Chủ nhật, 28/04/2024 06:04 (GMT+7)

Các tỉnh Trung Bộ lên kế hoạch đối phó với bão số 5

MTĐT -  Thứ tư, 30/10/2019 10:45 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trước diễn biến phức tạp của bão số 5 được dự báo sẽ gây mưa to, ngập lụt trên diện rộng tại các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ.

Tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo Sở Giáo dục Đào tạo, các trường trung cấp, cao đẳng, đại học và các cơ sở trên địa bàn cho học sinh, sinh viên nghỉ học trong 2 ngày 30-31/10.

Tỉnh này cũng cấm biển, không cho tàu cá, tàu du lịch và các phương tiện đường thủy ra khơi sau 12h ngày 30/10. Đối với các ngư dân, các hộ nuôi trồng thủy sản ở các lồng bè trên biển phải vào bờ trước 16h ngày 30/10.

Tại Phú Yên, chiều 29/10, ông Trần Hữu Thế, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cho biết đã chỉ đạo các sở, ngành và địa phương khẩn trương triển khai các phương án ứng phó với bão số 5.

Theo Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Phú Yên, đến chiều 29/10, ở Phú Yên có 345 tàu cá/1.924 lao động đang hoạt động khai thác thủy sản trên các vùng biển, trong đó 232 tàu cá/1.436 lao động hoạt động trên vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa, DK1 và 113 tàu cá/506 lao động đang hoạt động gần bờ trên vùng biển các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận.

Tất cả chủ các phương tiện trên đều nhận được thông tin về tình hình diễn biến áp thấp nhiệt đới/bão số 5 trên biển Đông và chủ động di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm, thường xuyên liên lạc được với gia đình và bộ đội biên phòng.

Theo Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 675 ha diện tích nuôi thủy sản và hơn 91.000 lồng nuôi thủy sản bằng lồng bè, chủ yếu ở các địa phương ven biển.

Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết hiện số lượng tàu thuyền đang hoạt động trên biển vẫn còn nhiều nên đề nghị BĐBP tỉnh Phú Yên và các địa phương tiếp tục thông tin, hướng dẫn ngư dân đưa tàu thuyền đến nới tránh trú án toàn.

Đối với diện tích nuôi trồng thủy sản ao, đìa cũng như nuôi thủy sản lồng bè vẫn còn nhiều, các địa phương cần chủ động vận động, di dời ngư dân trên các bè nuôi thủy sản vào bờ và triển khai các phương án nhằm giảm thiểu thiệt hại đối với nuôi trồng thủy sản khi bão vào. Đối với các địa phương ven sông, cần chủ động di dời dân vùng trũng thấp đến nới an toàn tránh ngập lụt, nhất là di dời các hộ dân và gia súc chăn nuôi trên các lòng sông…

Ông Phạm Văn Cường, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Phú Yên, đã chỉ đạo các đơn vị căn cứ vào tình hình thực tế mưa bão để cho học sinh nghỉ học nhằm đảm bảo an toàn, sau đó bố trí dạy tăng cường cho học sinh.

Quảng Ngãi: Tại huyện Bình Sơn ( vẫn còn nhiều điểm sạt lở, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Tình trạng bồi tụ phía bờ nam và sạt lở bờ bắc của sông Trà Bồng đoạn qua địa bàn xã Bình Minh diễn ra ngày càng nhiều, còn hơn 400 m ven sông Trà Bồng, thuộc khu vực thôn Tân Phước cần được đầu tư xây dựng kè chống sạt lở.

Thừa Thiên - Huế: UBND huyện Quảng Ðiền cho biết, hiện nay tuyến đê tây phá Tam Giang bị hư hỏng nhiều đoạn; với 2,6 tỷ đồng được tỉnh hỗ trợ chỉ mới sửa chữa, khắc phục một số đoạn qua xã Quảng An. Hệ thống trạm bơm Bàu Ban tại xã Quảng An được xây dựng từ 20 năm trước cũng hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến việc tiêu úng cho hàng trăm héc-ta sản xuất nông nghiệp.

Tại Quảng Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu cho hay, để chủ động ứng phó với diễn biến của áp thấp nhiệt đới, bão và tình hình mưa lũ; UBND tỉnh đã ban hành Công điện số 08/CĐ-UBND ngày 29/10về việc chủ động ứng phó với diễn biến của áp thấp nhiệt đới, bão và tình hình mưa lũ.

