Thứ sáu, 03/05/2024 08:08 (GMT+7)

Đam Rông: Nhiều giải pháp an toàn trước các nguy cơ xảy ra cháy rừng

Lan Anh -  Thứ ba, 28/02/2023 15:19 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Để đảm bảo các diện tích rừng trên địa bàn được an toàn trước các nguy cơ xảy ra cháy rừng, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp nhằm chủ động phòng, chống cháy rừng.

Hiện nay, huyện Đam Rông nói riêng và tỉnh Lâm Đồng nói chung đang bước vào những tháng cao điểm của mùa khô năm 2023.

Cán bộ cùng người dân tham gia nhận khoán bảo vệ rừng tại Ban QLRPH Sêrêpốk tham gia tuần tra bảo vệ rừng
Cán bộ cùng người dân tham gia nhận khoán bảo vệ rừng tại Ban QLRPH Sêrêpốk tham gia tuần tra bảo vệ rừng

Theo ông Nguyễn Trường Giang, Phó Trưởng Ban Quản lý Rừng phòng hộ Phi Liêng, đơn vị đang được giao quản lý tổng diện tích đất lâm nghiệp là 11.902,50 ha; gồm có 17 tiểu khu, được phân bố trên địa bàn 2 xã Phi Liêng, Đạ K'nàng và 1 phần Tiểu khu 251, 236 xã Phúc Thọ - huyện Lâm Hà. Để thực hiện tốt công tác PCCCR mùa khô 2022 - 2023, đơn vị đã thành lập Ban Chỉ đạo PCCCR gồm 10 thành viên do đồng chí Phó Trưởng Ban phụ trách làm trưởng ban chỉ đạo, có nhiệm vụ điều hành, phân công các đồng chí phụ trách khu vực, tổng hợp đánh giá tình hình và báo cáo kịp thời diễn biến hàng ngày về cơ quan PCCCR cấp trên. Đồng thời, điều động lực lượng tại chỗ và huy động lực lượng hỗ trợ cho các khu vực khi có cháy lớn xảy ra.

Ông Nguyễn Trường Giang cho biết, nhằm bảo vệ rừng mùa hanh khô, đơn vị đã chỉ đạo cho các đơn vị tăng cường tổ chức tuần tra, canh gác; trong đó, mỗi cụm tiểu khu tùy theo diện tích rừng của cụm mình quản lý để bố trí lực lượng tuần tra canh gác 24/24h với mục đích phát hiện và xử lý kịp thời nếu có cháy rừng xảy ra. Hàng ngày, các đơn vị phải báo cáo diễn biến tình hình tại các khu vực về Ban Chỉ huy PCCCR để tổng hợp báo cáo về cơ quan PCCCR cấp trên vào lúc 16h mỗi ngày.

Ngoài ra, đơn vị đã tiến hành làm mới 10 lán canh lửa tạm thời; trong đó, tại xã Đạ K’nàng có 3 lán, xã Phi Liêng có 7 lán. Đơn vị cũng đã xây dựng lực lượng tại chỗ với nòng cốt là các hộ dân tham gia nhận khoán QLBVR gồm 263 hộ, chia thành 15 tổ có nhiệm vụ tham gia phòng cháy và chữa cháy khi có cháy lớn xảy ra. Ngoài ra, đơn vị còn phối hợp với lực lượng quân đội Kho K899, Đoàn Kinh tế Quốc phòng tỉnh Lâm Đồng, Ban CHQS huyện Đam Rông, Công an huyện Đam Rông cùng tham gia chữa cháy rừng khi có tình huống cấp bách xảy ra.

