Thứ năm, 02/05/2024 18:10 (GMT+7)

EU công bố lộ trình chuyển đổi năng lượng đến năm 2040

Đại Phong -  Thứ tư, 07/02/2024 19:35 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ngày 6/2, Liên minh châu Âu (EU) đã công bố các mục tiêu khí hậu cho năm 2040 và lộ trình chuyển đổi năng lượng trong giai đoạn tiếp theo.

Động thái này diễn ra 4 tháng trước cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) và trong bối cảnh nhiều nước thành viên trong khối đang đối mặt với các cuộc biểu tình của nông dân nhằm phản đối các chính sách trong lĩnh vực nông nghiệp.

EU đã cam kết trung hòa carbon vào năm 2050, trong đó mục tiêu trong giai đoạn chuyển tiếp diễn ra đến năm 2030 là cắt giảm 55% lượng khí thải nhà kính so với mức của năm 1990. Trong giai đoạn tiếp theo, Ủy ban châu Âu (EC) đặt mục tiêu đến năm 2040 giảm 90% mức phát thải ròng carbon, tức là tốc độ giảm tương đương giai đoạn 2020 - 2030. 

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng đối với mục tiêu lần này, EU phải tính đến sự bất bình ngày càng tăng - được phản ánh qua các cuộc biểu tình của nông dân tại nhiều quốc gia trong những tuần gần đây. Sau khi giải quyết thành công quá trình chuyển đổi xanh trong giao thông, năng lượng và công nghiệp, Thỏa thuận Xanh đang vấp phải sự phản đối trong ngành nông nghiệp. 

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ (Nguồn: IT)

Tháng trước, Ủy viên phụ trách chính sách khí hậu của EU Wopke Hoekstra đã cảnh báo khối này cần nỗ lực cân bằng giữa một bên là tham vọng về khí hậu với một bên là đảm bảo các doanh nghiệp EU có thể duy trì tính cạnh tranh, như vậy mới tạo được bước chuyển đổi công bằng. 

Mục tiêu đạt được cân bằng cũng là trọng tâm trong bức thư chung, được 11 nước thành viên EU, trong đó có Pháp, Đức, Tây Ban Nha, gửi tới EC. Theo đó, các nước hối thúc EC đặt ra "mục tiêu khí hậu EU tham vọng" trong năm 2040, song cũng kêu gọi một "sự chuyển đổi công bằng và chính đáng", để "không để ai bị bỏ lại phía sau, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất".

Theo quy định, EC sẽ phải đệ trình các mục tiêu khí hậu sau năm 2030 trong vòng 6 tháng kể từ sau Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) diễn ra vào tháng 12/2023. 

Các mục tiêu được Ủy ban châu Âu đưa ra vào ngày 6/2 chỉ là những đề xuất đơn giản và ban lãnh đạo Ủy ban châu Âu sắp tới, dự kiến được bổ nhiệm sau cuộc bầu cử EP, sẽ phải đưa những đề xuất trên thành luật để các nước thành viên và các nghị sĩ EU xem xét trước thềm COP30 vào năm tới. 

Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban môi trường của EP, ông Pascal Canfin, cho rằng khối này có thể phải cần Thỏa thuận Xanh thứ hai. Theo ông, từ nay đến năm 2030, EU đã hoàn tất công việc, khi một “sự chuyển đổi lớn” trong xã hội đang diễn ra, song nếu không tiếp tục hành động, EU sẽ không thể đạt được mục tiêu cuối cùng.

EC đề xuất xây dựng “Hiệp ước công nghiệp Xanh

Cũng trong ngày 6/2, Uỷ ban Châu Âu (EC) đã công bố bản lộ trình mới hướng đến mức trung hoà CO2 vào năm 2050, trong đó nhấn mạnh đến đề xuất xây dựng “Hiệp ước công nghiệp Xanh” của châu Âu nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng và nhất là hướng tới tham vọng cắt giảm 90% khí thải vào năm 2040 so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Trong bản lộ trình hướng đến mức trung hoà CO2 vào năm 2050 công bố ngày 06/2, EC đã đưa ra các khuyến nghị mới, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến đề xuất cần xây dựng một “Hiệp ước công nghiệp Xanh” của châu Âu.

Về nội dung, “Hiệp ước công nghiệp Xanh” của châu Âu sẽ định ra các chế tài cụ thể, giải quyết vấn đến chuỗi cung ứng, nguồn tài chính và trên hết là khả năng thúc đẩy, tiếp cận các nguồn năng lượng phi CO2 đầy đủ và có giá cả phải chăng như năng lượng tái tạo, năng lượng hydro hay năng lượng hạt nhân dân sự thông qua việc tăng cường sử dụng các lò phản ứng mô-đun nhỏ trong tương lai.

Về lộ trình, EC cho rằng sản xuất điện tại EU sẽ phải gần như phi các-bon hoá vào năm 2030, trong khi mức tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch cho sản xuất năng lượng cần giảm 80% vào năm 2040. Đối với lĩnh vực giao thông, các khuyến cáo cũng nhấn mạnh tích hợp các giải pháp công nghệ với việc ấn định giá CO2.

Về tổng thể, EC nhấn mạnh tiếp tục duy trì các chính sách khí hậu hiện nay để đạt mục tiêu cắt giảm 55% lượng khí phát thải CO2 tại châu Âu năm 2030 so với thời kỳ tiền công nghiệp, hướng tới tham vọng nâng tỷ lệ này lên 90% vào năm 2040 và coi đây là giai đoạn then chốt để có thể hướng tới đích cuối cùng là trung hoà khí phát thải vào năm 2050.

Uỷ viên châu Âu phụ trách Hành động khí hậu, ông Wopke Hoekstra cho biết: “Trên cơ sở những dữ liệu khoa học tốt nhất hiện nay cùng một nghiên cứu báo cáo tác động chi tiết, chúng tôi đưa ra khuyến nghị đặt mục tiêu năm 2040 sẽ cắt giảm được 90% lượng khí phát thải nhà kính”.

Để đạt được các mục tiêu khí hậu, EC ước tính trong giai đoạn 2031-2050, mỗi năm sẽ cần những con số đầu tư khổng lồ với khoảng 660 tỷ euro cho lĩnh vực năng lượng và 879 tỷ euro cho giao thông.

EC cũng thừa nhận thách thức lớn hiện nay là thuyết phục cả các nhà công nghiệp và người dân tiếp tục nỗ lực vì mục tiêu khí hậu. Sau cuộc bầu cử châu Âu vào tháng 6/2024, EC khoá mới sẽ cần luật hoá các nội dung trên để đảm bảo quá trình chuyển đổi công bằng và khả năng cạnh tranh của nền công nghiệp châu Âu.

Theo các nhà phân tích địa bàn, các khuyến nghị trong lộ trình khí hậu mới của EC đã “cố tình” bỏ qua một số vấn đề then chốt như thời điểm dừng sử dụng nhiên liệu hoá thạch hay mức cắt giảm khí thải CO2 trong lĩnh vực nông nghiệp trong bối cảnh các cuộc biểu tình của nông dân châu Âu hay làn sóng phản đối các quy định về khí hậu siết chặt và chồng chéo ngày càng gia tăng.

Bạn đang đọc bài viết EU công bố lộ trình chuyển đổi năng lượng đến năm 2040. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Đội phản ứng nhanh về vệ sinh môi trường
Biệt danh ấy được anh em trong công ty gọi thân mật như đã nêu bật sự năng động, trách nhiệm trong công việc; có việc là lên đường bất kể thời tiết… của các thành viên Tổ xe 2 thuộc Chi nhánh Đống Đa, Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội.