Thứ hai, 29/04/2024 03:45 (GMT+7)

Hội thảo "Bất động sản du lịch Bình Thuận: Xử lý vướng mắc và thúc đẩy sự phát triển của thị trường"

Hạnh Nguyên -  Thứ sáu, 08/09/2023 09:15 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Những năm gần đây, bất động du lịch là một trong những phân khúc thị trường có tốc độ phát triển nhanh và mạnh mẽ. Xu hướng này được dự báo còn tiếp tục phát triển sôi động hơn nữa trong tương lai...

Ngày 7/9, tại TP Phan Thiết, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Hiệp hội Du lịch Bình Thuận và Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức Hội thảo "Bất động sản du lịch Bình Thuận: Xử lý vướng mắc và thúc đẩy sự phát triển của thị trường".

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ. Nguồn internet

Theo thống kê của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cả nước hiện có 239 dự án bất động sản du lịch với khoảng 114.000 căn hộ du lịch nghỉ dưỡng, căn hộ khách sạn nghỉ dưỡng, gần 24.400 biệt thự du lịch nghỉ dưỡng; gần 30.900 shophouse với tổng giá trị của 3 loại hình bất động sản nghỉ dưỡng này ước tính lên tới hơn 681.800 tỷ đồng, tương đương khoảng 30 tỷ USD và trải dài tại nhiều tỉnh thành phố trên khắp đất nước như: Quảng Nam, Bình Định, Nha Trang, Bình Thuận, Bà Rịa Vũng Tàu.

Triển vọng về dài hạn cho phân khúc bất động sản này vẫn rất lớn, bởi lẽ phát triển bất động sản không chỉ mang lại lợi ích đối với doanh nghiệp mà còn góp phần thúc đẩy khai thác tiềm năng về du lịch, tài nguyên thiên nhiên, lan tỏa văn hóa của các địa phương. Tuy nhiên, thực tế doanh nghiệp đang gặp rất nhiều trở ngại khi đầu tư vào phân khúc này, nhất là liên quan đến các vấn đề pháp lý.

Tại Hội thảo, ông Nguyễn Đức Toàn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Bình Thuận cho biết, điểm nghẽn lớn nhất của bất động sản du lịch hiện nay là việc cấp giấy chứng nhận cho các condotel (căn hộ khách sạn) và officetel (căn hộ văn phòng kết hợp khách sạn)… Trong thời gian vừa qua, điểm nghẽn này đã được Chính phủ quan tâm tháo gỡ, nhất là việc ban hành Nghị định 10/2023/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các loại hình bất động sản du lịch này.

Tuy nhiên, xét về dài hạn, thị trường bất động sản du lịch vẫn còn một số điểm nghẽn khác. Khái niệm bất động sản du lịch vẫn chưa được cụ thể hóa trong các quy định của luật, chưa được cập nhật trong các Luật Đầu tư, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai… Để tháo gỡ nút thắt này, cần đưa các nội dung rõ ràng về bất động sản du lịch trong quy định của luật thời gian sắp tới. Từ đó, làm cơ sở pháp lý để các địa phương, cũng như nhà đầu tư có hành làng pháp lý, mạnh dạn đầu tư…

Theo ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Thuận, một số khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp du lịch gặp phải trong phát triển bất động sản du lịch đó là về chính sách thuê đất và xác định giá đất. Một số địa phương còn lúng túng trong việc áp giá đất. Vì vậy, Hiệp hội đề xuất áp dụng khoản 1 điều 172 Luật Đất đai 2013 "Tổ chức kinh tế được phép lựa chọn hình thức thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm hoặc thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê" và giữ điều này trong Luật Đất đai năm 2023.

Cần có khung pháp lý rõ ràng cho mô hình bất động sản du lịch từ giai đoạn dự án, đầu tư đến khai thác vận hành. Đây là hướng đi để thị trường bất động sản du lịch phát triển và phát triển bền vững.

Phát biểu tại Hội thảo, nhiều đại biểu cũng thảo luận về các giải pháp để thị trường bất động sản phát triển. Theo ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), bất động sản du lịch phải phát triển bền vững và phù hợp với xu hướng phát triển chung của thế giới, phát triển xanh. Bất động sản du lịch càng cao cấp càng phải chú trọng yếu tố xanh. Bên cạnh đó, thị tường bất động sản du lịch cần phải tính toán phù hợp với nhu cầu tổng thể; gắn liền với chiến lược quốc gia; phù hợp với tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải…

Sở hữu bờ biển dài và đẹp, lại liền kề Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cùng với nguồn tài nguyên đa dạng, nên Bình Thuận là địa phương có sức cạnh tranh cao trong thu hút đầu tư. Qua các sự kiện xúc tiến đầu tư mang tầm quốc gia, Bình Thuận đã mời gọi được nhiều dự án quy mô nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, cũng như góp phần tạo đà phát triển tương xứng cho địa phương.

Các nhà đầu tư đều có chung đánh giá, Bình Thuận sở hữu nhiều tiềm năng mà hiếm địa phương nào có được.

Thứ nhất là tiềm năng về gió. Bình Thuận có số giờ gió lẫn bức xạ nhiệt cao và ổn định, rất thuận lợi để phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Thứ hai là tiềm năng về đất, khi diện tích còn khá rộng với hệ thống công trình thủy lợi được đầu tư nối mạng phủ kín, có khả năng phát triển các loại cây trồng, vật nuôi mang lại giá trị kinh tế cao.

Thứ ba là tiềm năng về du lịch. Bình Thuận sở hữu Mũi Né - điểm du lịch đẳng cấp quốc tế với diện tích khoảng 14.760 ha, trải dài ven biển từ xã Hòa Phú (huyện Tuy Phong) đến phường Phú Hài (TP. Phan Thiết). Đây là cơ sở để tỉnh tập trung quảng bá hình ảnh, xúc tiến thu hút đầu tư phát triển du lịch tương xứng tiềm năng, đảm bảo chất lượng và hiệu quả theo hướng tăng trưởng xanh…

Bình Thuận còn rất thuận lợi về giao thông. Tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn qua địa phận tỉnh sắp hoàn thành, đưa vào sử dụng; Cảng quốc tế Vĩnh Tân tiếp tục phát huy hiệu quả đầu tư sẽ tạo động lực phát triển hệ thống dịch vụ logistics nhằm kết nối và lưu thông hàng hóa cho cả đường bộ - đường biển - đường sắt...

Bạn đang đọc bài viết Hội thảo "Bất động sản du lịch Bình Thuận: Xử lý vướng mắc và thúc đẩy sự phát triển của thị trường". Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.

Tin mới

Thiết kế cấp phối bê tông san hô
Thiết kế cấp phối bê tông san hô cấp độ bền B15, B20, B22,5 (sử dụng cốt liệu cát, đá san hô và nước mặn). Kết quả cho thấy, việc sử dụng vật liệu vật liệu, nước biển thay thế cho vật liệu truyền thống là khả thi.
Giữ lửa Chèo truyền thống trong lớp trẻ
Với mục tiêu tôn vinh, quảng bá giá trị đặc sắc của nghệ thuật Chèo Việt Nam, nhiều năm qua, trường Đại học Sân khấu điện tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng những tài năng trẻ có đam mê với loại hình văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc này.
Khai trương phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy
Tuyến phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy dài hơn 1km với hơn 100 ki ốt đa dạng chủng loại ngành hàng từ nhà hàng ẩm thực, đồ lưu niệm, đồ uống, ẩm thực đường phố... được trang trí bắt mắt nằm ngay trung tâm khu du lịch Bãi Cháy.