Thứ năm, 02/05/2024 14:54 (GMT+7)

Chùa Tứ Giáp và Khu lưu niệm Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân

MTĐT -  Thứ ba, 27/12/2022 10:35 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Khởi nguyên của tên gọi chùa Tứ Giáp có lẽ được bắt nguồn từ việc 04 giáp là Giáp Chuông, Giáp Nguộn, Giáp Thượng, Giáp Hạ cùng nhau hưng công xây dựng nên ngôi chùa và chùa trở thành cơ sở sinh hoạt tôn giáo chung của 4 Giáp...

1. Vài nét khái quát về vùng đất Nhã Nam và di tích chùa Tứ Giáp

Thị trấn Nhã Nam nằm cách trung tâm thành phố Bắc Giang hơn 20km về phía Bắc, trước đây được sử sách gọi là vùng “cửa rừng”- điểm nối giữa rừng núi và đồng bằng.

Thời kỳ trước Cách mạng tháng 8 năm 1945, vùng đất này thuộc tổng Nhã Nam, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang. Ngày 06/11/1957, Nhã Nam trực thuộc huyện Tân Yên. Sau nhiều lần điều chỉnh địa giới hành chính, ngày 21/11/2019, thị trấn Nhã Nam được tái lập trên cơ sở sáp nhập xã Nhã Nam và thị trấn Nhã Nam.

Trải qua nhiều biến động lịch sử, vùng đất Nhã Nam hiện nay không còn mang nét nguyên sơ của nơi “cửa rừng”. Tuy vậy, thị trấn miền núi từng một thời là trung tâm phủ lị Tân Yên vẫn lưu giữ được nhiều dấu tích xưa minh chứng cho quá khứ hào hùng của đất và người nơi đây. Tính đến năm 2020, thị trấn Nhã Nam còn bảo tồn được 9 di tích xếp hạng các cấp, trong đó có chùa Tứ Giáp - nơi phát tích Sáu điều Bác Hồ dạy công an nhân dân.

tm-img-alt
Ngày 3/9/2022, UBND thị trấn Nhã Nam, huyện Tân Yên ( Bắc Giang) và Công an tỉnh Bắc Giang tổ chức khánh thành chùa Tứ Giáp, nơi phát tích 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân.

Chùa Tứ Giáp tọa lạc ở phía Tây làng Nguộn thuộc thị trấn Nhã Nam (nay là tổ dân Chùa Nguộn). Từ thành phố Bắc Giang xuôi theo đường Quốc lộ 17 (tuyến Bắc Giang-Nhã Nam) đến thị trấn Nhã Nam rẽ trái theo đường Tỉnh 294 khoảng 1km là đến nơi di tích tọa lạc.

Chùa Tứ Giáp cùng với quần thể di tích chùa Phố, đền Cả Trọng, đồi Phủ,...tạo thành cụm di tích liên hoàn với giá trị lịch sử-văn hóa, nghệ thuật đặc sắc. Chùa Tứ Giáp được nhân dân biết đến với nhiều tên gọi khác nhau: Đại Phúc tự (tên chữ); chùa Nhã Nam (gọi theo tên địa danh hành chính); chùa Gốc Gạo (vì trong khuôn viên di tích trước đây có một cây gạo cổ thụ rất lớn).

Tuy nhiên, tên gọi “chùa Tứ Giáp” được mọi người biết đến nhiều hơn cả (khởi nguyên của tên gọi chùa Tứ Giáp có lẽ được bắt nguồn từ việc 04 giáp là Giáp Chuông, Giáp Nguộn, Giáp Thượng, Giáp Hạ cùng nhau hưng công xây dựng nên ngôi chùa và chùa trở thành cơ sở sinh hoạt tôn giáo chung của 4 Giáp).

Tương truyền, chùa Tứ Giáp được xây dựng từ thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVIII), có quy mô bề thế tọa lạc ở chân đồi Phủ gồm 7 gian Tiền đường, 5 gian Trung đường, 3 gian Thượng điện, 2 dãy Hành lang, nhà Tổ, nhà Khách, nhà Ni. Tất cả các hạng mục công trình được liên kết theo bố cục nội công ngoại quốc.

Năm 1885, thực dân Pháp bắt người dân Nhã Nam chuyển đình, chùa đi nơi khác để chúng lập đồn, xây bốt tại đồi Phủ nhằm khống chế phong trào khởi nghĩa Yên Thế đang phát triển mạnh mẽ lúc bấy giờ. Năm 1886, nhân dân 4 giáp: Chuông, Nguộn, Thượng, Hạ hưng công phục hồi, tôn tạo lại ngôi chùa trên khu đất cao đầu làng Nguộn.

Trải qua thời gian, di tích nhiều lần được trùng tu, tôn tạo nhưng vẫn giữ được dáng vẻ uy linh (từ năm 2021 đến nay, Dự án tu bổ, tôn tạo di tích chùa Tứ Giáp được triển khai với tổng kinh phí hơn 40 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước và xã hội hóa).

2. Chùa Tứ Giáp - Nơi phát tích Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân

Chùa Tứ Giáp tọa lạc trên vùng đất cổ Nhã Nam - nơi có vị trí chiến lược quan trọng với vai trò là trung tâm kinh tế - xã hội của vùng Yên Thế Hạ suốt nhiều thế kỷ. Trong thời kỳ tiền khởi nghĩa và kháng chiến chống Pháp, chùa Tứ Giáp là địa điểm ghi dấu nhiều sự kiện: Đầu năm 1945, bà Hà Thị Quế cùng ông Nguyễn Sinh về Nhã Nam hoạt động và đặt cơ sở cách mạng; tháng 3 năm 1945, chùa Tứ Giáp đón một bộ phận báo “Cứu quốc” của Đảng đến đóng và làm việc, ấn loát báo chí, truyền đơn, tài liệu… để chuyển cho các cơ sở cách mạng khắp vùng Yên Thế; tháng 4 năm 1945, du kích Yên Thế đã họp tại chùa Tứ Giáp để bàn kế hoạch đánh chiếm Đồi Phủ; cuối năm 1945, Ty bưu chính Bắc Giang đến đóng và làm việc tại đây;…

Sau Hiệp định sơ bộ (06/3/1946), quân Pháp tiến vào miền Bắc; để thuận tiện chỉ đạo và phát huy khả năng độc lập tác chiến của từng địa phương, các chiến khu mới được thành lập ở Bắc Bộ gồm khu X, XI, XII. Công an khu XII được lập ra do đồng chí Hoàng Mai làm Giám đốc (Công an Khu XII gồm năm tỉnh: Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Giang, Bắc Ninh và Hòn Gai).

Đồng chí Hoàng Mai đã chọn chùa Tứ Giáp, thôn Nguộn là nơi ở và làm việc của Công an Khu XII (từ cuối năm 1946 đến khoảng tháng 4/1948). Sau khi được thành lập và đi vào hoạt động, Công an khu XII đã xuất bản báo “Bạn Dân” phục vụ các hoạt động tuyên truyền. Nhân dịp tết Nguyên Đán năm 1948, Giám đốc Công an Khu XII đã viết thư gửi đến Chủ tịch Hồ Chí Minh và biếu Người tờ Nội san “Bạn Dân” số Tết Mậu Tý (1948).

Ngày 11/3/1948, Bác Hồ gửi lại một bức thư cho đồng chí Hoàng Mai, trong thư Bác ghi nhận, hoan nghênh sự nỗ lực cố gắng của những người làm báo, đồng thời ân cần chỉ bảo thêm về cách viết báo: “…

Trên báo, cần thường xuyên làm cho anh chị em Công an nhận rõ Công an của ta là Công an Nhân dân, vì dân mà phục vụ và dựa vào Nhân dân mà làm việc…Trên tờ báo phải luôn luôn nhắc nhở anh em rèn luyện tư cách đạo đức…”. Bác đã chỉ rõ “Tư cách người Công an cách mệnh” và có Sáu điều dạy đối với Công an Nhân dân:

1. Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính.
2. Đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ.
3. Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành.
4. Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép.
5. Đối với công việc, phải tận tụy.
6. Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo.

Sáu điều Bác Hồ dạy Công an Nhân dân rất ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ nhưng lại hàm chứa giá trị lý luận, nhân văn sâu sắc. Ngay sau đó, lời dạy của Bác Hồ đã được in trên báo “Bạn Dân”. Công an Khu XII trở thành nơi đầu tiên trong cả nước khởi nguồn phong trào học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy. Từ đó đến nay, Sáu điều Bác Hồ dạy luôn trở thành cẩm nang, kim chỉ nam cho mọi hoạt động rèn luyện, phấn đấu của lực lượng Công an Nhân dân.

tm-img-alt
Ngày 18/5/2022, tại Khu lưu niệm Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân (thị trấn Nhã Nam, huyện Tân Yên), Công an tỉnh Bắc Giang tổ chức lễ báo công với Chủ tịch Hồ Chí Minh, tuyên dương các điển hình tiên tiến trong các cuộc vận động, thi đua.

Ngày 15/8/2017, Tổng cục Chính trị Công an Nhân dân tổ chức khởi công xây dựng công trình “Khu lưu niệm Sáu điều Bác Hồ dạy công an Nhân dân” bên cạnh khuôn viên chùa Tứ Giáp, nhằm tôn vinh tình cảm, sự quan tâm, dạy bảo ân cần của Bác đối với lực lượng Công an Nhân dân cũng như thể hiện tình cảm, lòng biết ơn sâu sắc của lực lượng Công an và nhân dân ta đối với Người.

Vào dịp kỷ niệm 70 năm ngày Bác Hồ gửi thư và có Sáu điều dạy Công an Nhân dân (11/3/1948 - 11/3/2018), công trình “Khu lưu niệm Sáu điều Bác Hồ dạy Công an Nhân dân” được khánh thành.

Toàn bộ công trình được xây dựng trên diện tích 3,55 ha; gồm các hạng mục chính: Tượng đài “Bác Hồ với Công an nhân dân”; Phù điêu “70 năm CAND học tập và thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy”; Nhà truyền thống Sáu điều Bác Hồ dạy CAND và các hạng mục phụ trợ phục vụ phát huy giá trị Khu lưu niệm…

Khu lưu niệm Sáu điều Bác Hồ dạy Công an Nhân dân gắn liền với chùa Tứ Giáp cổ kính ngày càng trở thành điểm tham quan hấp dẫn và giàu ý nghĩa, có sức thu hút lớn đối với đông đảo nhân dân và du khách thập phương.

3. Phương án bảo tồn và phát huy giá trị di tích chùa Tứ Giáp và Khu lưu niệm Sáu điều Bác Hồ dạy Công an Nhân dân

Với giá trị lịch sử - văn hóa tiêu biểu, chùa Tứ Giáp đã được xếp hạng Di tích Lịch sử - Nghệ thuật cấp quốc gia tại Quyết định số 138-QĐ, ngày 31/01/1992 của Bộ Văn hóa, Thông tin và Thể thao (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

Công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa trên địa bàn huyện Tân Yên nói chung, di tích chùa Tứ Giáp gắn với Khu lưu niệm Sáu điều Bác Hồ dạy Công an Nhân dân nói riêng luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp chính quyền và sự ủng hộ về vật chất và tinh thần của nhân dân địa phương.

Để bảo tồn và phát huy hơn nữa giá trị của di tích gắn với phát triển kinh tế - xã hội của huyện Tân Yên nói chung, thị trấn Nhã Nam nói riêng, thời gian tới các cấp chính quyền và nhân dân địa phương cần quan tâm tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ và giải pháp như sau:

- Kiện toàn tổ chức bộ máy và hoạt động của Ban quản lý di tích chùa Tứ Giáp gắn với Khu lưu niệm Sáu điều Bác Hồ dạy Công an Nhân dân. Hoạt động của Ban quản lý di tích phải mang tính chuyên nghiệp, đáp ứng được các yêu cầu quản lý di tích gắn với phát triển du lịch bền vững. 
- Tiếp tục triển khai xây dựng và hoàn thiện các hạng mục công trình thuộc Dự án tu bổ, tôn tạo di tích chùa Tứ Giáp; chủ động phối hợp tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch tại Khu di tích.
- Lập hồ sơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đối với Di tích chùa Tứ Giáp gắn với Khu lưu niệm Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá về di tích trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội nhằm nâng cao nhận thức, ý thức của các tầng lớp Nhân dân trong việc bảo tồn, phát huy giá trị của di tích.
- Xây dựng tour, tuyến du lịch gắn kết di tích chùa Tứ Giáp và Khu lưu niệm Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân với các di tích trọng điểm của tỉnh như: Đồi văn hóa kháng chiến (huyện Tân Yên); chùa Vĩnh Nghiêm (huyện Yên Dũng), chùa Bổ Đà (huyện Việt Yên), Những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế (nằm trên địa bàn các huyện Yên Thế, Tân Yên, Việt Yên, Yên Dũng), Cụm di tích Tiên Lục (huyện Lạng Giang), An toàn khu II (huyện Hiệp Hòa),…
- Triển khai tổ chức thực hiện các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo về quản lý và tổ chức lễ hội, các nghi lễ diễn ra tại di tích với nội dung phong phú, hấp dẫn, đảm bảo lễ hội diễn ra an toàn, lành mạnh, tiết kiệm.
- Tiếp tục triển khai nghiên cứu, sưu tầm tài liệu phục vụ công tác bảo tồn bền vững di tích. Bổ sung tư liệu, hiện vật cho Nhà truyền thống Sáu điều Bác Hồ dạy CAND phục vụ du khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu.
- Huy động có hiệu quả các nguồn lực từ nguồn ngân sách Nhà nước và nguồn xã hội hóa từ các tổ chức, cá nhân hảo tâm đóng góp cho công tác bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích. Quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực này trong việc tu bổ, tôn tạo di tích theo quy định của Luật di sản văn hóa và các văn bản khác có liên quan./.

Nguyễn Hữu Phương
Trưởng Phòng Quản lý Di sản văn hóa
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang

Bạn đang đọc bài viết Chùa Tứ Giáp và Khu lưu niệm Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

“Trường học xanh” - Mô hình giáo dục hiệu quả
"Xây dựng mô hình “Trường học xanh” từ cổng trường, khuôn viên đến bên trong nơi làm việc, phòng học... tạo nên một tổng thể không gian làm việc thoải mái, thân thiện, trong lành, hoà cùng thiên nhiên và mang lại hiệu quả giáo dục tốt nhất”.