Thứ hai, 29/04/2024 13:22 (GMT+7)

Chuyển đổi xanh - một ứng xử văn hóa cấp thiết với thiên nhiên

MTĐT -  Thứ sáu, 22/09/2023 16:08 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Thiên tai đặt ra cho con người một chiến lược không thể khác là muốn phát triển bền vững, sự phát triển ấy phải là Chuyển đổi xanh.

Gần sáng ngày 11/9/2023, cư dân vùng Derna - Libya đang say ngủ thì đột ngột bị đánh thức bởi một tiếng nổ lớn. Đó là tiếng vỡ khủng khiếp của một con đập. Dòng nước khổng lồ đã cuốn ra biển sinh mạng hơn chục ngàn người. Theo Bộ Quản lý tình trạng khẩn cấp Trung Quốc, lũ lụt, lở đất và các cơn bão đổ bộ vào đại lục mang theo lượng mưa lớn nhất chưa từng thấy trong cả trăm năm qua đều có nguyên nhân cơ bản và sâu xa của gia tăng biến đổi khí hậu. Mà gây ra biến đổi khí hậu lại có phần do con người. Như vậy, trong thiên tai có cả nhân tai.

Thiên tai đặt ra cho con người một chiến lược không thể khác là muốn phát triển bền vững, sự phát triển ấy phải là Chuyển đổi xanh (Green Transformation) tức chuyển đổi nền kinh tế từ nâu sang xanh. Cái lõi của Chuyển đổi xanh là mục tiêu giảm phát thải các-bon - nguyên nhân tạo ra phát thải các-bon là sản xuất công nghiệp gây hại không khí, là nạn phá rừng, sự đốt cháy các nhiên liệu hóa thạch (than, dầu, khí tự nhiên); còn có nguyên nhân tự nhiên như sự phân hủy, sự tuần hoàn khí CO2 của đại dương… Chuyển đổi xanh còn giúp giảm tác động của hiệu ứng nhà kính thông qua cải tiến môi trường sinh thái.

5.jpg

Sự chuyển đổi sang một nền kinh tế không khí thải các-bon sẽ là bệ đỡ để hệ thống nông nghiệp phát triển bền vững, bảo vệ đa dạng sinh học, tạo ra việc làm, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân. Xin nhắc lại một “định nghĩa” khái quát của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) về “kinh tế xanh”, đó là: “nền kinh tế nâng cao đời sống con người và cải thiện công bằng xã hội, đồng thời làm giảm đáng kể những rủi ro môi trường và những thiếu hụt sinh thái”. Như vậy về bản chất, Chuyển đổi xanh là một cuộc cách mạng nhân văn đúng nghĩa nhất, bởi đó là cuộc cách mạng vì con người, hướng con người đến những gì tốt đẹp, hạnh phúc.

Xét về mặt lý thuyết, để thực hiện thành công Chuyển đổi xanh, bắt buộc các quốc gia cũng như mọi cá nhân phải thấu hiểu quy luật, bản chất của tự nhiên. Thiên nhiên là ngôi nhà nhân loại đang ở, thế nhưng con người lại làm những điều trái lẽ tự nhiên, tài nguyên bị khai thác vô tội vạ; các nhà máy tự do xả khí thải; nhà cửa đô thị mọc lên san sát… Đó, đúng ra là sự “bức tử” tự nhiên. Đồng nghĩa với chính con người đang phá hoại ngôi nhà họ đang ở mà không ý thức một phút giây dừng lại để suy ngẫm và thấu hiểu những quy luật của tự nhiên để nếu không thấu cảm và biết ơn tự nhiên thì cũng phải biết bảo vệ ngôi nhà đang che chở, nuôi sống mình.

Có trước loài người từ rất lâu, thiên nhiên như cái nôi bao bọc con người lớn lên và trưởng thành. Không có tự nhiên dứt khoát không có con người. Vì không có sự sống được tạo ra bởi thiên nhiên nên sao Kim, sao Hỏa vắng bóng con người. Lẽ ra con người phải biết tri ân cội nguồn sự sống tự nhiên ấy. Thế nhưng con người đã ứng xử với tự nhiên một cách bất bình đẳng và thiếu tôn trọng, hơn thế, có thể còn là sự “phản bội”, gây ra sự nổi giận của thiên nhiên! Chuyển đổi xanh sẽ là dịp điều tiết lại hành vi của con người, bắt con người ứng xử với tự nhiên như người bạn tốt.

Tự ngàn xưa, thiên nhiên đã có tiếng nói của riêng mình, tiếng nói ấy được ký gửi vào các biểu tượng văn hóa. Không phải ngẫu nhiên ở các lễ hội, con người luôn phải có tiếng trống, tiếng chiêng, phèng, la… Đó là âm thanh - tiếng nói mời gọi các vị thần tự nhiên về dự “lễ”… Muốn nương tựa vững bền vào thiên nhiên, con người cần lắng nghe để hiểu ngôn ngữ của thiên nhiên. Càng trong xã hội phát triển ngày nay, con người càng phải là những chàng Sơn Tinh gần gũi, gắn bó với thiên nhiên để thiên nhiên tiếp cho sức mạnh.

Là xu hướng tất yếu mang tính toàn cầu, một câu hỏi đặt ra cho tất cả chúng ta là cần làm gì để thúc đẩy Chuyển đổi xanh đúng hướng và hiệu quả? Động lực cũng là mục tiêu của nền kinh tế xanh là bảo vệ môi trường, phát triển công nghệ sản xuất sạch, năng lượng sạch đồng thời đạt được sự tăng trưởng bền vững. Do vậy, chính sách phát triển phải dựa vào 3 tiêu chí: định hướng của thị trường, nền tảng là kinh tế truyền thống, mục tiêu là hài hòa lợi ích kinh tế và môi trường. Bởi nguồn vốn tự nhiên không chỉ là tài sản kinh tế quan trọng, còn là nguồn lợi chung, nên “kinh tế xanh” là nền tảng cho phát triển bền vững, nhất với những nước đang và kém phát triển. Tăng trưởng xanh phải tạo ra tăng trưởng kinh tế, đồng thời góp phần tạo ra nguồn vốn cho tương lai, đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường và khí hậu, giảm thiểu sự tác động của việc phát triển kinh tế với môi trường.

Chúng ta không còn cơ hội cho sự chần chừ, đó không còn là khuyến cáo hay cảnh báo mà sự nổi giận của thiên nhiên phải được xem là hành vi cảnh cáo thúc đẩy con người hành động, trong đó có các động thái chuyển sang nền kinh tế xanh tạo ra sự cân đối nhu cầu phát triển kinh tế và việc giảm thiểu nguy cơ tàn phá thiên nhiên. Các nhà khoa học về môi trường cũng dựa trên xu hướng này để khuyến nghị con người đi theo xu hướng chung là sử dụng nguyên liệu tái tạo. Hiện nay, khối EU giải quyết khủng hoảng khí hậu - môi trường bằng cách tăng cường sử dụng điện được sản xuất từ các nguồn nhiên liệu tái tạo. Đây là phương pháp tối ưu để giảm thiểu phát thải các-bon không chỉ với hiện tại mà với cả tương lai. Theo IRENA (Cơ quan năng lượng tái tạo quốc tế - International Renewable Energy Agency), tỷ trọng điện của EU được sản xuất từ nhiên liệu tái tạo sẽ đạt 86% vào năm 2050, so với con số hiện tại chỉ là 25%. Các quốc gia phát triển đang chú ý đầu tư vào công nghệ xanh, phát triển các sản phẩm và quy trình xanh, truyền thông về tầm quan trọng của Chuyển đổi xanh, trang bị các kỹ năng và kiến thức xanh cho lực lượng lao động...

Nắm bắt xu hướng chung, Việt Nam đã sớm có chiến lược và kế hoạch thúc đẩy phát triển đất nước theo hướng tăng trưởng xanh (Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh…). Kinh nghiệm của thế giới là chú ý vào các doanh nghiệp - hạt nhân của phát triển kinh tế xanh, góp phần quan trọng thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Nhưng trên thực tế, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vì hạn chế về nguồn lực và kiến thức nên để tạo được các hoạt động kinh doanh, họ cần được hỗ trợ trong việc giảm thiểu rủi ro môi trường và khí hậu, tăng hiệu quả tài nguyên…

Cũng cần có chiến lược giáo dục và truyền thông tới người tiêu dùng thay đổi hành vi mua sắm theo hướng sử dụng các sản phẩm thông minh, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững... Quan trọng nhất là tạo ra thị trường cho các công nghệ xanh, tích cực chuyển giao công nghệ để thúc đẩy chuyển giao tri thức, tạo điều kiện tăng trưởng xanh diễn ra mạnh mẽ hơn. Đồng thời, thúc đẩy mạnh mẽ Chuyển đổi số để hướng dẫn, hỗ trợ sáng tạo, triển khai các đổi mới về công nghệ và trao đổi các cách làm tốt nhằm thúc đẩy hiệu ứng bền vững và tích cực.

Tự cổ chí kim, biết bao tác phẩm văn học và lịch sử của Việt Nam ngợi ca truyền thống, tập quán thân thiện với môi trường thiên nhiên. Thạch Sanh nhờ làm nghề hái củi trong rừng nên biết được nhiều bí mật của tự nhiên, lấy đó làm thế mạnh đấu tranh với cái xấu, cái ác để rồi trở thành Hoàng tử. Chú Cuội nhờ vào rừng, quan sát đàn hổ nên biết được cây thuốc trường sinh cứu người. Lê Lợi dựa vào rừng cây để kháng chiến, cây cũng nhiều lần “hiển linh” giúp người anh hùng chiến thắng giặc Minh. Thời kỳ đánh đuổi thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, trên khắp đất nước ta, những vùng rừng, những vườn cây, những núi, những sông đã bất chấp mưa bom bão đạn, chở che bộ đội, bảo vệ dân làng… Huyền thoại và hiện thực đã hòa quyện, trở thành giá trị đầy sức thuyết phục, tạo niềm tin về nỗ lực Chuyển đổi xanh của chúng ta. Tin rằng với sự nhận chân giá trị thiên nhiên, với tầm nhìn chiến lược của Đảng và Nhà nước, nỗ lực Chuyển đổi xanh của Việt Nam sẽ gặt hái thành công.

PGS.TS Nguyễn Thanh Tú 

Bạn đang đọc bài viết Chuyển đổi xanh - một ứng xử văn hóa cấp thiết với thiên nhiên. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Báo TN&MT

Cùng chuyên mục

Hiện trạng và giải pháp phát triển điện mặt trời mái nhà
Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 11/2/2020 đã khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng điện gió và điện mặt trời (ĐMT), trong đó có ĐMT mái nhà (ĐMTMN).
Thiết kế cấp phối bê tông san hô
Thiết kế cấp phối bê tông san hô cấp độ bền B15, B20, B22,5 (sử dụng cốt liệu cát, đá san hô và nước mặn). Kết quả cho thấy, việc sử dụng vật liệu vật liệu, nước biển thay thế cho vật liệu truyền thống là khả thi.
Tăng trưởng xanh không thể chạy theo phong trào
Trao đổi với ĐTTC, ông Nguyễn Quang Huân, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, cho rằng tăng trưởng xanh là xu thế tất yếu của thế giới, Việt Nam có thể xem đây là cơ hội, là động lực mới của tăng trưởng kinh tế.

Tin mới

Lào: Cho phép học sinh nghỉ học nếu nền nhiệt quá cao
Theo phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn, trước tình trạng nắng nóng kéo dài với nền nhiệt cao kỷ lục trên 40 độ C, Bộ Giáo dục và Thể thao Lào vừa chỉ đạo các nhà quản lý trường học trên cả nước xem xét cho học sinh nghỉ học nếu cần thiết.
Bài thơ: Thì hãy sống...
Thì cứ bình yên để mỗi ngày trôi đi thật nhẹ//Chiếc đồng hồ nhích từng giây từng giây, rất khẽ///Con chim sẻ ríu rít ngoài ban công//Heo may chở mùa thu qua sông///Cải ngồng hong nắng...