Thứ hai, 29/04/2024 18:14 (GMT+7)

Hơi thở Tây Nguyên

MTĐT -  Thứ ba, 22/08/2023 10:16 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tây Nguyên đã không còn hoang sơ vụng dại như hình dung qua sách vở nữa. Tây Nguyên giờ đã đổi thay quá nhiều.

Đã cuối hạ rồi. Đây là lần thứ hai tôi tới Đắk Nông. Lần thứ nhất đi từ TP.HCM theo đường Bình Phước, lần này đi từ Đắk Lắk sang. Đường quanh co và phẳng phiu. Màu đỏ của đất bazan, màu xanh biếc của trời, những vạt tiêu, điều, cà phê trải dài bạt ngàn nối tiếp... Thật là đẹp mắt. Tôi là người miền núi phía Bắc. Quê tôi toàn đá. Thế nên cứ đi đâu mà đất đai bạt ngàn là y rằng tôi nghĩ người ta thật sung sướng khi có nhiều đất thế này để mà gieo trồng cấy hái.

Hơi thở Tây Nguyên
Xe chở cánh quạt điện gió đi ngược chiều trên đường.

Đắk Nông bây giờ so với dăm bảy năm trước có thêm một thứ rất mới, rất đẹp, rất hùng vĩ, là những cánh quạt gió. Nhìn từ xa, chúng đẹp một cách kỳ lạ khi nhô hẳn lên trên những ngọn đồi, vượt qua những tán cây và kiêu hãnh như những cánh chim mảnh khảnh nhưng vững chãi trên nền trời mênh mông khoáng đạt.

Nhìn gần, ôi chao, chúng lớn tới mức tôi phải dùng chế độ góc chụp 0,5 trên điện thoại cũng vẫn không hết chiều dài một chiếc cánh khi bất chợt bắt gặp chiếc xe chở cánh quạt đi ngược chiều trên đường. Những chiếc xe khổng lồ với dãy bánh dài như chân rết chở những cánh quạt khổng lồ.

Tây Nguyên đã không còn hoang sơ vụng dại như hình dung qua sách vở nữa. Tây Nguyên giờ đã đổi thay quá nhiều. Nhưng mà, những cánh quạt gió lộng lẫy ấy, chúng im lìm trên những ngọn đồi. Vì một lý do nào đó chúng chỉ có thể đứng im. Khi những cánh quạt quay đương nhiên sẽ tạo ra nguồn điện rất lớn. Vậy mà tại sao chúng không quay? Điều này tôi không hiểu nổi.

Hơi thở Tây Nguyên
Những cánh quạt gió trên màu trời xanh và đất đỏ bazan đặc trưng Tây Nguyên.

Lần trước khi tôi đến, Gia Nghĩa vẫn còn là thị xã tỉnh lỵ. Tỉnh lỵ cuối cùng trong cả nước còn gọi là thị xã. Tôi rất thích hai từ thị xã. Nhỏ nhắn, xinh đẹp, giản dị và khiêm nhường. Bây giờ thì không, Gia Nghĩa đã là thành phố. Nhưng sau bằng ấy năm, Gia Nghĩa hầu như không có gì thay đổi. Vẫn những con đường dốc nhỏ, những tòa nhà thấp, hơi lộn xộn. Nó vẫn như một vùng đất bị lãng quên, ơ hờ.

Bạn tôi - một người sinh ra và lớn lên ở Buôn Ma Thuột - nói, rất nhiều công chức làm việc ở Gia Nghĩa nhưng gia đình lại bên Buôn Ma Thuột. Đơn giản vì Buôn Ma Thuột phát triển hơn rất nhiều và đi lại thì vô cùng tiện lợi. Từ Đắk Nông sang đó chỉ có 125km theo quốc lộ 14. Trong tuần, các tối từ thứ Hai đến thứ Năm, quán xá phục vụ người Ban Mê, từ thứ Sáu đến hết Chủ nhật, phục vụ người Đắk Nông. Đồng nghĩa với việc, từ chiều thứ Sáu đến hết tuần, thành phố Gia Nghĩa vắng hoe.

Tôi chợt thấy thương cái thành phố này quá thể.

Hơi thở Tây Nguyên
Thị xã Gia Nghĩa đã là thành phố nhưng vẫn như một vùng đất bị lãng quên.

Một cơn mưa chiều dữ dội đổ xuống khiến cho dự định đi vài nơi của chúng tôi phá sản. Ngồi bên thềm nhà, trên một ngọn đồi, nhìn ra bầu trời trắng xóa những mưa và gió thì quật cho những vòm cây muồng vàng đang độ ra hoa rực rỡ trở nên tơi tả. Nước xối xả trên những con dốc. Đến bây giờ, lần thứ hai quay lại, tôi đã có thể hình dung về sự khác nhau giữa các tỉnh Tây Nguyên mà tôi lần lượt đi hết trong khoảng mười năm qua. Thì trong số đó, Đắk Nông có vẻ như là tỉnh im ắng nhất. Im ắng theo cả nghĩa phát triển bề mặt cũng như sự biến đổi về “chất”.

Đắk Nông được thành lập năm 2004 trên cơ sở tách một phần diện tích và dân số của tỉnh Đắk Lắk, nằm ở cửa ngõ phía Tây Nam của vùng Tây Nguyên, đoạn cuối dãy Trường Sơn. Đắk Nông nằm trọn trên cao nguyên M’Nông, với độ cao trung bình 600-700m so với mặt nước biển, cao nhất là ở Tà Đùng với độ cao lên đến 1.982m.

Khi đứng ở trên đỉnh Tà Đùng và nhìn xuống vùng thung lũng bây giờ là một cái hồ lớn bị/ được chia cắt bởi những ngọn đồi thấp lô nhô, thực sự cảm thấy rất xúc động. Hồ Tà Đùng đẹp kỳ lạ. Bây giờ mặc dù đang là mùa mưa nhưng nước khá cạn, nhìn vào phần rìa đất khác màu hiện ra thì biết là mực nước đang thấp so với thường khi khoảng 1m. Người ta nói Tà Đùng giống như một vịnh Hạ Long ở trên núi, tôi không thích người ta ví von như vậy. Tà Đùng là Tà Đùng, có một không hai, đơn giản vậy thôi.

Hơi thở Tây Nguyên
Hồ Tà Đùng nhìn từ trên cao.

Sáng thức dậy ở Gia Nghĩa, nhiệt kế trên điện thoại báo 20 độ C. Những ngày này Hà Nội đang trên 40 độ C. Vòm trời trắng đục, sương mù bao phủ những đỉnh đồi. Thật khó hình dung chỉ một lúc nữa thôi, cái nắng chói chang sẽ bao phủ cả vùng đất này. Nhưng nắng Tây Nguyên rất dễ thương, vì bước chân vào bóng râm là dễ chịu.

Tuy nhiên, màu xanh thì đang từ từ rời bỏ vùng đất này. Chẳng phải tôi đã kỳ vọng quá nhiều vào một Tây Nguyên hùng vĩ, hoang sơ, mênh mông kỳ bí đại ngàn mà trước khi đặt chân đến Đắk Nông thì đã biết rằng, không chỉ Tây Nguyên, không chỉ Đắk Nông, mà hầu hết những cánh rừng đại ngàn từ Bắc chí Nam trên dải đất này trong suốt nhiều năm qua, nhiều thập kỷ qua đã từ từ biến mất. Rừng đại ngàn biến mất cùng với cảm hứng về rừng cũng từ từ mà rời bỏ.

Từ thị xã Gia Nghĩa nhỏ bé, gập ghềnh đèo dốc và vô cùng thanh tao yên tĩnh, chúng tôi đi xuyên qua những cánh rừng. Không, đúng hơn là đi xuyên qua nơi đã từng là những cánh rừng. Tuy Đức - một trong những huyện đang đối diện với nạn phá rừng nhức nhối nhất Đắk Nông. Người ta nói, thiên nhiên quá ưu đãi Đắk Nông khi khí hậu ôn hòa, đất đai màu mỡ, cây tiêu cây điều trồng xuống là liên tục bội thu. Lượng mưa ở Đắk Nông cũng lớn nhất nhì Tây Nguyên. Và vì lẽ đó mà thứ quý giá nhất, đáng tiền nhất ở Đắk Nông chính là… đất đai.

Đất thì từ đâu mà có? Người ngày một đông lên, đất lại không sinh sôi, nhu cầu làm kinh tế thì vô cùng vô tận. Thế nên người ta lấy đất bằng cách… phá rừng. Những cánh rừng thông thẳng tắp nhiều chục năm tuổi, đẹp như tranh vẽ lần lượt bị xóa sổ. Không phải đi vào vùng sâu vùng xa làm gì, chỉ cần đi dọc tỉnh lộ, huyện lộ mắt đã thấy, tay đã chạm được những gốc cây khô khốc, mũi ngửi được mùi nhựa thông cháy, và, tai nghe thấy tiếng khóc của cây.

Những cánh rừng thông chạy dài dọc hai bên đường, chỉ có khoảng ba bốn hàng cây sát mép đường được giữ lại (không rõ giữ lại để làm “màu” hay giữ lại để lấy… bóng râm cho chính những người phá rừng). Còn ngay sau đó, chỉ nhảy vài bước là đã thấy ngay những mảnh đất trống không, những cây thông khô khốc, đen thui, những gốc thông đã bị cưa hạ sát mặt đất…

Người ta nói, tiêu diệt rừng thông dễ lắm. Đấy là khoét một lỗ nhỏ dưới gốc thông, đổ thuốc diệt cỏ vào, chỉ ít ngày là thông chết hết. Chết khô cong queo. Một mồi lửa là cháy sạch. Một cơn lốc lớn là đổ sạch. Chưa thấy cơ quan chức năng nào có câu trả lời về chi tiết này, mà đó là câu chuyện có thể nghe ở bất kỳ quán nước nào ven đường. Nhưng có một sự thật hiển hiện là những cánh rừng thông đẹp như tranh đang biến mất một cách ngoạn mục, đầy thách thức, ngay giữa ban ngày ban mặt.

Không chỉ thông biến mất, đau lòng hơn là rừng già, nguyên sinh, với những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi, cũng lặng lẽ hao mòn. Tôi từng gặp một anh chủ tịch xã thuộc huyện Tuy Đức, người được địa phương coi như một “hiệp sĩ” trong cuộc chiến dữ dội, khốc liệt với lâm tặc. Khi nghe tiếng ồn từ bên ngoài vọng vào, chúng tôi giật mình: Có phải tiếng cưa máy đó không anh? Có phải lâm tặc… Anh cười to.

Tiếng cười khoáng đạt của người ruột để ngoài da: Không phải đâu. Tiếng máy xén cỏ đấy. Giờ lâm tặc đâu có dùng cưa máy. Cưa máy nó kêu to lắm, khác gì lạy ông tôi ở bụi này - Vậy thì lâm tặc dùng gì để hạ những cây cổ thụ? - À, dùng cưa tay thôi. Cứ lẳng lặng mà cưa, vòng quanh gốc, mỗi phía một nhát. Không cần cây phải đổ ngay đâu. Cưa nửa chừng thế thôi, gió to một cái là cây khắc lừ lừ đổ xuống. Lúc ấy, chỉ việc xắt khúc ra, cắt miếng ra mà chở về.

Chở gỗ ra khỏi rừng dễ thế sao? Nó kềnh càng, nặng nề thế cơ mà. Anh chủ tịch xã thủng thẳng: Không dễ. Không dễ tí nào. Nhưng không có nghĩa là không chở được. Nhìn theo hướng anh chỉ, chúng tôi thấy một chiếc công nông hình thù kỳ quái đang đỗ ở một góc sân ủy ban. Trên thùng xe đựng đầy những súc gỗ đã được cưa xẻ đẹp mắt - tang vật mà các lực lượng chức năng của xã mới thu giữ được trong lần truy đuổi lâm tặc gần nhất. Anh bảo, bọn lâm tặc dùng những cái xe như thế và xe máy để chở gỗ ra khỏi rừng. Những chiếc xe vốn là công nông đầu ngang, được “độ” thành một thứ phương tiện trông vừa ngổ ngáo vừa kỳ quái, với các loại cu roa, xích… nhằng nhịt. Những chiếc xe “độ” như thế có giá trên thị trường chợ đen đắt gấp ba lần so với một chiếc công nông nguyên bản.

Xe máy cũng “độ”, trông chỉ trơ khung với lốp, gọi là xe “cảo”, cũng có giá đắt lên vài lần. Anh chủ tịch xã tả, chiếc công nông “độ” này khi chở đầy thùng gỗ, nếu gặp kiểm lâm hay các lực lượng chức năng là sẽ bò xuống khe, nấp kỹ, đợi thời cơ thích hợp lại lừ lừ bò lên dốc như cua. Trộm nghĩ, ông nào nghĩ ra cách “độ” công nông đầu ngang thành một thứ “siêu xe” thế này nếu dùng vào việc có ích thì phải tặng bằng sáng chế cho ông ấy.

Máu của rừng đang chảy khắp những cánh rừng Đắk Nông. Vấn đề này đã và đang “nóng” trên khắp các diễn đàn từ địa phương đến các bộ ngành, đến trung ương. Hàng loạt giải pháp đã được đặt ra với hy vọng cứu vãn được tình thế. Nhưng thực tế thì mọi nỗ lực cho đến giờ, so với hiện trạng rừng đang mất đi từng ngày từng giờ, chỉ như… đuổi muỗi.

Một xã ở Đắk Nông nói riêng, Tây Nguyên nói chung có diện tích gấp vài lần so với một xã, phường ở đồng bằng. Trong khi biên chế cán bộ xã thì chỉ có vậy, lực lượng chức năng mà chủ chốt là kiểm lâm cũng vô cùng hạn chế. Rừng thì mênh mông, đi vài ngày vừa bằng xe máy vừa bằng chân mới hết một lượt. Chỉ riêng việc đi sau lâm tặc mà đếm số cây đã bị đốn hạ thôi cũng hết hơi rồi.

Hơi thở Tây Nguyên
Trong Bảo tàng Âm thanh, gian trưng bày âm thanh của đá.

Trở lại với Gia Nghĩa, niềm an ủi lớn nhất đối với một người xa lạ như tôi là ở đây vừa mới được xây dựng một bảo tàng đặc biệt - Bảo tàng Âm thanh. Độc nhất Việt Nam, độc nhất Đông Nam Á, và có lẽ rộng hơn thế. Tôi không khỏi ngạc nhiên khi làm sao một thứ kỳ diệu, tinh tế, đầy tính hiện đại và trí tuệ như vậy lại có thể có ở Đắk Nông. Bảo tàng này được hình thành với sự tham gia của các cố vấn người Pháp, để phục vụ quy trình thẩm định công nhận công viên địa chất toàn cầu. Đến nay Công viên địa chất Đắk Nông chính thức được công nhận Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.

Tại đây được thiết kế thành 8 phòng riêng biệt, với 7 chủ đề âm thanh đến từ tự nhiên: âm thanh của đá, gió, nước, gỗ, lửa, ánh sáng và âm thanh của chúng ta; mỗi một phòng đều có trưng bày hiện vật cùng tác phẩm nghệ thuật tương tác giúp cho khách tham quan có thể trải nghiệm sự thú vị của những âm thanh từ tự nhiên mang lại.

Với nơi trưng bày này, tôi thấy tôi không chỉ đang có trong tâm trí một Đắk Nông mà có cả một Tây Nguyên hùng vĩ, kỳ bí, quyến rũ và đầy xúc cảm. Thôi thì, còn lại một chút này để tôi vẫn còn yêu và thương Đắk Nông tới mức muốn trở lại.

Bạn đang đọc bài viết Hơi thở Tây Nguyên. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Đỗ Bích Thúy/Người đô thị

Cùng chuyên mục

Bài thơ: Đến một ngày
Đến một ngày rồi người sẽ quên ta//Tên của ta - người chẳng còn nhớ tới//Đoạn tương tư từng làm ta chới với///Sẽ vùi vào những ngày tháng chênh vênh
Bài thơ: Thì hãy sống...
Thì cứ bình yên để mỗi ngày trôi đi thật nhẹ//Chiếc đồng hồ nhích từng giây từng giây, rất khẽ///Con chim sẻ ríu rít ngoài ban công//Heo may chở mùa thu qua sông///Cải ngồng hong nắng...

Tin mới

Bài thơ: Đến một ngày
Đến một ngày rồi người sẽ quên ta//Tên của ta - người chẳng còn nhớ tới//Đoạn tương tư từng làm ta chới với///Sẽ vùi vào những ngày tháng chênh vênh
Lào: Cho phép học sinh nghỉ học nếu nền nhiệt quá cao
Theo phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn, trước tình trạng nắng nóng kéo dài với nền nhiệt cao kỷ lục trên 40 độ C, Bộ Giáo dục và Thể thao Lào vừa chỉ đạo các nhà quản lý trường học trên cả nước xem xét cho học sinh nghỉ học nếu cần thiết.
Bài thơ: Thì hãy sống...
Thì cứ bình yên để mỗi ngày trôi đi thật nhẹ//Chiếc đồng hồ nhích từng giây từng giây, rất khẽ///Con chim sẻ ríu rít ngoài ban công//Heo may chở mùa thu qua sông///Cải ngồng hong nắng...