Chủ nhật, 28/04/2024 19:52 (GMT+7)

Đốt rơm rạ sau mùa gặt ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ và môi trường

An Na -  Thứ tư, 09/11/2022 15:50 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Khi đốt rơm rạ, một lượng bụi mịn có đường kính 1/30 sợi tóc sẽ đi sâu vào phổi, máu của người hít phải, gây nên các bệnh về đường hô hấp cấp tính và mạn tính.

Những ngày gần đây, người dân Hà Nội lại có nguy cơ chịu khổ vì ô nhiễm không khí khi một số huyện ngoại thành tái diễn tình trạng đốt rơm rạ sau mùa gặt.

Theo đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, ô nhiễm không khí ở Hà Nội và các đô thị xuất phát từ các nguồn thải giao thông, xây dựng, sản xuất công nghiệp và các hoạt động dân sinh khác. Tình trạng ô nhiễm không khí ở miền Bắc cũng bị chi phối mạnh bởi quy luật của thời tiết. Ô nhiễm không khí nghiêm trọng ở miền Bắc thường xuất hiện vào mùa đông, từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau khi trời ít mưa và điều kiện nghịch nhiệt xảy ra.

Riêng với đợt ô nhiễm không khí đang diễn ra, bên cạnh các nguyên nhân nói trên, còn có nguyên nhân từ hoạt động đốt rơm rạ sau thu hoạch, theo TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam. TS Tùng cho biết, lượng bụi phát sinh lớn từ hoạt động đốt rơm rạ, kết hợp với điều kiện thời tiết lặng gió làm cho bụi không phát tán được mà đọng lại gần bề mặt khiến tình trạng ô nhiễm không khí trở lên nghiêm trọng hơn.

tm-img-alt
Cứ vào khoảng tháng 6 - 7, cứ bắt đầu vào vụ thu hoạch lúa, nhiều cánh đồng ven Hà Nội lại nghi ngút khói do việc đốt rơm rạ của người dân. 

Năm nào cũng vậy, vào khoảng tháng 6 - 7, cứ bắt đầu vào vụ thu hoạch lúa, nhiều cánh đồng ven Hà Nội lại nghi ngút khói do việc đốt rơm rạ của người dân, gây nên tình trạng ô nhiễm bởi khói mù lan rộng trong những ngày hè nóng bức. Hiện tượng này không chỉ xảy ra tại Hà Nội mà ở cả nhiều tỉnh lân cận như Hà Nam, Bắc Ninh, Hưng Yên...

Theo phản ánh của nhiều người dân sống ở Hà Nội khu vực Mỹ Đình, đại lộ Thăng Long, đường Trần Duy Hưng..., từ khoảng 19h tối cho đến càng về đêm, màn khói này càng thêm đậm đặc, gây cảm giác ngột ngạt, cay mắt. Khói mù “tấn công” các tuyến đường giao thông, khu dân cư, khu đô thị mới, công trình công cộng... Hiện tượng này có thể nhận thấy rõ nhất khi đứng trên các khu nhà cao tầng.

Theo tìm hiểu của phóng viên về lý do đốt rơm rạ vào những ngày hè này, một số nông dân cho biết, vì không có nhu cầu sử dụng rơm rạ, nên đốt để lấy tro bón cho đồng ruộng vào mùa tiếp theo. Người dân tận dụng việc đốt rơm rạ để tránh lãng phí.

Nhiều nông dân cũng cho rằng, việc đốt rơm rạ mang lại nhiều tiện lợi như không tốn công xử lý rơm rạ trên đồng ruộng sau khi thu hoạch, đồng thời tiêu diệt được mầm mống dịch hại... Tuy nhiên, việc đốt rơm, rạ ngay trên đồng ruộng không chỉ làm ảnh hưởng tới môi trường sống, sức khỏe con người mà còn gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông, làm mất chất dinh dưỡng của đất, tiêu diệt các loại thiên địch có ích, dẫn đến phát sinh nhiều dịch bệnh hại lúa.

tm-img-alt
Việc đốt rơm rạ ngoài trời là quá trình đốt không kiểm soát, trong đó sản phẩm chủ yếu là các chất khí CO2, CO, NOX. 

Nói về tác hại của khói bụi do đốt rơm, rạ đối với sức khỏe của con người, TS. Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam cho biết: Trong khói đốt rơm, rạ có các hạt bụi nhỏ, bồ hóng muội than, khí CO, CO2, SO2, NO2... Khói rơm rạ có tính cay, làm chảy nước mắt, gây kích thích phản ứng ở họng, khiến người hít khói rơm rạ dễ bị ho, hắt hơi, buồn nôn, ngạt thở... Khói do đốt rơm rạ thường cháy không thành ngọn lửa nên sinh ra rất nhiều khí CO (gọi là khí monoxide carbon). Đây là loại khí rất độc có thể gây chết người. Người hít nhiều và kéo dài có thể biến đổi cấu trúc của bộ máy hô hấp, dễ mắc nhiễm trùng phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi...

Về lâu dài, khói bụi, khí độc hít phải sẽ gây tổn thương khó nhận thấy nhưng nguy hiểm vì nó từ từ phá hủy bộ máy hô hấp. Trước hết là mũi họng, thanh quản bị viêm thường xuyên. Dấu hiệu ban đầu chỉ là hắt hơi, sổ mũi nhưng sau đó dẫn đến viêm mạn tính đường hô hấp trên.

Người bị bệnh luôn thiếu ôxy dẫn đến suy giảm sức khỏe và dễ mắc các bệnh khác như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, viêm phế quản, viêm phổi và ung thư phổi. Khi đường hô hấp trên bị tấn công và phá hủy dần, sẽ không còn khả năng ngăn chặn những bụi bặm vi trùng tấn công sâu hơn vào phế quản và phổi. Bị viêm lâu ngày, khí quản phải chống lại bằng cách tăng tiết nhiều đờm gây cản trở lưu thông bình thường ở đường thở. Tắc nghẽn này gây khó thở và ứ đọng đờm dãi, trở thành môi trường cho các vi khuẩn sinh sôi và dần đẩy người bệnh vào suy hô hấp, suy tim, suy nhược cơ thể và tử vong. Không những gây hại cho sức khỏe con người, lửa từ các đống rơm, rạ còn có thể gây cháy ruộng, cháy nhà, gây tai nạn giao thông...

Theo khuyến cáo của các chuyên gia, người dân, nhất là nhóm người già, trẻ em, người đang mắc bệnh hô hấp mãn tính nên hạn chế ra ngoài vào thời điểm chỉ số ô nhiễm không khí quá cao, gây nguy hiểm. Nếu bắt buộc phải ra ngoài, mọi người cần trang bị mũ, áo, khẩu trang và kính để hạn chế tác hại của ô nhiễm không khí. Đặc biệt, người dân cần đeo khẩu trang đạt chuẩn khi ra đường nhất là người già và trẻ nhỏ. Như vậy sẽ có thể hạn chế tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm. Nên chọn các loại khẩu trang đảm bảo chất lượng, có khả năng lọc các hạt bụi mịn.

Ngoài ra, người dân cần thường xuyên vệ sinh mắt, mũi. Thói quen này giúp loại bỏ những vi khuẩn, bụi bẩn dính ở trong khoang mắt, mũi, họng, đặc biệt ở trẻ nhỏ. Một ngày nên duy trì xịt mũi, rửa mắt, súc miệng 2 lần với nước muối sinh lý nhằm hạn chế tác nhân gây các bệnh về hô hấp. Cần chú ý vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thoáng mát, lưu thông không khí và xây dựng chế độc ăn uống phù hợp, bảo vệ cơ thể từ bên trong./.

Bạn đang đọc bài viết Đốt rơm rạ sau mùa gặt ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ và môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Mỗi ngày nên đi bộ bao nhiêu bước để duy trì sức khỏe?
Cuộc sống ngày nay thường bận rộn và nhiều người dường như không có đủ thời gian để tập luyện hoặc tham gia các hoạt động thể thao phức tạp. Tuy nhiên, đi bộ lại là một hoạt động vận động đơn giản, dễ dàng tích hợp vào lịch trình hàng ngày.

Tin mới

Thiết kế cấp phối bê tông san hô
Thiết kế cấp phối bê tông san hô cấp độ bền B15, B20, B22,5 (sử dụng cốt liệu cát, đá san hô và nước mặn). Kết quả cho thấy, việc sử dụng vật liệu vật liệu, nước biển thay thế cho vật liệu truyền thống là khả thi.
Giữ lửa Chèo truyền thống trong lớp trẻ
Với mục tiêu tôn vinh, quảng bá giá trị đặc sắc của nghệ thuật Chèo Việt Nam, nhiều năm qua, trường Đại học Sân khấu điện tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng những tài năng trẻ có đam mê với loại hình văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc này.
Khai trương phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy
Tuyến phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy dài hơn 1km với hơn 100 ki ốt đa dạng chủng loại ngành hàng từ nhà hàng ẩm thực, đồ lưu niệm, đồ uống, ẩm thực đường phố... được trang trí bắt mắt nằm ngay trung tâm khu du lịch Bãi Cháy.