Chủ nhật, 28/04/2024 07:41 (GMT+7)

Công nhân KCN Tân Phú Trung: May mắn khi còn được làm việc!

Mạc Tường Vi -  Thứ năm, 30/09/2021 22:34 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM diễn biến phức tạp, song chính quyền và doanh nghiệp TP quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép”, vừa duy trì sản xuất trong môi trường an toàn vừa dập dịch.

Khu công nghiệp Tân Phú Trung (KCN) thuộc huyện Củ Chi, đăng ký thực hiện phương châm “sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ, nghỉ ngơi tại chỗ” ngay khi có yêu cầu. Nhiều doanh nghiệp đã lên phương án bố trí cho các công nhân ở lại nhà máy theo phương châm “3 tại chỗ” để không bị đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, đảm bảo uy tín, đơn hàng với các đối tác đã được ký kết trước đó.

Phương án “3 tại chỗ” sau đó nảy sinh ra nhiều bất cập, tuy nhiên không thể phủ nhận những dấu hiệu tích cực mà nó mang lại cho doanh nghiệp, đặc biệt là công nhân. Những người lao động trong KCN Tân Phú Trung lúc đầu chưa quen với việc ăn-ngủ-nghỉ tại nơi làm việc, nhưng cũng dần thích nghi. So với những công nhân đang thất nghiệp thì họ thấy may mắn vì còn được đi làm, đời sống không bị ảnh hưởng quá nhiều vì dịch bệnh.

tm-img-alt
Để không bị đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, KCN Tân Phú Trung thực hiện phương án “3 tại chỗ”

Anh Lê Khánh (45 tuổi), hiện đang là nhân viên bảo vệ tại KCN Tân Phú Trung cho biết: “Công nhân được test sàng lọc trước khi tham gia sản xuất tập trung. Những nhóm nhân viên có mối quan hệ có khả năng lây nhiễm cao, như có người nhà trong vùng dịch, nghỉ phép từ quê lên thì công ty yêu cầu cách ly tại nhà và trả lương đầy đủ.”

Ngoài ra, vì bất cứ cá nhân, vật dụng nào cũng có khả năng chứa mầm bệnh cho nên doanh nghiệp lập hàng rào chắn an toàn với người từ bên ngoài. Các vật dụng cá nhân như quần áo, mùng mền… đều do doanh nghiệp cấp phát, người lao động không mang từ ngoài vào. Các công nhân tuyệt đối không tiếp xúc với người bên ngoài. Tất cả việc kiểm tra, ký nhận chứng từ chuyển qua hình thức zalo, camera giám sát.

Để động viên, khích lệ người lao động tham gia sản xuất “3 tại chỗ”, ngoài chế độ lương, tiền ngoài giờ đầy đủ, doanh nghiệp còn hỗ trợ thêm cho mỗi người 5,5 triệu đồng. Doanh nghiệp cũng cung cấp đầy đủ 4 bữa ăn mỗi ngày, cà phê, sữa, tạo điều kiện cho công nhân giải trí sau giờ làm việc, cuối tuần…

Anh Lê Khánh cho biết, nhờ các doanh nghiệp kịp thời thích ứng nên việc sản xuất hàng hóa vẫn được duy trì ở mức ổn định. Bản thân anh cảm thấy may mắn hơn rất nhiều người, thu nhập vẫn đều đặn hàng tháng.

Mặc dù vậy, việc người lao động chấp nhận ở lại làm việc tại doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh liên tục có những diễn biến phức tạp, nguy hiểm, khó lường cũng đã là sự hy sinh không hề nhỏ khi họ phải xa gia đình trong một thời gian dài trong khi gia đình lại đang rất cần mình, phải thay đổi nếp sinh hoạt sang một không gian khác lạ hoàn toàn…

Chị Nguyễn Thị Phượng Mai (quê Kiên Giang), làm việc ở Công ty bông sợi, người đã để lại đứa con nhỏ 3 tuổi ở nhà cho chồng để vào công ty làm việc, tâm sự: “Tối nào tôi cũng gọi về cho bé. Tuy được bố chăm sóc rất tốt, nhưng con bé cũng nhớ mẹ lắm! Công ty đã cho tôi việc làm tốt, ổn định cuộc sống, tôi đã xem công ty là ngôi nhà thứ hai của mình. Khi công ty cần lúc dịch bệnh, mình phải cố gắng. Tự nhủ bản thân còn may mắn hơn nhiều người đã mất việc làm vì dịch bệnh, được công ty hỗ trợ tốt mọi mặt và đảm bảo thu nhập lo cho gia đình, tôi đã hứa rằng cùng công ty ‘chiến đấu’ đến hết dịch bệnh. Và khi đó, tôi sẽ chạy nhanh về nhà để được ôm con vào lòng”…

Trước đó (27/6), Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết, TP.HCM ghi nhận 40 trường hợp nhiễm mới; Trong đó, gần một nửa số ca nhiễm ở Khu công nghiệp Tân Phú Trung, huyện Củ Chi. Ngay lập tức, các ca nhiễm Covid-19 và những trường hợp F1 đều đưa đi cách ly tập trung. Các công ty, doanh nghiệp có ca nhiễm Covid-19 đều phải ngưng hoạt động, đồng thời cách ly tại chỗ F2.

Đến 1/9, Củ Chi là 1 trong 3 quận, huyện của TP.HCM đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh Covid -19. Từ 15/9, Củ Chi đã được nới lỏng một số quy định trong các hoạt động Kinh tế - Xã hội, trong đó có hoạt động sản xuất tại các KCN. 

Từ 16/9, do Củ Chi được nới lỏng một số quy định phòng, chống dịch nên các doanh nghiệp trong các KCN trên địa bàn huyện được thực hiện mô hình “4 xanh” bên cạnh mô hình “3 tại chỗ”. Theo hướng dẫn của Ban Quản lý các KCX- KCN TP.HCM, quy định “4 xanh” gồm: “Người lao động xanh” được đi lại bằng phương tiện cá nhân giữa “Nơi làm việc xanh”, “Nơi ở xanh” theo một “Cung đường xanh”.

Trong đó, “Người lao động xanh” phải đáp ứng các điều kiện gồm có thẻ xanh Covid, cư trú tại các địa bàn thuộc “vùng xanh” của địa phương và xét nghiệm PCR âm tính. Về “Cung đường xanh”, nếu người lao động đi bằng xe cá nhân phải cam kết với chủ doanh nghiệp đảm bảo tuân theo lộ trình đã đăng ký, đi từ “Nơi ở xanh” đến nơi làm việc. Trường hợp đi lại bằng xe đưa đón của nhà máy phải tuân thủ 5K, giãn cách, tài xế có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 trong 72 giờ.

Nhà máy được xem là “vùng sản xuất xanh” phải đáp ứng các tiêu chí đánh giá an toàn sản xuất do thành phố ban hành và không phát sinh ca nhiễm trong 7 ngày qua. Người đến giao dịch tại doanh nghiệp phải có thẻ xanh, nếu thẻ vàng cần có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ. Định kỳ 5 ngày, nhà máy tổ chức xét nghiệm cho lao động và gửi kết quả về cơ quan chức năng. Về “Nơi ở xanh” được xác định là “vùng xanh” được địa phương công bố mà người lao động sống.

Ông Nguyễn Quyết Thắng, Bí thư huyện ủy Củ Chi cho biết: Việc khôi phục lại sản xuất là yêu cầu cấp bách, nhưng sản xuất cũng buộc phải an toàn; Trong đó, điều kiện tiên quyết là người dân và người lao động ở các doanh nghiệp tham gia sản xuất phải tiêm đủ 2 mũi vắc xin và thực hiện các biện pháp phòng dịch. Đến nay, huyện Củ Chi đã cơ bản hoàn thành tiêm vắc xin mũi 1 và hơn 30% mũi 2. Củ Chi đang đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin mũi 2 cho người dân, đặc biệt “chạy nước rút” để phủ vắc xin cho hàng chục ngàn lao động trong các KCN trên địa bàn.

Khu công nghiệp Tân Phú Trung nằm ở phía Tây Bắc TP. Hồ Chí Minh, được thành lập năm 2003 với diện tích 542ha, là khu công nghiệp có điều kiện thuận lợi bám mặt tiền Quốc lộ 22, thuộc xã Tân Phú Trung, Huyện Củ Chi. Phía Bắc giáp Tỉnh Tây Ninh, Phía Đông giáp Tỉnh Bình Dương, phía Tây giáp tỉnh Long An và phía Nam giáp Huyện Hóc Môn, thuộc vùng quy hoạch Khu đô thị Tây Bắc thành phố với diện tích 6.000ha. Đây được cho là KCN hội tụ đủ “thiên thời, địa lợi, nhân hoà” để các doanh nghiệp về đây sản xuất kinh doanh.

Bạn đang đọc bài viết Công nhân KCN Tân Phú Trung: May mắn khi còn được làm việc!. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Khai trương phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy
Tuyến phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy dài hơn 1km với hơn 100 ki ốt đa dạng chủng loại ngành hàng từ nhà hàng ẩm thực, đồ lưu niệm, đồ uống, ẩm thực đường phố... được trang trí bắt mắt nằm ngay trung tâm khu du lịch Bãi Cháy.
Khai mạc Lễ hội Tràng An năm 2024
Ngày 26/4, tại Danh thắng Tràng An, Lễ hội Tràng An năm 2024 đã chính thức được khai mạc. Đây là một trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.
Bài thơ: Tháng Tư này
Tháng Tư này còn gì để nhớ mong//Khi tình đã úa màu theo năm tháng//Kỷ niệm cũ vùi sâu miền dĩ vãng///Gợi làm gì thêm đau xót lòng nhau
Bài thơ: Áo lính về quê
Thỉnh thoảng con về thăm nhà///Thích mặc áo lính để mà nhớ xưa///Mẹ già trông nắng đợi mưa///Đọc trang sách cũ vẫn chưa rách lề