Thứ hai, 29/04/2024 11:50 (GMT+7)

Xây dựng đô thị Việt Trì là thành phố du lịch văn hóa lịch sử Quốc gia “sáng, xanh, sạch, đẹp"

Khánh Dung -  Thứ hai, 04/04/2022 09:18 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Chính phủ đặt mục tiêu nâng tầm vị thế đô thị Việt Trì thành trung tâm kinh tế năng động của vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Xây dựng Việt Trì là thành phố du lịch văn hóa lịch sử Quốc gia, nơi lưu giữ những giá trị di sản cội nguồn dân tộc Việt Nam.

Theo Quyết định số 418/QĐ-TTg

Ngày 1/4 Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký quyết định số 418/QĐ-TTg về việc phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ đến năm 2040 có mục tiêu đặt ra nhằm cụ thể hoá định hướng Quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2020 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; làm cơ sở cho việc xây dựng thành phố Việt Trì văn minh hiện đại tương xứng là trung tâm tổng hợp của tỉnh Phú Thọ, là đầu tầu thúc đẩy sự phát triển chung của vùng phía Bắc thủ đô Hà Nội và của vùng Trung du miền núi phía Bắc.

Cùng với đó là, xây dựng môi trường thành phố Việt Trì bền vững, phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng.

xay dung do thi viet tri la thanh pho du lich van hoa lich su quoc gia hinh 1
Lễ hội Đền Hùng.

Đặc biệt, Chính phủ đặt mục tiêu nâng tầm vị thế đô thị Việt Trì thành trung tâm kinh tế năng động của vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

Trong đó, sẽ xây dựng đô thị Việt Trì thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam, hiện đại đồng thời gìn giữ, phát huy những giá trị truyền thống cốt lõi, thúc đẩy hoạt động kinh tế hiệu quả, có tính cạnh tranh cao, bền vững và hội nhập với khu vực và quốc tế; Việt Trì là thành phố du lịch văn hóa lịch sử Quốc gia, nơi lưu giữ những giá trị di sản cội nguồn dân tộc Việt Nam.

Phạm vi điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Việt Trì tỉnh Phú Thọ gồm toàn bộ địa giới hành chính thành phố, 22 đơn vị hành chính, bao gồm 13 phường và 9 xã, với diện tích khoảng 11.175 ha.

Ranh giới lập quy hoạch : Phía Bắc giáp thị trấn Phong Châu và xã An Đạo, huyện Phù Ninh; phía Nam giáp sông Hồng; phía Tây giáp xã Thạch Sơn và thị trấn Hùng Sơn, huyện Lâm Thao; phía Đông giáp sông Lô.

Về quy mô dân số: Dự kiến đến năm 2030 dân số toàn thành phố Việt Trì khoảng 350.000 người; đến năm 2040 khoảng 500.000 người.

Quy mô đất đai phát triển đô thị: Đến năm 2030 đất xây dựng khoảng 6.500 - 7.000 ha, trong đó đất dân dụng khoảng 3.500 - 4.000 ha, đất ngoài dân dụng khoảng 2.500 - 3.000 ha. Đến năm 2040, đất xây dựng khoảng 8.000 - 9.000 ha, trong đó đất dân dụng khoảng 4.200 - 5.000 ha, đất ngoài dân dụng khoảng 3.500 - 4.000 ha.

Thời hạn quy hoạch giai đoạn ngắn hạn đến năm 2030, giai đoạn dài hạn đến năm 2040.

Trọng tâm đối với điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Việt Trì sẽ xây dựng các chương trình và các dự án chiến lược cần ưu tiên đầu tư. Các chương trình và dự án cần có tính khả thi cao, có tính linh hoạt, đáp ứng các nhu cầu trước mắt về phát triển cũng như có tính ổn định lâu dài là động lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của thành phố Việt Trì.

