Thứ sáu, 03/05/2024 21:58 (GMT+7)

Những dòng họ tiêu biểu và các danh nhân, nhân vật lịch sử của vùng đất Nhã Nam xưa và nay

MTĐT -  Thứ hai, 12/12/2022 11:17 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Xã Nhã Nam là một xã của tổng Yên Thế cũ, xã này có 5 thôn là: thôn Chuông, thôn Hạ, thôn Nguộn, thôn Nhã Nam, thôn Tỉnh Đạo.

1. Vùng đất Nhã Nam xưa và nay, có một vấn đề cần bàn cho sáng tỏ:

Ngày xưa ở huyện Yên Thế cũ có một tổng gọi là Tổng Nhã Nam. Tổng này, theo sách địa lý hành chính Kinh Bắc của tác giả Nguyễn Văn Huyên cho biết:

“Tổng Nhã Nam: 5 xã, thôn 1- Xã Lục Giới (thượng thôn)

2- Xã Lục Giới (trung, hạ- hai thôn) 3- Xã Lục Giới: thôn Hùng Lĩnh

4- Xã Nhã Nam: năm thôn: Chuông, Nguộn, Thượng, Nhã Nam, Tỉnh Đạo

5- Xã Dương Lâm: bốn thôn: Dương Lâm, Hạ, Nguộn, Non Tổng Nhã Nam sau đó gồm 4 xã nữa là:

Na Lương (địa phận xã cũ của Quỳnh Động) bốn thôn: Làng trên, Mỏ Sắt, Móng Lợn, Quỳnh Lâu.

Tân An (được thành lập vào năm Thành Thái thứ 7 (1895) trên những mảnh đất tách khỏi xã Nhã Nam, Lục Giới và Lan Giới. Ba thôn: Tân An, Châu Phê, Phú Yên.

Trại Bồng (hay Trại Bùng): Trước kia là một bộ phận của xã Lục Giới, được nâng lên thành xã độc lập năm Khải Định thứ 10 (1925) rồi được đưa vào xã Dương Lâm.

Dĩnh Thép: được tách khỏi tổng Yên Thế.”

Như thế ta thấy địa dư của Tổng Nhã Nam xưa rất rộng: Đại dư này kéo suốt từ Dương Lâm lên đến tận xã Xuân Lương của huyện Yên Thế ngày nay. Trong thời kỳ còn đơn vị hành chính cấp tổng thì có một thời kỳ phủ Yên Thế (đơn vị hành chính cao hơn cấp huyện) đã từng đóng ở đất tổng Nhã Nam, thuộc phạm vi xã Nhã Nam xưa.

Xã Nhã Nam là một xã của tổng Yên Thế cũ, xã này có 5 thôn là: thôn Chuông, thôn Hạ, thôn Nguộn, thôn Nhã Nam, thôn Tỉnh Đạo. 5 thôn này là năm thôn có từ thời Bắc Giang còn nằm trong đất Kinh Bắc,mà tác giả Nguyễn Văn Huyên đã đưa vào sách Địa lý hành chính Kinh Bắc của mình (bản chữ Hán sách này còn lưu ở Thư Viện, Bảo tàng tỉnh Bắc Giang).

Theo sách của Nguyễn Văn Huyên thì rõ ràng thôn Chuông là thôn Chuông - thôn Nhã Nam là Nhã Nam. Hai thôn này không thể nhập vào với nhau được. Bấy lâu nay chúng ta đã nhầm chăng mà hiểu rằng thôn Chuông chính là Nhã Nam. Chỗ này theo tôi chúng ta nên làm rõ xem đầu đuôi thế nào?

Như tôi biết: Thôn Chuông là gọi theo cách gọi một đơn vị hành chính dưới cấp xã. Thời phong kiến người ta dùng chữ “thôn” để chỉ đơn vị hành chính cơ sở của cấp xã, và ít dùng chữ “làng”. Làng là gọi theo dân gian. Trưởng thôn mới được ghi vào bia đá khi xác nhận văn bia. Trưởng làng ở bia đá không thấy xuất hiện, các giấy tờ khác cũng tương tự.

Đã là hai thôn khác nhau, nói theo dân gian là hai làng khác nhau thì hai làng đó phải có đình, chùa, đền miếu riêng. Đình làng Chuông, chùa làng Chuông ở trong làng Chuông thì ai cũng rõ rồi. Thế còn đình làng, chùa làng Nhã Nam ở đâu? Có hay không có? Nếu có thì phải có làng Nhã Nam (hay thôn Nhã Nam) tách biệt ra khỏi làng Chuông mới đúng. Vậy chỗ này, ở đây chúng tôi xin quí vị cho ý kiến thế nào cho phải? Nếu ý kiến của quí vị đúng thì sách của ông Nguyễn Văn Huyên sai. Nhưng tôi biết ông Nguyễn Văn Huyên có cả bản chữ Hán như tôi đã nêu ở trên có cả bản đồ, sơ đồ cũ kèm theo, bản ấy biên soạn năm 1936.

Như tôi biết, theo các cụ ở Nhã Nam chỉ bảo thì: Từ thị trấn Nhã Nam đi về phía Quang Tiến chừng 1km, bên tay phải đường có khu đình cũ. Các cụ nói đó là đình Nhã Nam. Đình cũ bị phá, xây lại, một số chân tảng vẫn còn. Thế thì phải có làng Nhã Nam chứ không thể không có làng Nhã Nam ở đất Nhã Nam này.

Trong dân gian có câu ca dao rằng: “Đình Lý Cốt, cột Nhã Nam” hay “Sân đình Lý Cốt, cột đình Nhã Nam”, hoặc “chùa Lữ Vân, sân Lý Cốt, cột Nhã Nam”... đã xác nhận có đình Nhã Nam thì cái làng đó ở đâu trên đất này. Nhất định không phải là làng Chuông. Nhã Nam bị nhập vào làng Chuông có lẽ là mãi về sau này thôi. Do đó về vấn đề này tôi xin quí vị cho ý kiến hội thảo. Nếu không rõ ra thì chúng ta dễ bị lẫn lộn trong vấn đề khác có liên quan đến đầu bài.

2. Vấn đề những dòng họ tiêu biểu ở Nhã Nam:

Theo sách Lịch sử đảng bộ xã Nhã Nam - xuất bản năm 2002 cho biết ở Nhã Nam có các họ sau:

- Làng Chuông có các họ: Dương, Nguyễn, Vũ, Hoàng trong đó họ Dương là lớn hơn cả.

- Làng Nguộn có họ Dương, họ Nguyễn.

- Làng Thượng, làng Hạ chủ yếu là họ Dương

Bên các họ đó còn có các họ khác như: họ Đỗ, Phùng, Tô, Đào, Vương, Phạm, Trần, Trịnh, Đoàn, Lương, Lại, Đinh, Thân,...

Theo sách này thì họ Dương là họ gốc trong vùng. Cuối thể kỷ XIX, họ Dương đã có nhà thờ họ và có bia “Dương tộc”. Theo các gia đình họ Dương cho biết: họ Dương ở Nhã Nam đã biên chép gia phả, kể rõ thế thứ từng đời nhưng qua loan ly gia phả bị mất nên đến nay chưa truy cứu rạch ròi được. Họ Dương có gia phả là đúng, nhưng họ gốc mất gia phả chứ chi nhành thì vẫn còn gia phả. Chứng có là mới tháng 12 năm 2021 đây thôi, tôi đã dịch cho ông Nguyễn Xuân Cần một quyển gia phả họ Dương từ chữ Nho ra chữ Hán mà ông Cần mang ở vùng Nhã Nam về để viết cho bài hội nghị này. Có điều quyển gia phả đó có chừng chục đời trở lại thôi. Nhưng thế cũng quí.

