Thứ năm, 02/05/2024 20:39 (GMT+7)

Văn hoá điện thoại

TS.LS Đồng Xuân Thụ -  Thứ bảy, 12/11/2022 10:53 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ngày nay, điện thoại đã trở nên phổ biến trên khắp toàn cầu, đặc biệt là điện thoại di động. Tiện dụng của điện thoại di động thì quá rõ, không có gì phải bàn cãi. Song, từ thứ phương tiện này lại có nhiều điều đáng nói liên quan đến văn hóa .

tm-img-alt

Trước hết cần thấy, việc sử dụng điện thoại di động trong giao tiếp đã thể hiện rõ tính cách của con người. Hãy nghe một người gọi đến cho ta, sẽ hiểu họ là người có văn hóa hay không. Một ai đó có thể gọi đến ta vào bất cứ thời điểm nào miễn họ cần mà không nghĩ đó là giữa buổi trưa ta cần nghỉ, đêm khuya ta đã chìm vào giấc ngủ... Tất nhiên, khi có việc cần gấp, ta buộc phải gọi.

Nhưng người có văn hóa sẽ biết mở đầu : “-Xin lỗi, không biết gọi cho… lúc này có làm phiền gì không? Nhưng vì việc rất cần nên xin được miễn thứ…” Nghe mấy lời như vậy, người ta thấy được tôn trọng, thấy người gọi mình tế nhị, lịch sự. Họ có thể đang ở vào tình huống bị làm phiền nhưng sẽ vui vẻ đón nhận cuộc gọi.

Trong toàn bộ cuộc đàm thoại, người có văn hóa sẽ biết mình là ai, gọi đến ai, nhằm mục đích gì. Phải biết rõ điều đó để xác định ngôi thứ, cách tiếp cận đối tượng. Từ đó mà lựa chọn ngôn từ (trong đó có xưng, hô) phù hợp nhất. 

Giọng nói, ngữ điệu khi đàm thoại cũng thể hiện rõ nét văn hóa. Người có văn hóa nói chỉ vừa đủ nghe với giọng điệu từ tốn, lịch thiệp. Không nói oang oang như lệnh vỡ. Cũng không láu táu như muốn tranh phần nói. Tất nhiên ở đây có vấn đề cố tật. Có những người luôn nói nhanh, nói to ở bất cứ đâu, trước bất cứ ai. Đó là cố tật của họ giống như tật nói ngọng. Nhưng phải cố gắng sửa nếu không muốn người khác nghĩ mình kém văn hóa. 

Và cuối cùng là cách ứng xử trong khi đàm thoại. Không thể được coi là người có văn hóa khi trong cách nói cứ như áp đặt đối tượng. Dẫu mình có là bề trên, mối quan hệ dù có quen thân cũng không thể như vậy. Chỉ người kém văn hóa mới nói thao thao bất tuyệt, không để đối tượng cất lời và khi người ta vừa nói đã vội cắt ngang mà không có lời xin lỗi.

Cũng chỉ người bất lịch sự mới đột ngột ngắt điện thoại mà không có lời chào từ biệt. Người có văn hóa sẽ biết nhường cho đối tượng gọi đến mình chủ động ngắt máy. 

tm-img-alt
Người nói chuyện điện thoại khi lái xe có nguy cơ bị TNGT nhiều gấp 4 lần so với người không sử dụng. Ảnh minh họa

Lại cũng thiếu văn hóa khi không ít người bất chấp luật giao thông, đã vừa lái phương tiện, vừa sử dụng điện thoại di động. Rồi có thể dán mắt lướt điện thoại thông minh mọi lúc, mọi nơi bất chấp trong cuộc họp, trước bất cứ ai, nhất là các bậc bề trên. Thậm chí trong bữa cơm gia đình mà từng người vẫn vừa ăn vừa dán mắt vào điện thoại. 

Như đã nói, điện thoại tạo nên sự kết nối kỳ diệu cho con người từ những khoảng cách xa lắc về đại lý. Nhưng lắm khi có tác dụng ngược lại, tức là khiến con người trở nên “xa” nhau hơn.

tm-img-alt
Rủ nhau ra quán cà phê nhưng rồi mỗi người lại “ôm” điện thoại là chuyện thường của xã hội ngày nay. Ảnh: Hoàng Triều

Hãy quan sát cảnh tượng những gia đình có tới hàng chục người gồm 3 thế hệ thật đầm ấm, vui vẻ, quây quần bên nhau những buổi tối trong một căn phòng. Họ đang rất gần nhau trong gang tấc. Mới nhìn qua, tưởng con, cháu đang nghe ông, bà, cha, mẹ răn dạy điều gì.

Nhưng không, các cụ nói cứ nói, còn các con, cháu thì mỗi người cứ tập trung vào những chiếc điện thoại “thông minh”. Cũng như vậy, trong nhiều cuộc họp, người phát biểu cứ phát biểu nhưng không có ai nghe vì mọi người còn dán mắt vào điện thoại…

tm-img-alt
Smartphone khiến nhiều người cô đơn ngay trong chính ngôi nhà của mình (Ảnh minh họa).

Thậm chí quá tệ khi không ít cặp vợ chồng chưa già nhưng khi lên giường trước khi ngủ mỗi người đã chỉ tập trung chơi điện thoại. Họ đang gần nhau hay xa nhau? Sự sum vầy, quây quần của cả gia đình là một sinh hoạt rất văn hóa, cần được phát huy. Nhưng sự xuất hiện không đúng lúc của những chiếc điện thoại thông minh kia đã lấy đi nét đẹp văn hóa. 

Một điều không thể không nói là không ít người cứ rất tự nhiên nói chuyện điện thoại quá dài khi tiếp khách ngay cả khi chủ động mời họ đến chơi với mình. Người có văn hóa sẽ biết xin lỗi khách trước khi đàm thoại. Nhưng phải rất ngắn và hẹn người ở đầu dây bên kia là mình sẽ chủ động gọi lại vì đang vướng bận.

Chỉ một vật rất bình thường nhưng hàm chứa bên trong rất nhiều ý nghĩa văn hóa. Song, hàng ngày, liệu đã mấy ai để ý đến điều này ?/.

Bạn đang đọc bài viết Văn hoá điện thoại. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Đội phản ứng nhanh về vệ sinh môi trường
Biệt danh ấy được anh em trong công ty gọi thân mật như đã nêu bật sự năng động, trách nhiệm trong công việc; có việc là lên đường bất kể thời tiết… của các thành viên Tổ xe 2 thuộc Chi nhánh Đống Đa, Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội.