Chủ nhật, 28/04/2024 06:31 (GMT+7)

Dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành tác động tới 2 dự án BOT hiện hữu

Tuệ Linh -  Thứ bảy, 14/10/2023 16:52 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Dự án đi vào vận hành sẽ có tác động tới 2 dự án BOT hiện hữu, đòi hỏi có phương án sớm và khả thi để giảm thiểu tác động và bảo đảm quyền lợi của các nhà đầu tư 2 dự án này.

Theo Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (BCNCTKT) tại phiên họp thẩm định mới đây, Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) có chiều dài khoảng 128,8 km, đi qua địa phận tỉnh Bình Phước và Đắk Nông, quy mô đầu tư 4 làn xe hoàn chỉnh, chiều rộng nền đường 24,75 m, phấn đấu đưa vào vận hành khai thác năm 2027. Dự kiến sơ bộ tổng mức đầu tư 25.538 tỷ đồng; vốn nhà nước tham gia Dự án tối đa 12.769 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh Bình Phước là 3.000 tỷ đồng, tỉnh Đắk Nông là 1.000 tỷ đồng, còn lại là ngân sách trung ương. Loại hợp đồng dự kiến là BOT. Với phần vốn nhà nước tham gia lớn hơn 10.000 tỷ đồng, Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội.

Theo UBND tỉnh Bình Phước, sau khi Dự án hoàn thành sẽ phá vỡ thế độc đạo và giảm tải cho Quốc lộ 14, rút ngắn thời gian di chuyển từ tỉnh Đắk Nông đi tỉnh Bình Phước về TP.HCM, đồng thời tạo thuận lợi kết nối đến sân bay quốc tế Long Thành và cảng Cái Mép - Thị Vải (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu); tạo bước đột phá cho vùng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư và đảm bảo quốc phòng, an ninh.

tm-img-alt
Sơ đồ dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành.

Về nguồn vốn 4.000 tỷ đồng của địa phương, UBND 2 tỉnh đã trình HĐND tỉnh thông qua và đã bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025. Trong đó, Bình Phước bố trí 3.000 tỷ đồng và Đắk Nông bố trí 1.000 tỷ đồng.

Đối với phần vốn tư nhân, UBND tỉnh Bình Phước cho biết, Dự án có khả năng thu hút nhà đầu tư. Theo kết quả nghiên cứu, tính toán sơ bộ phương án tài chính, Dự án đảm bảo về hiệu quả tài chính; với sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước là 12.769 tỷ đồng (chiếm 50% tổng mức đầu tư Dự án) thì nguồn thu từ thu phí dự án đảm bảo khả năng thu hồi vốn cho nhà đầu tư trong khoảng thời gian 20 năm 10 tháng khai thác. Thời gian thu phí dự kiến có sức hấp dẫn các nhà đầu tư do không quá dài và theo dự báo, tốc độ tăng trưởng của lưu lượng xe ngày càng lớn do đây là tuyến đường kết nối vùng Tây Nguyên và vùng Đông Nam Bộ.

Một trong những vấn đề nhận được nhiều quan tâm từ các cơ quan liên quan khi thẩm định BCNCTKT Dự án là tác động đối với dự án BOT hiện hữu có liên quan.

Trên hành lang vận tải của Dự án hiện có 2 dự án BOT trên Quốc lộ 14 đã đầu tư, đang vận hành khai thác là: Dự án Nâng cấp mở rộng Quốc lộ 14 đoạn Km817-887, tỉnh Đắk Nông của Công ty CP Đức Long Đắk Nông và Dự án BOT Quốc lộ 14 Cầu 38 - Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước của Công ty CP Đức Thành Gia Lai.

Ông Nguyễn Xuân Bắc, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế thuộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, việc đầu tư khai thác Dự án sẽ phân lưu lượng xe và ảnh hưởng đến khả năng trả nợ ngân hàng của 2 dự án BOT trên, hiện còn dư nợ tại Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank). Ông Nguyễn Xuân Bắc dẫn chứng, nhiều dự án BOT hiện không đạt phương án tài chính theo kế hoạch, nguyên nhân là do thay đổi cơ chế chính sách của Nhà nước, làm đường song hành dẫn đến phân lưu. Vấn đề này cần xem xét rất nghiêm túc, lấy ý kiến các đối tượng liên quan (cơ quan có thẩm quyền, nhà đầu tư, VietinBank…) để xây dựng phương án xử lý phù hợp, không làm ảnh hưởng quyền lợi của các bên trong việc đầu tư, khai thác, tài trợ cho 2 dự án BOT hiện hữu, nhằm tránh xảy ra các xung đột lợi ích khi đưa các dự án vào khai thác.

NHNN cũng lưu ý, trường hợp đề xuất phương án xử lý đối với Dự án BOT Quốc lộ 14 đoạn Km817-887 có sử dụng vốn ngân sách nhà nước, đề nghị UBND tỉnh Bình Phước làm rõ nguồn vốn và khả năng cân đối vốn để thực hiện phương án.

Thẩm định BCNCTKT Dự án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cũng lưu ý đến vấn đề này. Theo ông Tăng Ngọc Tráng, Vụ trưởng Vụ Thẩm định và Giám sát đầu tư thuộc Bộ KH&ĐT, BCNCTKT nhận định, Dự án có tác động nhất định tới lưu lượng và doanh thu thu phí hoàn vốn của các dự án BOT trên Quốc lộ 14. UBND tỉnh Bình Phước đề xuất các giải pháp xử lý là đàm phán, ký phụ lục hợp đồng với các nhà đầu tư dự án BOT xác định lại thời gian thu phí hoàn vốn; Nhà nước cân đối bố trí nguồn kinh phí đề bù phần lưu lượng thiếu hụt do tác động của Dự án và đàm phán, ký phụ lục hợp đồng với các nhà đầu tư dự án BOT. Tuy nhiên, các giải pháp đề xuất chưa có cơ sở, đề nghị UBND tỉnh Bình Phước phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, UBND tỉnh Đắk Nông, các nhà đầu tư và các bên có liên quan đánh giá cụ thể mức độ tác động của Dự án đối với các dự án BOT hiện hữu trên Quốc lộ 14 để thống nhất đề ra các giải pháp phù hợp với quy định của pháp luật.

Dự án cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành được quy hoạch 6 làn xe, được dự kiến đầu tư phân kỳ quy mô 4 làn xe bề rộng 17 m, vận tốc thiết kế 80 - 100 km/h. Tổng mức đầu tư sơ bộ vào khoảng 23.000 tỷ đồng.

Bạn đang đọc bài viết Dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành tác động tới 2 dự án BOT hiện hữu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Mở rộng thêm 94 km2 tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận
Vào năm 2025, Thành phố Phan Thiết thuộc tỉnh Bình Thuận sẽ mở rộng lên diện tích 305 km2, đồng thời dân số của thành phố dự kiến sẽ vượt qua con số 334.000 người, sau khi thực hiện quá trình sáp nhập một phần của huyện Hàm Thuận Nam và Hàm Thuận Bắc...

Tin mới

Khai trương phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy
Tuyến phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy dài hơn 1km với hơn 100 ki ốt đa dạng chủng loại ngành hàng từ nhà hàng ẩm thực, đồ lưu niệm, đồ uống, ẩm thực đường phố... được trang trí bắt mắt nằm ngay trung tâm khu du lịch Bãi Cháy.
Khai mạc Lễ hội Tràng An năm 2024
Ngày 26/4, tại Danh thắng Tràng An, Lễ hội Tràng An năm 2024 đã chính thức được khai mạc. Đây là một trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.
Bài thơ: Tháng Tư này
Tháng Tư này còn gì để nhớ mong//Khi tình đã úa màu theo năm tháng//Kỷ niệm cũ vùi sâu miền dĩ vãng///Gợi làm gì thêm đau xót lòng nhau
Bài thơ: Áo lính về quê
Thỉnh thoảng con về thăm nhà///Thích mặc áo lính để mà nhớ xưa///Mẹ già trông nắng đợi mưa///Đọc trang sách cũ vẫn chưa rách lề