Chủ nhật, 28/04/2024 01:55 (GMT+7)

Định hướng phát triển Kinh tế - Xã hội vùng trung du và vùng núi Bắc Bộ

PGS.TS Trần Quốc Toản -  Thứ năm, 04/01/2024 07:21 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nhà nước cần quan tâm đẩy mạnh đổi mới, hoàn thiện nội dung, chương trình, phương thức, cơ chế, chính sách đào tạo nghề cho người lao động phù hợp với điều kiện và yêu cầu phát triển của vùng.

I. KHÁI QUÁT NHỮNG ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN, KINH TẾ - XÃ HỘI VÙNG TRUNG DU VÀ VÙNG NÚI BẮC BỘ

1. Vùng trung du và miền núi phía bắc (14 tỉnh), bao gồm tiểu vùng Đông Bắc (10 tỉnh là Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Giang, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang) và Tiểu vùng Tây Bắc (gồm 4 tỉnh là Hòa Bình, Sơn La, Điên Biên, Lai Châu); với tổng diện tích toàn vùng khoảng 116.898km2, chiếm 35% diện tích tự nhiên của cả nước, có nhiều tài nguyên, khoáng sản quý hiếm; có hơn 30 dân tộc anh em đang sinh sống, với dân số toàn vùng 14,7 triệu người, chiếm khoảng 15,2% dân số cả nước; nhân dân trong vùng đoàn kết, cần cù lao động, giàu truyền thống yêu nước và cách mạng.

2. Đây là một địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước; cửa ngõ phía Tây và phía Bắc của quốc gia. Là vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển với nhiều loại tài nguyên, khoáng sản quý, hiếm, và diện tích đồi rừng rộng lớn, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp và nhiều di sản văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số để phát triển du lịch và bảo vệ môi trường sinh thái của cả vùng Bắc Bộ.

3. Tuy nhiên, điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội cũng có nhiều khó khăn, trở ngại, thách thức:

- Đồi núi cao, hiểm trở, phát triển giao thông gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi đầu tư lớn. Dó đó, phát triển liên kết vùng gặp nhiều khó khăn; việc thu hút đầu tư phát triển các khu công nghiệp, dịch vụ lớn gặp nhiều trở ngại.

- Diện tích đất để phát triển nông nghiệp hàng hóa lớn ít (ít có vùng đồng bằng để sản xuất lương thực hàng hóa lớn); chủ yếu là đất lâm nghiệp, đất rừng, nhưng cũng bị tàn phá nhiều, giá trị kinh tế không cao.

- Tỷ lệ dân số thuộc đồng bào dân tộc thiểu số cao, trình độ văn hóa, trình độ sản xuất kinh doanh nhìn chung còn thấp, lại sống chủ yếu ở các vùng núi cao, vùng sâu, vùng xa, điều kiện phát triển có nhiều khó khăn.

- Điều kiện, trình độ và môi trường phát triển của các tỉnh có sự chênh lệch nhau khá nhiều.

tm-img-alt
Cần có sự điều chỉnh trong xây dựng chính sách để đánh thức tiềm năng lợi thế vùng TD&MNPB. Ảnh: ITN

II. THỰC TRẠNG VÀ MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

  1. Thực trạng

Vùng Trung du và miền núi Bắc bộ có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, môi trường sinh thái, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Đây là vùng “phên dậu” của Tổ quốc, là an toàn khu, “cái nôi” của cách mạng Việt Nam; là vùng có nhiều tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên đa dạng và phong phú; có nhiều di sản văn hoá đặc sắc, nhất là của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Trong quá trình đổi mới, nhất là sau khi có Nghị quyết của Bộ Chính trị khóa X (2006) về số 37-NQ/TW về "Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Trung du và miền núi bắc bộ đến năm 2020", Đảng, Nhà nước và các địa phương trong vùng đã tập trung đầu tư phát triển toàn diện các lĩnh vực. Qua 17 năm thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW, hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, được quan tâm đầu tư phát triển, đã cải thiện đáng kể sự kết nối giữa các tỉnh trong vùng và giữa vùng với cả nước.