Tại Ban Quản lý Rừng phòng hộ Sêrêpốk, công tác PCCCR trong mùa khô 2023 cũng đang được đơn vị khẩn trương thực hiện với nhiều giải pháp cụ thể. Ông Nguyễn Thanh Phong - Phó Ban Quản lý Rừng phòng hộ Sêrêpốk cho biết: Hiện, đơn vị đang quản lý 50.966,2 ha rừng; trong đó, diện tích rừng phòng hộ là 21.914,4 ha, rừng sản xuất là 29.051,8 ha. Diện tích quản lý rừng của đơn vị trên địa bàn rộng, địa hình phức tạp, nhiều núi cao, sông suối hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn gây ra nhiều hạn chế trong công tác tổ chức trồng rừng và giao khoán QLBVR của đơn vị.

Để thực hiện tốt công tác PCCCR mùa khô 2022 - 2023 Ban QLRPH Sêrêpốk đã thành lập Ban Chỉ đạo PCCCR gồm 17 thành viên do đồng chí Trưởng ban đơn vị làm Trưởng Ban Chỉ đạo. Trong đó, 2 đồng chí Phó Ban Chỉ đạo được phân công trực tiếp theo dõi từng khu vực; khu vực 1 gồm các xã Rô Men, Đạ Long, Đạ Tông và Đạ M’rông; khu vực 2 gồm các xã Đạ R’sal, Liêng S’rônh. Ngoài ra, đơn vị đã làm mới 15 lán canh lửa tạm thời, xây mới 5 bảng nội quy xi măng để tuyên truyền phòng cháy, chữa cháy rừng. Đồng thời, xây dựng và hoàn thiện phương án thực hành chữa cháy rùng theo phương châm 4 tại chỗ gồm chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ.

Ông Nguyễn Hoàng Hà, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đam Rông cho biết: Trong thời gian qua, bên cạnh công tác tuần tra bảo vệ rừng, các cấp, ngành của huyện Đam Rông đã đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân trong bảo vệ, và PCCCR. Trong đó, các đơn vị chủ rừng đã tích cực tổ chức, phối hợp cùng chính quyền địa phương các xã, thôn, bản và kiểm lâm địa bàn tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức về các quy định của pháp luật về PCCCR, cũng như sự nguy hiểm của việc đốt rơm rạ, đốt dọn thực bì, phát nương làm rẫy dẫn đến nguy cơ cháy rừng; thông tin, hướng dẫn biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng, chống chặt phá rừng; hướng dẫn và giám sát chặt chẽ việc đốt rẫy và sử dụng lửa gần rừng để không gây cháy rừng.

 UBND huyện Đam Rông cũng đã thành lập các đoàn liên ngành tăng cường kiểm tra, thực hiện nghiêm túc phương án bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng. Tăng cường lực lượng tổ chức chốt trạm ở cửa rừng và thường trực tại khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao để kiểm soát người vào rừng; tuần tra, kiểm soát, kiên quyết không cho những đối tượng không có phận sự vào rừng trong thời kỳ cao điểm của mùa khô. Đồng thời, các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, truy quét và ngăn chặn các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ và phát triển rừng. Xử lý nghiêm minh các đối tượng vi phạm, các chủ rừng và cán bộ thiếu tinh thần trách nhiệm để giáo dục, răn đe phòng ngừa chung.

Hiện các cấp, ngành chức năng của huyện Đam Rông đã bố trí lực lượng, phương tiện, trang thiết bị phù hợp tại các vùng trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao để xử lý tình huống kịp thời, tại chỗ, không để xảy ra cháy và cháy lớn; bố trí lực lượng thường trực để chủ động ngăn chặn các vụ phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật; rà soát phân loại đối tượng vi phạm, đặc biệt là các đầu nậu, chủ đường dây buôn bán lâm sản trái pháp luật để có phương án ngăn chặn./.

Bạn đang đọc bài viết Đam Rông: Nhiều giải pháp an toàn trước các nguy cơ xảy ra cháy rừng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Đội phản ứng nhanh về vệ sinh môi trường
Biệt danh ấy được anh em trong công ty gọi thân mật như đã nêu bật sự năng động, trách nhiệm trong công việc; có việc là lên đường bất kể thời tiết… của các thành viên Tổ xe 2 thuộc Chi nhánh Đống Đa, Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội.