Chủ nhật, 28/04/2024 08:39 (GMT+7)

Giải bài toán tài chính cho mục tiêu giảm phát thải ròng về “0“

MTĐT -  Thứ bảy, 09/12/2023 08:04 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo Ngân hàng Thế giới, với nhu cầu vốn xấp xỉ 70 tỷ USD cho các biện pháp giảm phát thải trong từng lĩnh vực đến năm 2030, Việt Nam cần phát huy lợi thế nội lực đồng thời huy động từ bên ngoài.

Các cam kết mạnh mẽ của Việt Nam tại Hội nghị COP28 và trước đó là COP26 được cộng đồng quốc tế đánh giá cao đồng thời mở ra nhiều cơ hội hợp tác về tăng trưởng ít phát thải, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Để triển khai thực hiện các cam kết này, các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần khai thông cơ hội tận dụng sự dịch chuyển của nguồn tài chính toàn cầu cho phát triển ít phát thải.

Nhu cầu vốn rất lớn

Theo tính toán từ Bộ TN&MT, nhu cầu tài chính cho các biện pháp giảm phát thải trong từng lĩnh vực (theo cam kết môi trường của Việt Nam đến năm 2030) là khoảng 69 tỷ USD. Trong số đó, nguồn quốc gia tự thực hiện dự báo khoảng 25 tỷ USD, chiếm 36% và nhu cầu đối với nguồn lực hỗ trợ của quốc tế dự kiến 44 tỷ USD, chiếm 64%.

Với tầm nhìn xa hơn, Ngân hàng Thế giới đánh giá tổng nhu cầu tài chính tăng thêm của Việt Nam để xây dựng khả năng chống chịu và khử carbon có thể lên tới 368 tỷ USD trong giai đoạn 2022 - 2040, tương ứng 6,8% GDP/năm. Theo đó, lộ trình xây dựng khả năng chống chịu chiếm khoảng 2/3 số tiền này để bảo vệ tài sản và cơ sở hạ tầng cũng như những người dân dễ bị tổn thương; trong đó chi phí của lộ trình khử carbon sẽ chủ yếu phát sinh từ ngành năng lượng. Cụ thể, chi phí đầu tư vào năng lượng tái tạo và quản lý quá trình chuyển dịch ra khỏi năng lượng than có thể phải tiêu tốn khoảng 64 tỷ USD.

Việt Nam sử dụng tốt các khoản huy động ban đầu và đáp ứng các điều kiện của các đối tác quốc tế và các định tế tài chính quốc tế thì số tiền cho giai đoạn sau có thể cao hơn. (Ảnh: Vietnam+)
Việt Nam sử dụng tốt các khoản huy động ban đầu và đáp ứng các điều kiện của các đối tác quốc tế và các định tế tài chính quốc tế thì số tiền cho giai đoạn sau có thể cao hơn. (Ảnh: Vietnam+)

Về nguồn vốn, Ngân hàng Thế giới cho rằng Việt Nam có thể huy động từ tư nhân khoảng 3,4% GDP/năm và công cụ hỗ trợ có thể đến từ huy động Tín dụng Xanh từ các ngân hàng và phát triển các công cụ dựa trên thị trường (như Cổ phiếu Xanh và Trái phiếu Xanh) và các công cụ giảm thiểu rủi ro.

Trên bình diện đó, tổng nhu cầu tài chính gia tăng của quốc gia để nâng cấp tài sản, trang thiết bị cơ sở hạ tầng công cộng và tài trợ trợ cấp xã hội có thể lên tới 342-411 tỷ USD trong giai đoạn 2022-2050, tương đương khoảng 4,5-5,4% GDP/năm.

Theo Ngân hàng Thế giới, với nhu cầu vốn lớn vậy, Việt Nam cần phát huy lợi thế nội lực đồng thời huy động từ bên ngoài.

Báo cáo từ Công ty kiểm toán PWC chỉ ra Việt Nam đứng thứ 2 về phát hành Trái phiếu Xanh tại ASEAN với 1,5 tỷ USD (năm 2021) và cao hơn 5 lần mức 0,3 tỷ USD (năm 2020).

Mặt khác, báo cáo này cho rằng Việt Nam cũng có cơ hội phát triển ngành dịch vụ tài chính, như thu hút khoảng 753 tỷ USD vốn đầu tư cho khí hậu từ năm 2016-2030; 15,5 tỷ USD thông qua nguồn vốn đầu tư công và tư nhân của các quốc gia G7 để hỗ trợ Việt Nam giảm mức độ sử dụng than; 1,7 tỷ USD doanh thu mà các tổ chức tài chính có thể thu hút được từ phát hành trái phiếu để tài trợ cho các dự án ESG; 134 triệu USD do quỹ Anh Quốc hỗ trợ để thúc đẩy Tài chính Xanh ở Đông Nam Á…

