Thứ sáu, 10/05/2024 06:09 (GMT+7)

Trà Vinh: Độc đáo Lễ hội Cúng biển duy nhất tại Việt Nam

Mạc Tường Vi -  Thứ bảy, 01/07/2023 11:52 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Lễ hội Cúng biển truyền thống do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh phối hợp UBND huyện Cầu Ngang tổ chức lần thứ 104 tại thị trấn Mỹ Long, huyện Cầu Ngang đã thu hút hàng triệu du khách và người dân địa phương.

Lễ hội Cúng biển (hay Nghinh Ông) là lễ hội dân gian truyền thống đặc trưng của vùng đất ven biển, của người dân thị trấn Mỹ Long (hay còn gọi là Bến Đáy). Lễ hội này được diễn ra hàng năm vào các ngày 10 - 11 và 12 tháng 5 Âm lịch tại thị trấn Mỹ Long, huyện Cầu Ngang, cách TP. Trà Vinh khoảng 30 km về hướng Đông.

Thị trấn Mỹ Long là địa phương có tiềm năng với nghề khai thác và đánh bắt thủy hải sản nên người dân ở đây luôn coi trọng các nghi lễ của các ngày Lễ hội Cúng biển, nhằm thể hiện lòng thành, tạ ơn thần biển và gửi trọn niềm tin vào thần thánh hộ độ cho ngư dân đánh bắt thuận buồm xuôi gió, cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Bên cạnh đó, lễ hội còn mang tính chất tín ngưỡng, tạ ơn cá voi (cá Ông) mà ngư dân gọi kính cẩn ngài là Nam Hải.

tm-img-alt
Lễ hội Cúng biển được tổ chức tại trung tâm thị trấn Mỹ Long.
tm-img-alt
Miếu Bà Chúa Xứ - nơi tổ chức và thực hiện các nghi lễ cho ngày Lễ hội Cúng biển.

Những ngày Lễ hội Cúng biển được Ban tổ chức chuẩn bị rất chu đáo. Phần nghi lễ được Ban Quản trị Hội Miếu bố trí trang nghiêm tại ngôi Miếu Bà Chúa Xứ, nằm giữa trung tâm thị trấn Mỹ Long với các nghi lễ như: Tế lễ (Tiền Vãng), lễ Nghinh Nam Hải, lễ Nghinh Ngũ phương, cúng binh và cuối cùng là đem lễ vật lên tàu và tống tàu ra biển, rất rộn ràng và long trọng.

Kèm theo đó, trong những ngày lễ hội còn có nhiều hình thức hoạt động giải trí sôi động như: hát bội, múa lân, chợ phiên, không gian ẩm thực, văn nghệ và các trò chơi dân gian. Ngoài ra, lễ hội còn tổ chức không gian đờn ca tài tử nhằm tăng cường, củng cố tình đoàn kết cộng đồng, giúp du khách hiểu thêm về ý nghĩa đặc sắc của lễ hội và đời sống văn hóa của người dân vùng biển nơi đây.

tm-img-alt
Những chiếc thuyền con được chuẩn bị sẵn sàng trước giờ phút diễn ra nghi thức Tống Quái.

Nghi thức Nghinh ngũ phương được tiến hành vào buổi sáng ngày 12 tháng 5 Âm lịch tại Miếu Bà Chúa Xứ và sau đó đoàn người hóa trang Nghinh Ông cùng đoàn lân, dàn nhạc và nhiều dân làng bổn hội hình thành đám rước qua các xóm dân cư vòng quanh thị trấn. Trên đường đi, đám rước sẽ nhận gạo muối, giấy tiền vàng bạc của người dân từ các bàn hương án cho vào bàn nghinh, hàm ý gom hết bao điều xui rủi, tai ương, dịch bệnh để làng xóm được bình an, sức khỏe dồi dào cho mùa đi biển mới.

tm-img-alt
Hàng nghìn người dân địa phương và du khách thập phương đổ về đây trước giờ làm lễ và thực hiện nghi thức Tống Quái.

Cuối cùng là nghi thức Tống Quái diễn ra vào khoảng 9 giờ ngày 12 tháng 5 Âm lịch, với nhiều lễ vật, trong đó có con heo trắng với quan niệm “toàn sinh toàn sắc” (kèm đủ lông, huyết, lòng) cùng hương đăng, trà rượu, hoa quả, gạo muối, vàng mã, những hình nhân tài công, ngư phủ… Những lễ vật này được đặt lên một chiếc thuyền nhỏ, trang trí đủ sắc màu. Đoàn người hóa trang Nghinh Ông vây quanh chiếc thuyền nhỏ đặt trên chiếc xe, kéo quanh thị trấn và bắt đầu hình thành một đám rước ngày một đông vui. Sau đó, chiếc thuyền nhỏ chứa lễ vật được chiếc tàu kéo ngược ra khơi, theo sau là những chiếc tàu thuyền chở những ngư dân cùng hàng trăm chiếc tàu thuyền lớn, nhỏ kéo hàng ngàn người theo ra cửa biển để xem lễ hội và chứng kiến giờ phút thiêng khi cắt dây thả lễ vật. Nghi thức Tống Quái thể hiện lòng biết ơn của ngư dân đối với đức Ông, đối với biển cả về một mùa đi biển đã qua và xua đuổi mọi xui rủi, tai ương và cầu cho mùa biển sắp tới mưa thuận gió hòa, sóng yên biển lặng, công việc đánh bắt hải sản gặp nhiều hanh thông, thuận lợi.

tm-img-alt
Những đoàn người chen nhau mua vé lên tàu và tìm cho mình một vị trí tốt nhất để quay phim, chụp hình.

Nghi thức Tống Quái là một đám rước rất lớn và nhộn nhịp trên biển, thường diễn ra bắt đầu từ 12 giờ trưa ngày 12 tháng 5 Âm lịch, được xem là giờ linh thiêng nhất của ngày lễ. Mặc dù diễn ra giữa cái nắng chang chang của xứ biển, nhưng đám rước này đã thu hút hàng triệu người dân địa phương cùng đông đảo khách thập phương gần xa và cả khách nước ngoài.

Anh Trần Nhị, người dân địa phương cho biết: “Theo phong tục truyền thống của người Mỹ Long, hàng năm cứ đến dịp Lễ hội Cúng biển là người dân háo hức chờ đón để xem lễ và vui chơi. Đặc biệt vào ngày cuối cùng, trong giờ phút thực hiện nghi thức Tống Quái, người dân ở đây hầu như gia đình nào cũng kéo nhau ra cửa biển để xem và chứng kiến giờ phút thiêng liêng này. Đây cũng là dịp để những người con của quê hương đang đi làm ăn xa tìm về cội nguồn, chào đón ngày lễ hội và thăm lại gia đình trên nơi quê cha đất tổ…”.

tm-img-alt
Có hàng trăm tàu thuyền chở người dân và du khách đi theo sau chiếc thuyền đựng lễ vật xuôi ra cửa biển.

Việt Nam có rất nhiều địa phương ven biển nổi bật với nghề khai thác và đánh bắt thủy hải sản, nhưng chỉ có duy nhất thị trấn Mỹ Long là nơi được tổ chức Lễ hội Cúng biển.

Từ năm 2013, Lễ hội Cúng biển Mỹ Long được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Huyện Cầu Ngang đã xem Lễ hội Cúng biển Mỹ Long như sự kiện thường niên, được tổ chức rất long trọng, trang nghiêm, thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia.

Bạn đang đọc bài viết Trà Vinh: Độc đáo Lễ hội Cúng biển duy nhất tại Việt Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bài thơ: Đợi mong...
Chẳng mong cầu được mọi điều tốt nhất////Hay đời mình xuất sắc hơn người ta///Chỉ mong rằng mỗi ngày nhẹ trôi qua///Mình cứ sống thật bình an là đủ

Tin mới