Indonesia: Ứng dụng nhiên liệu sinh học pha dầu cọ cho tàu hỏa
Trong một nỗ lực mới nhằm giảm khí thải carbon, chống biến đổi khí hậu, Indonesia bắt đầu đưa dầu diesel sinh học pha trộn dầu cọ vào làm nhiên liệu chạy tàu hỏa.
Vừa qua, lãnh đạo Công ty đường sắt quốc doanh Indonesia PT Kereta Api Indonesia (KAI) cho biết KAI bắt đầu sử dụng dầu diesel pha dầu cọ Biosolar B30 để chạy tàu.
Là quốc gia sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới, Indonesia đang tìm cách đổi mới ứng dụng dầu cọ, trong đó có việc phát triển chương trình dầu diesel sinh học bắt buộc với hàm lượng dầu cọ 30% - 35% được gọi là B30, B35.
Việc sử dụng loại nhiên liệu có lượng khí thải carbon thấp hơn này cho những đoàn tàu dài, có sức chứa lớn được kỳ vọng góp phần giảm ô nhiễm không khí ở Indonesia. Tại một số tuyến đường sắt trên đảo Sumatra – nơi có nhiều đoàn tàu chở than đá, Công ty KAI thậm chí bắt đầu sử dụng dầu Biosolar B35 (hàm lượng pha dầu cọ 35%).
Ngoài việc sử dụng nhiên liệu thân thiện với môi trường, KAI còn có những biện pháp cụ thể để thực hiện nguyên tắc hoạt động vì “Môi trường - Xã hội - Quản trị” (ESG) của mình như: thúc đẩy sử dụng các tấm pin mặt trời và nhà máy điện mặt trời (PLTS) ở các nhà ga, văn phòng; hỗ trợ tài chính, đào tạo kỹ năng cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) xây dựng giao thông vận tải bền vững.
Hồi tháng 10 vừa qua, Indonesia cũng đã lần đầu tiên thử nghiệm thành công chuyến bay thương mại dân sự sử dụng nhiên liệu sinh học pha 2,4% hàm lượng dầu cọ. Với mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2060, chính phủ Indonesia đang nỗ lực đưa nhiên liệu sinh học vào hoạt động của mọi phương tiện vận tải, cũng như nâng tỷ lệ dầu cọ trong nhiên liệu.
Thiên Bảo (T/h)