Thứ hai, 29/04/2024 03:35 (GMT+7)

Khởi công tuyến kết nối cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ với đường Vành đai 3

Minh Phương -  Thứ tư, 19/07/2023 10:36 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sáng 19/7, UBND thành phố Hà Nội đã tổ chức lễ khởi công dự án đầu tư xây dựng tuyến đường nối cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ với đường Vành đai 3.

Đến dự buổi lễ khởi công có Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến; Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh; Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn. Tới tham dự buổi lễ còn có ông Lê Anh Tuấn – Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Tại lễ khởi công, Giám đốc Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội - Nguyễn Chí Cường đã thông báo rằng dự án xây dựng tuyến đường nối giữa đường Pháp Vân - Cầu Giẽ và Vành đai 3 là một phần của Chương trình số 03-CTr/TU do Thành ủy Hà Nội đề ra với tên gọi "Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025".

Dự án có chiều dài tuyến khoảng 3,4km, mặt cắt ngang rộng 60m với 4-6 làn xe, tổng mức đầu tư 3.241 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách thành phố. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2022 đến năm 2025.

Trong thời gian tới, dự án phải tiến hành giải phóng mặt bằng diện tích khoảng 31,05ha, phần lớn là ao, hồ, đất nông nghiệp (chiếm khoảng 74%), nên việc tổ chức thi công sẽ rất khó khăn, phức tạp, đặc biệt là khối lượng lớn công việc xử lý nền đất yếu trên diện tích rộng, trải dài qua địa bàn xã Tứ Hiệp (huyện Thanh Trì) và phường Yên Sở (quận Hoàng Mai).

Thêm nữa, khi thi công nút giao Tứ Hiệp và nút giao với đường Vành đai 3, sẽ phải di chuyển đường dây điện cao thế 220kV, 110kV và nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật. Quá trình thi công các hạng mục công trình phải đảm bảo tuyệt đối an toàn cho kết cấu hạ tầng giao thông tuyến cao tốc Pháp Vân- Cầu Giẽ và tuyến đường Vành đai 3 đang khai thác, mục tiêu giảm tối đa bất lợi đến hoạt động giao thông qua khu vực dự án. Do vậy, quá trình xây dựng các hạng mục công trình trong dự án, phải nghiên cứu tổ chức giao thông rất hợp lý và khoa học.

“Ý thức được các thuận lợi và khó khăn, Ban quản lý dự án sẽ phối hợp với các đơn vị thi công, đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát xây dựng kế hoạch và tiến độ triển khai chi tiết, cụ thể, nghiên cứu để đề ra các giải pháp, biện pháp thi công, phương án phân luồng giao thông phù hợp; phối hợp chặt chẽ, kịp thời với tất cả đơn vị có liên quan để hoàn thành dự án vào năm 2025, đảm bảo chất lượng, an toàn và vệ sinh môi trường”, ông Nguyễn Chí Cường khẳng định.

tm-img-alt
Khởi công dự án đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối đường Pháp Vân – Cầu Giẽ. (Ảnh Internet)

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn đánh giá cao sự nỗ lực, tập trung của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội; Sở Giao thông Vận tải, UBND Quận Hoàng Mai, UBND huyện Thanh Trì và các đơn vị có liên quan trong công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án để đủ điều kiện khởi công.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn, dự án là công trình giao thông có ý nghĩa rất quan trọng với mục tiêu hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại nút giao Pháp Vân - cửa ngõ phía Nam Thủ Đô Hà Nội, góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông cho khu vực nội thành, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho quận Hoàng Mai, huyện Thanh Trì và khu vực phía Nam, Đông Nam khu vực trung tâm TP Hà Nội. Với những ý nghĩa nêu trên, việc triển khai đầu tư xây dựng dự án là hết sức cần thiết và cấp bách.

tm-img-alt
Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn phát biểu tại buổi lễ. (Ảnh: Internet)

Để việc đầu tư xây dựng dự án hoàn thành đúng tiến độ, đạt yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn đề nghị Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, nhà thầu thi công, đơn vị tư vấn thực hiện quản lý dự án đúng quy định của Nhà nước; tuân thủ chặt chẽ quy định về trình tự thủ tục đầu tư xây dựng, tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm kỹ thuật…

Lãnh đạo thành phố cũng yêu cầu UBND quận Hoàng Mai, UBND huyện Thanh Trì phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư trong công tác giải phóng mặt bằng của dự án đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân bị thu hồi đất; chỉ đạo UBND phường Yên Sở, UBND xã Tứ Hiệp tuyên truyền, vận động người dân bị ảnh hưởng ủng hộ, bàn giao mặt bằng để dự án sớm hoàn thành theo tiến độ phục vụ lợi ích đi lại của nhân dân.

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối đường Pháp Vân - Cầu Giẽ với đường Vành đai 3 được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư tháng 1/2020 với kinh phí khoảng 2.500 tỷ đồng, sau đó được điều chỉnh tổng đầu tư lên 3.200 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố Hà Nội.

Bạn đang đọc bài viết Khởi công tuyến kết nối cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ với đường Vành đai 3. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Mở rộng thêm 94 km2 tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận
Vào năm 2025, Thành phố Phan Thiết thuộc tỉnh Bình Thuận sẽ mở rộng lên diện tích 305 km2, đồng thời dân số của thành phố dự kiến sẽ vượt qua con số 334.000 người, sau khi thực hiện quá trình sáp nhập một phần của huyện Hàm Thuận Nam và Hàm Thuận Bắc...

Tin mới

Thiết kế cấp phối bê tông san hô
Thiết kế cấp phối bê tông san hô cấp độ bền B15, B20, B22,5 (sử dụng cốt liệu cát, đá san hô và nước mặn). Kết quả cho thấy, việc sử dụng vật liệu vật liệu, nước biển thay thế cho vật liệu truyền thống là khả thi.
Giữ lửa Chèo truyền thống trong lớp trẻ
Với mục tiêu tôn vinh, quảng bá giá trị đặc sắc của nghệ thuật Chèo Việt Nam, nhiều năm qua, trường Đại học Sân khấu điện tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng những tài năng trẻ có đam mê với loại hình văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc này.
Khai trương phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy
Tuyến phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy dài hơn 1km với hơn 100 ki ốt đa dạng chủng loại ngành hàng từ nhà hàng ẩm thực, đồ lưu niệm, đồ uống, ẩm thực đường phố... được trang trí bắt mắt nằm ngay trung tâm khu du lịch Bãi Cháy.