Thứ bảy, 27/04/2024 19:07 (GMT+7)

Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát, sửa đổi việc quản lý giá nước sạch

MTĐT -  Thứ hai, 26/06/2023 14:59 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Cử tri kiến nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung công tác quản lý giá cung cấp nước sạch. Hiện nay, công tác này đang được giao cho các doanh nghiệp cấp nước sạch tự lập phương án về giá sau đó trình UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định.

tm-img-alt
Đề nghị đảm bảo công khai, minh bạch, hài hoà lợi ích của nhà nước, của đơn vị cung cấp nước sạch và người dân

Chiều 20.6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (đoàn Bình Dương) đặc biệt quan tâm đến chính sách cấp nước sạch cho người dân. Do nước sạch là một loại thực phẩm, hàng hóa đặc biệt, có tác động trực tiếp đến sức khỏe và mọi hoạt động thiết yếu khác của người dân. Tại Việt Nam, tỉ lệ hộ dân được tiếp cận nước máy hiện nay chỉ chiếm khoảng 52%. Đặc biệt, tỉ lệ này ở thành thị là 84,2%, trong khi đó tại nông thôn chỉ đạt 34,8%.

Theo đại biểu, hiện nay, thực hiện quy định hiện hành về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch đã bộc lộ hạn chế. Cụ thể, việc quản lý cấp nước đô thị và khu công nghiệp tại địa phương được giao cho Sở Xây dựng, còn khu vực nông thôn được giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Điều này dẫn đến tình trạng đơn vị cấp nước đô thị không được cấp nước cho khu vực nông thôn và ngược lại, mặc dù đơn vị có đủ năng lực cấp nước và rất gần nơi người dân sinh sống, làm cho người dân không có nước sạch để sử dụng. Chính vì vậy, đại biểu cho biết cử tri kiến nghị Chính phủ giao thống nhất một đầu mối quản lý công tác cấp nước sạch cho nhân dân tại khoản 5 Điều 76 như sau:

“Bộ Xây dựng có trách nhiệm chủ trì, phối hợp quản lý nhà nước về xây dựng, vận hành các công trình cấp nước, thoát nước đô thị và nông thôn bảo đảm các quy định về khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước”.

Bên cạnh đó, kiến nghị bổ sung quy định trách nhiệm của các công ty cấp nước sạch, nhất là bồi thường thiệt hại cho nhân dân tại Điều 28 và khoản 2 Điều 45 dự thảo luật để góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ cấp nước sạch cho người dân.

Đại biểu dẫn chứng thực tiễn tại Phần Lan, nước sạch có thể sử dụng trực tiếp tại vòi nước sinh hoạt của từng căn hộ. Việc ngừng cấp nước, các sự cố về nước và việc quản lý về rủi ro được xác định bằng cách tính tổng số thời gian ngưng cấp nước trong 1 năm, người sử dụng có thể yêu cầu đền bù chi phí cấp nước tối thiểu 2% nếu số thời gian này vượt quá 12 giờ.

Việc đảm bảo chất lượng dịch vụ cấp nước tại Phần Lan được xem như vấn đề sống còn của doanh nghiệp và chính quyền địa phương các cấp quản lý rất chặt chẽ vấn đề này.

Đồng thời, đại biểu cũng cho biết, cử tri kiến nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung công tác quản lý giá cung cấp nước sạch. Vì hiện nay, công tác này được giao cho các doanh nghiệp cấp nước sạch tự lập phương án về giá sau đó trình UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định.

Trong khi đó, chưa có nhiều tổ chức độc lập, có năng lực về tư vấn, kiểm định, thẩm định giá nước sạch nhằm đảm bảo công khai, minh bạch, hài hoà lợi ích của nhà nước, của đơn vị cung cấp nước sạch và người dân.

"Tôi cũng kiến nghị cần có chính sách hỗ trợ giá nước sạch cho người dân, nhất là hộ nghèo, cận nghèo, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Ngoài ra, tại khoản 3, Điều 23 mới quy định 6 chức năng của nguồn nước nhưng chủ yếu là chức năng cấp nước, vì vậy kiến nghị bổ sung 2 chức năng lớn của nguồn nước là trữ nước và thoát nước. Đồng thời, cần cụ thể hóa nội dung, trách nhiệm quản lý nhà nước đối với các chức năng này", đại biểu nói.

Đảm bảo nguồn lực cho điều hòa, phân phối tài nguyên nước

Đại biểu Chamaléa Thị Thủy (đoàn Ninh Thuận) cho biết, việc điều hòa, phân phối tài nguyên nước, đặc biệt trong trường hợp hạn hán, thiếu nước là rất quan trọng, góp phần đảm bảo nhu cầu sản xuất và các nhu cầu thiết yếu của người dân vùng hạn. Vấn đề này đã được quy định tại Điều 36 và Điều 37 dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng muốn thực hiện được việc điều hòa, phân phối tài nguyên nước hiệu quả trên thực tế, ngoài việc phải quy định nguyên tắc, cách thức điều hòa, phân phối tài nguyên nước như tại dự thảo Luật, thì vấn đề về đảm bảo nguồn lực để thực hiện các quy định này cần phải được hết sức quan tâm.

Đại biểu lấy ví dụ ngay tại Ninh Thuận, vấn đề của mọi vấn đề vẫn là nước. Thời gian qua, Trung ương cũng đã rất quan tâm đầu tư xây dựng các công trình hồ chứa nước; địa phương cũng rất nỗ lực đầu tư, phát triển hệ thống thủy lợi, nhưng đến nay cũng mới đáp ứng tưới tiêu được khoảng 40% diện tích đất sản xuất.

Đặc thù của các hồ chứa ở Ninh Thuận là chủ yếu gồm các hồ nhỏ, thường không đủ nước tưới vào mùa khô nhưng lại phải xả lũ rất lớn trong mùa mưa. Mặt khác, ngay trong mùa mưa khi một số hồ phải xả lũ, một số hồ khác vẫn không đủ nước để tích.

Theo bà Thủy, cử tri vẫn luôn mong chờ Nhà nước đầu tư xây dựng các công trình thuỷ lợi kết nối liên thông giữa các hồ chứa tại Ninh Thuận. Việc này nhằm điều hòa, phân phối nước giữa các lưu vực, nhằm tận dụng nguồn nước trong mùa lũ để sử dụng trong mùa khô, đảm bảo việc sử dụng nguồn nước hiệu quả nhất luôn là việc là hết sức bức thiết của Ninh Thuận.

Bạn đang đọc bài viết Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát, sửa đổi việc quản lý giá nước sạch. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Báo Lao động

Cùng chuyên mục

Tin mới

Khai mạc Lễ hội Tràng An năm 2024
Ngày 26/4, tại Danh thắng Tràng An, Lễ hội Tràng An năm 2024 đã chính thức được khai mạc. Đây là một trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.
Bài thơ: Tháng Tư này
Tháng Tư này còn gì để nhớ mong//Khi tình đã úa màu theo năm tháng//Kỷ niệm cũ vùi sâu miền dĩ vãng///Gợi làm gì thêm đau xót lòng nhau
Bài thơ: Áo lính về quê
Thỉnh thoảng con về thăm nhà///Thích mặc áo lính để mà nhớ xưa///Mẹ già trông nắng đợi mưa///Đọc trang sách cũ vẫn chưa rách lề