Kinh tế vùng tăng trưởng khá; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, trong đó phát triển thủy điện, kinh tế cửa khẩu và du lịch trở thành những ngành kinh tế quan trọng. Phát triển văn hoá, xã hội, giáo dục và đào tạo, chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số đạt được nhiều tiến bộ. Phát triển kinh tế - xã hội được kết hợp chặt chẽ với tăng cường quốc phòng, an ninh, nhất là an ninh biên giới và các địa bàn trọng yếu. Một số địa phương đã có những mô hình phát triển phù hợp, hiệu quả, tạo sự phát triển bứt phá, thành những điểm sáng trong vùng và cả nước.

Diện mạo của vùng đã có nhiều thay đổi, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao, nhất là đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số được cải thiện đáng kể. Một số địa phương đã có sự phát triển bứt phá, tạo nên những điểm sáng trong vùng và cả nước.

Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW, Bộ Chính trị chỉ rõ: Bên cạnh những kết quả, thành tích đã đạt được, vùng trung du và miền núi Bắc Bộ cũng còn không ít hạn chế, yếu kém. Tiềm năng, lợi thế của vùng vẫn chưa được khai thác hợp lý và phát huy hiệu quả để trở thành nguồn nội lực quan trọng cho phát triển nhanh - bền vững. Trung du và miền núi Bắc Bộ vẫn là "vùng trũng" trong phát triển và là "lõi nghèo" của cả nước.

Mối quan hệ hợp tác, kết nối, liên kết giữa các địa phương trong vùng, và với ngoài vùng, với các tỉnh của Lào và Trung Quốc nhìn chung còn hạn chế; phát triển kinh tế vùng vẫn còn là “phép cộng cơ học của các địa phương, chưa mang dấu ấn vùng”. Quy mô kinh tế còn nhỏ; tăng trưởng kinh tế chưa bền vùng, chất lượng chưa cao. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nội ngành và giữa các ngành còn chậm.

Các địa phương trong vùng đều chưa cân đối được ngân sách. Phát triển văn hóa-xã hội vẫn còn nhiều bất cập. Chất lượng giáo dục và đào tạo ở một số địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu. Tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp hơn mức trung bình của cả nước. Một số chỉ số về chăm sóc sức khoẻ nhân dân còn ở mức thấp. Tỷ lệ hộ nghèo còn cao, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; kết quả giảm nghèo chưa bền vùng. Một số phong tục, tập quán, hủ tục lạc hậu còn tồn tại. Tình hình an ninh, trật tự trên một số lĩnh vực, tại một số địa bàn chưa thực sự vùng chắc…

tm-img-alt
Ảnh minh họa. IT

Nhìn tổng thể, khoảng cách về trình độ phát triển và thu nhập bình quân đầu người trong vùng so với bình quân cả nước tiếp tục gia tăng. Theo Tổng cục Thống kê, trong năm 2021, vùng Trung du và miền núi phía Bắc vẫn là vùng nghèo nhất, có thu nhập bình quân đầu người thấp nhất của cả nước - chỉ 2.837 nghìn đồng/người/tháng (trong khi bình quân chung của cả nước là 4.205 nghìn đồng; của Tây Nguyên - 2.856 nghìn đồng; của Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trrung - 3.493 nghìn đồng; của Đồng bằng sông Cửu Long - 3.713 nghìn đồng; của Đòng bằng sông Hồng - 5.026 nghìn đồng; của Đông Nam Bộ - 5.794 nghìn đồng). Đồng thời, đây cũng là vùng có Hệ số GINI (bất bình đẳng theo thu nhập) cao nhất - 0,428 (hệ số GINI trung bình của Việt Nam năm 2021 là 0,374).

Nghị quyết số 11-NQ/TW (ngày 10 tháng 02 năm 2022 của Bộ Chính trị Về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045) đã thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong phát triển vùng, trong đó nhấn mạnh nguyên nhân chủ quan là chủ yếu: "Tư duy về phát triển chậm được đổi mới, nhất là về liên kết vùng. Cơ chế, chính sách và việc thực thi chính sách cho phát triển vùng còn bất cập, hạn chế, chưa theo kịp đòi hỏi của thực tế, còn chồng chéo, chủ yếu mang tính hỗ trợ, chưa chú trọng kích thích phát triển. Quy hoạch vùng và quy hoạch từng địa phương trong vùng chất lượng còn thấp, thiếu sự liên kết, đồng bộ, thống nhất, thầm chí mẫu thuẫn, chồng chéo giữa các quy hoạch. Cơ cấu đầu tư chưa hợp lý, dàn trải, hiệu quả sử dụng chưa cao. Quản trị phát triển vùng còn nhiều bất cập. Năng lực của bộ máy quản lý nhà nước ở một số nơi còn hạn chế. Chất lượng nguồn nhân lực chưa cao. Phân cấp, phân quyền cho các địa phương chưa thực sự triệt để. Thiếu thể chế điều phối và kết nối phát triển vùng, nhất là trong việc quản lý và xử lý những vấn đề mang tính toàn vùng".

  1. Mục tiêu phát triển

Trong Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị, sau đó là Nghị quyết số

96/NQ-CP ngày 01/8/2023 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW, đã nêu lên những mục tiêu phát triển quan trọng đối với Vùng đến 2030, và tầm nhìn đến 2045:

(1) - Đến năm 2030, vùng trung du và miền núi phía Bắc là vùng phát triển xanh, bền vững và toàn diện: Phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo và năng lượng; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ, đặc sản; kinh tế cửa khẩu, du lịch; bảo vệ, khôi phục rừng, nhất là rừng đầu nguồn; đẩy mạnh trồng rừng, phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững; khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên, khoáng sản; bảo vệ môi trường, an ninh sinh thái và an ninh nguồn nước. Một số tỉnh nằm trong nhóm các tỉnh phát triển khá của cả nước; bản sắc văn hóa các dân tộc được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện và nâng cao; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc; tổ chức đảng và hệ thống chính trị vững mạnh; khối đại đoàn kết các dân tộc được tăng cường. Phấn đấu đạt một số chỉ tiêu phát triển quan trọng:

- Trong giai đoạn 2021 - 2030, tăng trưởng GRDP vùng đạt 8,0 - 9,0%/năm; đến năm 2030, quy mô kinh tế vùng đạt khoảng 2.100 nghìn tỷ đồng (giá hiện hành), trong đó nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 12 - 13%, công nghiệp - xây dựng chiếm 45 - 46%, dịch vụ chiếm 37 - 38%; GRDP bình quân đầu người đạt 140 triệu đồng/người/năm (giá hiện hành).

- Tỉ lệ đô thị hóa đạt khoảng 40%; có 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 30% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; mỗi tỉnh có ít nhất 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

- Tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 65 - 70%; có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35 - 40%; tỉ lệ nghèo đa chiều giảm 2 - 3%/năm. Tỉ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 95% dân số.

- Tỉ lệ che chủ rừng đạt khoảng 54 - 55%. Tỉ lệ dân số đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 95 - 100%, tỉ lệ dân số nông thôn sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn là 93 - 95%. Tỉ lệ thu gom, xử lý chất thải nguy hại, chất thải y tế đạt 90%; chất thải rắn đô thị đạt 100%. 100% khu công nghiệp, cụm công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn.

tm-img-alt
Ảnh minh họa. IT

(2). Tầm nhìn đến năm 2045: Vùng trung du và miền núi phía Bắc là vùng phát triển xanh, bền vững và toàn diện; là hình mẫu phát triển xanh của cả nước, trong đó có khoảng 50% số tỉnh nằm trong nhóm các tỉnh phát triển khá trong cả nước; bản sắc văn hóa các dân tộc được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc; tổ chức đảng và hệ thống chính trị vững mạnh; khối đại đoàn kết các dân tộc được tăng cường.

Đây là mục tiêu phát triển thể hiện khát vọng của Đảng, Nhà nước, nhất là của nhân dân các dân tộc ở Vùng này, cũng là mong mỏi của nhân dân cả nước.

III. NHỮNG ĐỊNH HƯỚNG CHỦ YẾU PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÙNG TRUNG DU VÀ VÙNG NÚI BẮC BỘ

Để đạt được các mục tiêu khát vọng phát triển Vùng nêu trong Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chính phủ, cần phải thực hiện đồng bộ các chủ trương, cơ chế, chính sách đã được nêu trong các Nghị quyết. Xin nêu một số giải pháp chủ yếu mang tính định hướng sau:

1 - Cần có tư duy và cách tiếp cận phát triển mới đối với vùng. Trên cơ sở đánh giá đầy đủ, sâu sắc điều kiện, tiềm năng, lợi thế, hạn chế của Vùng và của từng tỉnh để xác định rõ định hướng chiến lược phát triển theo chiều sâu, phát triển xanh, dựa chủ yếu vào khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, phù hợp với điều kiện của vùng và với bước đi thích hợp; gắn liền với thực hiện chiến lược khai thác, sử dụng tài nguyên đất đai, khoáng sản, nước và các nguồn lực khác từng bước theo chiều sâu; hạn chế tối đa việc khai thác, sử dụng tài nguyên theo chiều rộng.

Các chiến lược và quy hoạch phát triển phải thể hiện được yêu cầu phát huy cao nội lực của mỗi tỉnh, gắn với liên kết nội vùng, liên kết ngoại vùng và liên kết quốc tế; hình thành các hành lang kinh tế, các vùng động lực, các cực tăng trưởng; phát triển các chuỗi ngành kinh tế, vùng đô thị và công nghiệp, nhằm tạo sự bứt phá cho toàn vùng.

Do điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội đặc thù của vùng, cần nghiên cứu mô hình đô thị hóa, kết nối nông thôn - thành thị phù hợp, hiệu quả; không nên xây dựng các khu đô thị tập trung quá lớn, mà nên xây dựng nhiều các trung tâm đô thị nhỏ, thị trấn vệ tinh kết nối với nhau, kết nối với các khu công nghiệp, dịch vụ; kết nối phát triển đô thị với nông thôn theo quan điểm phát triển bao trùm, thúc đẩy phát triển ngành nghề phi nông nghiệp ở nông thôn.

2 - Đặt trọng tâm hàng đầu cho đầu tư phát triển hệ thống kết câu hạ tầng kinh tế - xã hội, trước hết là giao thông, trong đó ưu tiên đầu tư phát triển giao thông kết nối giữa các tỉnh, giữa các vùng sản xuất hàng hóa, liên thông thuận lợi với hệ thống giao thông của cả nước và quốc tế. Do nguồn lực đầu tư của Nhà nước và của Vùng còn hạn chế, nên định hướng đầu tư phát triển giao thông cần gắn với phát huy hiện quả phát triển kinh tế - xã hội của từng giai đoạn, tạo cơ sở cho phát triển dài hạn.

3 - Trên cơ sở đánh giá đúng thực trang, xây dựng chiến lược và lộ trình tái cơ cấu kinh tế của từng tỉnh và của cả vùng theo quan điểm liên kết phát triển vùng, nhằm phát huy lợi thế của từng tỉnh gắn với lợi thế của cả vùng; khắc phục tình trạng mỗi tỉnh xây dựng một cơ cấu kinh tế biệt lập. Do điều kiện cụ thể của Vùng, trọng tâm của chuyển dịch cơ cấu kinh tế của vùng và của từng tỉnh là phát triển nông nghiệp hàng hóa theo chiều sâu với phát triển công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản, nâng cao giá trị gia tăng của nông nghiệp.

Đây là vấn đề quan trọng đối với vùng, dù tỷ trọng giá trị nông nghiệp trong GRDP của vùng và của từng tỉnh sẽ giảm dần, nhưng do là vùng tỷ trọng dân số và hộ nông dân, nông thôn còn cao, điều kiện sản xuất nông nghiệp có nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao (có huyện trên 50%)[1]. Do đó việc nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp gắn với công nghiệp chế biến sẽ là cơ sở quan trọng để nâng cao và đảm bảo đời sống ổn định cho nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số, là nền tảng đảm bảo cho sự phát triển bền vững cả về kinh tế và xã hội. Đồng thời gắn với quy hoạch phát triển các khu công nghiệp, dịch vụ theo hướng hiện đại, phù hợp tiềm năng và lợi thế của từng tỉnh, của cả vùng, tạo động lực chủ đạo cho sự phát triển.

4 - Cần nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện các cơ chế, chính sách đầu tư phát triển đặc thùđối với vùng (về đất đai, thuế, sử dụng nhân lực…), để khuyền khích thu hút các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đầu tư vào phát triển ở các tỉnh trong Vùng, nhất là các dự án mang tính liên kết vùng.

5 - Cần tiếp tục nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn để xây dựng các mô hình sản xuất kinh doanh phù hợp với điều kiện tự nhiên và trình độ phát triển của các tỉnh trong vùng. Nhìn nhận một cách tổng quát, lực lượng sản xuất trong vùng còn ở trình độ tương đối thấp. Trong lĩnh vực nông nghiệp, lực lượng hộ dân vẫn chiếm tỷ trọng đa số lớn; nhưng rình độ công nghệ canh tác, sản xuất của đa số các hộ nông dân (nhất là có ứng dụng công nghệ cao) nhìn chung còn thấp, số đơn vị ứng dụng công nghệ cao chưa nhiều; có những nơi vẫn canh tác theo phương thức tự nhiên (chiếc gậy chỉa lỗ tra hạt).

Hiện nay, trên bình diện chung trong vùng, có sự phân tầng thành các loại hộ khác nhau sau đây: i) - Hộ sản xuất tự nhiên - cung tự cấp; ii) - Hộ sản xuất hàng hoá nhỏ; iii) - Hộ sản xuất hàng hóa là chủ yếu; iv) - Hộ sản xuất hàng hoá hoàn toàn. Trên thực tế, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, số hộ ở nhóm i) và ii) đang còn chiếm đa số; số hộ ở nhóm iii) và iv) đang gia tăng, song chậm và ít. Cần có các cơ chế, chính sách và giải pháp phát triển phù hơn với từng nhóm hộ và điều kiện của từng vùng, từng lĩnh vực.

Đối với nhóm hộ i), là những hộ sản xuất còn mang nặng tính tự nhiên, tự cung, tự cấp là chủ yếu; định hướng phát triển và mục tiêu hàng đầu là đảm bảo mức sống tối thiểu để vươn lên thoát nghèo bền vững với giải pháp trọng tâm là nâng cao trình độ kinh tế hộ, nâng cao năng lực nội sinh và năng lực sản xuất kinh doanh. Theo đó, cần tiếp tục hỗ trợ để nâng cao mức sống, đồng thời và quan trọng hơn là thực hiện giải pháp đào tạo nghề, kỹ thuật sản xuất, phát triển sinh kế gắn với phát triển điều kiện sản xuất, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Ở những nơi đủ điều kiện có thể hướng dẫn hộ nông dân đi vào sản xuất hàng hóa với sự hỗ trợ trực tiếp của nhà nước, cộng đồng, hoặc các đơn vị trực tiếp đầu tư.

Đối với nhóm hộ ii), đây là những hộ đang ở trình độ sản xuất tự cung tự cấp gắn với sản xuất hàng hóa nhỏ; nhóm này đang chiếm tỷ trọng lớn nhất. Với nhóm hộ này, cần tập trung nâng cao trình độ và trạng thái kinh tế hộ, tạo điều kiện để họ vượt qua được ngưỡng tái sản xuất giản đơn để đi vào sản xuất hàng hóa thông qua quá trình tăng quy mô canh tác của hộ và chuyển lao động sang phát triển ngành nghề phi nông.

