Thứ sáu, 03/05/2024 05:00 (GMT+7)

Xin giã biệt… ni-lông

MTĐT -  Chủ nhật, 30/12/2018 16:40 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Vấn nạn xả rác thải bừa bãi đang làm ô nhiễm môi trường, khiến nó ngày càng trở nên trầm trọng, hậu quả của việc xả rác đó không chỉ con người nhận lấy mà tất cả các loài vật có mặt trên hành tinh này

Một thông tin khiến nhiều người giật mình được đăng tải trên trang dezeen.com - một tạp chí chuyên về thiết kế có tiếng. Đó là, một khối rác rộng hơn nửa triệu kilômet vuông trên khu vực Thái Bình Dương - nơi đã được lên kế hoạch để kiến nghị Liên Hiệp Quốc công nhận là thành viên thứ 194 của tổ chức lớn nhất hành tinh này.

Hai nhà sáng tạo quảng cáo Michael Hughes, Dal Evans De Almeida cùng Công ty truyền thông LADbible (Anh) và tổ chức phi chính phủ Plastic Oceans Foundation (Mỹ) đã khởi động chiến dịch táo bạo nói trên với tên gọi Trash Isles (Đảo Rác). Chiến dịch được thực hiện vào ngày World’s Ocean Day (15/11) năm trước.

Diện tích của khối rác khổng lồ trên gần bằng nước Pháp. Những người phát động chiến dịch muốn các nhà lãnh đạo thế giới không dễ dàng bỏ qua nó. Để được công nhận khối rác trên là một quốc gia, các nhà khởi động chiến dịch đã tạo nên tất cả những gì một đất nước chính thống cần có, như quốc kỳ, passport, tiền tệ riêng cùng các con dấu… và tất cả những thứ này đều làm từ vật liệu tái chế.

Một passport đầy ấn tượng được thiết kế, nó được tô điểm với khẩu hiệu The Ocean Need Us, hình ảnh rùa biển và sư tử biển như đang nâng một chiếc khiên có hình của một con cá voi đang lặn xuống biển. Cùng với đó là những đồng tiền tệ mang dấu ấn đậm nét về tác hại mà rác thải mang đến cho các sinh vật biển.

Những người khởi động chiến dịch trên cho rằng mọi thứ chỉ mới bắt đầu và họ còn có thể có “quốc ca, tổng tuyển cử hay thậm chí đội bóng quốc gia”. "Chúng tôi muốn đưa ra một cách để đảm bảo các nhà lãnh đạo thế giới không thể bỏ qua nó nữa, một cách để dính nó dưới mũi của họ, theo nghĩa đen”, Hughes người khởi động chiến dịch trên nói.

Mới đây, xác một con cá nhà táng dạt vào bờ biển dài 9,5 mét, ngang 4,37 mét. Người dân trong vùng tụ tập quanh xác con cá và mổ bụng nó: 5,9kg rác nhựa trong dạ dày cá nhà táng đã được lấy ra. Chưa hết, có đến 115 chiếc ly nhựa, 4 chai nhựa, 25 túi nhựa, 2 đôi dép cao su, một bịch ni-lông và hơn 1.000 mảnh nhựa hỗn hợp khác.

Hình ảnh passport được thiết kế tô điểm đầy ấn tượng nhằm đánh vào ý thức của con người trong vấn đề rác thải. (Ảnh: dezeen.com)

Xác con cá nhà táng kia không phải phát hiện ở “đảo rác” mà ở Indonesia nơi có sông Citarum được biết đến là con sông ô nhiễm nhất thế giới. Bây giờ rác thải nhất là rác thải nhựa không chỉ là vấn đề riêng của một quốc gia, một vùng lãnh thổ nào nữa. Nó là một vấn đề mang tính toàn cầu, và đe dọa nghiêm trọng đến sự sinh tồn của hành tinh này.

Trong một thông tin mà đại diện Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc công bố cách đây không lâu thì Việt Nam là một trong 4 nước có xả rác thải nhựa ra biển nhiều nhất thế giới. Ba nước đứng đầu lần lượt là Trung Quốc, Indonesia, Philippines.

Làm cách nào để nâng cao ý thức về việc xả rác bừa bãi của người dân? Những công cụ tuyên truyền, panô áp-phích cũ rích lâu nay dường như không đánh động đến ý thức của mọi người về vấn đề này.

Để góp phần vào việc kêu gọi người dân có ý thức hơn với việc xả rác thải, một nhóm các bạn trẻ ở Việt Nam đã bắt tay vào chiến dịch kêu gọi người dân có ý thức hơn với rác thải. Trên trang facebook có tên “Thôi đừng ni- lông” là những thông tin, hình ảnh về việc môi trường đang bị bức tử bởi các loại rác thải, nhất là ni-lông, rác thải nhựa. Sự tương tác đầy tích cực của người dùng trên mạng xã hội sẽ ít nhiều thay đổi được những vấn đề cốt lõi về rác thải.

Những người khởi động chiến dịch “Đảo Rác” hy vọng rằng việc công nhận chất thải là đất nước sẽ khuyến khích các quốc gia trên thế giới dọn dẹp nó. Cựu Phó Tổng thống Mỹ Al Gore cũng tham gia vào dự án này và hiện đã có hơn 130.000 người đăng ký trở thành công dân của quốc gia này.

Nhiều nhà thiết kế trên thế giới đã tìm mọi cách để chuyển tải hình ảnh độc đáo, hấp dẫn nhất thay thế những cách tuyên truyền cũ lâu nay nhằm đánh vào nhận thức của người dân. Còn ở Việt Nam các bạn trong nhóm “Thôi đừng ni-lông” lại muốn thay đổi nhận thức của người tiêu dùng, bằng cách cho họ nhìn thấy những hậu quả mà chính con người đang gánh chịu để khiến họ phải thay đổi.

“Mặc dù nhận thức hay thay đổi thói quen người tiêu dùng rất là khó, nhưng hậu quả chúng ta đang gánh chịu thì không khó để khiến mọi người nhìn lại. Bọn mình hướng người dùng về việc hạn chế và đối xử có ý thức với rác”, đại diện nhóm “Thôi đừng ni- lông” nói.

Hình ảnh con cá nhà táng cùng với 5,9kg rác thải nhựa trong bụng và chiến dịch “Đảo Rác” như là một hệ quả hay là một cách tuyên truyền mới mà những người khởi động chiến dịch và nhóm các bạn trẻ muốn người dân nhìn vào đó để thay đổi ý thức và có trách nhiệm hơn với môi trường.

Theo Thế giới tiếp thị

Bạn đang đọc bài viết Xin giã biệt… ni-lông. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Đội phản ứng nhanh về vệ sinh môi trường
Biệt danh ấy được anh em trong công ty gọi thân mật như đã nêu bật sự năng động, trách nhiệm trong công việc; có việc là lên đường bất kể thời tiết… của các thành viên Tổ xe 2 thuộc Chi nhánh Đống Đa, Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội.