Cảnh báo: Pin xe điện khi cháy rất khó dập, người dân cần biết những điều này
Pin lithium được dùng phổ biến cho các dòng xe đạp, xe máy điện hiện nay, nếu xảy ra cháy sẽ rất khó dập tắt bằng những bình chữa cháy thông thường, nếu dùng nước để chữa cháy còn có thể gây nổ.
Theo các chuyên gia, nếu xảy ra chập điện hoặc tiếp xúc gần nguồn lửa thì xe điện và xe động cơ đốt trong có nguy cơ cháy như nhau, nhưng thực tế là chữa cháy xe điện khó hơn xe xăng. Có thể chữa cháy cho một chiếc xe động cơ đốt trong bằng bình chữa cháy hoặc trùm kín chăn ẩm lên xe để cắt nguồn cung oxy, trong khi cách duy nhất để khống chế một chiếc xe điện bị cháy là kiểm soát nguồn cháy, cách li chiếc xe vì nó có thể cháy lại nhiều lần, ngay cả sau khi lửa đã tắt một thời gian.
Trong khi đó, cháy pin lithium ion là do phản ứng hóa học, dịch chuyển ion âm - dương bên trong cụm pin, nên không cần oxy vẫn cháy và không thể dập lửa mà chỉ có thể cách ly chỗ cháy, ngăn tình trạng cháy lan, chờ kết thúc phản ứng hóa học mới hết cháy.
Theo các chuyên gia, pin lithium được dùng phổ biến cho các dòng xe đạp, xe máy điện hiện nay, nếu cháy thì sẽ rất khó dập tắt bằng những bình chữa cháy thông thường. Thậm chí, nếu dùng nước để chữa cháy thì có thể gây nổ, do nước gặp nhiệt độ cao biến thành hydro. Hiện chỉ có một số loại sản phẩm của nước ngoài mới nhanh chóng xử lý được khi pin xe điện xảy ra cháy nhưng lại có giá thành rất cao.
Giảng viên Trần Văn Đồng, Trường đại học PCCC, cho biết cháy nổ dễ xảy ra ở phương tiện xe máy điện, xe đạp điện - dòng sản phẩm được trang bị hệ số an toàn cho pin thấp, do va chạm cơ học hay sự thiếu hiểu biết, kỹ năng của một bộ phận người dân trong quá trình sử dụng.
Theo ông Đồng, một là đa số do quá trình sử dụng quá tải dẫn đến tăng nhiệt; hai là trong quá trình nạp tăng nhiệt; ba là không bảo trì, bảo dưỡng, hết tuổi thọ, gây ra chập cháy các bản mạch.
Khi xảy ra sự cố, bằng mọi cách phải di chuyển xe bị cháy đó ra bên ngoài. Nếu không thì phải di chuyển những vật dụng, đồ dùng xung quanh có thể dễ cháy lan. Còn việc chữa cháy thì chúng ta ưu tiên sử dụng những chất như khí CO2 hóa lỏng sẽ làm giảm nhiệt độ, đồng thời đi sâu vào bên trong, giảm quá trình phản ứng hóa học.
Ông Trần Thành Vinh, Trưởng Ban Khoa học kỹ thuật, Hiệp hội Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC-CNCH) Việt Nam, cho rằng dù tốc độ phát triển phương tiện xe điện cao nhưng hiện chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn riêng để đảm bảo an toàn cháy nổ cho pin lithium ion và xe điện. Đây là cả quá trình từ khâu sản xuất, vận chuyển, lưu kho đến sử dụng, bảo trì, với trách nhiệm thuộc về nhiều cơ quan, ban, ngành.
"Hiện chúng tôi đang phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp, nghiên cứu, đề xuất ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan bảo đảm an toàn cho pin xe điện và xe điện. Khi có bộ tiêu chuẩn, hiệp hội sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất các giải pháp để kiểm soát các hàng hóa lưu thông trên thị trường" - ông Vinh nói.
Cục Cảnh sát phòng cháy, chứa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an) cho biết một bộ phận người sử dụng xe máy, xe đạp điện có thói quen cắm sạc pin qua đêm. Điều này tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao.
Để bảo đảm an toàn trong quá trình sử dụng xe máy điện, xe đạp điện, phòng ngừa xảy ra cháy, nổ, Cục Cảnh sát phòng cháy, chứa cháy và cứu nạn, cứu hộ khuyến cáo:
1. Nên sạc khi pin/ắc-quy khi gần hết, sử dụng nguồn điện phù hợp (theo mức điện áp khuyến cáo của nhà sản xuất) và ổn định để sạc. Không sạc ngay sau khi vừa chạy xe, nên chờ bình điện nguội trong khoảng 20 phút rồi mới sạc. Không sạc pin qua đêm, không sạc quá 8 giờ liên tục. Nếu xe để lâu không sử dụng, nên sạc pin đầy rồi tháo rời khỏi xe để tăng độ bền.
2. Bảo quản pin/ắc-quy đúng cách bằng cách đặt xe tại vị trí bảo đảm cao ráo và thông thoáng. Không để pin/ắc-quy (xe) tại các khu vực nóng, ẩm. Không tác động lực mạnh vào bộ phận pin/ắc-quy.
3. Không tự ý thay đổi kết cấu của xe, không lắp thêm các phụ kiện, thiết bị tác động đến hệ thống dây dẫn và nguồn điện của xe (thiết bị không tương thích, chênh lệch nguồn diện có thể làm pin/ắc-quy phát nổ).
4. Bảo trì, bảo dưỡng pin/ắc-quy cũng như hệ thống dẫn điện của xe thường xuyên. Định kỳ khoảng 3 tháng/lần nên đưa xe đi kiểm tra pin/ắc-quy, hệ thống sạc cũng như toàn bộ chiếc xe để kịp thời phát hiện và xử lý hư hỏng.
5. Rửa xe đúng cách. Không dùng tia nước áp lực cao hoặc phun trực tiếp vào các vị trí dưới yên xe. Sau khi rửa xe, cần lau khô khu vực pin/ắc-quy, phanh của xe rồi mới khởi động lại. Khi đi mưa về cần để xe ở vị trí khô ráo, thoáng gió để hong khô và kiểm tra xác định có nước vào trong vị trí pin/ắc-quy không.
Trong quá trình sử dụng, dù hiếm nhưng việc cháy pin xe điện vẫn có thể xảy ra. Nếu phát hiện bình điện nóng lên bất thường khi đang sạc, hãy lập tức rút điện. Nếu có thể, hãy tháo bình điện và đặt vào trong một chiếc thùng kim loại, tốt nhất là thùng có chứa cát, tránh xa các vật dễ cháy. Tuyệt đối không tự ý điều chỉnh thông số kỹ thuật của xe điện, thay thế các thiết bị, linh kiện, bình điện, bộ sạc… không đúng chủng loại, không rõ nguồn gốc hoặc không đồng bộ với các thông số kỹ thuật thiết kế của phương tiện. Việc lắp thêm phụ kiện hay thiết bị tác động đến hệ thống dây dẫn và nguồn điện của xe có thể dẫn tới sự chênh lệch, gây cháy nổ ắc-quy, pin.
Khuyến cáo không cắm sạc qua đêm ở chung cư, ở hầm gửi xe thiếu sự giám sát cần thiết. Trong trường hợp, nếu xảy ra cháy, hãy lập tức gọi lực lượng chữa cháy và thông báo luôn là cháy do xe điện để họ chuẩn bị phương án phù hợp. Việc chữa cháy liên quan đến pin lithium ion cần được xử lý khác với cháy thông thường. Đừng cố dội nước vào thẳng bộ pin, vì nước và lithium có thể tạo ra khí hydro, khiến tình trạng chạy nổ dễ lan rộng. Có thể sử dụng bình chữa cháy tiêu chuẩn.
Theo Người Lao Động