Thứ hai, 29/04/2024 15:44 (GMT+7)

Hà Nội đặt mục tiêu hoàn thành xây dựng nông thôn mới vào năm 2025

Tuệ Nhi -  Thứ ba, 28/11/2023 10:45 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Để hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới cấp thành phố đến năm 2025, Hà Nội cần đạt 100% huyện, xã theo chuẩn mới, nâng cao 20% huyện và 40% xã, với 20% xã kiểu mẫu.

Báo cáo kết quả thực hiện Chương trình 04-CTr/TU đến quý III năm 2023, nhiệm vụ, giải pháp 3 tháng cuối năm 2023, ông Nguyễn Xuân Đại - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới TP Hà Nội cho biết, đến nay Hà Nội có 17/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới (huyện Mỹ Đức đang phối hợp với các sở, ngành hoàn thiện hồ sơ huyện nông thôn mới trình Trung ương, phấn đấu được công nhận trong quý IV/2023); có 6 huyện phấn đấu đạt nông thôn mới nâng cao gồm: Gia Lâm, Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Thanh Oai; có 382/382 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 111 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Để đạt được mục tiêu Hà Nội đến năm 2025 hoàn thành xây dựng nông thôn mới cấp TP, Hà Nội cần có 100% số huyện, xã đạt chuẩn nông thôn mới, 20% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Đến nay, việc triển khai thực hiện trên địa bàn TP đạt kết quả khả quan.

Đối với yêu cầu 100% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới, đến nay, Hà Nội đã có 17/18 huyện, thị xã được công nhận đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Về chỉ tiêu có 20% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, hiện có 6 huyện phấn đấu đạt nông thôn mới nâng cao, gồm: Gia Lâm, Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Thanh Oai. Trong đó, có 3 huyện: Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì đã được Đoàn thẩm định TP thẩm định đủ điều kiện đề nghị các cấp công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023. Các huyện như Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai đang tập trung hoàn thiện hồ sơ và các chỉ tiêu để hoàn thành hồ sơ trong các tháng cuối năm 2023 và quý I năm 2024.

Còn đối với chỉ tiêu 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 20% số xã nông thôn mới kiểu mẫu, đến hết năm 2022, TP có 111 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Năm 2023, TP giao các huyện, thị xã hoàn thành 61 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 33 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Đến nay, Đoàn thẩm định nông thôn mới TP đang tập trung đánh giá tại các địa phương, dự kiến hoàn thành kế hoạch đề ra.

Điển hình, vừa qua TP Hà Nội đã hoàn thành thẩm định nông thôn mới kiểu mẫu tại 8 xã của huyện Thanh Trì. Tất cả các xã đều đủ điều kiện để trình Hội đồng thẩm định TP công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2023. Đặc biệt, có 2 xã Yên Mỹ và xã Đại Áng chọn xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu toàn diện 8/8 lĩnh vực gồm môi trường, y tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, du lịch, chuyển đổi số, an ninh trật tự, sản xuất. Đây là 2 xã đầu tiên của Hà Nội đạt kiểu mẫu toàn diện.

tm-img-alt
Hà Nội đặt mục tiêu hoàn thành xây dựng nông thôn mới vào năm 2025 (Ảnh: Internet)

Năm 2023, TP giao các huyện, thị xã hoàn thành 61 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Đến nay, huyện Hoài Đức có tờ trình đề nghị thẩm định 9 xã (vượt 5 xã so với kế hoạch). Các huyện, thị xã còn lại hiện đang tập trung chỉ đạo thực hiện một số tiêu chí cơ bản đạt và hoàn thiện hồ sơ theo quy định.

Về xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu, TP giao các huyện, thị xã hoàn thành 33 xã. Kết quả, huyện Hoài Đức đã có tờ trình đề nghị thẩm định 2 xã nông thôn mới kiểu mẫu. Các huyện, thị xã còn lại đang tập trung hoàn thiện một số tiêu chí cơ bản, hoàn thiện hồ sơ theo quy định.

Theo đánh giá giữa nhiệm kỳ 2021-2025 của Thành ủy Hà Nội, trong quá trình triển khai, tổng kết đánh giá chương trình nông thôn mới thời gian qua còn nhiều hạn chế, trong việc đầu tư hạ tầng sản xuất, quy hoạch, quản lý đất đai, môi trường, thu gom rác thải, nước sạch nông thôn... Từ thực tế đó, Thành ủy Hà Nội đề ra 14 nhiệm vụ, giải pháp lớn phát triển nông thôn mới đến năm 2025.

Trong đó, tập trung và ưu tiên dành nguồn lực đầu tư để bảo đảm hoàn thành các tiêu chí xây dựng huyện nông thôn mới, huyện nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu, phấn đấu về đích theo đúng kế hoạch.

Đồng thời, tăng cường và nâng cao hiệu quả của công tác tuyên truyền, đảm bảo đa dạng, thường xuyên, liên tục, có trọng tâm, trọng điểm, nhằm huy động nội lực, khơi dậy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm và sự đồng thuận trong nhân dân.

Mặt khác, quán triệt chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở với phương châm "Dân biết, dân bàn, dân giám sát, dân thụ hưởng".

Ngoài ra, đẩy mạnh Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" và phong trào "Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới;" tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động tuyên truyền xây dựng nông thôn mới để nâng cao hiệu quả, tiến độ đề ra.

Chỉ đạo tại hội nghị giao ban quý III của Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU về "Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025" của Thành ủy Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh, trong năm 2024, TP cần tập trung mọi nguồn lực nhằm hoàn thiện hết các mục tiêu xây dựng NTM và xây dựng NTM nâng cao.

Ông Nguyễn Mạnh Quyền đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính cân đối nguồn lực, ưu tiên cho các nhóm vấn đề liên quan đến Chương trình 04-CTr/TU nhằm hỗ trợ các huyện hoàn thành các mục tiêu đã đề ra.

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội đặt mục tiêu hoàn thành xây dựng nông thôn mới vào năm 2025. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Lào: Cho phép học sinh nghỉ học nếu nền nhiệt quá cao
Theo phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn, trước tình trạng nắng nóng kéo dài với nền nhiệt cao kỷ lục trên 40 độ C, Bộ Giáo dục và Thể thao Lào vừa chỉ đạo các nhà quản lý trường học trên cả nước xem xét cho học sinh nghỉ học nếu cần thiết.
Bài thơ: Thì hãy sống...
Thì cứ bình yên để mỗi ngày trôi đi thật nhẹ//Chiếc đồng hồ nhích từng giây từng giây, rất khẽ///Con chim sẻ ríu rít ngoài ban công//Heo may chở mùa thu qua sông///Cải ngồng hong nắng...