Thứ bảy, 27/04/2024 20:30 (GMT+7)

Hưng Yên:Khuyến khích phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã gắn với chương trình OCOP

Hải Vân -  Thứ tư, 13/09/2023 10:01 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ngành NN&PTNT tỉnh Hưng Yên và các địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, cấp mã số vùng trồng, đẩy mạnh tiêu thụ và xuất khẩu.

Trong những năm qua, ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hưng Yên và các địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, cấp mã số vùng trồng, đẩy mạnh tiêu thụ và xuất khẩu.

Vải trứng Hưng Yên có nhiều tiềm năng mở rộng thị trường tiêu thụ
Vải trứng Hưng Yên có nhiều tiềm năng mở rộng thị trường tiêu thụ. Ảnh Báo HY

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hưng Yên, tổng sản lượng lương thực, thực phẩm của tỉnh đạt khoảng 1,1 triệu tấn/năm; gồm các sản phẩm chủ lực như: Nhãn, cam, chuối, thịt lợn, thịt gà, thủy sản… Đến nay, toàn tỉnh có 270 đơn vị được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 3000ha, cho sản lượng khoảng 85 nghìn tấn rau, quả, thịt, cá các loại và trên 53,3 triệu quả trứng.

Thực hiện kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng của tỉnh, đến nay, toàn tỉnh đã chuyển đổi được gần 14 nghìn héc-ta sang trồng cây ăn quả, gồm các cây trồng chủ lực như: Cây nhãn hiện có gần 5 nghìn héc-ta, sản lượng hằng năm đạt 45 - 50 nghìn tấn. Diện tích trồng nhãn đạt tiêu chuẩn VietGAP có hơn 1,3 nghìn héc-ta, cho sản phẩm chất lượng cao. Toàn tỉnh hiện có 11 vùng trồng đã được cấp mã vùng xuất khẩu, trong đó có 2 vùng trồng nhãn được cấp mã số xuất khẩu sang thị trường Mỹ, 13 vùng trồng được cấp mã số xuất khẩu sang Trung Quốc, 4 khu vực đã được cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý. Thị trường tiêu thụ nhãn quả tươi chủ yếu tiêu thụ trong nước qua các kênh như hàng quà tặng, các cửa hàng sạch, siêu thị, các chợ và xuất khẩu sang một số thị trường như Mỹ, Singapore, Trung Quốc…

Đối với sản xuất và tiêu thụ vải, toàn tỉnh hiện trồng được gần 1,5 nghìn héc-ta vải. Đến nay, có 117ha trồng vải được thâm canh theo quy trình VietGAP, quản lý dịch hại tổng hợp; theo dõi, quản lý sâu đầu quả vải... qua đó cho chất lượng cao hơn, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP). Thị trường tiêu thụ vải đến nay vẫn chủ yếu tiêu thụ trong nước.

Cùng với nhãn, vải là sản phẩm chủ lực, đặc trưng của tỉnh, những năm qua, các loại cây ăn quả như cam, bưởi, chuối được mở rộng diện tích và nâng cao chất lượng sản phẩm. Hiện nay, diện tích cây có múi toàn tỉnh có khoảng 3.800ha, sản lượng hằng năm ước đạt 40.000 - 45.000 tấn; trong đó diện tích sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP hiện có 550ha, sản lượng ước đạt 8.500 tấn. Diện tích trồng chuối hiện có 2.400ha, sản lượng năm 2022 ước đạt 70.850 tấn; trong đó có 409ha được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, sản lượng ước đạt 17.468 tấn.

Chuối tiêu hồng Khoái Châu - Hưng Yên đã được đăng ký nhãn hiệu hàng hóa năm 2015. Thị trường tiêu thụ chuối rộng khắp cả nước và xuất khẩu sang một số thị trường như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Liên bang Nga... với sản lượng xuất khẩu hằng năm đạt khoảng 35.000 tấn… Đối với các mặt hàng nông sản khác như:Hạt sen, long nhãn, gạo, rau, củ, quả tươi, sản phẩm chăn nuôi, thủy sản… ngày càng được mở rộng và chú trọng đến chất lượng, bảo đảm ATTP, do vậy, được người tiêu dùng trong nước đánh giá cao, có nhiều tiềm năng để xuất khẩu.

Sản xuất và tiêu thụ nông sản chủ lực của tỉnh thời gian qua còn nhiều khó khăn như chuỗi cung ứng bị đứt gãy, giá cả leo thang, giá vật tư đầu vào (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật) tăng cao, sức mua giảm, giá sản phẩm không tăng… Sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam nói chung, của tỉnh Hưng Yên nói riêng chưa có chiến lược sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm, đa phần hiện nay các hợp tác xã, người dân vẫn sản xuất theo kinh nghiệm, chưa quan tâm nhiều đến thị trường, người tiêu dùng.

Các chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản bước đầu đã được hình thành với sự tham gia của nhiều tác nhân nhưng thiếu tính hợp tác và liên kết bền vững từ các phía (bên mua, bên bán). Việc phân loại, bảo quản, đóng gói sản phẩm chưa được kiểm tra, giám sát chặt chẽ; các chủ thể sản xuất, chế biến chưa chú trọng đến bao bì, nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, xây dựng thương hiệu sản phẩm…

Việc áp dụng những tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất còn hạn chế; các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản đang phụ thuộc nhiều vào một số thị trường xuất khẩu chủ yếu như Trung Quốc… mà chưa mở rộng tới các thị trường cao cấp khác như các nước trong khối Liên minh châu Âu, Mỹ… dẫn đến tình trạng khi Trung Quốc đóng cửa biên giới, hàng nông sản bị ùn tắc, không tiêu thụ được…

Ông Đỗ Minh Tuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hưng Yên cho biết: Để nâng cao hiệu quả sản xuất, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, thời gian tới, ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp như: Tiếp tục thông tin phổ biến các quy định về tiêu thụ nông sản trong nước và các thị trường xuất khẩu. Thường xuyên thông tin về các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối giao thương; các chương trình hỗ trợ của nhà nước; phương thức quảng bá, khả năng thâm nhập và đáp ứng nhu cầu thị trường; thông tin về đối tác, doanh nghiệp xuất - nhập khẩu, cơ quan xúc tiến thương mại của các nước nhằm tạo thuận lợi cho việc tiêu thụ nông sản của tỉnh.

Tập trung tư vấn hỗ trợ tem nhãn, bao bì nhãn hàng hóa, tự công bố chất lượng sản phẩm; mở rộng kênh phân phối qua việc bán hàng trực tuyến, trên các trang thương mại điện tử… Đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, bao bì sản phẩm hàng hóa; tiếp tục mở rộng ứng dụng phần mềm, tem truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm nông nghiệp nhằm bảo vệ thương hiệu, khẳng định chất lượng và uy tín của sản phẩm nông nghiệp Hưng Yên với người tiêu dùng.

Cùng với đó, Sở tăng cường phối hợp để kiểm tra, kiểm soát các nguồn hàng, tránh sự gian lận, trà trộn hàng nhái, hàng kém chất lượng làm ảnh hưởng đến thương hiệu sản phẩm nông sản của tỉnh. Tiếp tục triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ tới tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông - lâm - thủy sản nhằm hoàn thiện điều kiện sản xuất, tiêu thụ sản phẩm khi lưu thông trên thị trường. Đẩy nhanh phát triển theo chuỗi ngành hàng, khuyến khích phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã gắn với chương trình OCOP.

Bạn đang đọc bài viết Hưng Yên:Khuyến khích phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã gắn với chương trình OCOP. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Liên hợp quốc lập quỹ chống chịu khí hậu mới
Liên hợp quốc (LHQ) ngày 24/4 đã công bố kế hoạch triển khai quỹ chống chịu khí hậu mới nhằm tăng cường bảo vệ “những người tị nạn và cộng đồng phải di dời”, vốn đang bị vấn đề biến đổi khí hậu đe dọa.

Tin mới

Khai mạc Lễ hội Tràng An năm 2024
Ngày 26/4, tại Danh thắng Tràng An, Lễ hội Tràng An năm 2024 đã chính thức được khai mạc. Đây là một trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.
Bài thơ: Tháng Tư này
Tháng Tư này còn gì để nhớ mong//Khi tình đã úa màu theo năm tháng//Kỷ niệm cũ vùi sâu miền dĩ vãng///Gợi làm gì thêm đau xót lòng nhau
Bài thơ: Áo lính về quê
Thỉnh thoảng con về thăm nhà///Thích mặc áo lính để mà nhớ xưa///Mẹ già trông nắng đợi mưa///Đọc trang sách cũ vẫn chưa rách lề