Vụ chuyển nhầm 500 triệu đồng của khách: Techcombank liệu có vô can?
Trao đổi với PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử, đại diện ngân hàng Techcombank cho rằng, việc khách hàng “tố” ngân hàng để lộ thông tin chỉ là lời nói vô căn cứ của khách hàng (!?)
Liên quan đến việc chị L.T.P. (Hà Nội) một khách hàng đang sử dụng dịch vụ của ngân hàng Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank, mã chứng khoán: TCB) tỏ ra rất bức xúc với cách chăm sóc khách hàng của nhân viên ngân hàng này khi xảy ra sự cố.
Trước sự việc trên, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã liên hệ với đại diện Ngân hàng Techcombank. Tuy nhiên, trái ngược với sự mong mỏi chờ đợi lời giải thích rõ ràng từ phía Ngân hàng. Thì vị đại diện này lại cho rằng: "PV nên tìm hiểu thông tin từ 2 khách hàng, chứ ngân hàng không thể trả lời được. Ngoài ra, việc chị P. "tố" ngân hàng để lộ thông tin chỉ là lời nói đơn phương từ phía chị P.".
Cụ thể, vào khoảng 15h10 ngày 24/5, chị P. có nhận được tin nhắn đến báo số dư + 500.000.000 đồng trong tài khoản của mình do kiểm tra trên Internet Banking do người gửi tiền là Vương Thị Thảo.
Ngay sau đó khoảng 25 phút, có một số điện thoại tự xưng là chủ tài khoản đã chuyển nhầm nói trên nhắn tin cho chị P., nói rằng mình đã chuyển nhầm 500 triệu đồng vào tài khoản của chị và yêu cầu chị P. hoàn trả lại toàn bộ số tiền đó. Theo lời chị Thảo, số điện thoại của chị P. là do phía Techcombank cung cấp.
Tin nhắn của chị Thảo nhắn cho chị P. |
Trước sự bất ngờ của chị P. về việc chị Thảo có số điện thoại của mình, thì phía ngân hàng lại không có 1 lời giải đáp nào cho chị P. Để có được sự minh bạch, chị P. đã yêu cầu Ngân hàng phải có trách nhiệm đứng ra ghi nhận sự việc. Tuy nhiên, trước lời đề nghị từ phía chị P. thì Ngân hàng đã một mực từ chối.
Khi số tiền vừa chuyển nhầm vào stk của chị P. thì chị Thảo có trao đổi với chị P. rằng có nhờ ngân hàng cung cấp. Tuy nhiên, sau đó phía gia đình chị Thảo lại cho hay: “Trước đây chúng tôi và tài khoản P. từng có giao dịch, chuyển khoản với nhau rồi. Thế nên mới chuyển nhầm. Tức là việc chuyển nhầm ở đây theo diện là tài khoản “nằm” (tài khoản ghi nhớ) chứ không phải chúng tôi gõ nhầm số.
Tất cả các khách hàng chúng tôi đều có số điện thoại, nên khi chúng tôi chuyển nhầm 500 triệu, chúng tôi đã nhắn tin thông báo sau đó đã nhờ ngân hàng thông báo với chủ tài khoản kia”.
Số điện thoại của chị P. từ đâu chị Thảo lại có? Có hay không việc nhân viên ngân hàng đã cung cấp thông tin của khách hàng cho người khác? Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin.
Theo Nghị định 117 mới ban hành, ngân hàng chỉ được cung cấp thông tin khách hàng trong trường hợp tổ chức khác, cá nhân có quyền yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng được quy định tại bộ luật, luật, nghị quyết của Quốc hội hoặc có sự chấp thuận của khách hàng. Ngoài ra, theo Điều 6, Luật bảo vệ người tiêu dùng năm 2010 về việc bảo vệ thông tin của người tiêu dùng (NTD) như sauChỉ được chuyển giao thông tin của NTD cho bên thứ ba khi có sự đồng ý của người tiêu dùng, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Nếu cá nhân, tổ chức có hành vi trái với các quy định nói trên là phạm luật. Nếu vi phạm các quy định nêu trên, thì theo Điều 5 Nghị định 19/2012/NĐ-CP, cá nhân, tổ chức vi phạm có thể bị xử phạt hành chính với mức thấp nhất là 10.000.000 đồng, cao nhất là 30.000.000 đồng. Ngoài cá nhân, tổ chức vi phạm tùy trường hợp còn bị buộc tiêu hủy các tài liệu vi phạm có chứa đựng thông tin của NTD; buộc xây dựng các biện pháp cần thiết để bảo vệ an toàn thông tin của NTD. |