Giải bài toán tài chính cho mục tiêu giảm phát thải ròng về “0“
Việt Nam đã cùng Nhóm các nước Đối tác Quốc tế thiết lập thỏa thuận Đối tác Chuyển dịch Năng lượng Công bằng với giá trị ít nhất 15,5 tỷ USD được tài trợ cho vay ưu đãi trong khoảng 3-5 năm. (Ảnh: Vietnam+)

Riêng trong năm 2022, báo cáo cho hay Việt Nam đã cùng Nhóm các nước Đối tác Quốc tế (IPG), đứng đầu là Liên minh châu Âu và Anh thiết lập thỏa thuận Đối tác Chuyển dịch Năng lượng Công bằng với giá trị ít nhất 15,5 tỷ USD được tài trợ cho vay ưu đãi trong khoảng 3-5 năm, một nửa số đó được huy động từ tài chính khu vực công với các điều khoản ưu đãi hơn thông thường. Một nửa còn lại được huy động và tạo điều kiện từ tài chính tư nhân để Việt Nam đạt đỉnh thải toàn bộ khí nhà kính vào năm 2030, sớm hơn 5 năm so với kế hoạch.

Thêm vào đó, báo cáo của PWC nhấn mạnh Việt Nam sử dụng tốt các khoản huy động ban đầu và đáp ứng các điều kiện của các đối tác quốc tế và các định tế tài chính quốc tế thì số tiền cho giai đoạn sau có thể cao hơn. Hiện IPG và GFANZ đang hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam để xác định các cơ hội triển khai tài chính nhanh chóng.

Khung pháp lý chưa đủ mạnh

Phó Chủ tịch phụ trách Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia Vũ Nhữ Thăng cho biết khung pháp lý về Tài chính Xanh được quan tâm hơn kể từ khi Kế hoạch hành động quốc gia về Tăng trưởng Xanh giai đoạn 2014-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2014. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng Xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Năm 2022, Chính phủ ra Quyết định số 882/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch Hành động Quốc gia về Tăng trưởng Xanh giai đoạn 2021-2030, kèm theo Danh mục nhiệm vụ, hoạt động triển khai thực hiện.

Kế hoạch Hành động Quốc gia chỉ ra nhiệm vụ hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến Tài chính Xanh, bao gồm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho Tín dụng Xanh và Ngân hàng Xanh phù hợp với quy định về Luật Bảo vệ môi trường 2020; Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho Trái phiếu Xanh (trái phiếu Chính phủ, trái phiếu địa phương và trái phiếu doanh nghiệp), Bảo hiểm Xanh (sản phẩm bảo hiểm trách nhiệm ô nhiễm môi trường đối với các ngành có rủi ro môi trường cao, rủi ro khí hậu); Phát triển thị trường carbon tại Việt Nam thông qua xây dựng, thành lập sàn giao dịch tín chỉ carbon (cơ chế quản lý tài chính, cơ chế và cách thức vận hành, quy định kết nối sàn giao dịch tín chỉ carbon trong nước với khu vực và thế giới).

Về chính sách Tài khóa Xanh, ông Vũ Nhữ Thăng cho biết chính sách thuế, phí ngày càng hoàn thiện theo hướng hạn chế tiêu dùng các sản phẩm, hàng hóa gây ô nhiễm môi trường, thúc đẩy Sản xuất-Đầu tư Xanh, Tiêu dùng Xanh. Cụ thể, Việt Nam đã ban hành Luật Thuế Bảo vệ Môi trường với mục tiêu đánh thuế vào các hàng hóa khi sử dụng gây ô nhiễm môi trường. Điều này nhằm góp phần thay đổi nhận thức của con người đối với môi trường. Năm 2016, Quốc hội thông qua Luật số 106/2016/QH13 về luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế. Một số thuế xuất được sửa đổi nhằm thúc đẩy việc sử dụng các loại xe tiết kiệm nhiên liệu và thân thiện với môi trường, trong đó có xe ô tô điện. Thuế tài nguyên cũng được áp dụng theo hướng hạn chế khai thác tài nguyên thiên nhiên, góp phần bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, Quyền Trưởng ban Nghiên cứu Điều phối Chính sách Giám sát, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia Nguyễn Thị Hải Bình đã thẳng thắn chỉ ra các chính sách thuế, phí trên cơ sở tiếp cận công cụ kinh tế nói chung và thuế nói riêng cho mục tiêu bảo vệ môi trường còn chưa thực sự đủ mạnh để điều tiết hiệu quả hành vi của các chủ thể trong nền kinh tế nhằm hướng đến Sản xuất-Tiêu dùng Xanh. Các chính sách còn hạn chế tính cập nhật của đối tượng chịu thuế, nhiều sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây ô nhiễm môi trường trong quá trình sử dụng chưa được đưa vào diện điều chỉnh của chính sách thuế bảo vệ môi trường (như các chất tẩy rửa trong công nghiệp, ắc quy, lốp xe, hóa chất tẩy rửa, sản xuất giấy, chế biến thực phẩm, phân bón hóa học…).

Sớm ban hành Danh mục Xanh

Về thị trường Tài chính xanh và Bảo hiểm Xanh, bà Bình chia sẻ khung pháp lý mới dừng lại ở Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường. Theo đó, hai văn bản pháp luật này chỉ quy định về Bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường mà chưa có quy định liên quan đến các loại hình sản phẩm Bảo hiểm Xanh khác (như các sản phẩm bảo hiểm rủi ro thiên tai). Hay về Tín dụng Xanh - Ngân hàng nhà nước đã ban hành Thông tư số 17/2022/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng. Thông tư đã tạo ra khuôn khổ pháp lý chung, yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng.

Song, bà Nguyễn Thị Hải Bình nhấn mạnh vẫn thiếu cơ chế ưu đãi tài chính để định hướng tăng trưởng xanh khi lĩnh vực này chưa được hưởng mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa của ngân hàng thương mại theo quy định. Tín dụng Nhà nước, Chính phủ quy định một số dự án vay vốn tín dụng đầu tư thân thiện với môi trường, nhưng dư nợ cho vay tín dụng đầu tư của Ngân hàng Phát triển Việt Nam đang thu hẹp dần trong những năm gần đây.

Giải bài toán tài chính cho mục tiêu giảm phát thải ròng về “0“
Ngân hàng nhà nước đã ban hành Thông tư số 17/2022/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng. (Ảnh: Vietnam+)

Trên cơ sở đó, bà Bình kiến nghị cần sớm ban hành Danh mục Xanh áp dụng cho toàn quốc, trong đó có Sản phẩm Xanh, Dự án Xanh đồng thời xác định các lĩnh vực ưu tiên và khả thi nhằm thúc đẩy Tín dụng Xanh ở Việt Nam. Đặc thù hệ thống tổ chức tín dụng tại Việt Nam còn hạn chế về quy mô, nguồn lực tài trợ vốn do đó khó thúc đẩy Tín dụng Xanh dàn trải cho tất cả các lĩnh vực. Để hỗ trợ mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 đến 2050, trong ngắn hạn cần ưu tiên Tín dụng Xanh cho xử lý chất thải, đầu tư hiệu quả cho năng lượng, các sản phẩm tái chế.

Bên cạnh đó, bà Bình cho rằng Chính phủ cầm sớm ban hành quy định tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án được cấp Tín dụng Xanh, phát hành Trái phiếu Xanh làm cơ sở thúc đẩy phát triển các thị trường này.

Quan trọng nhất, hành lang pháp lý cho phát triển Thị trường vốn Xanh cần hoàn thiện sớm để làm cơ sở cho quản lý Nhà nước và giám sát. Đặc biệt, bộ chỉ số đánh giá các doanh nghiệp phát triển bền vững phải sớm ban hành; trong đó làm rõ tiêu chí, ngưỡng sàng lọc nhằm nhận diện dự án đáp ứng tiêu chí cấp Tín dụng Xanh, phát hành Trái phiếu Xanh.

Ngoài ra, để khuyến khích, thúc đẩy các tổ chức tín dụng sở hữu Trái phiếu Xanh trong danh mục tài sản của, bà Bình kiến nghị Ngân hàng Nhà nước phân loại, sàng lọc, nghiên cứu đưa Trái phiếu Xanh vào giao dịch trên thị trường mở, chấp nhận sử dụng một số loại Trái phiếu Xanh làm dự trữ bắt buộc.

Bạn đang đọc bài viết Giải bài toán tài chính cho mục tiêu giảm phát thải ròng về “0“. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Vietnam+

Cùng chuyên mục

Tin mới

Khai trương phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy
Tuyến phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy dài hơn 1km với hơn 100 ki ốt đa dạng chủng loại ngành hàng từ nhà hàng ẩm thực, đồ lưu niệm, đồ uống, ẩm thực đường phố... được trang trí bắt mắt nằm ngay trung tâm khu du lịch Bãi Cháy.
Khai mạc Lễ hội Tràng An năm 2024
Ngày 26/4, tại Danh thắng Tràng An, Lễ hội Tràng An năm 2024 đã chính thức được khai mạc. Đây là một trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.
Bài thơ: Tháng Tư này
Tháng Tư này còn gì để nhớ mong//Khi tình đã úa màu theo năm tháng//Kỷ niệm cũ vùi sâu miền dĩ vãng///Gợi làm gì thêm đau xót lòng nhau
Bài thơ: Áo lính về quê
Thỉnh thoảng con về thăm nhà///Thích mặc áo lính để mà nhớ xưa///Mẹ già trông nắng đợi mưa///Đọc trang sách cũ vẫn chưa rách lề