Giúp dân tự phòng, tránh thiên tai
Khi kiến thức phòng chống thiên tai của người dân được nâng cao, biết tự phòng, tự tránh sẽ giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản khi có tình huống xảy ra.
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau xảy ra 53 điểm sạt lở đất, với chiều dài hơn 1.628 m, làm thiệt hại 31 căn nhà (19 căn thiệt hại hoàn toàn), hư hỏng 409 m lộ nông thôn và một số tài sản khác, ước tổng thiệt hại trên 4 tỷ đồng. Lốc xoáy 32 vụ, làm ảnh hưởng 75 căn nhà (thiệt hại hoàn toàn 14 căn), 1 trại sản xuất giống, ước thiệt hại hơn 1,6 tỷ đồng. Triều cường làm tràn, vỡ bờ bao nuôi thuỷ sản 6 vụ, ước tổng thiệt hại khoảng hơn 2,4 tỷ đồng.
Riêng trên địa bàn thị trấn Năm Căn xảy ra 3 vụ sạt lở, làm ảnh hưởng 7 hộ dân; 3 vụ lốc xoáy, làm ảnh hưởng 31 hộ dân, ước tổng thiệt hại trên 1,4 tỷ đồng. Ðặc biệt, ở một số khóm, do ảnh hưởng của sạt lở đã mất nhiều diện tích đất, hàng chục hộ dân bị thiệt hại nhà hoàn toàn.
Ông Phạm Trọng Sỹ, Trưởng khóm 3, thị trấn Năm Căn, cho biết: “Khóm thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở bà con sống ven sông phải có ý thức cảnh giác, chủ động phòng tránh thiệt hại do sạt lở. Khi phát hiện nhà có dấu hiệu bất thường thì không ngủ lại vào ban đêm, di dời đồ đạc đến nơi an toàn. Ðồng thời, chủ động chằng chống nhà cửa khi có thông tin thời tiết bất thường”.
Ngoài sạt lở đất, triều cường dâng cũng là loại hình thiên tai gây ra nhiều thiệt hại cho người dân. Theo ngành chức năng huyện, đỉnh điểm triều cường, nước có thể dâng lên gần 1 m. Ðể tránh thiệt hại tài sản, người dân đã chủ động xây tường chắn, đắp bờ bao, nâng cao nền nhà, kê cao vật dụng trong gia đình, gia cố bờ bao vuông tôm.
Ông Ngô Hoàng Nhứt, ấp Trại Lưới B, xã Lâm Hải, cho biết: “Ðối với vuông tôm của gia đình, tại những nơi thấp thì tự be, nếu xáng cuốc đi ngang thì thuê đắp thêm. Những hộ có mặt tiền lớn, họ be bề ngang đến khoảng 1 m, chiều cao khoảng 7-8 tấc. Năm nay ai cũng gia cố kỹ, dự trù nước lên cao cũng cả mét”.
“Nhìn chung, vào mùa triều cường dâng, mực nước sẽ lên cao. Ngay con nước xổ vuông thì nước lên vào thời điểm gần sáng, đến khoảng 3-4 giờ rút xuống; còn cuối con nước xổ thì ngập khoảng 7-8 giờ sáng mới rút. Lúc trước do tôi chưa biết điều này nên nhà cửa, vuông tôm của gia đình bị ảnh hưởng nhiều. Hiện nay, tôi đã nắm được quy luật nên chủ động kê đồ đạc lên cao, gia cố bờ bao vuông tôm, hạn chế thiệt hại”, chị Ngô Ngọc Bích, ấp Xóm Lớn Ngoài, xã Hàng Vịnh, chia sẻ.
Ông Lê Văn Sin, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cho biết, công tác thông tin, truyền thông về phòng, chống thiên tai (PCTT), thích ứng biến đổi khí hậu ở địa phương được thực hiện hiệu quả bằng nhiều hình thức phù hợp, như thông qua các lớp tập huấn, báo đài, mạng Internet, các cuộc họp khóm, ấp... để người dân biết và chủ động phòng, chống. Ðặc biệt là lưu ý người dân không đặt, để, chất, chứa vật nặng và không để người già, phụ nữ và trẻ em ngủ, nghỉ qua đêm ở những nơi có nguy cơ sạt lở cao; đồng thời chú ý chằng chống nhà cửa ven sông, nơi dễ bị thiệt hại do gió mạnh, lốc xoáy. “Ngoài ra, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) huyện thường xuyên cập nhật và thông tin đầy đủ các dự báo, cảnh báo về tình hình thời tiết, khí tượng thuỷ văn cùng những nội dung khuyến cáo, hướng dẫn của cơ quan chức năng về các biện pháp phòng, chống để các cơ quan, đơn vị, Nhân dân biết, chủ động thực hiện”, ông Lê Văn Sin cho biết thêm.
Trong buổi kiểm tra về công tác PCTT&TKCN trên địa bàn huyện vừa qua, ông Nguyễn Chí Thiện, Giám đốc Sở Công thương, Trưởng đoàn kiểm tra Khu vực 5, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, lưu ý: Huyện cần quan tâm, đổi mới cách tuyên truyền, xem đây là nhiệm vụ chính trong việc PCTT; thường xuyên chỉ đạo cấp cơ sở tăng cường thời lượng, vận dụng các phương tiện hiện có để tuyên truyền sâu rộng cho người dân nắm và chủ động PCTT. Bởi lẽ, một khi kiến thức PCTT của người dân được nâng cao, biết tự phòng, tự tránh thì sẽ giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản khi có tình huống xảy ra./.
Theo Quốc Sáng/baocamau.vn