Thứ sáu, 26/04/2024 16:48 (GMT+7)

Kiểm soát nồng độ bụi mịn có lợi ích gì đối với sức khỏe?

MTĐT -  Thứ ba, 28/02/2023 15:33 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ô nhiễm không khí là một trong những vấn đề sức khỏe môi trường lớn nhất mà các quốc gia đang đối mặt. Chính vì vậy, việc kiểm soát ô nhiễm bụi PM2.5 không những giúp bảo vệ môi trường mà còn cải thiện chất lượng sống của người dân.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ

Trong thời gian gần đây, nồng độ bụi PM2.5 của tất cả các tỉnh, thành phố trên toàn quốc đã cao hơn khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Nguyên nhân chính là do bụi, khí thải từ các phương tiện giao thông, hoạt động xây dựng, hoạt động công nghiệp với lượng thải lớn và chưa được kiểm soát hiệu quả; việc tổ chức định pháp luật, chương trình, nhiệm vụ về kiểm soát ô nhiễm không khí chưa đồng bộ, hiệu quả...

Chỉ số hiệu quả môi trường (EPI) năm 2022 cho thấy mức độ phơi nhiễm với ô nhiễm không khí ở Việt Nam ở mức cao (xếp hạng 130 trên tổng số 180 quốc gia). Chất ô nhiễm có hại nhất cho sức khỏe, liên quan chặt chẽ với tử vong sớm là bụi PM2.5 thâm nhập sâu vào đường phổi.

Theo Báo cáo “Hiện trạng bụi PM2.5 và Tác động Sức khỏe tại Việt Nam năm 2021” được hoàn thiện vào năm 2022, số ca tử vong sớm do phơi nhiễm PM2.5 ở Việt Nam cao hơn mứckhuyến cáo của WHO(5µg/m3).

Cụ thể, năm 2019, tổng số số ca tử vong sớm do bụi PM2.5 được ước tính là 56.808 ca, chiếm khoảng 9,9% tổng số ca tử vong do các nguyên nhân tự nhiên tại Việt Nam.

Vùng Đồng bằng sông Hồng bị tác động nhiều nhất với hơn 18.632 ca, theo sau là vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung với hơn 11.161 ca. Số ca này tại Vùng Đồng bằng sông Cửu Long là 9.406 ca.

Số ca tử vong sớm do PM 2.5 tại vùng Đông Nam bộ là 7.378 ca. Vùng Tây Nguyên bị ảnh hưởng ít nhất với khoảng 1.795 ca tử vong sớm do phơi nhiễm quá mức PM2.5.

Số ca tử vong sớm do phơi nhiễm quá mức PM2.5 so với WHO năm 2019 tại TP.HCM là 4.130 ca, đứng thứ hai cả nước. Số ca tử vong sớm do PM2.5 cao chủ yếu tại những quận trung tâm thành phố, lớn nhất tại quận Bình Tân với 370 ca, theo sau là quận Gò Vấp, huyện Bình Chánh và Quận 12 (đều trong khoảng 280 – 320 ca). Huyện Cần Giờ có số ca nhỏ nhất (24 ca).

Theo các nhà nghiên cứu, nếu áp dụng kiểm soát nồng độ, tỷ lệ số ca tử vong sớm tại TP.HCM do phơi nhiễm PM2.5 có thể giảm được 6,9%. Tỷ lệ giảm số ca tử vong sớm tại huyện Nhà Bè cao nhất là 7,7%, huyện Bình Chánh là 7,6% và tại Quận 9 là 7,4%.

Báo cáo cũng cho thấy nồng độ PM2.5 trung bình năm 2021 có xu hướng giảm so với năm 2019 và tăng nhẹ so với năm 2020 do giá trị cao bất thường trong tháng 1. Khu vực có nồng độ bụi PM2.5 cao chủ yếu tập trung ở vùng Đồng bằng sông Hồng (Hà Nội và các tỉnh lân cận).

Năm 2021 có 6/63 tỉnh, thành phố có nồng độ PM2.5 trung bình năm vượt quy chuẩn QCVN 05:2013/BTNMT, bao gồm Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Hà Nam và Hải Dương.

