Thứ bảy, 27/04/2024 14:32 (GMT+7)

Đà Bắc- Hòa Bình: Đất rừng đang bị xâm hại

Đức Anh -  Thứ hai, 02/10/2023 15:12 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Một diện tích lớn đất rừng sản xuất tại khu vực Ngầm Suối Láo, xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình đang bị xâm hại vì hoạt động xây dựng trái phép. Do vậy rất cần sự vào cuộc của UBND huyện Đà Bắc và UBND tỉnh Hòa Bình.

Đất rừng đang bị xâm hại

Như đã đưa tin về tình trạng xây dựng biệt thự trái phép trên đất rừng tại khu vực Ngầm Suối Láo, xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. Theo phản ánh, công trình này được xây dựng trên đất nông nghiệp và đến nay vẫn chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Từ đó có nhiều nguy cơ gây ảnh hưởng đến môi trường, đất đai.

tm-img-alt
Khu biệt thự xây dựng trái phép trên đất rừng tại khu vực Ngầm Suối Láo, xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình

Để xác minh thông tin phản ánh, theo ghi nhận của PV, tại đây là một công trình nhìn giống khu biệt thự, hay khu nghỉ dưỡng đang được xây dựng kiên cố với những hạng mục như nhiều nhà sàn, đường nội khu, ao hồ…

Để chính xác và khách quan thông tin phản ánh, PV đã có những trao đổi với ông Đinh Văn Thụ - Chủ tịch UBND xã Cao Sơn. Trao đổi qua điện thoại, ông Thụ cho biết: Về công trình đang xây dựng tại khu vực Ngầm Suối Láo mà PV phản ánh thì hiện nay vẫn đang trong quá trình chờ chuyển đổi mục đích sử dụng đất và đến nay vẫn chưa được chấp thuận. Còn về nguồn gốc là đất nông nghiệp. Liên quan đến hồ sơ xử phạt thì xã cũng đã gửi hết ra huyện Đà Bắc.

tm-img-alt
PGS.TS Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển cộng đồng

Cùng nhìn nhận về sư viêc này, PGS. TS Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển cộng đồng cho rằng: Trong việc này chưa cần đánh giá đến việc ảnh hưởng đến môi trường. Vì việc xây dựng công trình trái phép khi chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất là sai luật. Và rồi từ việc xây dựng sai phép khi chưa hoàn thành thủ tục pháp lý thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tập thể khi để xảy ra sai phạm. Nếu không làm rõ trách nhiệm thì sẽ có thể thành tiền lệ làm trước xin sau.

Nếu chỉ chính quyền cấp xã xử phạt và tuyên truyền tháo dỡ là chưa đủ

Liên quan đến tình trạng xây dựng khu biệt thự trái phép trên đất rừng/ đất nông nghiệp, được biết chính quyền xã Cao Sơn đã nhiều lần “tuýt còi” và xử phạt vi phạm hành chính. Cụ thể: Ngày 27/12/2022, UBND xã Cao Sơn có Quyết định Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai số 114/QĐ-UBND đối với ông Chu Văn Tý với số tiền 3.500.000 đồng. Do hành vi vi phạm: Tự ý múc, san gạt làm biến dạng địa hình của đất rừng sản xuất, diện tích là 187,5m2. Bên cạnh việc xử phạt hành chính, UBND xã Cao Sơn yêu cầu ông Chu Văn Tý khôi phục lại hiện trạng ban đầu của đất trong thời hạn 60 ngày.

tm-img-alt
Cổng vào khu biệt thự xây dựng trái phép trên đất rừng tại khu vực Ngầm Suối Láo, xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình

Cùng ngày 16/1/2023, UBND xã Cao Sơn tiếp tục có 2 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai số 02a/QĐ-UBND và 02/QĐ-UBND đối với ông Chu Văn Tý với số tiền 4.000.000 đồng và 3.500.000 đồng với hành vi tự ý chuyển đổi đất rừng sản xuất sang làm đất nhà ở diện tích 120 m2 tại lô 26 tờ bản đồ số 1 theo bản đồ 672. Và hành vi tự ý múc, san gạt làm biến dạng đất rừng sản xuất diện tích 175,5 m2. Tại cả 2 quyết định xử phạt hành chính này, UBND xã Cao Sơn đều yêu cầu ông Chu Văn Tý khôi phục lại hiện trạng của đất trong vòng 60 ngày.

