Hòa Bình: Cần khuyến cáo việc mua-bán tại dự án Ivory Villas Resort
UBND tỉnh Hòa Bình cần có những chỉ đạo để khuyến cáo khách hàng trong việc mua - bán bất động sản tại dự án KĐT sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp Lâm Sơn (xã Lâm Sơn, huyện Lương Sơn).
Tiếp tục “tung” chính sách bán hàng mới - Chủ đầu tư có "gài bẫy" khách hàng?
Như Môi trường và Đô thị Việt Nam đã thông tin về việc: Khách hàng nên thận trọng với việc mua - bán các sản phẩm biệt thự của dự án dự án Khu đô thị sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp Lâm Sơn (xã Lâm Sơn, huyện Lương Sơn, Hòa Bình) do Công ty cổ phần Archi Reenco Hòa Bình làm chủ đầu tư để tránh những rủi ro có thể xảy ra. Cụ thể đó là: Theo GCNQSDĐ và tài sản gắn liền trên đất của dự án thì dự án chỉ có thời gian hoạt động đến năm 2059 và giai đoạn 2 của dự án hiện tại chưa đủ điều kiện bán hàng.
Ngày 7/8/2020 Công ty cổ phần Archi Reenco Hòa Bình đã đưa ra chính sách bán hàng áp dụng cho các sản phẩm biệt thự của dự án. Theo đó, khách hàng nếu mua các sản phẩm của dự án: Sau khi kí hợp đồng đặt cọc (trị giá 200 triệu), khách hàng sẽ kí kết với với chủ đầu tư dự án hợp đồng vay vốn/văn bản thoả thuận.
Theo GCNQSDĐ và tài sản gắn liền trên đất của dự án thì dự án chỉ có thời gian hoạt động đến năm 2059 và giai đoạn 2 của dự án hiện tại chưa đủ điều kiện bán hàng. |
Điều đáng nói ở đây là việc, công ty chủ đầu tư đã đưa ra chính sách bán hàng khi dự án chưa đủ điều kiện đưa vào kinh doanh bất động sản theo quy định của pháp luật và có nguy cơ gây ra nhiều rủi ro cho khách hàng (đối với giai đoạn 2).
Cho ý kiến về các rủi ro mà khách hàng có thể gặp phải khi mua các sản phẩm bất động sản khi chưa đủ điều kiện, Luật sư Tạ Văn Phú – Giám đốc Công ty Luật Ánh Sáng Việt phân tích: Đã xác định chưa đủ điều kiện kinh doanh bất động sản thì có nghĩa là giấy tờ pháp lý của dự án chưa đầy đủ. Do đó, việc khách hàng mua/nhận chuyển nhượng là không thể, chủ đầu tư cũng không được phép bán/chuyển nhượng. Một số trường hợp các chủ đầu tư lách luật ký kết các hợp đồng vay vốn, góp vốn để huy động tiền từ khách hàng thì đây là những hình thức giao dịch có nhiều rủi ro có thể dẫn đến mất tiền.
Luật sư Tạ Văn Phú – Giám đốc Công ty Luật Ánh Sáng Việt . |
Rủi ro tiềm ẩn là thế, nhưng tại sao chính quyền địa phương không ngăn chặn chủ đầu tư ra chính sách bán hàng? Tại sao không đưa ra khuyến cáo cho người dân hay khách hàng? Phải chăng do chính quyền nơi đây không hề biết đến việc này, hay còn lí do nào khác…
Để rồi, ngày 18/9/2020 Công ty cổ phần Archi Hòa Bình tiếp tục “tung” ra chính sách bán hàng mới để thay thế chính sách bán hàng cũ ra ngày 7/8/2020. Chính sách bán hàng mới được tung ra với nhiều ưu đãi, tuy nhiên rất có thể sẽ là cái “bẫy” cho khách hàng.
Ngày 18/9/2020 Công ty cổ phần Archi Hòa Bình tiếp tục “tung” ra chính sách bán hàng mới để thay thế chính sách bán hàng cũ ra ngày 7/8/2020. |
Vậy ai có thể ngăn chặn việc làm này của Công ty cổ phần Archi Reenco Hòa Bình? Chính quyền sở tại (UBND xã Lâm Sơn, UBND huyện Lương) cần đưa ra những khuyến cáo cho người dân và khách hàng về những rủi ro khi mua bán các sản phẩm bất động sản chưa đủ điều kiện kinh doanh. Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình cũng cần vào cuộc để giúp khách hàng hạn chế những rủi ro không đáng có. Vì, Sở Xây dựng là đơn vị đưa ra xác nhận dự án đủ điều kiện đưa vào kinh doanh bất động sản.
Không tổ chức đấu giá dự án – Chủ tịch tỉnh Hòa Bình cần minh bạch thông tin trước dư luận, báo chí.
Như đã thông tin, hai quyết định cho phép Công ty cổ phần Archi Reenco Hòa Bình chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất kinh doanh sang đất ở để thực hiện dự án vào các năm 2016 và 2017 đang gây ra nhiều tranh cãi trái chiều.
Việc cho phép doanh nghiệp chuyển đổi mục đích sử dụng đất của UBND tỉnh Hòa Bình như vậy có đúng với các quy định của pháp luật? Phân tích về quyết định này của UBND tỉnh Hòa Bình, Luật sư Tạ Văn Phú – Giám đốc Công ty Luật Ánh Sáng Việt khẳng định: “Căn cứ quy định tại Điều 118 Luật đất đai 2013, với trường hợp này thì bắt buộc phải tổ chức đấu giá trước khi giao đất cho Chủ đầu tư thực hiện dự án”. Tuy nhiên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình – Bùi Văn Khánh đã không thực hiện đấu giá như vậy.
Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình - Bùi Văn Khánh (Ảnh: Internet) |
Pv Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã cố gắng liên hệ với UBND tỉnh Hòa Bình bằng nhiều cách, với mong muốn có được câu trả lời chính thức từ UBND tỉnh Hòa Bình hoặc Chủ tịch UBND Bùi Văn Khánh. Tuy nhiên, thứ Phóng viên nhận được chỉ là sự đùn đẩy trách nhiệm từ UBND tỉnh Hòa Bình. Thiết nghĩ đã đến lúc Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình - ông Bùi Văn Khánh cần minh bạch thông tin trước dư luận, báo chí.
Không quá khi cho rằng ông chính là người nắm rõ nhất pháp lý của dự án, ông là người kí các quyết định “sinh tử” cho dự án từ thời điểm ông còn đương nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình.