Giao thông ĐBSCL nghẽn do thiếu tiền!
Chưa có nghiên cứu cụ thể nào về việc kết nối hệ thống giao thông toàn vùng ĐBSCL mà chỉ có đề án cho từng địa phương nên không đồng bộ
Trong hai ngày 12 và 13/12, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã có buổi làm việc với UBND TP Cần Thơ và tỉnh Vĩnh Long về các dự án giao thông tại địa phương. Qua đề xuất của 2 địa phương này cho thấy điểm nghẽn về giao thông của vùng còn rất lớn.
Đường hẹp, chất lượng kém
Tại buổi làm việc với Bộ GTVT vào ngày 13/12, ông Trần Hoàng Tựu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, cho biết: "Tỉnh có 5 tuyến quốc lộ đi qua với chiều dài 144 km và 10 tuyến tỉnh lộ… Hạ tầng giao thông trên địa bàn còn bất cập, kết nối với các tỉnh lân cận không thuận lợi". Đáng nói, triều cường đã làm ngập Quốc lộ (QL) 1 đoạn qua tỉnh Vĩnh Long, gây khó khăn cho các phương tiện lưu thông.
Ông Tựu cũng đề xuất Bộ GTVT quan tâm hơn trong việc đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng giao thông của địa phương. Trong đó, cần đầu tư, nâng cấp QL53, QL54; đầu tư cầu Ngã Tư, cầu Ông Me…
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nhìn nhận thực trạng chung của các tuyến QL trên cả nước là nhỏ hẹp, chất lượng kém, dù thời gian qua cũng đã có những công trình trọng điểm được đầu tư. "Trên tuyến QL, cả nước có 23.400 km hằng năm cần 25.000 tỉ đồng duy tu, sửa chữa nhưng hiện chỉ có thể đáp ứng khoảng 30% nhu cầu, khoảng 7.000-8.000 tỉ đồng. Nguồn vốn bố trí thấp khiến việc dồn ứ ngày càng gia tăng và hiện còn hơn 16.000 km đến giai đoạn trùng tu, đại tu nhưng không có tiền thực hiện" - ông Thể nói.
Theo ông Nguyễn Văn Thành, Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ IV - đơn vị quản lý nhà nước các tuyến QL trên địa bàn ĐBSCL, toàn vùng hiện có 41 điểm ngập trên các tuyến QL. Trong đó, QL1 có tổng cộng 25 điểm ngập. Để khắc phục, nền đường phải nâng cao, dự kiến cần khoảng 2.000 tỉ đồng.
Về dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết đã họp với các nhà đầu tư, ngân hàng để xin Chính phủ phê duyệt cơ chế ưu đãi lãi suất vay. Nếu được phê duyệt, bộ sẽ thúc đẩy để sớm triển khai thi công dự án.
Nước ngập trên Quốc lộ 1 đoạn qua xã Tân Phú, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long vào đợt triều cường tháng 10 vừa qua. |
Không hấp dẫn nhà đầu tư
Theo Viện Chiến lược và Phát triển GTVT, nhiều năm qua, mạng lưới giao thông của ĐBSCL tuy được quan tâm đầu tư nhưng kết cấu hạ tầng vẫn chưa đồng bộ. Các trục giao thông chính gắn kết giữa nơi sản xuất và tiêu thụ còn hạn chế. Chưa có một nghiên cứu cụ thể nào về kết nối hệ thống giao thông cho toàn vùng ĐBSCL mà chỉ có đề án cho từng địa phương nên thiếu sự đồng bộ.
Viện Chiến lược và Phát triển GTVT cho rằng nguyên nhân khiến các công trình hạ tầng giao thông của ĐBSCL còn yếu, kéo dài là do nguồn vốn của toàn ngành giao thông chỉ đáp ứng một phần nhỏ kinh phí đầu tư cho phát triển hạ tầng GTVT. Dự án kết cấu hạ tầng giao thông không hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Lý do là đa số dự án có tổng mức đầu tư lớn, giá phí không thể tăng quá mức chi trả của người dân nên hiệu quả tài chính rất thấp. Mặt khác, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên nhiệt độ trung bình và lượng mưa, nước biển dâng cũng làm cho hạ tầng giao thông không phát huy hiệu quả.
Ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết hiện tỉnh này có nhiều tuyến QL cần được nâng cấp, mở rộng, như QL30 (bờ Bắc sông Tiền), QL54 hay QL80 (bờ Nam sông Tiền) vì đang quá tải. Tuy nhiên, Đồng Tháp chỉ được ưu tiên đầu tư một đoạn trên tuyến QL30 từ trung tâm TP Cao Lãnh về các huyện vùng biên giới tiếp giáp Campuchia để phục vụ an ninh quốc phòng và lưu thông hàng hóa ra vào các khu công nghiệp. Đoạn QL này sẽ chính thức được thi công vào đầu năm 2019. Riêng đoạn QL30 từ TP Cao Lãnh về ngã ba An Thới Trung (điểm kết nối với QL1) đang xuống cấp nghiêm trọng nên thường bị tắc nghẽn hoặc xảy ra tai nạn giao thông. Theo ông Bửu, đây là trục chính để các phương tiện từ Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang đi TP HCM nên Đồng Tháp cần Chính phủ ưu tiên giải quyết trong vài năm tới để khơi thông điểm nghẽn này cho toàn vùng.
Trước bài toán khó "vốn ít, nhu cầu đầu tư lớn", theo TS - chuyên gia kinh tế Trần Hữu Hiệp, cần đa dạng hóa các phương thức đầu tư, xã hội hóa đầu tư bằng các dự án BOT, BTO, PPP. Để tháo các điểm nghẽn giao thông ĐBSCL, cần sớm hoàn thành tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ; hoàn thiện một số tuyến QL như đường N2, QL60 đoạn qua cầu Rạch Miễu - Cổ Chiên; hoàn thành cầu Vàm Cống, đầu tư mới các cầu Đại Ngãi, Rạch Miễu 2.
"Quan trọng hơn, cần giải bài toán vốn đầu tư, xác định thứ tự ưu tiên bằng những giải pháp khả thi, đầu tư tập trung, đồng bộ; bảo đảm tiến độ thi công, chất lượng công trình giao thông, tăng cường giao thông liên kết vùng và kết nối các phương thức giao thông đường thủy, bộ, hàng hải, hàng không và phát triển đường sắt trong vùng" - ông Hiệp nhìn nhận.
Theo Báo NLĐ
MTĐT