Trong đó, các địa phương ven biển, cửa sông sẵn sàng phương án sơ tán dân cư khỏi các khu vực nguy hiểm khi có tình huống xấu do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão; rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn cho khách du lịch dọc ven biển và trên đảo; hướng dẫn các tàu, thuyền đã vào bờ hoặc vào khu neo đậu tránh bão trên địa bàn tổ chức sắp xếp neo đậu chắc chắn, an toàn nhằm tránh va đập do ảnh hưởng của gió bão; hướng dẫn di chuyển, gia cố đảm bảo an toàn các lồng bè nuôi trồng thủy sản, hải sản.

Tổ chức kiểm tra, rà soát các khu dân cư ở các vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, các tuyến đường đi qua ngầm, tràn… để thực hiện các biện pháp cảnh báo (cắm biển báo, khoanh dây xác định khu vực nguy hiểm, bố trí lực lượng canh gác, chốt chặn...) để nhân dân biết, chủ động phòng tránh, hạn chế đi lại; chủ động phương án thực hiện sơ tán, di dời nhân dân đến nơi an toàn đối với những khu vực ngập sâu, khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét.

Tại Ninh Thuận, chiều 29/10, UBND tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức họp khẩn để triển khai công tác ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão số 5.

Ông Trần Quốc Nam, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, Phó thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN Ninh Thuận yêu cầu các ngành, địa phương cần phải có những biện pháp linh động, chủ động,  tập trung nhân lực xuống địa bàn triển khai các phương án phòng tránh bão lụt, để hạn chế thiệt hại cho người dân.

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Thuận, toàn tỉnh có 2.558 tàu thuyền, với hơn 15.600 lao động. Đến chiều ngày 29/10, có 1.866 tàu thuyền đã neo đậu tại các bến, cảng trong tỉnh; đã liên lạc được với 692 tàu/5.549 lao động đang hoạt động đánh bắt trên biển, chủ yếu ở vùng biển các tỉnh phía nam.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, vào hồi 07 giờ ngày 30/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 13,3 độ Vĩ Bắc; 111,7 độ Kinh Đông, cách đất liền các tỉnh Bình Định-Khánh Hòa khoảng 260km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 11. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 130km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km và có khả năng mạnh thêm. Đến 19 giờ ngày 30/10, vị trí tâm bão ở khoảng 13,6 độ Vĩ Bắc; 109,7 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển ven bờ các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (90km/giờ), giật cấp 11-12.

Dự báo trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20km, đi vào đất liền các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó là một vùng áp thấp. Đến 07 giờ ngày 31/10, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở khoảng 13,8 độ Vĩ Bắc; 107,0 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Đông Cam-pu-chia.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Các tỉnh Trung Bộ lên kế hoạch đối phó với bão số 5. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Nghĩa Lộ (Yên Bái) khắc phục hạn hán do khô hanh kéo dài
Trong thời gian qua, do thời tiết khô hanh kéo dài, lượng mưa ít dẫn đến mực nước nhiều sông, suối và hồ, đập trên địa bàn tỉnh Yên Bái, trong đó có thị xã Nghĩa Lộ xuống thấp gây khó khăn trong việc dẫn nước phục vụ dân sinh và sản xuất nông nghiệp.
Cảnh báo tần suất La Nina và El Nino gia tăng
Ngày 25/4, các chuyên gia khí tượng cho biết hiện tượng thời tiết El Nino và La Nina - kéo theo những đợt nóng, lạnh, mưa hoặc hạn hán - sẽ diễn ra thường xuyên và khắc nghiệt hơn trong những năm tới.

Tin mới

Khai trương phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy
Tuyến phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy dài hơn 1km với hơn 100 ki ốt đa dạng chủng loại ngành hàng từ nhà hàng ẩm thực, đồ lưu niệm, đồ uống, ẩm thực đường phố... được trang trí bắt mắt nằm ngay trung tâm khu du lịch Bãi Cháy.
Khai mạc Lễ hội Tràng An năm 2024
Ngày 26/4, tại Danh thắng Tràng An, Lễ hội Tràng An năm 2024 đã chính thức được khai mạc. Đây là một trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.
Bài thơ: Tháng Tư này
Tháng Tư này còn gì để nhớ mong//Khi tình đã úa màu theo năm tháng//Kỷ niệm cũ vùi sâu miền dĩ vãng///Gợi làm gì thêm đau xót lòng nhau
Bài thơ: Áo lính về quê
Thỉnh thoảng con về thăm nhà///Thích mặc áo lính để mà nhớ xưa///Mẹ già trông nắng đợi mưa///Đọc trang sách cũ vẫn chưa rách lề