VTV lại tiếp tục chào bán vốn Truyền hình K+
VTV đã 2 lần muốn thoái vốn tại VSTV - doanh nghiệp sở hữu kênh truyền hình K+ nhưng không có nhà đầu tư nào đăng ký mua.
Theo thông báo của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), phiên đấu giá 5% phần vốn góp của Đài truyền hình Việt Nam (VTV) tại Công ty Truyền hình vệ tinh Việt Nam (VSTV) - đơn vị sở hữu Truyền hình K+ sẽ diễn ra ngày 10/3 tới.
Nhà đầu tư có thể đăng ký và nộp tiền cọc đến 15h30 ngày 3/3. Mức giá khởi điểm được đưa ra cho 5% cổ phần của VTV tại VSTV là 62,9 tỷ đồng. Phần vốn này tính theo giá trị góp vốn ban đầu khoảng 17,2 tỷ đồng. Theo đó, thời gian nộp tiền mua phần vốn là từ ngày 11/4-17/3/2022, thời gian hoàn tiền đặt từ 14/2-17/3/2022.
Trước đó, từ cuối năm 2021, VTV đã lên kế hoạch thoái vốn tại VSTV theo hình thức đấu giá. VTV đã quyết định đấu giá phần vốn góp tương ứng 15% trong số 51% vốn điều lệ tại công ty này với giá khởi điểm của khoản góp vốn là 188,7 tỷ đồng. Phần vốn góp này tính theo giá trị ban đầu khoảng 51,6 tỷ đồng. Đây lẽ ra là phiên đấu giá đầu tiên diễn ra trong năm 2022 nếu có nhà đầu tư tham gia đấu giá.
VSTV - đơn vị sở hữu kênh truyền hình K+ là công ty liên doanh thành lập giữa VTV và Tập đoàn Canal+ International Development của Pháp - một tập đoàn đứng đầu trong lĩnh vực truyền hình trả tiền ở châu Âu. VSTV thành lập năm 2009, đến nay có vốn điều lệ 20,1 triệu USD (tương ứng gần 344,5 tỷ đồng).
VSTV có hệ thống gồm 2.000 đại lý, 7 chi nhánh và 13 địa điểm kinh doanh trực thuộc trên khắp cả nước. Tuy nhiên, tình hình kinh doanh của VSTV không tỉ lệ thuận với quy mô. Công ty liên tiếp ghi nhận lỗ sau thuế hàng trăm tỷ đồng nhiều năm nay.
3 năm gần đây, doanh thu của Truyền hình K+ lần lượt giảm trong bối cảnh những khó khăn trên thị trường diễn ra ngoài dự kiến của họ, cùng với sự xuất hiện của dịch Covid-19. VSTV giải thích buộc phải giảm phí thuê bao do sự tham gia mạnh mẽ của các doanh nghiệp viễn thông vào thị trường truyền hình với các gói combo internet kèm truyền hình với giá rẻ.
Doanh thu năm 2020 của VSTV là 1.055 tỷ đồng, giảm 9% so với mức 246 tỷ đồng năm 2019. Trong đó, doanh thu bán thiết bị thu tín hiệu giảm gần 55%, doanh thu thuê bao giảm gần 18%, doanh thu quảng cáo cũng giảm 7,6%. Điểm sáng duy nhất là doanh thu cấp quyền nội dung tăng gấp hơn 2 lần, lên 132,8 tỷ đồng.
Sang đến năm 2021, VSTV cũng không thể tăng giá thuê bao như kế hoạch vì dịch tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng, khiến họ mất khoảng 250.000 thuê bao. VSTV thậm chí lên kế hoạch lỗ gần 291 tỷ đồng. Kết thúc năm 2021, VSTV lỗ hơn 340 tỷ đồng, tăng 29% so với năm trước đó. Dịch bệnh cũng ảnh hưởng mạnh đến các doanh nghiệp cùng ngành như Tổng Công ty Truyền hình Cáp Việt Nam (VTVcab) lần đầu báo lỗ kể từ khi lên sàn UPCoM từ năm 2019, với khoản lợi nhuận sau thuế quý III/2021 âm hơn 11,2 tỷ đồng.
VSTV cho biết tình trạng thua lỗ do những khó khăn nội tại và cạnh tranh gay gắt từ thị trường truyền hình trả tiền. Lỗ lũy kế tính đến hết năm 2021 của VSTV, sau 12 năm thành lập là gần 3.900 tỷ đồng và nguy cơ sẽ còn khó khăn bởi thị trường và đại dịch.
Nguyên nhân do công ty đã không thực hiện tăng giá thuê bao truyền hình K+ vào năm 2021 như dự kiến để tạo điều kiện thuận lợi cho các thuê bao cũ gia hạn sau dịch Covid-19. Doanh thu thuê bao giảm sút nghiêm trọng do số lượng thuê bao truyền hình kỹ thuật số vệ tinh giảm. Hoạt động quảng cáo trên truyền hình vốn đã bị chậm lại vào 2020 đã có những cải thiện, tuy nhiên chưa đạt kỳ vọng do làn sóng Covid-19 lần thứ tư.
Sự xuất hiện của các nhà cung cấp nội dung xuyên biên giới như Netflix, Facebook... khiến ngành truyền hình truyền thống chịu nhiều thách thức. Năm 2020, có khoảng 16,5 triệu thuê bao truyền hình trả tiền tại Việt Nam nhưng tổng doanh thu toàn ngành chỉ khoảng 8.800 tỷ đồng. Trong khi đó, năm 2016, ngành truyền hình có doanh thu 12.000 tỷ đồng dù chỉ có 12,5 triệu thuê bao. Hơn nữa, K+ mất độc quyền phân phối giải Ngoại hạng Anh tại Việt Nam vào tay Facebook kể từ mùa giải 2019-2022.
Tổng giá trị phần vốn góp của VTV tại công ty này tính đến ngày 10/2/2022 là hơn 10,2 triệu USD, tương đương hơn 173 tỷ đồng, chiếm tỉ lệ 51%. Cổ đông còn lại là Canal+ International Development với giá trị phần vốn góp gần 9,9 triệu USD, tương đương 49% vốn điều lệ.
Theo Người Đưa Tin