Để khắc phục tình trạng trên, các nhà nghiên cứu cho rằng nên đặt ưu tiên cho các công tác giám sát và quản lý chất lượng không khí theo thứ tự của hiện trạng bụi PM2.5 của tỉnh, thành phố. Đầu tư cho quản lý chất lượng môi trường không khí theo khu vực và mức độ đô thị hóa.

Các đô thị được xếp hạng đều là các khu vực có sự phát triển mạnh về kinh tế và xã hội, dẫn đến khả năng tác động xấu đến môi trường không khí nếu không được giám sát và quản lý tốt. Tăng cường mạng lưới quan trắc chất lượng không khí tiêu chuẩn của nhà nước trên toàn quốc, ưu tiên các tỉnh và khu vực có ô nhiễm không khí.

Cần có sự tham gia liên ngành để bảo vệ sức khỏe cộng đồng do ô nhiễm không khí. Trong đánh giá tác động sức khỏe, các chỉ số đầu vào đến từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm cơ quan quan trắc chất lượng không khí, các cơ sở y tế và các cơ quan thực hiện thống kê về dân số.

Cùng với đó, một số cơ quan hoặc tổ chức khác cũng cần sử dụng những kết quả này để triển khai các biện pháp can thiệp phù hợp./.

Tại Hà Nội năm 2019, số ca tử vong sớm do phơi nhiễm với bụi PM2,5 là 2.855 ca, tương đương khoảng 35,5 ca tử vong sớm trên 100.000 dân;

Tổng số năm sống bị mất của người dân Hà Nội do tử vong vì những bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí là 79.933 năm; Kỳ vọng sống bị mất đi do phơi nhiễm với bụi PM2,5 là 908 ngày, tức là 2,49 năm tuổi. Ví dụ, tuổi thọ bình quân của người Hà Nội hiện nay khoảng 79 tuổi, nếu không vì ô nhiễm bụi mịn, tuổi thọ của họ phải là 81,49 tuổi...

Đáng chú ý, các quận như Đống Đa, Ba Đình và Hai Bà Trưng có tỷ suất tử vong cao do những bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí so với các quận/ huyện khác trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Những lợi ích sức khỏe nếu nồng độ bụi mịn được kiểm soát

Nếu nồng độ bụi PM2,5 trung bình năm 2019 tại Hà Nội được kiểm soát ở mức 25 µg/m3 (QCVN 2013), số ca tử sớm do ô nhiễm đã tránh được là 2.575 ca; Hà Nội tránh được tổng số 71.613 năm sống bị mất và kỳ vọng sống đã có thể tăng lên 812 ngày, tức là khoảng 2,22 năm tuổi.

Mặt khác, nếu nồng độ bụi PM2,5 tại Hà Nội năm 2019 được kiểm soát ở mức 10 µg/m3 (mức khuyến cáo của WHO), số ca tử vong sớm do ô nhiễm đã tránh được là 4.222 ca. Như vậy, kỳ vọng sống của người dân Hà Nội có thể tăng lên 3,88 năm và tránh được 123.103 năm sống bị mất…

Kết quả nghiên cứu nhằm củng cố các bằng chứng khoa học cho thấy tác động của ô nhiễm bụi mịn PM 2.5 đến sức khỏe cộng đồng. Từ đó nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết về quản lý và cải thiện chất lượng không khí tại Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung. Các hoạt động đánh giá chất lượng không khí cần được mở rộng, đồng thời các chính sách nhằm cải thiện chất lượng không khí cũng cần được hoạch định và triển khai kịp thời. 

An Na (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Kiểm soát nồng độ bụi mịn có lợi ích gì đối với sức khỏe?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Mỗi ngày nên đi bộ bao nhiêu bước để duy trì sức khỏe?
Cuộc sống ngày nay thường bận rộn và nhiều người dường như không có đủ thời gian để tập luyện hoặc tham gia các hoạt động thể thao phức tạp. Tuy nhiên, đi bộ lại là một hoạt động vận động đơn giản, dễ dàng tích hợp vào lịch trình hàng ngày.

Tin mới