Tiếp đến, ngày 4/4/2023 UBND xã Cao Sơn tiếp tục có Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Chu Văn Tý với số tiền 5.000.000 đồng tại Quyết định số 16/QĐ-UBND vì đã có hành vu tự ý chuyển đổi đất rừng sản xuất là đất rừng trồng sang làm đất nhà ở 5 chòi xây bằng bê tông tổng diện tích 184 m2 tại lô 26 tờ bản đồ số 1 theo bản đồ 672.

Tại Quyết định xử phạt hành chính này, UBND xã Cao Sơn yêu cầu ông Chu Văn Tý phải tự tháo dỡ 5 chòi xây bằng bê tông tổng diện tích 184 m2 và khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu trong vòng 60 ngày.

tm-img-alt
Nếu chỉ chính quyền xã Cao Sơn xử phạt và tuyên truyền tháo dỡ là chưa đủ

Bên cạnh việc xử phạt vi phạm hành chính, ngày 9/5/2023 UBND xã Cao Sơn có Quyết định số 57/QĐ-UBND về việc thành lập Tổ tuyên truyền vận động hộ gia đình tự tháo dỡ công trình xây dựng vi phạm.

Theo đó, Tổ trưởng tổ tuyên truyền vận động là ông Đinh Văn Thụ - Chủ tịch UBND xã Cao Sơn. Tổ phó là ông Bàn Văn Xuân – Phó Chủ tịch UBND xã; ông Đinh Văn Hoàng – Địa chính xây dựng; ông Đinh Văn Nam – Trưởng công an xã cùng các thành viên khác.

Tổ tuyên truyền có trách nhiệm tuyên truyền, vận động hộ gia đình ông Chu Văn Tý tự giác tháo dỡ công trình xây dựng vi phạm và khôi phục lại hiện trạng ban đầu theo quy định của pháp luật do tự ý chuyển đổi đất rừng sản xuất sang làm đất nhà ở xây dựng 5 chòi bằng bê tông diện tích 184 m2 tại lô 26, tờ bản đồ số 1, theo bản đồ 672. Thời gian tuyên truyền từ 5/5/2023 – 5/6/2023.

Xử phạt và tuyên truyền cả hai hình thức này đều đã được UBND xã Cao Sơn sử dụng tuy nhiên kết quả cho thấy là không hiệu quả. Công trình vi phạm, xây dựng trái phép trên đất rừng vẫn không bị tháo dỡ, khắc phục hậu quả.

Vậy, trước thực trạng này, thiết nghĩ UBND huyện Đà Bắc cần phải có biện pháp quyết liệt và mạnh tay hơn nữa để đất đai được sử dụng đúng mục đích. Sai phạm của ông Chu Văn Tý là rất rõ ràng nếu huyện Đà Bắc không xử lý được thì rất cần sự vào cuộc của UBND tỉnh Hòa Bình. Bởi, đất rừng bị lấn chiếm sử dụng sai mục đích thì hậu quả khi xảy ra sẽ là rất khó lường. Thực tế, đã có rất nhiều hậu quả tương tự xảy ra ở nhiều địa phương, do vậy nếu chỉ chính quyền cấp xã xử phạt và tuyên truyền là chưa đủ.

Bạn đang đọc bài viết Đà Bắc- Hòa Bình: Đất rừng đang bị xâm hại. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Long An: Sử dụng tài nguyên nước hợp lý
Được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo thường xuyên của lãnh đạo các cấp, công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nề nếp, được sử dụng hợp lý, hiệu quả.

Tin mới

Bài thơ: Tháng Tư này
Tháng Tư này còn gì để nhớ mong//Khi tình đã úa màu theo năm tháng//Kỷ niệm cũ vùi sâu miền dĩ vãng///Gợi làm gì thêm đau xót lòng nhau
Bài thơ: Áo lính về quê
Thỉnh thoảng con về thăm nhà///Thích mặc áo lính để mà nhớ xưa///Mẹ già trông nắng đợi mưa///Đọc trang sách cũ vẫn chưa rách lề