Trong vấn đề này, theo tôi ở Nhã Nam có 2 dòng họ tiêu biểu là họ Dương và họ Nguyễn. Họ Dương vì có Nàng Giã đại thần chống giặc nhà Hán ở thời Hai Bà Trưng. Họ Trương lại có các vị chống Tầu ở cuối thế kỷ XIX rồi theo Hoàng Hoa Thám đánh Pháp. Còn họ Nguyễn thì có vị làm quan được dân thờ ở đình làng Chuông, cho nên theo tôi có hai họ tiêu biểu trước năm 1945.

3. Về danh nhân văn hóa đất Nhã Nam

Ở Tân Yên, trong dân gian và trong truyền thuyết có nói về một nhân vật là Nàng Giã đại thần. Nhân vật này có đền thờ ở xã Lý Cốt xưa. Ở chân núi Đót có mộ Nàng Giã đại thần (mộ này do các cụ ở địa phương dẫn chúng tôi đến thăm và chỉ bảo cho chúng tôi biết). Ở đó chúng tôi đã leo lên đỉnh núi Đót và thăm đền ở Dương Thành là xã ở bên cạnh núi Đót, việc thăm núi Đót đến nay đã lâu rồi.

tm-img-alt
Khu mộ Nàng Giã Đại Thần

Truyền thuyết nói rằng Nàng Giã đại thần là nữ tướng của Hai Bà Trưng đánh giặc nhà Hán. Khi thất trận, bà rút về vùng núi Đót và mất ở đó. Nhân dân địa phương lập đền miếu thờ bà ở trong vùng. Từ Nhã Nam đến Lý Cốt ai cũng biết đến sự tích này. Trong tục thờ có tục cấm lửa, cấm đồng.

Như tôi được biết, nhiều nơi thờ nữ tướng của Hai Bà Trưng, nhưng sử cũ không nhắc tên ai cả chỉ nhắc tới tên Hai Bà Trưng mà thôi. Còn lại các nữ tướng khác đều lưu truyền theo kiểu dân gian là dùng thần tích và truyền tích để bảo lưu các vị nữ tướng ở nơi thờ tự. Cách lưu truyền như thế, dân ta vẫn coi là truyền thuyết.

Nhưng là truyền thuyết tốt đẹp để duy trì truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm trong lòng dân tộc, rất đáng tự hào. Do đó theo tôi thì các vị nữ tướng đó xứng đáng được tôn vinh là những bậc danh nhân văn hóa, không nên đưa vào là danh nhân lịch sử hay nhân vật lịch sử vì nếu là nhân vật lịch sử thì phải có sử sách ghi chép lại. Lúc Hai Bà Trưng đánh giặc Hán thì dân ta đâu đã học chữ Hán.

Mãi tới thời Sỹ Nhiếp làm thái thứ Giao Chỉ thì mới đem chữ Hán vào truyền bá. Gần 3 thế kỷ chữ Hán mới vào đất Việt, thế thì nhà Hán đâu có chép danh tính các nữ tướng của Hai Bà Trưng vào sử Hán làm gì, chỉ ghi đến Hai Bà Trưng là cùng. Vì các bà chỉ huy dân ta đánh quân Hán thu lại bờ cõi đến tận Lĩnh Nam (nay thuộc Trung Quốc), thì làm sao chúng lại ghi công lao cho 2 bà về việc đánh chúng.

Cho nên tới khi dân ta có chữ Hán để ghi việc thì cũng chỉ ghi theo lời dân kể lúc đó rồi lưu truyền trong dân gian và nơi thờ tự mà thôi. Cho nên theo tôi các nữ tướng của Hai Bà Trưng dù rằng là truyền thuyết lưu lại, nhưng các vị có nơi thờ tự, được dân thờ từ xưa tới nay, các bà là danh nhân văn hóa là xứng đáng.

Nàng Giã đại thần là danh nhân văn hóa là xứng đáng. Cũng như việc thờ các vua Hùng và các danh tướng thời vua Hùng vậy. Nào ai bóc tách đâu là lịch sử đâu là truyền thuyết, đâu là truyền tích... mà bóc tách cũng chẳng được, tất cả đều thuộc về di sản văn hóa của dân tộc ta, nên tất cả các nhân vật đó đều xứng đáng là danh nhân văn hóa của dân tộc ta, ai ai cũng ngưỡng mộ dù đó là truyền thuyết, dã sử.

Ở Tân Yên, vấn đề Nàng Giã đại thần cũng như thế. Song đã là danh nhân văn hóa của một vùng đất thì sự phát ngôn chính thức phải thống nhất để định hướng dư luận. Ở vấn đề Nàng Giã đại thần tôi thấy chưa có sự phát ngôn chính thức thống nhất, cho nên đã có mầm mống tranh chấp danh nhân xảy ra. Tranh chấp này tuy chưa nổi cộm lên nhưng đang ngấm ngầm như lửa đang nhen lên ở đám cỏ gianh mùa khô. Vì thế tôi đề nghị chúng ta nên dập tắt đám lửa đó đi theo tinh thần “cấm lửa, cấm đồng” của Nàng Giã Đại thần để có sự hòa thuận trong tâm mỗi người ở trong vùng Nhã Nam- Lý Cốt- Tân Yên.

Tôi nêu ra thế vì tôi thấy hai quyển sách đã xuất bản nói về Nàng Giã đại thần có sự mâu thuẫn nhau. Đó là quyển Trai Cầu Vồng Yên Thế do UBND huyện Tân Yên xuất bản năm 1999 và quyển Lịch sử Đảng Bộ xã Nhã Nam do Huyện ủy Tân Yên- Ban chấp hành đảng bộ xã Nhã Nam xuất bản năm 2002.

Mâu thuẫn ở chỗ là nội dung về Nàng Giã đại thần, cả hai đều nói giống nhau như đúc nhưng chỉ đánh tráo địa danh: Quyển Trai Cầu Vồng Yên Thế (in ra trước năm 1999) thì nói rằng bà Dương Thị Giã quê ở Lý Cốt, theo Hai Bà Trưng đánh giặc... rồi sau đó chua thêm một câu rằng: có truyền thuyết nói rằng bà Dương Thị Giã quê ở làng Chuông Nhã Nam. Còn quyển Lịch sử Đảng bộ xã Nhã Nam cũng ghi đúng nội dung ấy nhưng đánh đổi rằng quê bà Dương Thị Giã ở làng Chuông và sau đó cũng chú rằng có truyền thuyết cho rằng bà Dương Thị Giã quê ở Lý Cốt.

Vậy thì vấn đề này trong hội nghị này theo tôi chúng ta cũng nên thảo luận cho sáng tỏ. Bà Dương Thị Giã (Gọi theo quyển Trai Cầu Vồng Yên Thế) quê ở đâu? ở Lý Cốt hay ở Nhã Nam? Tôi thấy cả hai quyển đều nói rằng là “Theo thần tích” là như thế. Vậy tôi xin hỏi: bản thần tích chữ Hán đó ở đâu? ở Lý Cốt thì phô tô ra để xem xét. Ở làng Chuông thì phô tô ra để quí vị xem xét. Tôi đã từng đến đình làng Luông (Lý Cốt xưa) tôi không được các cụ ở đó cho xem thần tích, chỉ truyền khẩu. Tôi đã từng đến làng Chuông và Nhã Nam, tôi chưa thấy quyển thần tích nào về Nàng Giã đại thần nào cả. Nơi thờ tự thì có, truyền khẩu thì có nhưng thần tích không có.

Vậy theo tôi, ở hội nghị này chúng ta nên làm rõ vấn đề này ra. Ai lại cùng một vấn đề lại 2 sách nói vênh nhau như thế, nói ra thì không hay lắm, nhưng không nói cứ để tình trạng mâu thuẫn đó lưu cữu mãi. Cho nên chỗ này theo tôi xin quí vị cho ý kiến thế nào cho phù hợp về danh nhân văn hóa Dương Thị Giã. Nếu không thống nhất, chúng ta muốn đề nghị đặt tên đường phố cho danh nhân này cũng khó. Bởi vì e rằng khi đặt tên đường phố rồi mà có ý kiến phản hồi lên trên, bỏ đi cũng dở mà để cũng dở. Đó là vấn đề thứ ba ở bài này chúng tôi muốn nêu ra.

4. Về nhân vật lịch sử của vùng đất Nhã Nam

Ở Nhã Nam nổi lên có nhân vật Dương Văn Truật là nhân vật có thể đứng ở hàng nhân vật lịch sử trong lịch sử phong trào khởi nghĩa Yên Thế. Thế nhưng bấy lâu nay nhân vật này lại được các sách in phủ lên một lớp truyền tích dân gian bao phủ lên nhân vật đó thành ra cụ dễ trở thành nhân vật mang tính văn hóa dân gian nhiều hơn lịch sử.

Đã là nhân vật lịch sử thì chúng ta phải tìm các tư liệu lịch sử để chứng minh cụ Dương Văn Truật là nhân vật lịch sử của phong trào khởi nghĩa Yên Thế và tháo gỡ các yếu tố dân gian phủ lên nhân vật này ra.

Trong cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Nhã Nam, chúng tôi thấy phần viết về cụ Dương Văn Truật nặng tính dân gian hơn là phần lịch sử. Như thế thành ra khi ta gọi cụ Dương Văn Truật là nhân vật lịch sử thì nội dung lại đậm chất dân gian thành ra khó cho việc nhận xét kết luận.

Về cụ Dương Văn Truật theo chúng tôi nghĩ cụ có hai phần rõ rệt là:

Phần đầu cuộc đời cụ là phần con người của văn hóa dân gian. Chiến công chiến tích chống Tầu của cụ là cùng dân làng Chuông, dân hàng ước ở Yên Thế là phần con người của văn hóa dân gian. Cuộc đời ấy là bao gồm nhiều mảnh đời của cụ qua lời kể dân gian được các vị sưu tầm văn hóa dân gian thu gom lại rồi chắp bút mà thành, nên tính chất dân gian đậm sắc là vì thế. Đã gọi là dân gian thì khi gắn vào đời cụ Truật lại làm loãng chất sử của cụ Dương Văn Truật đi.

Phần cuộc đời thứ hai của cụ Dương Văn Truật là phần tham gia vào phong trào khởi nghĩa chống Pháp do Hoàng Hoa Thám lãnh đạo. Phần cuộc đời này chúng ta phải sưu tầm tư liệu lịch sử mang về cho cuộc đời của cụ Dương Văn Truật, nếu không đem về được chúng ta xác định cụ là nhân vật lịch sử sẽ khó khăn.

Ở chỗ này chúng tôi có thể tìm và bổ sung cho cụ một số tư liệu như sau:

+ Trong quyển Hoàng Tham- Pirete của Paulchack in năm 1933, có đoạn viết Đề Truật năm 1891 như sau:

“Le yen-thé est parcelle du 1et territoire militaire....., Elle cache, cette fois. Un retran- cheemeente á crémaillère long de 3 kilomettre, lequel s’appuie, dans I’ét, sur les forts des chefs pirates Dé Nam, Dé Thuat, Dé Lam, Dé Chung et Thong Tai et, sur un sixiéme forrt, celui du Dé Tham. Đans le noud de cette linge for-tiée. Le roi du Yen The, le vieux Ba Phuc est retrone ché dans un réduit puissant.” Trang 26.

Trong đoạn này có nới đến Đề Truật (nhưng lại là Dé Thuat)

Còn Sabron có mô tả như sau về các đồn lũy dọc bờ sông Sỏi, trong đó có đồn của Đề Truật:

“Doanh trại có hào lũy kiên cố của Đề Nắm ngay bờ sông Sỏi, rất gần đường Bố Hạ đi Thái Nguyên qua mỏ Na Lương. Nó gồm 7 đồn lũy nhỏ được gọi tên khi thì bằng số thứ tự, khi thì bằng tên những người chỉ huy: đồn số 1 (đồn chính của Đề Nắm), đồn số 2 (Đề Lâm), đồn số 3 (Đề Truật), đồn số 4 (Đề Trung), đồn số 5 (Đề Dương), đồn số 6 (Thống Tài), đồn số 7 (Bá Phức) mỗi một công sự này có một lũy bằng đất nện có trổ những lỗ châu mai để bắn ra theo tầm cao thấp...”

Năm 1892, tháng 3 quân Pháp tiến đánh 7 đồn kể trên dọc sông Sỏi. Chiến sự diễn ra ác liệt, trước áp lực mạnh về vũ khí của Pháp các đồn của nghĩa quân bị quân Pháp chiếm. Trong cuộc chiến ấy Đề Truật (Đề Hậu) vẫn kiên cường đánh Pháp cùng nghĩa quân.

Sách Một Vùng Yên Thế có ghi: “Đề Truật: Dương Văn Truật người làng Chuông, Nhã Nam ông phụ trách đồn Khám Nghè, rồi đòn Na Sa nên gọi là Đề Hậu, hay Hậu Truật chiến đấu dũng cảm, bị phản rồi bị sát hại.”

Về Đề Truật còn nhiều tư liệu ghi chép ở một số sách lịch sử khác nhau, chúng ta có thể bổ sung sau nhưng như thế rõ ràng

Đề Truật xứng đáng là nhân vật lịch sử trong phong trào khởi nghĩa Yên Thế. Do đó để cho nhân vật lịch sử này sống mãi trong lịch sử thì theo chúng tôi phần dân gian truyền tụng không nên nhập vào phần lịch sử, như thế sẽ tránh được sự hiểu khác đi về nhân vật lịch sử này.

5. Một số nhận xét và đề nghị

1. Về danh nhân, nhân vật lịch sử ở Nhã Nam thời kỳ trước 1945 có 2 người được nhắc đến nhiều đó là bà Dương Thị Giã và ông Dương Văn Truật. Bà Dương Thị Giã có thể tôn vinh là danh nhân văn hóa. Ông Dương Văn Truật có thể đề nghị là nhân vật lịch sử. Trong hai nhân vật này thì bà Dương Thị Giã cần phải thống nhất về quê quán của bà, không nên để thế này rồi lại thế kia.

2. Ở Nhã Nam sau 1945 có một số vị là Đại tá, tiến sỹ nhưng chỉ có tên mà không có dòng nào về sự nghiệp do đó khó bàn ở đây, xin lưu lại để bổ sung sau.

3. Sau khi thống nhất về 2 nhân vật Dương Thị Giã và Dương Văn Truật thì đề nghị cấp trên đặt tên đường phố mang tên hai vị để quảng bá công tích của hai nhân vật này.

4. Theo tôi thì nhân vật Nàng Giã đại thần nên ghi quê và ở Nhã Nam. Còn ở Lý Cốt là căn cứ của bà và là nơi có mộ của bà và đền thờ, tục lệ theo cùng là hợp lý. Không nên dùng nước đôi mà nói như cũ nữa, để đẹp ý, đẹp tình cho 2 dân Lý Cốt và Nhã Nam từ xưa đến nay./.

TRẦN VĂN LẠNG
Nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bắc Giang

Bạn đang đọc bài viết Những dòng họ tiêu biểu và các danh nhân, nhân vật lịch sử của vùng đất Nhã Nam xưa và nay. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bảo tàng tỉnh Bắc Giang: Nơi lưu giữ kỷ vật thời chiến
Hệ thống các hình ảnh, tư liệu, hiện vật thời chiến được sưu tầm, lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bắc Giang giúp người dân, nhất là thế hệ trẻ ghi nhớ những mốc son trong lịch sử dân tộc, thêm tự hào về truyền thống anh hùng của đất nước, quê hương.

Tin mới

Bảo tàng tỉnh Bắc Giang: Nơi lưu giữ kỷ vật thời chiến
Hệ thống các hình ảnh, tư liệu, hiện vật thời chiến được sưu tầm, lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bắc Giang giúp người dân, nhất là thế hệ trẻ ghi nhớ những mốc son trong lịch sử dân tộc, thêm tự hào về truyền thống anh hùng của đất nước, quê hương.