Thứ hai, 29/04/2024 00:54 (GMT+7)

Yên Bái - Tiềm năng và cơ hội đầu tư kinh doanh

MTĐT -  Thứ sáu, 29/12/2023 05:21 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tỉnh Yên Bái đã xác định mục tiêu phát triển nhanh, bền vững theo hướng “xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”, xây dựng và phát triển Yên Bái trên cơ sở khai thác hiệu quả các lợi thế, tiềm năng, thế mạnh

I. Khái quát chung về tỉnh Yên Bái - Tiềm năng, thế mạnh và môi trường đầu tư, kinh doanh

Yên Bái là tỉnh miền núi thuộc khu vực Tây Bắc, nằm sâu trong nội địa, có tổng diện tích tự nhiên 6.892,67km2 (xếp thứ 6/14 tỉnh Trung du và miền núi Bắc bộ về quy mô đất đai); dân số trên 84 vạn người (tỷ lệ dân số khu vực nông thôn chiếm gần 80%); có 30 dân tộc cùng chung sống (trong đó dân tộc thiểu số chiếm trên 57%). Toàn tỉnh có 9 đơn vị hành chính cấp huyện[1] (gồm 07 huyện, 01 thị xã và 01 thành phố) với 173 xã, phường, thị trấn (trong đó đến hết năm 2022 còn 46 xã đặc biệt khó khăn).

tm-img-alt
Chỉ số PCI của tỉnh Yên Bái đã duy trì được xu hướng cải thiện tích cực, trung bình mỗi năm tăng 0,65 điểm và 1,5 bậc. Ảnh minh hoạ

Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thách thức của một tỉnh miền núi, song với tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế, thu hút mọi nguồn lực, khơi dậy mạnh mẽ sức mạnh nội sinh, phát huy nhân tố con người, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, là đối tượng phục vụ, Yên Bái đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, khá toàn diện trong phát triển kinh tế - xã hội, tạo nhiều dấu ấn nổi bật, trong đó: Năm 2022, trong bối cảnh chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 và các yếu tố bất định, nhưng kinh tế của tỉnh tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khá, Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn ước đạt 8,62%[2] cao nhất kể từ năm 2015 đến nay, xếp vị trí thứ 8/14 tỉnh vùng Trung du và Miền núi Bắc bộ, đứng thứ 33/63 tỉnh, thành trong cả nước.

Thương mại, dịch vụ phục hồi mạnh mẽ, có bước tăng trưởng vượt bậc, nhất là dịch vụ du lịch (lần đầu tiên Yên Bái đạt trên 1,5 triệu lượt khách, vượt 44,4% KH, doanh thu trên 1.100 tỷ đồng). Xây dựng nông thôn mới tiếp tục là điểm sáng trong khu vực Tây Bắc[3]. Các nhiệm vụ, giải pháp thu ngân sách nhà nước được triển khai quyết liệt, đồng bộ, vượt dự toán trung ương giao (tăng 4,7% so với 2021).

Nhiều công trình, dự án trọng điểm, nhất là hạ tầng giao thông được khởi công góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông liên kết vùng, liên vùng, tạo động lực phát triển KT-XH. Công tác chuyển đổi số được triển khai quyết liệt, đứng thứ 27/63 tỉnh, thành phố về chuyển đổi số quốc gia, tăng 13 bậc so với năm 2020. Văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được quan tâm; giảm nghèo nhanh và bền vững: Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 5,15% so với năm 2021. Chỉ số hạnh phúc của người dân đạt 62,57%, đạt Khá hạnh phúc - Mức 2.

Với những thành tựu đạt được trong phát triển, Yên Bái đang là địa phương có điều kiện tự nhiên và kinh tế - xã hội thuận lợi, là điểm đến hấp dẫn cho đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp, nhà đầu tư:

Một là, Về giao thông: Là tỉnh cửa ngõ miền Tây Bắc, Yên Bái nằm trên trung điểm của hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, với mạng lưới giao thông đa dạng, giúp kết nối liên hoàn, nhanh chóng với các trung tâm kinh tế lớn của cả nước, với sân bay quốc tế Nội Bài, cửa khẩu Lào Cai, cảng Hải Phòng, là điều kiện thuận lợi để phát triển các ngành thương mại, dịch vụ, logistic,... gồm: (1) Đường bộ: Tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai chạy qua địa bàn tỉnh với tổng chiều dài trên 80 Km; Có 05 tuyến quốc lộ (37; 32; 32C; 2D; 70) với tổng chiều dài khoảng 400 Km; ngoài ra, tỉnh Yên Bái đang tập trung ưu tiên đầu tư các tuyến đường tỉnh nhằm hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối vùng, liên vùng với các tuyến quốc lộ và với trục cao tốc Nội Bài - Lào Cai, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. (2) Đường sắt: Tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai chạy qua địa bàn tỉnh với chiều dài 88 Km. (3) Đường thủy: Có 02 tuyến đường thủy chính là tuyến sông Hồng dài 115 Km và tuyến Hồ Thác Bà dài 83 Km. (4) Đường hàng không: Sân bay Yên Bái là sân bay quân sự cấp II (hiện đang quy hoạch thành sân bay lưỡng dụng).

Hai là, Về đất đai: Yên Bái có diện tích đất tự nhiên lớn, đặc biệt là diện tích đất lâm nghiệp rất phù hợp với phát triển kinh tế từ rừng. Tổng diện tích đất tự nhiên là 689.267 ha (trong đó, nhóm đất nông, lâm nghiệp chiếm 89,62%, nhóm đất phi nông nghiệp chiếm 8,26%, đất chưa sử dụng chiếm 2,12%). Tỷ lệ che phủ rừng đạt 63%, đứng thứ 6 cả nước (trong đó, rừng đặc dụng 34.135 ha, rừng phòng hộ 130.698 ha, rừng sản xuất 268,783 ha), giữ vai trò quan trọng trong việc phòng hộ và bảo vệ môi trường sinh thái, là “lá phổi xanh” của vùng đồng bằng sông Hồng và thủ đô Hà Nội.

tm-img-alt
Yên Bái là tỉnh có diện tích Quế lớn nhất khu vực miền núi phía Bắc, mỗi năm khai thác gần 5.000 tấn vỏ, chất lượng Quế thuộc hàng tốt nhất Việt Nam. Ảnh: ITN

Điều kiện thổ nhưỡng của Yên Bái phù hợp cho phát triển các loại cây trồng nông, lâm nghiệp, dược liệu,... cũng như phát triển các vùng sản xuất tập trung với quy mô hàng hóa lớn (như: vùng quế trên 81.000 ha, măng tre Bát Độ khoảng 5.000 ha, Sơn Tra trên 9.200 ha, vùng chè trên 7.300 ha với diện tích chè Shan hữu cơ (chè cổ thụ) tại 2 huyện Văn Chấn và Trạm Tấu 1.200 ha, cây ăn quả gần 10.000 ha, rừng trồng nguyên liệu trên 90.000 ha, các chủng loại dược liệu trên 3.900 ha,...).

Ba là, Yên Bái có nguồn tài nguyên du lịch khá phong phú, hấp dẫn cả về tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch nhân văn: Trong điều kiện hạ tầng giao thông kết nối ngày càng thuận lợi, du lịch đang là ngành có nhiều tiềm năng và triển vọng phát triển, là một trong các trụ cột tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Yên Bái có đặc điểm địa hình cao dần từ Đông Nam lên Tây Bắc, với đặc điểm địa hình tự nhiên, phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, môi trường sinh thái trong lành, rất phù hợp phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; du lịch trải nghiệm và khám phá; du lịch cộng đồng; du lịch lịch sử, văn hóa tâm linh. Toàn tỉnh hiện có 132 di tích được xếp hạng; 714 di sản văn hóa phi vật thể. Trong đó, Nghệ thuật Xòe Thái đã được UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, 04 di sản được đưa vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia...

Với các điều kiện thuận lợi đó, tỉnh Yên Bái đã xác định tập trung phát triển đối với 04 vùng du lịch trọng điểm[4], 03 tuyến du lịch quan trọng liên vùng[5] và 09 khu du lịch động lực[6].

Bốn là, Tài nguyên khoáng sản của Yên Bái đa dạng về chủng loại với trữ lượng lớn, chất lượng cao, phục vụ cho ngành chế biến khoáng sản, cụ thể như: Đá vôi trắng (2,4 tỷ m3), quặng sắt (200 triệu tấn), vật liệu xây dựng thông thường (450 triệu tấn), đất hiếm (xã Yên Phú - Văn Yên) trữ lượng được đánh giá là 1 trong 2 mỏ lớn nhất Việt Nam,... Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có nhiều nguồn khoáng nóng phục vụ phát triển du lịch.

Năm là, Nguồn nhân lực trẻ, dồi dào là điều kiện thuận lợi để tổ chức đào tạo nghề và thu hút lao động tham gia vào phát triển kinh tế - xã hội: Dân số tỉnh Yên Bái hiện khoảng trên 84 vạn người, lực lượng lao động trong độ tuổi chiếm khoảng 62% dân số, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 66%.

Sáu là, Hạ tầng các khu, cụm công nghiệp của tỉnh đang được quan tâm đầu tư: Yên Bái hiện có 04 khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với tổng diện tích khoảng 966 ha[7] và 15 cụm công nghiệp, với tổng diện tích 773 ha.

Bảy là, Về phân vùng kinh tế: Dựa vào tiềm năng, tập quán sinh sống, tính đồng dạng về địa hình, khí hậu, thủy văn, phân bố dân cư và hệ thống hạ tầng giao thông, tỉnh Yên Bái phân vùng kinh tế thành 03 vùng kinh tế chính để xây dựng và phát triển gồm: (1) Vùng kinh tế phía Đông (gồm huyện Yên Bình và Lục Yên): Phát triển công nghiệp khai khoáng, chế biến khoáng sản, vật liệu xây dựng cao cấp; du lịch sinh thái; chuyên canh đặc sản nông nghiệp. (2) Vùng kinh tế trung tâm (gồm thành phố Yên Bái, huyện Trấn Yên, Văn Yên): Phát triển hạ tầng công nghiệp; trung tâm chế biến chế tạo, chế biến sâu sản phẩm gỗ và lâm sản; vùng trồng trọt chăn nuôi tập trung; trung tâm thương mại dịch vụ; đô thị động lực. (3) Vùng kinh tế phía Tây (gồm thị xã Nghĩa Lộ, Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải): Trung tâm du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, chuyên canh đặc sản nông nghiệp, bể hấp thụ carbon thương mại.

Tám là, Về môi trường đầu tư, kinh doanh: Trong những năm qua, tỉnh Yên Bái đã tập trung, nỗ lực triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh:

Chỉ số PCI của tỉnh đã duy trì được xu hướng cải thiện tích cực, trung bình mỗi năm tăng 0,65 điểm và 1,5 bậc. Năm 2021, các chỉ số có sự cải thiện mạnh mẽ, như: Chỉ số Tính năng động và tiên phong của chính quyền xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố; Chỉ số Tiếp cận đất đai xếp thứ 5/63; Chỉ số tính minh bạch xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố.

Tỉnh Yên Bái đang tập trung thực hiện hiệu quả việc cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách TTHC, đơn giản hóa và rút ngắn thời gian giải quyết các TTHC về đất đai, đầu tư, xây dựng,... tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân[8].

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng đô thị thông minh; hoàn thiện, phát triển hạ tầng kỹ thuật, các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số trên cả ba trụ cột là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­

Yên Bái cũng là một trong những địa phương đầu tiên trên cả nước triển khai khảo sát, đánh giá Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) định kỳ hằng năm. Đây là kênh thông tin chính thức, rộng rãi và minh bạch để doanh nghiệp đóng góp, đánh giá đa chiều nhằm nâng cao chất lượng quản lý, điều hành của chính quyền các cấp.

Chín là, Về Chính sách ưu đãi đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp:

Cùng với việc triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách của Trung ương; căn cứ tình hình thực tiễn tại địa phương, tỉnh Yên Bái đã ban hành một số chính sách ưu đãi đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp, cụ thể là: (1) Nghị quyết số 05/2021/NQ- HĐND ngày 19/4/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Quy định một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025; (2) Nghị quyết số 09/2020/NQ-HĐND ngày 14/4/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái Quy định chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2020-2025; (3) Nghị quyết số 06/2021/NQ-HĐND ngày 19/4/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành một số chính sách về hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025; (4) Nghị quyết số 69/2020/NQ-HĐND ngày 16/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025; (5) Nghị quyết số 10/2021/NQ-HĐND ngày 19/4/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025; (6) Nghị quyết số 12/2021/NQ- HĐND ngày 19/4/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quy định một số chính sách nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2021- 2025.

Bên cạnh đó, Yên Bái duy trì thường xuyên, hiệu quả phong trào “Ngày cuối tuần cùng dân và doanh nghiệp” nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, giải quyết vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, triển khai dự án của các doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Đến nay, trên toàn tỉnh đã có 603 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký 95.189 tỷ đồng và 402,1 triệu USD[9]. Một số nhà đầu tư lớn như Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Sungroup, Tập đoàn APEC, Tập đoàn BB Group, Tập đoàn TH, Euro Window, Bảo Lai,... đã và đang triển khai thực hiện các dự án quy mô lớn vào các lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.

II. Định hướng phát triển và ưu tiên thu hút đầu tư của tỉnh Yên Bái

Có thể nói, những thành tựu quan trọng đạt được thời gian qua và việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách mới về hội nhập quốc tế sâu rộng; cơ hội khi tham gia đối tác, hợp tác hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 96/NQ- CP ngày 01/8/2022 của Chính phủ; cùng truyền thống lịch sử, cách mạng và giá trị, bản sắc văn hóa, con người Yên Bái sẽ tiếp tục tạo nền tảng vững chắc và là động lực để tỉnh Yên Bái tiếp tục phát triển trong những năm tới.

tm-img-alt
 Một góc tuyến đường nối Quốc lộ 32C với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Ảnh IT

Tỉnh Yên Bái đã xác định mục tiêu phát triển nhanh, bền vững theo hướng “xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”, xây dựng và phát triển Yên Bái trên cơ sở khai thác hiệu quả các lợi thế, tiềm năng, thế mạnh; coi phát triển hài hòa kinh tế, xã hội, môi trường là nhiệm vụ cơ bản; chủ động tham gia tích cực các chủ trương, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc; đối tác, hợp tác hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; các chương trình, dự án động lực, trọng điểm, nhất là hạ tầng giao thông kết nối vùng, liên vùng; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế so sánh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh hấp dẫn, thuận lợi, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy khởi nghiệp, phát triển mạnh các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân trong những ngành chủ lực, có lợi thế của tỉnh[10], tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; quyết tâm đưa Yên Bái trở thành tỉnh khá vào năm 2025 và nằm trong nhóm tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Trung du và miền núi phía Bắc vào năm 2030[11].

Yên Bái xác định 04 trụ cột tăng trưởng kinh tế bao gồm: (1) Công nghiệp chế biến chế tạo; (2) Du lịch; (3) Kinh tế dịch vụ; (4) Nông lâm nghiệp (Trong đó, trụ cột công nghiệp chế biến chế tạo được xác định là động lực chính trong tăng trưởng kinh tế, tạo ra giá trị gia tăng cao; lấy nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế). Ưu tiên thu hút đầu tư vào các dự án có công nghệ cao, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, thân thiện với môi trường. Tập trung thu hút các nhà đầu tư chiến lược, có năng lực, kinh nghiệm triển khai thực hiện các dự án đầu tư có quy mô lớn, có tính định hướng, dẫn dắt, tạo sức lan tỏa trong các lĩnh vực, cụ thể là:

Trong lĩnh vực Nông nghiệp: Phát triển nông nghiệp hàng hoá, lâm nghiệp đa mục tiêu có chất lượng và năng suất cao, hình thành các vùng nông - lâm nghiệp sạch, tập trung. Thu hút các dự án phát triển chăn nuôi, thủy sản và chế biến để xuất khẩu theo hướng tặp trung quy mô lớn, ngoài khu dân cư, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, đạt tiêu chuẩn thực phẩm sạch gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ. Các dự án phát triển lâm nghiệp đa mục tiêu, phát huy thế mạnh chế biến gỗ rừng trồng; các dự án phát triển sản phẩm nông, lâm nghiệp bền vững gắn với phát triển du lịch. Trồng rừng thâm canh phục vụ sản xuất, đẩy mạnh trồng rừng cây gỗ lớn, cây ăn quả,... gắn với phát triển lâm sản ngoài gỗ và cây dược liệu dưới tán rừng. Phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng để thu hút các dự án phát triển kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị. Ưu tiên đầu tư phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; chế biến sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc sản theo chuỗi liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm.

