Thứ hai, 29/04/2024 14:25 (GMT+7)

Kinh tế - Xã hội của tỉnh Thái Nguyên: Góc nhìn từ chỉ số tăng trưởng

MTĐT -  Thứ sáu, 15/03/2024 23:58 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Quy mô nền kinh tế của tỉnh Thái Nguyên so với các tỉnh trong vùng thuộc top cao

tm-img-alt
Xây dựng Thái Nguyên trở thành cực tăng trưởng hạt nhân. Ảnh: ITN

I. Tỉnh Thái Nguyên với mục tiêu phát triển nhiệm kỳ 2020-2025

Thái Nguyên là tỉnh thuộc vùng Trung du miền núi phía Bắc, được tái lập từ ngày 01/01/1997 với việc tách tỉnh Bắc Thái thành hai tỉnh là Bắc Kạn và Thái Nguyên. Với vị trí địa lý, phía Bắc tiếp giáp với tỉnh Bắc Kạn; Phía Tây giáp với các tỉnh Vĩnh Phúc và Tuyên Quang; Phía Đông giáp với các tỉnh Lạng Sơn và Bắc Giang; Phía Nam giáp với thủ đô Hà Nội; Thái Nguyên nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc thủ đô Hà Nội, là trung tâm chính trị, kinh tế của khu Việt Bắc nói riêng, của vùng Trung du miền núi Đông Bắc nói chung, là cửa ngõ giao lưu kinh tế xã hội giữa vùng Trung du Miền núi với vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX nhiệm kỳ 2020-2025 ban hành Nghị Quyết số 01-NQ/ĐH ngày 13/10/2020, trong đó xác định  mục tiêu tổng quát của tỉnh Thái Nguyên là huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao toàn diện đời sống nhân dân các dân tộc trong tỉnh; xây dựng Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030.

Các chỉ tiêu phát triển kinh tế chủ yếu tỉnh Thái Nguyên đến năm 2025 như sau:

(1) Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân từ 8%/năm trở lên.

(2) Cơ cấu kinh tế năm 2025: Công nghiệp, xây dựng 61%; dịch vụ 31%; nông, lâm nghiệp, thủy sản 8%.

(3) Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân từ 9%/năm trở lên.

(4) Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng bình quân từ 3,5%/năm trở lên.

(5) Giá trị xuất khẩu trên địa bàn tăng bình quân 7%/năm trở lên; trong đó, xuất khẩu địa phương tăng bình quân từ 11%/năm  trở lên.

(6) Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn (không bao gồm thu tiền sử dụng đất và thu từ hoạt động xổ số kiến thiết) tăng bình quân từ 10%/năm trở lên.

(7) GRDP bình quân đầu người năm 2025 đạt từ 150 triệu đồng trở lên; thu nhập bình quân đầu người đạt từ 100 triệu đồng trở lên.

Với các định hướng phát triển trong nhiệm kỳ 2020 – 2025:

Tiếp tục thực hiện 03 đột phá chiến lược đã được xác định tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, gắn với tình hình thực tiễn của địa phương, trong nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh tập trung vào một số định hướng lớn:

(1) Tập trung phát triển cơ sở hạ tầng tại khu vực phía Nam của tỉnh; ưu tiên đầu tư giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất thu hút các nhà đầu tư; phát triển hạ tầng giao thông và khu công nghiệp gắn kết với sự phát triển của vùng Thủ đô Hà Nội.

(2) Chú trọng phát triển khu vực kinh tế tư nhân, công nghệ cao; khuyến khích hình thành những cụm ngành, cụm sản xuất có sự tương quan trong cùng lĩnh vực làm tiền đề, cơ sở kết nối chuỗi sản xuất, chuỗi sản phẩm, chuỗi giá trị nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

(3) Nâng cao năng lực, hiệu quả của bộ máy hành chính các cấp; đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp; tập trung rèn luyện kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, đặc biệt là đạo đức công vụ.

(4) Quan tâm phát triển nguồn nhân lực địa phương, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; phát huy các lợi thế, thành quả, cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với tiềm năng, thế mạnh của các trường đại học, trung tâm nghiên cứu khoa học, y tế trên địa bàn tỉnh; nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.

(5) Đặc biệt quan tâm chương trình xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào các dân tộc thiểu số gắn với Đề án phát triển tổng thể theo Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội; phát triển tiềm năng du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng dân cư trên địa bàn tỉnh.

II. Tình hình phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên trong hai năm 2021, 2022: Góc nhìn từ chỉ số tăng trưởng

Trong giai đoạn năm 2021-2022, tình hình quốc tế và trong nước có nhiều thách thức mới, biến động nhanh, phức tạp, chưa có tiền lệ.

Kinh tế - xã hội năm 2021 của cả nước nói chung và tỉnh Thái Nguyên nói riêng diễn ra trong bối cảnh sự bùng phát trở lại và kéo dài với biến chủng mới nâng cấp nguy hại của đại dịch Covid-19. Trước những khó khăn, thách thức mới chưa từng có, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chính sách kịp thời để chỉ đạo phát triển kinh tế, sản xuất kinh doanh, thực hiện mục tiêu kép “đẩy lùi bệnh dịch và phát triển kinh tế”, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Trong bối cảnh đó, với sự quyết liệt, linh hoạt trong chỉ đạo điều hành của cấp ủy và chính quyền các cấp tỉnh Thái Nguyên; sự chung sức, đồng lòng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp trong việc thực hiện có hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội nên mặc dù khó khăn nhưng tỉnh Thái nguyên đã đạt được kết quả tích cực trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021. Đây chính là cơ sở, nền tảng quan trọng để kinh tế tỉnh năm 2022 được phục hồi trong bối cảnh bình thường mới, tạo tiền đề quan trọng để thực hiện các mục tiêu kế hoạch 5 năm (2021-2025).

tm-img-alt
Quy mô nền kinh tế của tỉnh Thái Nguyên so với các tỉnh trong vùng thuộc top cao. Ảnh minh hoạ

Kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên năm 2022 diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới đã và đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi xung đột quân sự giữa Nga và Ukraina kéo dài; lạm phát duy trì ở mức cao, nhất là ở châu Âu và Mỹ; xu hướng tăng lãi suất, thu hẹp chính sách tiền tệ, tài khóa ở nhiều quốc gia; thời tiết diễn ra bất thường ở nhiều châu lục...Tăng trưởng kinh tế thế giới được các tổ chức quốc tế dự báo giảm so với các dự báo đưa ra trước đó.

Trong nước, kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo; chính sách tiền tệ, tài khóa được điều hành chủ động, linh hoạt và hiệu quả. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện tích cực, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tạo sự tin tưởng, ủng hộ của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Với tỉnh Thái Nguyên, mặc dù dịch Covia-19 diễn biến phức tạp trong đầu năm, giá cả nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào tăng cao; thị trường xuất khẩu bị thu hẹp do nhu cầu tiêu dùng giảm sút ở nhiều quốc gia trên thế giới...ảnh hưởng đến quá trình phục hồi và phát triển kinh tế của tỉnh. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, linh hoạt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự đồng lòng của các cấp, các ngành, các địa phương, sự đồng tình, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp nên hoạt động kinh tế xã hội năm 2022 trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ

Những kết quả đạt được trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và 2022 cụ thể như sau:

Tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế:

Năm 2021, thắng lợi trên mặt trận phòng, chống dịch là cơ sở để các chuỗi sản xuất trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên không bị đứt gãy, gián đoạn, duy trì sản xuất ổn định, thúc đẩy tăng trưởng. Trong khi có nhiều tỉnh, thành phố trên địa bàn cả nước có mức tăng trưởng kinh tế ở mức thấp thì Thái Nguyên tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao, Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) năm 2021 tăng 6,51% so với năm 2020; trong đó, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,2%, đóng góp 4,61 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ và thuế sản phẩm tăng 5,69%, đóng góp 1,48 điểm phần trăm; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,24%, đóng góp 0,42 điểm phần trăm vào tốc độ tăng trưởng chung. Với kết quả như trên, tỉnh Thái Nguyên xếp thứ 4/14 các tỉnh Trung du, miền núi phía Bắc; 7/10 các tỉnh vùng thủ đô và 17/63 các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2021 và cao hơn nhiều mức tăng 2,58% của cả nước.

Điều đáng nói, quy mô nền kinh tế của tỉnh Thái Nguyên so với các tỉnh trong vùng thuộc top cao. Tính theo giá hiện hành, quy mô nền kinh tế của tỉnh Thái Nguyên năm 2021 đạt khoảng 125.808  tỷ đồng; tính theo giá so sánh quy mô nền kinh tế của tỉnh Thái Nguyên đạt 87.217 tỷ đồng. Điều đó có nghĩa 1% tăng trưởng GRDP của tỉnh Thái Nguyên đạt khoảng 872 tỷ đồng.

Như vậy, với tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Thái Nguyên năm 2021 giá trị tăng trưởng tuyệt đối của nền kinh tế đạt được khoảng 9.800 tỷ đồng. Đây là con số ấn tượng và có nhiều ý nghĩa, thể hiện “sức khỏe” của nền kinh tế, tăng thêm sự tự tin trong điều kiện phải chống chọi với những khó khăn, thách thức trước tình hình diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 hiện nay. Công tác chỉ đạo điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Thái Nguyên luôn thống nhất, sâu sát, sáng tạo, quyết liệt. Những quyết sách đều xuất phát từ lợi ích chung của tỉnh, của nhân dân và của cộng đồng doanh nghiệp nên được người dân, doanh nghiệp ghi nhận, đồng thuận và sẵn sàng chia sẻ, ủng hộ.

Năm 2021, Cơ cấu kinh tế khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 58,7%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 10,8%; khu vực dịch vụ và thuế sản phẩm chiếm 30,5%. GRDP bình quân đầu người đạt 95,1 triệu đồng (tương đương 4.121,8 USD/người/năm), bằng 97% kế hoạch, tăng 6,4 triệu đồng/người so với năm 2020.

Năm 2022, tỉnh Thái Nguyên đã đạt được những kết quả và thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, để lại nhiều dấu ấn nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội. Thái Nguyên là tỉnh đứng trong top đầu cả nước với nhiều chỉ tiêu phục hồi kinh tế và tăng trưởng mạnh mẽ.

Năm 2022, nhiều chỉ tiêu kinh tế của tỉnh đã có sự phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ, tiếp tục bứt phá và đứng trong top đầu cả nước. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8,59%, cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây, vượt chỉ tiêu kế hoạch năm 2022 (tăng 8%). Do công nghiệp duy trì được tốc độ phát triển khá; dịch vụ có sự bứt phá mạnh mẽ nên cơ cấu kinh tế của tỉnh năm 2022 tiếp tục xu hướng chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ; giảm tỷ trọng nông lâm thủy sản. Trong đó, cơ cấu khu vực công nghiệp xây dựng chiếm 59,5%; khu vực dịch vụ và thuế sản phẩm chiếm 30%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 10,5%. GRDP bình quân đầu người ước đạt 107 triệu đồng (tương đương 4.575 USD/người/năm), bằng 101,9% kế hoạch, tăng 12,5% (tương đương tăng gần 12 triệu đồng/người/năm) so với năm 2021.

Có được những kết quả tăng trưởng GRDP toàn tỉnh trên có phần đóng góp đáng kể từ tiến độ giải ngân các dự án sử dụng vốn đầu tư công 2021, 2022 đạt tỷ lệ cao. Công tác chỉ đạo điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Thái Nguyên luôn thống nhất, sâu sát, sáng tạo, quyết liệt. Những quyết sách đều xuất phát từ lợi ích chung của tỉnh, của nhân dân và của cộng đồng doanh nghiệp nên được người dân, doanh nghiệp ghi nhận, đồng thuận và sẵn sàng chia sẻ, ủng hộ.

Về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công:

Năm 2021, số kế hoạch vốn do Thủ tướng Chính phủ giao: 3.606.875 triệu đồng; số kế hoạch vốn do địa phương giao trên địa bàn toàn tỉnh: 7.708.222 triệu đồng, trong đó: Vốn kế hoạch năm 2021: 7.617.518 triệu đồng; Vốn kế hoạch năm trước được phép kéo dài thời hạn thanh toán theo quy định: 90.704 triệu đồng. Lũy kế thanh toán vốn từ đầu năm đến hết 31/01/2022 trên địa bàn toàn tỉnh: 7.143.812 triệu đồng, đạt 100% so với số kế hoạch vốn do Thủ tướng Chính phủ giao; đạt 92,7% so với kế hoạch vốn địa phương giao.

Năm 2022, ngay từ những ngày đầu năm tỉnh Thái Nguyên đã phân bổ chi tiết hầu hết các nguồn vốn. Tổng số kế hoạch vốn do Thủ tướng Chính phủ giao: 5.992.283 triệu đồng; số kế hoạch vốn được địa phương giao trên địa bàn toàn tỉnh: 9.335.980 triệu đồng. Lũy kế thanh toán vốn từ đầu năm đến hết 31/12/2022 trên địa bàn toàn tỉnh: 7.545.596 triệu đồng. Kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 giải ngân đạt 100% so với kế hoạch vốn do Thủ tướng chính phủ giao, đạt trên 90% so với kế hoạch vốn địa phương giao.

Thu, chi ngân sách:

Thu ngân sách năm 2021 đạt 17.916 tỷ đồng, bằng 146,5% dự toán Bộ Tài chính giao, bằng 114,8% dự toán HĐND tỉnh giao. Trong đó, thu nội địa đạt 15.400 tỷ đồng, bằng 161,9% dự toán Bộ Tài chính giao, bằng 122,2% dự toán HĐND tỉnh giao. Tổng chi ngân sách địa phương năm 2021 đạt 16.728 tỷ đồng, bằng 104,2% dự toán năm.

Thu ngân sách năm 2022 trên địa bàn đạt 19.107 tỷ đồng, bằng 106% so dự toán HĐND tỉnh giao, bằng 131% dự toán Bộ Tài chính giao.Trong đó thu nội địa thực hiện được 15.901 tỷ đồng, bằng 102% so dự toán HĐND tỉnh giao, bằng 126% dự toán Bộ Tài chính giao. Chi cân đối ngân sách địa phương đạt: 20.363 tỷ đồng, bằng 126% dự toán năm.

Lĩnh vực sản xuất công nghiệp:

Năm 2021, do ảnh hưởng nặng nề của làn sóng dịch Covid -19 lần thứ tư, sản xuất công nghiệp gặp khó khăn, thị trường tiêu thụ sản phẩm bị thu hẹp. Tuy nhiên với quyết tâm cao trong việc thực hiện mục tiêu kép, sản xuất công nhiệp trên địa bàn tỉnh năm 2021 cơ bản duy trì được đà tăng trưởng. Giá trị sản xuất công nghiệp cả năm 2021 (theo giá so sánh năm 2010) đạt 844 nghìn tỷ đồng, tăng 7,7% so với cùng kỳ, bằng 100,38% kế hoạch; trong đó, công nghiệp địa phương quản lý đạt 36,35 nghìn tỷ đồng, tăng 9,18% so với cùng kỳ, bằng 101,12% kế hoạch; công nghiệp trung ương đạt 27,4 nghìn tỷ đồng, tăng 16,8% so với cùng kỳ, bằng 111,3% kế hoạch và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 780,3 nghìn tỷ đồng, tăng 7,35% so với cùng kỳ, bằng 100% kế hoạch.

tm-img-alt
Khu công nghiệp Điềm Thụy (Thái Nguyên)

Năm 2022 mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức do tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp... nhưng với sự nỗ lực của UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương, đặc biệt là sự sáng tạo, linh hoạt, chủ động của doanh nghiệp, sản xuất công nghiệp của tỉnh đạt được mức tăng trưởng cao, vượt kế hoạch đã đề ra, tiếp tục đóng vai trò “trụ cột”, là động lực dẫn dắt tăng trưởng kinh tế của tỉnh năm 2022. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2022 (theo giá so sánh năm 2010) ước đạt 931,7 nghìn tỷ đồng, tăng 10,8% so với cùng kỳ và bằng 101,3% kế hoạch. Chia theo khu vực kinh tế, giá trị sản xuất công nghiệp ước tính năm 2022 của khu vực kinh tế trong nước đạt 71,2 nghìn tỷ đồng, tăng 11,7% so với cùng kỳ; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 860,5 nghìn tỷ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ.

Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản:

Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản cả năm 2021 (theo giá so sánh năm 2010) đạt 14.647,2 tỷ đồng, tăng 4,18% so với cùng kỳ. Diện tích chè trồng mới và trồng lại toàn tỉnh cả năm 2021 đạt 455,6 ha, bằng 105,95% kế hoạch, giảm 42,12% so với năm 2020. Diện tích trồng rừng tập trung năm 2021 toàn tỉnh đạt 4.471 ha, bằng 111,8% kế hoạch.

Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản năm 2022 (theo giá so sánh năm 2010) ước đạt 15.267,9 tỷ đồng, bằng 100,7% kế hoạch và tăng 4,14% so cùng kỳ. Diện tích chè trồng mới và trồng lại đạt 416,7 ha, đạt 104,2% KH năm. Diện tích trồng rừng tập trung toàn tỉnh đạt 4.163,1 ha/3.700 ha, bằng 112,5% kế hoạch.

Xuất khẩu, nhập khẩu:

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm 2021 đạt 28,85 tỷ USD, tăng 17,9% so với cùng kỳ, bằng 102,38% kế hoạch. Trong đó, xuất khẩu địa phương đạt 568,6 triệu USD, tăng 12,24% so với cùng kỳ, bằng 108,3% kế hoạch. Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu trên địa bàn đạt 16,69 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ.

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm 2022 ước đạt 31 tỷ USD, tăng 6,6% so cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu địa phương ước đạt 695 triệu USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ và bằng 110,1% kế hoạch. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh năm 2022 ước đạt 18,3 tỷ USD, tăng 3,3% so với cùng kỳ.

Tổng vốn đầu tư; đăng ký kinh doanh, cấp Giấy chứng nhận đầu tư

Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn năm 2021 đạt 52 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ. Dự ước cả năm 2022, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 59,8 nghìn tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ.

Về đăng ký kinh doanh và thu hút đầu tư trong nước: Năm 2021, toàn tỉnh đã cấp thành lập mới cho 891 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký trên 11.366 tỷ đồng. Năm 2022, toàn tỉnh cấp mới đăng ký kinh doanh cho 850 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký khoảng 9.000 tỷ đồng. Đến nay, toàn tỉnh hiện có 8.850 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký khoảng 129.300 tỷ đồng.

Năm 2021, tỉnh cấp quyết định chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 38 dự án sử dụng vốn đầu tư trong nước ngoài ngân sách với tổng số vốn đăng ký khoảng 6.683 tỷ đồng. Năm 2022, tỉnh Thái Nguyên cấp Quyết định chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư cho 05 dự án với tổng số vốn là 327,22 tỷ đồng; cấp Quyết định chấp thuận nhà đầu tư cho 19 dự án với tổng số vốn là 10.565,68 tỷ đồng; cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 11 dự án với tổng số vốn là 373,5 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, tổng số dự án ngoài ngân sách sử dụng vốn đầu tư trong nước còn hiệu lực là 854 dự án với số vốn đăng ký khoảng 150.111,1 tỷ đồng.