Đây là quá trình không đơn giản, nhất là ở vùng công nghiệp và dịch vụ chưa phát triển. Cùng với thực hiện chính sách và giải pháp phát triển ngành nghề phi nông, cần có các cơ chế, chính sách phù hợp để thúc đẩy quá trình tích tụ, tâp trung ruộng đất với quy mô cần thiết cho phát triển nông sản hàng hóa. Tổ chức, hoàn thiện hệ thống dịch vụ chế biến và tiêu thụ nông sản, đồng thời hướng dẫn và hỗ trợ thành lập các mô hình HTX và những hình thức liên kết sản xuất kinh doanh phù hợp với trình độ và quy mô sản xuất hàng hóa. Ở những nơi điều kiện thị trường cho phép, hỗ trợ hộ nông dân tham gia vào chuỗi sản xuất hàng hóa nông sản chất lượng cao.

Đối với nhóm hộ iii) và iv), là những hộ đã đi vào sản xuất nông sản hàng hóa ở mức độ cao hơn; cần tiếp tục nâng cao quy mô, hiệu quả và chất lượng sản xuất kinh doanh, hình thành vùng chuyên sản xuất nông sản hàng hóa đủ sức tham gia vào chuỗi giá trị quốc gia và toàn cầu. Nhà nước cần hoàn thiện chính sách, hướng dẫn và hỗ trợ đẩy mạnh hình thức liên kết sản xuất kinh doanh gắn các đơn vị chế biến, cung cấp dịch vụ và doanh nghiệp thương mại với hộ nông dân và HTX nông nghiệp.

Đẩy mạnh phát triển các ngành nghề, dịch vụ phi nông nghiệp ở nông thôn, thực hiện có hiệu quả chủ trương “ly nông bất ly hương” để nâng cao năng lực tổng hợp của nông dân - nông thôn.

Đồng thời, sự cất cánh mạnh chỉ có thể đạt được nếu đẩy mạnh quá trình nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong vùng (nghiên cứu lựa chọn những lĩnh vực phù hợp). Đây là động lực chủ yếu thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của vùng theo hướng hiện đại.

6 - Đẩy mạnh phát triển đa dạng, phù hợp, hiệu quả các hình thức kinh tế hợp tác, hợp tác xã trong các lĩnh vực, ngành hàng, chuỗi sản xuất kinh doanh

 Đẩy mạnh đổi mới và phát triển các mô hình HTX trong định hướng chuyển thể chể phát triển nông nghiệp từ chiều rộng sang chiều sâu, phù hợp với điều kiện của từng vùng, lĩnh vực và sản phẩm; gắn với hình thành những liên kết hiệu quả và bền vững giữa hộ nông dân với doanh nghiệp, theo hướng có trách nhiệm, đảm bảo lợi ích và chia sẻ rủi ro. Hình thành các mô hình phù hợp với điều kiện đa dạng, đa tầng của trình độ kinh tế ở mỗi vùng, miền, lĩnh vực và sản phẩm, nhằm hình thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn, các chuỗi sản xuất kinh doanh và tham gia vào chuỗi giá trị nông sản toàn cầu; tạo sự liên kết bền vững giữa các chủ thể trong quá trình sản xuất hàng hóa hiện đại và hội nhập.

Cùng với phát triển hệ thống doanh nghiệp trong công nghiệp và dịch vụ, cần đẩy mạnh phát triển đồng bộ hệ thống doanh nghiệp trong nông nghiệp, làm nhân tố trung tâm - chủ lực liên kết với các hợp tác xã và kinh tế hộ nông dân trong phát triển nền nông nghiệp hiện đại và xây dựng nông thôn mới. Cần hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, nhất là chính sách đầu tư, chính sách thuế, tín dụng, chính sách đất đai, chính sách phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ cao…phù hợp với đặc điểm và điều kiện phát triển của vùng, để thúc đẩy phát triển nhanh hệ thống doanh nghiệp trong nông nghiệp - nông thôn, nhất là các doanh nghiệp công nghệ cao, gắn kết hữu cơ với sự phát triển của kinh tế hộ nông dân và hệ thống HTX, tạo thành hệ sinh thái phát triển nông nghiệp công nghệ cao, hiệu quả bền vững.

7 - Đổi mới và hoàn thiện cơ chế chính sách đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học - công nghệ tạo động lực phát triển theo chiều sâu, nhanh - bền vững trong các lĩnh vực của vùng.

Do điều kiện tự nhiên, nguồn tài nguyên khoáng sản, trình độ nguồn nhân lực của vùng có nhiều hạn chế, để phát triển nhanh, đòi hỏi phải dựa vào phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp chế biến, phù hợp với diều kiện của vùng.

tm-img-alt
Ảnh minh họa. IT

Trên cơ sở đó đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang phát triển theo chiều sâu, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Đây là con đường chủ yếu để nâng cao năng lực – nội lực của vùng. Phát triển và ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp phải được coi là khâu then chốt trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Chỉ có dựa vào khoa học - công nghệ và áp dụng các mô hình sản xuất kinh doanh tiên tiến mới khai thác và tận dụng được các cơ hội, các lợi thế - chuyển hóa thành lợi thế cạnh tranh của.

Điều quan trọng là phải xây dựng được cơ chế liên kết có hiệu quả giữa đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ với quá trình sản xuất kinh doanh, trước hết trong các ngành hàng và sản phẩm chủ lực, mũi nhọn. Cơ chế này có thể được thực hiện thông qua triển khai các Chương trình mục tiêu phát triển của vùng (liên kết giữa các tỉnh), qua xây dựng cơ chế liên kết tự nguyện giữa các cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu với các đơn vị sản xuất kinh doanh, các HTX, các hộ nông dân trong từng lĩnh vực. Trọng tâm là phải xây dựng được cơ chế liên kếtđồng bộvề trách nhiệm, quyền hạn, nghĩa vụ, lợi ích, và chia sẻ rủi ro giữa các bên tham gia; đảm bảo lợi ích xứng đángvà hài hòacho các nhà khoa họcvà các chủ thể liên quan; gắn với đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử.

Cần đổi mới cơ cấu tổ chức và cơ chế hoạt động của các đơn vị khoa học - công nghệ theo hướng có sự liên kết theo các chuỗi sản xuất, gắn với các doanh nghiệp, các HTX và với các hộ nông dân, nhất là ở các vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung, quy mô lớn. Xây dựng và phát triển có hiệu quả các doanh nghiệp khoa học - công nghệ, các khu nông nghiệp công nghệ cao phù hợp với điều kiện của từng vùng và từng lĩnh vực, gắn với thị trường ổn định. Cùng với việc hoàn thiện cơ sở pháp lý thúc đẩy quá trình này, Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ đầu tư và các chính sách ưu đãi phù hợp.

8 - Hoàn thiện cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển môi trường sinh thái bền vững, nhất là môi trường rừng, môi trường đất, môi trường nước; coi đây là một nội dung quan trọng của phát triển bền vững vùng.

9 - Tiếp tục phát triển giáo dục để nâng cao dân trí trong vùng, đồng thời đẩy mạnh đổi mới nội dung, chương trình và phương thức đào tạo nhân lực phù hợp và đáp ứng với yêu cầu phát triển của vùng. Trình độ văn hóa, dân trí của nhân dân trong vùng nhìn chung còn thuộc loại thấp so trong cả nước (tỷ lệ mù chữ, tái mù còn cao; tỷ lệ trẻ em đến học mẫu giáo, tiểu học còn thấp, số bỏ học ngang chừng còn nhiều…), nguyên nhân cơ bản là đời sống còn nhiều khó khăn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hệ thống trường lớp, cơ sở vật chất còn nghèo nàn, chưa đáp ứng yêu cầu.

