Thứ ba, 30/04/2024 03:33 (GMT+7)

Hưng Yên: Ưu tiên phát triển hạ tầng khu công nghiệp

Bảo My -  Thứ hai, 15/04/2024 09:24 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Mới đây, Hội đồng Nhân dân tỉnh Hưng Yên khóa XVII, nhiệm kỳ 2021-2026 đã thông qua Nghị quyết về Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, với các nội dung quan trọng.

Ngày 11/4, Hội đồng nhân dân tỉnh Hưng Yên khóa XVII, nhiệm kỳ 2021-2026 tổ chức Kỳ họp thứ 19 để xem xét, quyết nghị nhiều nội dung quan trọng. Trong đó, tại kỳ họp, các đại biểu đã thảo luận, thống nhất và biểu quyết thông qua Quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

tm-img-alt
Kỳ họp thứ 19 Hội đồng nhân dân tỉnh Hưng Yên khóa XVII, nhiệm kỳ 2021-2026 thông qua Quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, phạm vi, ranh giới Quy hoạch tỉnh Hưng Yên bao gồm toàn bộ phần lãnh thổ với tổng diện tích tự nhiên 930,22km2, với 10 đơn vị hành chính bao gồm thành phố Hưng Yên, thị xã Mỹ Hào và 8 huyện (Ân Thi, Khoái Châu, Kim Động, Phù Cừ, Tiên Lữ, Văn Giang, Văn Lâm, Yên Mỹ).

Mục tiêu đến năm 2030, Hưng Yên phát triển nhanh, bền vững, trở thành: tỉnh công nghiệp hiện đại, có quy mô kinh tế, trình độ phát triển trong nhóm dẫn đầu cả nước, theo hướng trở thành một đô thị thông minh, xanh, môi trường sống tốt, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, từng bước hiện đại, công nghiệp thuộc nhóm phát triển mạnh của cả nước.

Tỉnh phát triển bền vững theo xu hướng chuyển đổi xanh dựa trên phát triển nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế các-bon thấp, xã hội phát triển hài hòa với thiên nhiên, bản sắc văn hóa được bảo tồn, phát huy, đời sống nhân dân được nâng cao, quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm.

Phấn đấu đến năm 2050, Hưng Yên trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố thông minh, giàu đẹp, văn minh, văn hiến hiện đại, giàu bản sắc văn hóa, phát huy đầy đủ những giá trị cốt lõi của văn hóa Phố Hiến xưa, là nơi đáng sống của vùng Đồng bằng châu thổ sông Hồng, là trung tâm kết nối giữa các địa phương trong vùng, trọng tâm giao thương với các nước Đông Bắc Á đặt trong mối liên kết đa ngành với các tỉnh thuộc vùng Thủ đô.

Để đạt mục tiêu đề ra, Hưng Yên tập trung thực hiện các khâu đột phá chiến lược, trọng tâm là phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, trong đó ưu tiên thực hiện phát triển 2 vùng kinh tế-xã hội, 2 hành lang kinh tế, 5 trục phát triển và 3 đô thị trung tâm; phát triển công nghiệp cao công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ chất lượng cao; nông nghiệp hàng hóa ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, hiện đại.

Tỉnh ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, hạ tầng đô thị, khu đô thị mới, hạ tầng văn hóa y tế, giáo dục, đào tạo, hạ tầng năng lượng, viễn thông, thủy lợi, phòng, chống thiên tai và biến đổi khí hậu.

Tỉnh chú trọng phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao trên cơ sở kết hợp giữa đào tạo, đào tạo lại, thu hút lao động chất lượng cao từ ngoài tỉnh để đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển đổi số và triển khai các dự án đầu tư ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn; phát huy bản sắc văn hóa con người Hưng Yên...

Cùng đó, tỉnh đẩy mạnh môi trường kinh doanh đầu tư thông thoáng minh bạch; đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực; tận dụng triệt để cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để thực hiện kinh tế số, áp dụng khoa học kỹ thuật đồng bộ hiện đại, chuyển đổi số gắn với thu hút các trường đại học, trung tâm nghiên cứu, phát triển, triển khai, ứng dụng khoa học, công nghệ, trung tâm đổi mới sáng tạo trên địa bàn.

Nghị quyết cũng đưa ra các phương án phát triển mạng lưới giao thông, các tuyến cao tốc, quốc lộ, cảng, bến thủy nội địa. mạng lưới đường sắt; quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện... của Hưng Yên thời gian tới.

Tại kỳ họp, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Hưng Yên Trần Quốc Toản đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên và các sở, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ theo quy định để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Sau khi Quy hoạch tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phải tổ chức công bố quy hoạch theo quy định, đồng thời chỉ đạo các cấp, ngành thực hiện rà soát, điều chỉnh, bổ sung và xây dựng mới các quy hoạch theo quy định của pháp luật về Quy hoạch theo hướng đồng bộ; xây dựng, ban hành kế hoạch hành động để thực hiện Quy hoạch.

Bạn đang đọc bài viết Hưng Yên: Ưu tiên phát triển hạ tầng khu công nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Đến một ngày
Đến một ngày rồi người sẽ quên ta//Tên của ta - người chẳng còn nhớ tới//Đoạn tương tư từng làm ta chới với///Sẽ vùi vào những ngày tháng chênh vênh
Lào: Cho phép học sinh nghỉ học nếu nền nhiệt quá cao
Theo phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn, trước tình trạng nắng nóng kéo dài với nền nhiệt cao kỷ lục trên 40 độ C, Bộ Giáo dục và Thể thao Lào vừa chỉ đạo các nhà quản lý trường học trên cả nước xem xét cho học sinh nghỉ học nếu cần thiết.
Bài thơ: Thì hãy sống...
Thì cứ bình yên để mỗi ngày trôi đi thật nhẹ//Chiếc đồng hồ nhích từng giây từng giây, rất khẽ///Con chim sẻ ríu rít ngoài ban công//Heo may chở mùa thu qua sông///Cải ngồng hong nắng...