Trong lĩnh vực Công nghiệp: Thu hút đầu tư các dự án có công nghệ tiên tiến, hiện đại, chế biến sâu các sản phẩm công nghiệp, có giá trị gia tăng cao, gắn với vùng nguyên liệu là thế mạnh của tỉnh, tiết kiệm tài nguyên, thân thiện và bảo vệ môi trường, trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững. Ưu tiên đầu tư công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất vật liệu mới, năng lượng mới, năng lượng sạch; công nghiệp hỗ trợ; sản xuất linh kiện điện tử; các ngành công nghiệp ứng dụng công nghệ cao; các ngành tiểu thủ công nghiệp truyền thống. Đẩy mạnh thu hút đầu tư đồng bộ, hoàn thiện hạ tầng các khu, cụm công nghiệp. Khuyến khích đầu tư hạ tầng khu công nghiệp với quy mô 2.000 ha bên hữu ngạn sông Hồng, dọc theo tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai (nút giao IC13, IC14).

Trong lĩnh vực Du lịch: Đưa di sản, danh lam thắng cảnh trở thành điểm đến để Yên Bái trở thành điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, trải nghiệm của vùng, quốc gia và quốc tế; gắn với tiềm năng thiên nhiên phong phú[12]. Xây dựng hệ sinh thái du lịch dựa vào văn hóa và dân tộc[13]. Cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và nghỉ dưỡng. Thu hút đầu tư hạ tầng du lịch đồng bộ, nhất là hệ thống nhà hàng, khách sạn, cơ sở lưu trú đáp ứng nhu cầu của du khách trong và ngoài nước, phù hợp với bản sắc, tập quán địa phương. Tập trung hoàn thành các dự án đầu tư phát triển du lịch xanh, thân thiện với mỗi trường tại 04 vùng du lịch trọng điểm của tỉnh. Thực hiện hiệu quả Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia hồ Thác Bà, Quy hoạch chung xây dựng vùng huyện Mù Cang Chải và quy hoạch các khu vực du lịch khác để làm cơ sở thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng du lịch.

tm-img-alt
Yên Bái quy hoạch phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng. Ảnh minh hoạ

Trong lĩnh vực Dịch vụ: Tăng cường thu hút đầu tư vào các ngành dịch vụ theo hướng trọng tâm, trọng điểm, phát huy lợi thế trong mối liên kết vùng để thu hút các ngành dịch vụ giá trị gia tăng cao như: Vận tải, Logistics, Xây dựng các vùng liên kết dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp để tạo tác động lan tỏa. Đẩy mạnh thu hút đầu tư trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, bảo hiểm, chuyển đổi số, y tế, giáo dục và đào tạo, dạy nghề, dịch vụ du lịch, dịch vụ hỗ trợ công nghiệp, nông nghiệp.

Trong Lĩnh vực hạ tầng: Huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, có sức lan tỏa, kết nối phát triển vùng, liên vùng, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Ưu tiên thu hút đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp, hạ tầng đô thị, hạ tầng thương mại, dịch vụ, thông tin, viễn thông.

Trên cơ sở định hướng phát triển và ưu tiên thu hút đầu tư, trong thời gian tới tỉnh Yên Bái sẽ tiếp tục tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Cụ thể như sau:

Một là, Tiếp tục quan tâm đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phục vụ thu hút đầu tư; trọng tâm là hạ tầng giao thông, hạ tầng khu, cụm công nghiệp... Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, nhất là quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng, đảm bảo đúng định hướng phát triển. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư của Trung ương và của tỉnh, bảo đảm cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà đầu tư được tiếp cận đầy đủ với các chính sách, tạo động lực cho triển khai các dự án đầu tư và phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Hai là, Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương; bảo đảm việc thực hiện các thủ tục cho người dân và doanh nghiệp được nhanh chóng, thuận tiện. Xác định cụ thể trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc đồng hành, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư theo thẩm quyền, bảo đảm giải quyết các thủ tục, thẩm định hồ sơ các dự án của nhà đầu tư trong thời gian nhanh nhất. Thành lập mới, kiện toàn các Tổ công tác để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong sản xuất, kinh doanh cũng như trong quá trình nghiên cứu, khảo sát và thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan đến đầu tư:

Ba là, Thường xuyên rà soát các chính sách, chủ trương, định hướng của Trung ương về đầu tư để kịp thời cụ thể hóa, điều chỉnh, bổ sung hoặc ban hành mới các quy định, hướng dẫn về thu hút đầu tư, triển khai thực hiện dự án đầu tư, đảm bảo đơn giản, dễ hiểu, dễ làm, dễ kiểm tra, giám sát và dễ đánh giá.

Bốn là, Ban hành danh mục dự án thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh làm cơ sở để thu hút, mời gọi các nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm. Đồng thời, xây dựng kế hoạch thu hút đầu tư theo giai đoạn và chi tiết hằng năm, bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tiễn và từng giai đoạn phát triển.

Năm là, Tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực hiện các thủ tục đầu tư, đảm bảo kịp thời, chính xác, hiệu quả, trách nhiệm, tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư; thực hiện theo nguyên tắc “một cơ quan thực hiện nhiều việc và một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm chính”.

Sáu là, Xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên sâu trong lĩnh vực thu hút đầu tư đáp ứng yêu cầu về năng lực, phẩm chất và có tính chuyên nghiệp cao; xử lý nghiêm, kiên quyết điều chuyển hoặc đưa ra khỏi bộ máy đối với những cán bộ không đủ năng lực hoặc vi phạm đạo đức công vụ, gây phiền hà, sách nhiễu người dân và doanh nghiệp.

[1] Trong đó, có 02 huyện nghèo (30a) là Trạm Tấu và Mù Cang Chải (dân tộc Mông chiếm trên 80%).

[2] Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, tăng tỷ trọng CN-XD, dịch vụ; giảm tỷ trọng NLN: Tỷ trọng ngành NLN, thủy sản chiếm 22,57%; ngành CN-XD chiếm 32,65%; ngành dịch vụ chiếm 40,5%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 4,29%.

[3] Có thêm 11 xã đạt NTM, nâng số xã NTM của tỉnh lên 99 xã, bằng 66% tổng số xã toàn tỉnh. Có thêm 10 xã đạt NTM nâng cao, nâng số xã NTM nâng cao của tỉnh lên 27 xã. Có thêm 03 xã đạt NTM kiểu mẫu, nâng số xã NTM kiểu mẫu của tỉnh lên 06 xã.

[4] Gồm: (1) Vùng hồ Thác Bà và sông Chảy (gồm huyện Yên Bình và Lục Yên). (2) Vùng du lịch thành phố Yên Bái và phụ cận (gồm thành phố Yên Bái và phía Nam của huyện Trấn Yên). (3). Vùng du lịch miền Tây của tỉnh (gồm huyện Văn Chấn, Mù Cang Chải, Trạm Tấu và thị xã Nghĩa Lộ). (4) Vùng du lịch Trấn Yên - Văn Yên (gồm phía bắc của huyện Trấn Yên và huyện Văn Yên).

[5] Gồm: (1) Tuyến du lịch sinh thái khám phá miền Tây tỉnh Yên Bái. (2) Tuyến du lịch văn hóa sông Hồng. (3) Tuyến du lịch hồ Thác Bà và văn hóa Sông Chảy.

[6] Gồm: (1) Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà. (2) Khu du lịch quốc gia Mù Cang Chải. (3) Khu du lịch nghỉ dưỡng hồ Vân Hội. (4) Khu du lịch văn hóa thị xã Nghĩa Lộ. (5) Khu du lịch văn hóa nghỉ dưỡng Mậu A. (6) Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Suối Giàng. (7) Khu du lịch sinh thái khám phá Trạm Tấu. (8) Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu. (9) Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải.

[7] Trong đó: 03 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích quy hoạch là 627,89 ha (bao gồm: KCN phía Nam diện tích 400 ha, KCN Minh Quân diện tích 107,89 ha và KCN  u Lâu diện tích 120 ha). 01 khu công nghiệp Trấn Yên với diện tích 339 ha đã được Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào quy hoạch phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam tại Văn bản số 91/TTg-CN ngày 24/01/2022.

[8] Trong năm 2022, tỉnh đã tiếp nhận 589.225 hồ sơ; giải quyết đúng và trước hạn 583.753 hồ sơ (đạt 99,98%).

[9] Trong đó: 47 dự án đầu tư lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản, tổng vốn đăng ký đầu tư 5.246 tỷ đồng và 78,6 triệu USD; 446 dự án đầu tư lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, tổng vốn đăng ký đầu tư 68.307 tỷ đồng và 319,5 triệu USD; 110 dự án đầu tư lĩnh vực thương mại, du lịch, dịch vụ và các ngành kinh tế khác, tổng vốn đăng ký đầu tư 21.636 tỷ đồng và 4,0 triệu USD.

[10] Như: Phát triển lâm nghiệp đa mục tiêu, chuyên canh nông sản chủ lực, đặc sản, hữu cơ và sản phẩm công nghệ cao; phát triển chăn nuôi, thủy sản cơ bản theo hướng tập trung, bảo đảm an toàn sinh học; công nghiệp chế biến lâm sản công nghệ cao; chế biến vật liệu xây dựng cao cấp; công nghiệp phụ trợ, năng lượng tái tạo; phát triển mạnh dịch vụ, thương mại; đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.

[11] Với một số chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2030 là: (1) Tốc độ tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP): Bình quân giai đoạn 2021-2025 là 7,5%/năm, bình quân giai đoạn 2026 - 2030 là 9,5%/năm, bình quân cả giai đoạn 2021-2030 là 8,5%/năm. (2) Về cơ cấu kinh tế: Năm 2025, tỷ trọng nông, lâm, thuỷ sản trong GRDP là 19,5%; công nghiệp - xây dựng chiếm 33,3%; dịch vụ chiếm 42,6%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 4,7%. Năm 2030, tỷ trọng đóng góp của các ngành vào GRDP lần lượt là 14,8% - 39,0% - 41,5% - 4,7%. (3) GRDP bình quân đầu người: Năm 2025, GRDP bình quân đầu người đạt trên 67 triệu đồng, tương đương khoảng 2.500 USD/người và đến năm 2030 đạt khoảng 125 triệu đồng/người, tương đương khoảng 4.400 USD/người. (4) Tổng vốn đầu tư phát triển: 280.000 tỷ đồng giai đoạn 2021-2030. (5) Tỷ lệ đô thị hóa: Đạt 27% (năm 2025), đạt 30% (năm 2030). (6) Giai đoạn 2021 - 2030, phấn đấu tăng đóng góp của kinh tế số, dịch vụ số: Chiếm 13,5% GRDP. (7) Du lịch: Năm 2025, khách du lịch đạt khoảng 1,5 triệu lượt khách, tổng thu từ du lịch đạt khoảng 1.500 tỷ đồng. Đến năm 2030, khách du lịch đạt khoảng 2,5 triệu lượt khách, tổng thu từ du lịch đạt khoảng 4.300 tỷ đồng. (8) Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân: 7,26%/năm giai đoạn 2021 - 2030. (9) Năm 2030, tỷ lệ lao động qua đào tạo: Đạt 80%.

[12] Danh lam thắng cảnh quốc gia hồ Thác Bà, Ruộng bậc thang Mù Cang Chải, suối khoáng nóng Tú Lệ, Suối Giàng, các khu bảo tồn thiên nhiên, sinh cảnh,...

[13] Tổ chức các hoạt động festival tôn vinh giá trị văn hóa dân tộc miền núi; quảng bá Nghệ thuật xòe Thái - di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; các hoạt động gắn với vùng phía Tây của tỉnh.

Trần Huy Tuấn,

Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái

Bạn đang đọc bài viết Yên Bái - Tiềm năng và cơ hội đầu tư kinh doanh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Liên hợp quốc lập quỹ chống chịu khí hậu mới
Liên hợp quốc (LHQ) ngày 24/4 đã công bố kế hoạch triển khai quỹ chống chịu khí hậu mới nhằm tăng cường bảo vệ “những người tị nạn và cộng đồng phải di dời”, vốn đang bị vấn đề biến đổi khí hậu đe dọa.

Tin mới

Thiết kế cấp phối bê tông san hô
Thiết kế cấp phối bê tông san hô cấp độ bền B15, B20, B22,5 (sử dụng cốt liệu cát, đá san hô và nước mặn). Kết quả cho thấy, việc sử dụng vật liệu vật liệu, nước biển thay thế cho vật liệu truyền thống là khả thi.
Giữ lửa Chèo truyền thống trong lớp trẻ
Với mục tiêu tôn vinh, quảng bá giá trị đặc sắc của nghệ thuật Chèo Việt Nam, nhiều năm qua, trường Đại học Sân khấu điện tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng những tài năng trẻ có đam mê với loại hình văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc này.
Khai trương phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy
Tuyến phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy dài hơn 1km với hơn 100 ki ốt đa dạng chủng loại ngành hàng từ nhà hàng ẩm thực, đồ lưu niệm, đồ uống, ẩm thực đường phố... được trang trí bắt mắt nằm ngay trung tâm khu du lịch Bãi Cháy.