Giành lại vỉa hè - liệu có thành công?
Câu chuyện muôn thủa về vỉa hè lại nóng lên với hừng hực khí thế quyết tâm của đội ngũ muốn xây dựng chỉnh trang đô thị, hiện đại văn minh.
Nhưng rồi liệu nó có lại nguội đi theo thời gian như đã từng “chiến dịch giành lại vỉa hè cho người đi bộ”, hay như ông Đoàn Ngọc Hải “không lấy lại được vỉa hè cho người đi bộ tôi xin từ chức” và rồi ông phải từ chức thật. Còn vỉa hè lại “đâu đóng đấy”.
Vấn đề lên chiến dịch giành lại vỉa hè sai ngay từ khái niệm cũng như không tìm đến nguyên nhân gốc rễ thì không thể giải quyết được triệt để. Vỉa hè là đất công thuộc vào phần đường dành cho giao thông trong đô thị, phần được dành cho người đi bộ và bố trí hạ tầng kỹ thuật dọc tuyến. Do vậy vỉa hè không cần phải giành lại từ ai hết, xâm phạm lấn chiếm vỉa hè coi như xâm phạm vào hệ thống giao thông công cộng và nguyên tắc đó là phần đất công.
Tại Việt Nam, tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng chúng ta hình thành cả một nền kinh tế vỉa hè với đủ thứ đủ loại được kinh doanh trên vỉa hè từ thời bao cấp là các quán trà đá, ăn sáng bún, phở mì, miến…; còn đến thời kinh tế mở cửa thì vỉa hè là nơi “trăm hoa đua nở”. Các hộ nhà mặt đường buôn bán gì đều lấn ra vỉa hè từ vàng mã, bát hương cho đến đồ điện, hàng quần áo, chăn màn, giầy dép, quán bia, quán nhậu, chỗ gửi xe...
Vỉa hè thành nơi kinh doanh làm lợi cho cá nhân, còn người đi bộ thì ngậm ngùi chen lách hoặc đi xuống lòng đường. Vỉa hè nếu nhà mặt đường nào không dùng có thể cho thuê lấy tiền dù đó không phải là tài sản của mình. Vỉa hè của cơ quan, xí nghiệp thì có thể làm chỗ gửi xe với lợi nhuận không ít và có cả nhóm lợi ích ăn theo lợi nhuận của vỉa hè mà không nói rõ ra nhưng ai cũng biết. Vỉa hè là nơi tạo công ăn việc làm và thu nhập cho số lượng lớn lao động.
Với mong muốn chỉnh trang bộ mặt đô thị, tiến tới là đô thị văn minh hiện đại xứng tầm là thủ đô là trái tim, khối óc, lá cờ đầu của cả nước, thành phố Hà Nội ra Kế hoạch số 01/KH-BCĐ 197 nhằm kiểm tra, xử lý về trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng trên địa bàn thủ đô năm 2023.
Thành phố Hà Nội quyết tâm sẽ làm quyết liệt, đồng bộ, toàn diện về những nội dung trong phạm vi kiểm tra. Phát hiện, xử lý 100% hành vi vi phạm trên lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông, đô thị, công cộng để tạo tính răn đe; kiên quyết xóa bỏ các điểm hè phố, lòng đường bị chiếm dụng trái phép để làm nơi kinh doanh buôn bán, trông giữ phương tiện, trả lại nguyên trạng hè phố với phương châm "Giành lại vỉa hè phong quang, sạch đẹp cho người đi bộ".
Hy vọng lần ra quân này sẽ đạt được kết quả như mục tiêu đã đề ra, nhưng để thực sự tin tưởng về lâu dài thì chắc chắn sẽ không hết những nghi ngại băn khoăn.
Các đô thị ngày trước như Hà Nội, Hải Phòng được người Pháp quy hoạch thiết kế cho số dân chỉ mấy trăm ngàn người. Nay dân số, lượng phương tiện tăng lên hàng chục lần đô thị giống như cậu thanh niên đang tuổi ăn tuổi lớn mà phải mặc bộ quần áo cũ kỹ, rách rưới giơ tay, bước chân là bị bục rách thật khó để vá lành tươm tất được. Cởi bỏ, thay mới thì chưa làm được nên cứ đành vá chằng vá đụp, tâm lý tiểu nông, văn hoá chuộng sự tự do, tiện lợi của không ít người góp phần duy trì nền kinh tế vỉa hè.
Nếu không giải quyết được căn nguyên là cần có quy hoạch đô thị rộng rãi, phương tiện giao thông công cộng nhiều và tiện lợi, công trình giao thông ngầm hoặc trên cao không có, xe máy, xe đạp vẫn là phương tiện giao thông cá nhân chính, thói quen lười đi bộ thì sau thời gian chiến dịch rầm rộ nguy cơ vỉa hè sẽ “mèo lại hoàn mèo”.
Khi dừng xe, gạt chân chống cái là vào quán ăn sáng, uống bia, mua đồ ăn vặt trên xe đẩy hàng, đợi chờ ai đó thì tạt vào quán chè chén làm cốc chè rồi vui mồm tán gẫu. Ban ngày thì xe đẩy, hàng rong, tối đến thì bia hơi, đồ nướng… Người đi bộ vẫn chưa chiếm tỉ lệ lớn trong số lượng người tham gia giao thông.
Có cung ắt có cầu, sự tiện lợi của các quán vỉa hè, với các lợi thế, đầu tư ít thu lợi nhanh lại toàn “tiền tươi, thóc thật”. Người dân sẽ tìm mọi cách đối phó lực lượng chức năng để cho qua chiến dịch. Vì họ hiểu rõ không có ngành hay lực lượng nào có thể liên tục duy trì được việc “đuổi vỉa hè” trong hàng năm trời, đuổi thì chạy, hết đuổi lại thò ra, không khác gì “bắt cóc bỏ đĩa”.
Để giải quyết dứt điểm vấn nạn lấn chiếm vỉa hè, ngoài những vấn đề đã nêu thì cần có lộ trình từ gốc chứ không phải ngắt ngọn. Đầu tiên, giải quyết bố trí công ăn việc làm cho lực lượng lao động đang có sự mưu sinh bám với vỉa hè, không sắp xếp được công việc ắt “đói đầu gối phải bò”, họ sẽ phải tìm đủ cách đối phó, thậm chí chấp nhận chịu phạt để duy trì cuộc sống.
Tiếp đến loại bỏ xe máy trong giao thông nội đô, chỉ đội shipper, giao nhận mới được sử dụng xe máy, dãn dân ra bớt khỏi vùng lõi bằng cách rời các bệnh viện, trường đại học, cơ quan công quyền ra xa trung tâm. Phát triển hạ tầng giao thông công cộng ngầm và trên cao cho việc di chuyển công cộng thực sự tiện lợi, nhanh chóng.
Đặc biệt, cần luật hoá việc sử dụng vỉa hè, sử dụng sai mục đích sẽ bị kết án, xử phạt với mức răn đe cao để người dân không còn tư tưởng dám sử dụng vỉa hè nữa.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp thì mới có kết quả như mong muốn, còn nếu chỉ có quyết tâm thôi e rằng chưa đủ.
Theo Minh Tuấn/Diễn đàn Doanh nghiệp