Cần thiết phải nghiên cứu, đổi mới và hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển giáo dục phù hợp ở vùng này (không thể dập khuôn các tiêu chí, tiêu chuẩn, định mức, chế độ, chính sách như các vùng đồng bằng và đô thị). Đồng thời, Đảng và Nhà nước cần có chương trình đặc biệt đào tạo đội ngũ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là càn bộ người dân tộc thiểu số, phù hợp với yêu cầu phát triển của vùng.

Nhà nước cần quan tâm đẩy mạnh đổi mới, hoàn thiện nội dung, chương trình, phương thức, cơ chế, chính sách đào tạo nghề cho người lao động phù hợp với điều kiện và yêu cầu phát triển của vùng. Đào tạo nghề phải gắn với quá trình phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của vùng, với nhu cầu sử dụng lao động trên địa bàn.

Đặc biệt chú ý xây dựng chương trình, cơ chế và hình thức để đào tạo “chủ hộ nông dân thế hệ mới” với kiến thức và kỹ năng quản lý sản xuất kinh doanh tổng hợp nhằm đáp ứng yêu cầu của nền nông nghiệp hiện đại trong Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đối với đồng bào dân tộc thiểu số, cần có phương thức đào tạo “trực nghe - trực quan - trực hành”. Để làm được điều này, cần có cơ chế, chính sách xây dựng được một đội ngũ chuyên gia tư vấn - thực hành gắn bó với đồng bào tại cơ sở.

10 – Cần xây dựng thể chế, cơ chế điều phối - liên kết vùng có hiệu lực, hiệu quả. Nhà nước cần ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước, kết hợp với huy động các nguồn lực trong xã hội cho đầu tư phát triển các công trình trọng điểm có sức lan toả, tạo động lực phát triển vùng và liên vùng; phát triển vùng toàn diện cả về kinh tế, văn hóa, xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh nơi địa đầu của Tổ quốc. Hoàn thiện cơ chế, chính sách để mở rộng có hiệu quả quan hệ kinh tế đối ngoại, nhất là với các địa phương của hai nước bạn có chung đường biên giới với nước ta.

[1] Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trong năm 2021, trong 7 tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất nước thì có 6 tỉnh thuộc vùng núi phía Bắc: Điện Biên - 27,33%; Hà giang - 18,54%; Cao bằng - 18,36%; Bắc Kạn - 17,02%; Kon Tum - 15,32%; Sơn La - 15,1%; Lai Châu - 13,32%

PGS.TS Trần Quốc Toản 
Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ,

Uỷ viên Hội đồng Lý luận Trung ương

Bạn đang đọc bài viết Định hướng phát triển Kinh tế - Xã hội vùng trung du và vùng núi Bắc Bộ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Liên hợp quốc lập quỹ chống chịu khí hậu mới
Liên hợp quốc (LHQ) ngày 24/4 đã công bố kế hoạch triển khai quỹ chống chịu khí hậu mới nhằm tăng cường bảo vệ “những người tị nạn và cộng đồng phải di dời”, vốn đang bị vấn đề biến đổi khí hậu đe dọa.

Tin mới

Khai trương phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy
Tuyến phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy dài hơn 1km với hơn 100 ki ốt đa dạng chủng loại ngành hàng từ nhà hàng ẩm thực, đồ lưu niệm, đồ uống, ẩm thực đường phố... được trang trí bắt mắt nằm ngay trung tâm khu du lịch Bãi Cháy.
Khai mạc Lễ hội Tràng An năm 2024
Ngày 26/4, tại Danh thắng Tràng An, Lễ hội Tràng An năm 2024 đã chính thức được khai mạc. Đây là một trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.
Bài thơ: Tháng Tư này
Tháng Tư này còn gì để nhớ mong//Khi tình đã úa màu theo năm tháng//Kỷ niệm cũ vùi sâu miền dĩ vãng///Gợi làm gì thêm đau xót lòng nhau
Bài thơ: Áo lính về quê
Thỉnh thoảng con về thăm nhà///Thích mặc áo lính để mà nhớ xưa///Mẹ già trông nắng đợi mưa///Đọc trang sách cũ vẫn chưa rách lề