Thứ tư, 08/05/2024 03:56 (GMT+7)

Dạy thêm cũng có ba, bảy đường

TS.LS Đồng Xuân Thụ -  Thứ sáu, 28/10/2022 10:40 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Lúc đầu chỉ là phụ đạo cho học sinh các lớp cuối cấp để đối phó với kỳ thi chuyển cấp.Về sau, tất cả các lớp từ 1 đến 12 đều dạy thêm, học thêm. Dư luận xã hội từ lâu đã rất bất bình.

Khoảng mươi, mười lăm năm trở lại đây, trong các trường phổ thông ở các thành phố lớn xuất hiện một hiện tượng tiêu cực nhiều hơn tích cực, dở nhiều hơn hay, có chiều hướng ngày càng “nở rộ”, mặc dù ngành giáo dục đã ra sức ngăn cản với rất nhiều văn bản chỉ thị. Nhưng càng ngăn thì lại càng phát triển rầm rộ hơn. Lúc đầu chỉ ở thành phố. Về sau lan cả về nông thôn. Đó là dạy thêm, học thêm (DTHT).

Lúc đầu chỉ là phụ đạo cho học sinh các lớp cuối cấp để đối phó với kỳ thi chuyển cấp.Về sau, tất cả các lớp từ 1 đến 12 đều DTHT. Dư luận xã hội từ lâu đã rất bất bình. Sự việc từng được đưa ra ở cả những kỳ họp quốc hội. Ngành giáo dục từng đã phối hợp với chính quyền, công an địa phương truy bắt, lập biên bản không ít giáo viên tổ chức dạy “chui”. Nhưng chỉ được ít ngày “ngưng nghỉ” rồi đâu lại vào đó, “phong trào tạm lắng, phong trào lại lên”. Cho nên xã hội gọi DTHT là “vấn nạn”. Qua mấy đời Bộ trưởng, lại làm nhiều kỳ mà chuyện này vẫn không được khắc phục. Rõ ràng là đã hoàn toàn bất lực !

tm-img-alt
Vòng xoáy học thêm đang khiến cho học trò mất đi tuổi thơ của mình.(Ảnh minh họa: Báo LĐ)

Có lẽ cần có chủ trương như sau: Vị nào chuẩn bị ngồi vào ghế Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo, cần hứa với quốc dân đồng bào rằng phải chấm dứt được nạn DTHT tràn lan và nạn lạm thu trong các trường công lập ngay trong niên học vị đó nhậm chức. Tất nhiên, nếu thất hứa thì xin tự động từ chức.

Hẳn nhiên, DTHT như kiểu hiện nay là không thể chấp nhận. Bởi không xuất phát từ lợi ích của HS mà chỉ từ nhu cầu tăng thu nhập, tức làm tiền của người dạy. HS giỏi cũng phải học thêm. Người dạy đã dạy trước chương trình. Và lắm chiêu trò được người dạy sử dụng để hợp pháp hóa việc dạy thêm. Trước hết là trò gần như bắt ép phụ huynh “tình nguyện” làm đơn xin học. Ai không “xin”, con em họ sẽ lãnh đủ hậu quả!

Đó là một mặt của vấn đề - mặt rất tiêu cực, không thể chấp nhận. Không cần phải bàn thêm. Cần bằng mọi giá triệt tiêu mặt này. Nhưng qua thực tế lại hé lộ một mặt thứ hai mà ít người nhìn thấy. Những người có trách nhiệm cao nhất của ngành giáo dục cũng không nhìn thấy.

Đó là có một số lượng không nhỏ HS có sức học đuối, rất cần học thêm để lấp đi những lỗ hổng chúng bị mất từ các lớp dưới. Và phụ huynh những trò này rất cần con em họ học thêm. Người viết bài này từng chứng kiến tận mắt nhiều phụ huynh đến gặp, gần như năn nỉ một giáo viên nọ dạy thêm cho con họ. Em học sinh đó lại không học cô ở trường mà học ở trường khác. Em này đã không học thêm cô giáo dạy em ở lớp, vừa gần nhà, vừa cho “an toàn” mà  đến “gõ cửa” cô, ở xa nhà em. Đó là một nữ giáo viên không muốn dạy thêm do không muốn mang tiếng, và không có nhu cầu kiếm tiền bằng dạy thêm. Nhưng mẹ của em học sinh năn nỉ mãi, cô nể mà nhận lời. Đây là một cô giáo dạy giỏi có tiếng, rất được học sinh và phụ huynh quý trọng. Học sinh của cô năm nào thi chuyển cấp cũng đạt tỷ lệ rất cao, không ai bị trượt. Vậy nên cô lại càng có uy tín. Tiếng lành đồn xa. Học sinh các xã khác ở cách nhà cô dăm, bảy cây số cũng đến xin học cô. Không vì thế mà cô thu học phí cao. Nhiều em có hoàn cảnh khó khăn, lại hiếu học, cô còn không thu tiền.

Một trường hợp thứ hai tôi biết rõ. Cô giáo này là giáo viên THCS, viết chữ rất đẹp. Cô có biệt tài luyện chữ cho các em học sinh tiểu học. Ngày nay, không hiểu sao học sinh viết chữ rất xấu, không nguệch ngoạc như gà bới thì to như hột ngô, xiêu vẹo, có dòng kẻ mà lên xuống ngoằn ngoèo. Phụ huynh cũng đến tha thiết xin cô luyện chữ cho con họ. Chẳng những chỉ HS tiểu học mà nhiều em THCS cũng đến luyện chữ nơi cô.

Hai trường hợp trên thì sao đây? Nếu kiểu DTHT tràn lan tiêu cực thì người dạy cần người học, còn người học thì bản chất là bị bắt ép phải học. Do đó mà phụ huynh oán, coi thường người dạy. Ngược lại, với hai trường hợp vừa nêu, thì người học rất cần người dạy. Họ quý, nể tài năng, uy tín của người dạy.

Có một sự thật khác: Không thiếu những giáo viên đã nghỉ hưu. Họ vốn là những người có nghề dạy học vững vàng, lại cả đời tâm huyết với nghề. Nghỉ hưu, họ vẫn còn sức khỏe, lại nhớ môi trường, nhớ công việc. Họ từng là những người thày luyện thi rất giỏi, học trò của họ luôn đỗ cao. Nay nhiều trò vẫn muốn tìm đến họ để thụ giáo. Trường hợp này thì sao đây? Nếu họ mở lớp dạy thì có bị coi lả vi phạm điều ngành giáo dục đang cấm kỵ không? Sẽ thật vô lý khi bất cứ ai giỏi nghề cũng có thể cải thiện cuộc sống bẳng chính nghề của mình mà giáo viên thì lại không được?

Rõ là dạy thêm cũng có ba, bảy đường. Đường nào xấu, có hại thì phải kiên quyết phá bỏ triệt để. Còn đường nào tốt, có lợi cho học sinh thì phải mở rộng thêm và khuyến khích mọi người đi. Không ai ngoài lãnh đạo các trường, cao hơn là lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo phải biêt rõ điều này. Ở trường mình, giáo viên nào rất bình thường mà tổ chức cho học sinh của họ học thêm tại nhà và giáo viên nào giỏi, dạy thêm nhưng đối tượng không là học sinh của họ mà là ở các nơi khác, Ban giám hiệu hẳn phải biết.

Thế thì không có lý do gì lại không dẹp được nạn DTHT tiêu cực. Vấn đề là họ có dám thẳng tay làm không mà thôi. Muốn làm được điều này thì họ phải là tấm gương sáng cho các giáo viên noi theo. Không đạt được, sao dám làm?

Gương của lãnh đạo nhà trường lại là vấn đề khác, vượt ra khỏi khuôn khổ nội dung đang bàn ở đây.

Ba, bảy đường của việc DTHT là như thế. Lẽ nào có thể đánh đồng?

Bạn đang đọc bài viết Dạy thêm cũng có ba, bảy đường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nam: Chung tay phòng, chống đuối nước ở trẻ em trong dịp hè
Hà Nam là địa bàn có hệ thống sông, hồ, ao, đầm dày đặc, đây là một trong những nguy cơ cao tiềm ẩn tai nạn về đuối nước cho trẻ em và thanh thiếu niên. Phòng, chống đuối nước sẽ là cơ sở góp phần giảm thiểu những tai nạn do đuối nước trên địa bàn
Học sinh Sơn La phải nghỉ học do trường ngập nước
Mưa lớn từ chiều 5 đến sáng 6/5 đã gây ngập úng khuôn viên Trường THCS xã Tạ Khoa (Bắc Yên, Sơn La). Trước ảnh hưởng của thời tiết, nhà trường đã cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn khi xảy ra mưa lũ kéo dài.
“Trường học xanh” - Mô hình giáo dục hiệu quả
"Xây dựng mô hình “Trường học xanh” từ cổng trường, khuôn viên đến bên trong nơi làm việc, phòng học... tạo nên một tổng thể không gian làm việc thoải mái, thân thiện, trong lành, hoà cùng thiên nhiên và mang lại hiệu quả giáo dục tốt nhất”.
Lào: Cho phép học sinh nghỉ học nếu nền nhiệt quá cao
Theo phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn, trước tình trạng nắng nóng kéo dài với nền nhiệt cao kỷ lục trên 40 độ C, Bộ Giáo dục và Thể thao Lào vừa chỉ đạo các nhà quản lý trường học trên cả nước xem xét cho học sinh nghỉ học nếu cần thiết.

Tin mới