng ngập nước.

Lý giải về vấn đề này, Trưởng phòng quản lý hệ thống thoát nước (Trung tâm chống ngập) – Đỗ Tấn Long cho biết, các tiêu chí đánh giá điểm ngập được tính theo quy định của Bộ Xây dựng.

Theo đó, nếu đường ngập sâu hơn 0,1m gọi là điểm ngập, còn thấp hơn 0,1m sẽ gọi là điểm tụ nước. Cũng theo ông Long, phải đo độ sâu trung bình trên một tuyến đường chứ không phải chỉ đo chỗ trũng.

Ông Long còn cho biết, dù các cơn mưa vừa qua có vũ lượng lớn, mật độ dày nhưng hệ thống cống của nhiều tuyến đường còn nhỏ, hẹp, thậm chí xuống cấp, trong khi một số công trình đang thi công dở dang… các lý do trên đã dẫn đến tình trạng ngập nặng.

Đại diện trung tâm chống ngập cho hay trên địa bàn TP. HCM có khoảng 8.590 tuyến đường trục và hẻm nhưng còn tới hơn 3000 tuyến chưa có cống.

Để khắc phục tình trạng ngập do mưa vượt công suất thiết kế của cống, ông Long cho biết hiện Sở Giao thông Vận tải phê duyệt dự án dựa trên dữ liệu đầu vào của các năm gần đây chứ không dựa trên thông số cũ.

Mặt khác, TP đã giao Sở Giao thông Vận tải và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, điều chỉnh 2 quy hoạch 752 và 1547 cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới. Trả lời câu hỏi khi nào TP. HCM hết ngập, ông Long cho rằng khi nào TP thực hiện đầy đủ 2 quy hoạch trên thì sẽ cơ bản hết ngập (!?).

Ông Đỗ Tấn Long lý giải ngoài nguyên nhân ngập do mưa lớn, triều cường thì còn rất nhiều vấn đề khác gây nên. Cụ thể như lượng nước trên nguồn đổ về TP, việc nạo vét kênh, mương chưa thực hiện tốt. Bên cạnh đó, tình trạng xả rác bừa bãi, lấn chiếm kênh rạch... khiến dòng chảy bị tắc nghẽn cũng là một nguyên nhân nhưng vấn đề này lại đang diễn ra khá phổ biến.

Vì vậy, ông Long cho rằng không chỉ bởi cơn mưa ngày 19/5 khiến nhiều khu vực tại TP. HCM lại bị ngập mà nhiều trường hợp bị ngập trước đó cũng xuất phát từ nhiều nguyên nhân như đã nêu trên.

P.V (tổng hợp theo TPO, Infonet)

Bạn đang đọc bài viết Hàng chục tuyến đường bị ngập sâu, TP. HCM nói chỉ bị “tụ nước”. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Thiết kế cấp phối bê tông san hô
Thiết kế cấp phối bê tông san hô cấp độ bền B15, B20, B22,5 (sử dụng cốt liệu cát, đá san hô và nước mặn). Kết quả cho thấy, việc sử dụng vật liệu vật liệu, nước biển thay thế cho vật liệu truyền thống là khả thi.
Giữ lửa Chèo truyền thống trong lớp trẻ
Với mục tiêu tôn vinh, quảng bá giá trị đặc sắc của nghệ thuật Chèo Việt Nam, nhiều năm qua, trường Đại học Sân khấu điện tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng những tài năng trẻ có đam mê với loại hình văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc này.
Khai trương phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy
Tuyến phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy dài hơn 1km với hơn 100 ki ốt đa dạng chủng loại ngành hàng từ nhà hàng ẩm thực, đồ lưu niệm, đồ uống, ẩm thực đường phố... được trang trí bắt mắt nằm ngay trung tâm khu du lịch Bãi Cháy.