Việt Trì có khu di tích lịch sử đặc biệt Quốc gia Ðền Hùng, nơi thờ tự Vua Hùng và các bậc tiền nhân, có hai di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu là “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” và “Hát Xoan Phú Thọ” đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Việt Trì trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam.

Ngày 27/10/2020 Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch ra Quyết định số 3040/QĐ-BVHTTDL về việc công nhận Khu du lịch Quốc gia Đền Hùng. Đó là những điều kiện thuận lợi để xây dựng Việt Trì không chỉ là thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc mà phải tạo dựng thành một thành phố xanh, thành phố ven sông đáng sống nhất khu vực, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến với Việt Trì.


Tuy nhiên, thành phố Việt Trì cần quan tâm và có những chủ trương, giải pháp đột phá mới để phát triển kinh tế ven sông; xây dựng những đề án, dự án, chiến lược phát triển kinh tế ven sông có tầm nhìn xa trông rộng; đầu tư nhân lực, vật lực, tận dụng triệt để không gian, thời gian, diện tích mặt đất, mặt nước; quy hoạch từng bến bãi, khu vực cảng chuyên chở theo tuyến đường còn để lộn xộn, lãng phí. Cùng với đó nên gợi mở, kêu gọi đầu tư xây dựng các khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi giải trí, thể thao, văn hóa, ẩm thực ven sông tạo nên tính liên kết theo chuỗi. Tính định hướng, kết nối và khai thác giá trị cảnh quan không gian hai bên bờ sông chưa được quan tâm đúng mức, chưa đặt dòng sông là trung tâm nghiên cứu, khảo sát, tạo hướng phát triển bền vững…


Theo đồng chí Phan Thanh Dương, Trưởng phòng Kinh tế thành phố Việt Trì, thực hiện sự chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND, Phòng Kinh tế đã phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng Đề án phát triển các ngành dịch vụ trên địa bàn thành phố giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo Đề án này thì khu vực ven sông Lô và sông Thao sẽ phát triển một số ngành, dịch vụ, như xây dựng các tuyến du lịch đường sông; các bến thủy, khu nghỉ dưỡng, khu sản xuất nông nghiệp hữu cơ kết hợp du lịch sinh thái; xây dựng các tuyến ẩm thực ven sông Lô, sông Hồng và thương hiệu “Ẩm thực cội nguồn”; khôi phục một số lễ hội truyền thống, xây dựng hình ảnh và phong cách người dân Việt Trì thân thiện, thanh lịch, mến khách, giàu nhân văn, đậm tình người Đất Tổ.


“Nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ”. Đó là 3 tiêu chí tạo nên thiên thời, địa lợi, nhân hòa mà Việt Trì đã hội tụ đầy đủ. Nhưng cần hơn nữa là một tư duy mới, đột phá để tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế mà thiên nhiên đã ban tặng cho Việt Trì. Phát triển kinh tế phải luôn song hành với bảo vệ môi trường, bảo tồn  văn hóa, lễ hội truyền thống của dân tộc. Mong sao thành phố Việt Trì sớm có chủ trương quy hoạch, phát triển kinh tế ven các dòng sông, xây dựng thành phố “sáng, xanh, sạch, đẹp”. 

Bạn đang đọc bài viết Xây dựng đô thị Việt Trì là thành phố du lịch văn hóa lịch sử Quốc gia “sáng, xanh, sạch, đẹp". Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Thiết kế cấp phối bê tông san hô
Thiết kế cấp phối bê tông san hô cấp độ bền B15, B20, B22,5 (sử dụng cốt liệu cát, đá san hô và nước mặn). Kết quả cho thấy, việc sử dụng vật liệu vật liệu, nước biển thay thế cho vật liệu truyền thống là khả thi.
Giữ lửa Chèo truyền thống trong lớp trẻ
Với mục tiêu tôn vinh, quảng bá giá trị đặc sắc của nghệ thuật Chèo Việt Nam, nhiều năm qua, trường Đại học Sân khấu điện tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng những tài năng trẻ có đam mê với loại hình văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc này.