Thứ hai, 29/04/2024 00:55 (GMT+7)

Có thể mua rác của người dân?

MTĐT -  Thứ hai, 03/12/2018 09:31 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Để người dân thấy được lợi ích khi phân loại rác, bên cạnh việc phạt nặng người vi phạm thì phải thưởng cho người làm tốt; đồng thời tính đến việc mua lại rác của dân để chế biến thành phân bón.

Đoạn kênh ngập rác; lục bình, bao bì, rác thải sinh hoạt tràn ngập hai bên bờ... Bốn - năm công nhân (CN) vệ sinh dùng bữa trưa trên sà lan, cạnh những đống rác mà mình vừa vớt lên. Đó là những hình ảnh xuất hiện trong chương trình "Lắng nghe và trao đổi" tháng 12/2018 về chủ đề "Công dân TP.HCM: Tự hào và trách nhiệm" với nội dung bảo vệ môi trường. Chương trình do HĐND TP.HCM phối hợp với Đài Truyền hình TP tổ chức sáng 2/12.

Mỗi ngày vớt 30 tấn rác trên kênh rạch

Ông Vương Quý Lãm, Phó Giám đốc Công ty Dịch vụ công ích quận 8, cho biết mỗi ngày, khoảng 70 CN tham gia vớt rác ở các tuyến Kênh Đôi, Tàu Hủ, Bến Nghé, Kênh Tẻ. Số lượng rác vớt được trung bình 30 tấn/ngày; đợt cao điểm gần Tết 60-70 tấn/ngày. Chủ tịch UBND phường 16, quận 8 Lê Minh Tân cho biết hành vi xả rác xuống kênh diễn ra nhanh nên việc kiểm tra, xử lý gặp nhiều khó khăn dù chính quyền thường xuyên tuyên truyền và người dân đã ký cam kết không xả rác nơi công cộng.

Để phân loại rác hiệu quả, phải làm đồng bộ từ hộ gia đình đến việc thu gom, xử lý rác.

Trong khi đó, ông Phan Văn Kèo, nông dân huyện Hóc Môn, cho rằng TP.HCM nên đầu tư xe lấy rác chuyên dụng, hiện đại chứ CN lấy rác hiện nay trang bị thô sơ, thủ công. Ngoài ra, chính quyền phải phát động phong trào dọn dẹp vệ sinh. Những khu vực đất đai bị đầu cơ hay dự án chậm triển khai để cỏ cây mọc hoang um tùm gây ô nhiễm thì phạt chủ đầu tư thật nghiêm khắc.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến, năm 2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 155 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Do là đô thị đặc biệt, quy mô quá lớn nên đến cuối năm 2018, TP.HCM mới triển khai.

Về việc xử phạt theo nghị định của Chính phủ, ông Tuyến cho biết TP.HCM sẽ xử nghiêm các trường hợp vứt rác xuống kênh rạch, hố thoát nước. Với những trường hợp người dân chưa hiểu biết, chưa biết cách phân loại rác thì phải kiên trì thuyết phục, tuyên truyền. Ngoài ra, TP sẽ hỗ trợ các công ty trong việc đầu tư các trang thiết bị như xe chuyên dùng thu gom, vệ sinh đường phố.

Phải tái chế rác

Nêu ý kiến tại chương trình "Lắng nghe và trao đổi", nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Chánh Trực phân tích: "Vấn đề then chốt trong rác thải đô thị là phải có nhà máy xử lý rác triệt để, biến rác thành phân bón, thành điện hoặc tái chế".

Theo ông Trực, hiện nay, TP chưa làm được điều này nên cả quá trình phân loại, thu gom trước đó đều không có ý nghĩa. "Nếu không xử lý mà cuối cùng đem đi chôn lấp thì cần gì phải phân loại rác? Cho nên, yếu tố then chốt là phải có những nhà máy chế biến rác. TP.HCM không phải là không có ngân sách, vốn đầu tư xã hội không thiếu nên dứt khoát phải làm cho được cái này. Muốn nói đến văn minh thì trước hết phải sạch" - ông Trực góp ý.

Theo ông Trực, để người dân thấy được lợi ích khi phân loại rác, bên cạnh việc phạt nặng người vi phạm, phải thưởng cho người làm tốt; đồng thời sau khi người dân phân loại rác, TP có thể mua lại và sử dụng công nghệ để chế biến thành phân bón, nhiệt, điện. "Phải có lợi ích cho dân chứ chỉ tuyên truyền, giáo dục thì phân loại rác tại nguồn không ăn thua" - ông Trực nhấn mạnh.

Bàn về vấn đề này, GS-TSKH Lê Huy Bá, giảng viên Khoa Môi trường - Tài nguyên và Biến đổi khí hậu Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, cho rằng để việc phân loại rác mang lại hiệu quả và trở thành tài nguyên, TP phải làm bài bản các khâu, từ thu gom đến vận chuyển và xử lý. Trước hết, phải hướng dẫn, hỗ trợ các hộ dân về cách thức phân loại rác sao cho đúng quy định, chấn chỉnh ngay hoạt động thu gom, sau đó mới tính đến xử phạt người vi phạm.

GS Bá phân tích rác chỉ biến thành tài nguyên khi đi cùng với khoa học, công nghệ phù hợp từng giai đoạn, nếu không rác vẫn cứ là rác. Muốn đốt rác phát điện, làm phân bón vi sinh hay vật liệu tái chế thì phải có công nghệ đi cùng; đặc biệt, rác phải được phân thành từng loại khác nhau. Do đó, phân loại rác sẽ quyết định sự thành công của việc biến rác thành tài nguyên.

Về ý tưởng người dân bán rác cho chính quyền, GS Bá lưu ý sẽ có nhiều vấn đề phát sinh. Vì vậy, có thể chuyển đổi theo cách nếu hộ dân phân loại rác tốt thì chính quyền không thu tiền rác hằng tháng. Song song đó, TP.HCM cần có chế tài mạnh đối với những hộ không thực hiện phân loại trong thời gian dài dù đã được hướng dẫn. 

Theo Báo NLĐ

Bạn đang đọc bài viết Có thể mua rác của người dân?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

MTĐT

Cùng chuyên mục

Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.

Tin mới

Thiết kế cấp phối bê tông san hô
Thiết kế cấp phối bê tông san hô cấp độ bền B15, B20, B22,5 (sử dụng cốt liệu cát, đá san hô và nước mặn). Kết quả cho thấy, việc sử dụng vật liệu vật liệu, nước biển thay thế cho vật liệu truyền thống là khả thi.
Giữ lửa Chèo truyền thống trong lớp trẻ
Với mục tiêu tôn vinh, quảng bá giá trị đặc sắc của nghệ thuật Chèo Việt Nam, nhiều năm qua, trường Đại học Sân khấu điện tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng những tài năng trẻ có đam mê với loại hình văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc này.
Khai trương phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy
Tuyến phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy dài hơn 1km với hơn 100 ki ốt đa dạng chủng loại ngành hàng từ nhà hàng ẩm thực, đồ lưu niệm, đồ uống, ẩm thực đường phố... được trang trí bắt mắt nằm ngay trung tâm khu du lịch Bãi Cháy.