Về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài: Năm 2021, toàn tỉnh cấp mới và điều chỉnh tăng vốn cho 31 dự án (15 dự án cấp mới, 16 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn) với tổng số vốn đăng ký là 230,53 triệu USD.

Trong năm 2022, toàn tỉnh cấp mới và điều chỉnh tăng vốn cho 20 dự án (05 dự án cấp mới, 15 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn) với tổng số vốn đăng ký trên 1.532,19 triệu USD.

Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 171 dự án còn hiệu lực với tổng mức đầu tư đăng ký đạt gần 10,3 tỷ USD (tương đương khoảng 237,3 nghìn tỷ đồng).

III. Mục tiêu phát triển kinh tế tỉnh Thái Nguyên đến năm 2030 và những nhiệm vụ, giải pháp.

Tỉnh Thái Nguyên được xác định nằm trong chuỗi liên kết khu vực động lực của vùng theo vành đai Bắc Giang - Thái Nguyên - Phú Thọ gắn với vùng Thủ đô; tập trung hình thành các cụm liên kết điện, điện tử, cơ khí chế tạo trình độ cao. Thành phố Thái Nguyên được xây dựng trở thành một trong các cực tăng trưởng, hạt nhân quan trọng trong phát triển kinh tế vùng.

Để triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 11-NQ/TW; Chương trình hành động của Chính phủ tại Nghị quyết số 96/NQ-CP ngày 01/8/2022 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW; Tỉnh ủy Thái Nguyên đã ban hành Chương trình hành động số 30-CTr/TU ngày 30/9/2022 thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trong đó, phấn đấu đạt các chỉ tiêu phát triển đến năm 2030 tỉnh Thái Nguyên như sau:

(1) Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân từ 8-8,5 %/năm trở lên.

(2) Quy mô kinh tế (GRDP) (Giá hiện hành) năm 2030 đạt 13,5 tỷ USD

(3) GRDP bình quân đầu người: 8.900 USD/người

(4) Cơ cấu kinh tế năm 2030: Công nghiệp, xây dựng 60%; dịch vụ 32,8%; nông, lâm nghiệp, thủy sản 7,2%.

(5) Tỷ trọng công nghiệp chế bến, chế tạo trong GRDP năm 2030: >50%.

(6) Tỷ trọng của kinh tế số trong GRDP năm 2030: 30%

Để đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu nêu trên, tỉnh Thái Nguyên cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ: tham gia phát triển liên kết vùng; phát triển kinh tế bền vững gắn với mục tiêu phát triển tỉnh Thái Nguyên là cực tăng trưởng quan trọng trong phát triển vùng; trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của vùng miền núi Bắc Bộ và vùng thủ đô Hà Nội với các giải pháp trọng tâm như sau:

Thứ nhất là Phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu cụ thể đã đề ra tại Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025 và Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội tỉnh Thái Nguyên 5 năm 2021-2025.

Thứ hai là Hoàn thành xây dựng quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch ngay sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt; xây dựng quy hoạch vùng huyện, quy hoạch sử đụng đất, quy hoạch hệ thống hạ tầng đô thị tỉnh Thái Nguyên theo hướng hiện đại, phân bổ hợp lý giữa các vùng, kết nối thuận lợi với hệ thống đô thị trong vùng trung du miền núi Bắc Bộ và vùng Thủ đô Hà Nội và các khu vực lân cận, góp phần phát huy vị thế là trung tâm kinh tế công nghiệp, công nghệ cao; xây dựng thành phố Thái Nguyên trở thành cực tăng trưởng, hạt nhân quan trọng trong phát triển kinh tế vùng.

Thứ ba là Tập trung phát triển cơ sở hạ tầng tại khu vực phía Nam của tỉnh; ưu tiên giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất thu hút nhà đầu tư; phát triển hạ tầng giao thông và khu công nghiệp gắn với sự phát triển của vùng Thủ đô Hà Nội. Phát triển hạ tầng giao thông vận tải tạo sự liên kết, liên hoàn, thông suốt từ mạng lưới giao thông quốc gia đến đường tỉnh, đường huyện, đường xã, giữa các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa lớn, vùng nguyên liệu với các cụm công nghiệp chế biến. Tập trung nguồn lực đầu tư các tuyến đường liên kết vùng như tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang và Vĩnh Phúc; dự án Đường vành đai V đoạn qua khu vực tỉnh Thái Nguyên.

Thứ tư là Tăng cường hoạt động liên kết sản xuất, hình thành các chuỗi giá trị ngành, sản phẩm với các tỉnh trong vùng, trong đó chú trọng hình thành và phát triển trung tâm sản xuất điện, điện tử, cơ khí chế tạo trình độ cao tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ thông tin tập trung trên địa bàn tỉnh. Tăng cường phối hợp, hợp tác, trao đổi, chia sẻ thông tin với các bộ, ban, ngành Trung ương, các địa phương trong Vùng trung du, miền núi Bắc Bộ và Vùng thủ đô Hà Nội, tranh thủ các nguồn lực phục vụ phát triển kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư và liên kết sản xuất, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và sản phẩm trong Vùng trung du, miền núi Bắc Bộ nói chung và tỉnh Thái Nguyên nói riêng.

Thứ năm là Từng bước chuyển đổi cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của tỉnh gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Tận dụng các lợi thế, thành quả, cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, dịch chuyển cơ cấu công nghiệp theo hướng ưu tiên các nhóm ngành, sản phẩm công nghiệp ứng dụng công nghệ cao có giá trị gia tăng lớn, công nghiệp sạch; sản xuất hàng xuất khẩu. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tập trung phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế so sánh như công nghiệp điện tử, cơ khí chế tạo; khôi phục và phát triển các lĩnh vực thế mạnh của tỉnh.

Phát triển công nghiệp hỗ trợ, hình thành cụm ngành công nghiệp trong một số ngành công nghiệp ưu tiên. Phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất an toàn, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao; đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật, ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất nông nghiệp. Phát triển đồng bộ nông nghiệp với công nghiệp, thương mại, dịch vụ để nâng cao giá trị và thương hiệu sản phẩm; gắn với xây dựng nông thôn mới. Phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái và bảo vệ môi trường. Nâng cao chất lượng, giá trị cây chè và sản phẩm trà. Phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với quản lý rừng bền vững.

Cơ cấu lại ngành nông nghiệp một cách thực chất, hiệu quả hơn; chuyển dịch sang sản xuất hàng hóa trên cơ sở phát huy các tiềm năng, lợi thế của từng địa phương. Phát triển các ngành dịch vụ và thương mại theo hướng nâng cao chất lượng và đa dạng hóa, đẩy mạnh liên kết với các tỉnh, thành phố trong vùng và các trung tâm kinh tế lớn của cả nước. Quy hoạch các vùng du lịch trọng điểm; tập trung phát triển các sản phẩm du lịch chủ lực của tỉnh; phát triển khu du lịch Hồ Núi Cốc, du lịch lịch sử về nguồn từ Khu di tích đền thờ vua Lý Nam Đế (thành phố Phổ Yên) đến Di tích lịch sử An toàn khu (ATK) Định Hóa, kết nối với các khu, điểm du lịch và di tích lịch sử văn hóa của các tỉnh trong vùng và trên cả nước.

Thứ sáu là Đổi mới căn bản, toàn diện công tác quản lý, điều hành của Nhà nước tiến tới xây dựng chính quyền số; phát triển kinh tế số, xã hội số và thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng ứng dụng công nghệ số có sức cạnh tranh trên thị trường.Triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm giải quyết hiệu quả các vấn đề trong thực tiễn sản xuất, kinh doanh, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh cho từng địa phương. Đẩy mạnh triển khai thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, bảo đảm tiến độ theo kế hoạch.

Thứ bảy là Tích cực cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, đẩy mạnh cải cách hành chính, ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước, kết hợp với huy động các nguồn lực trong xã hội, chọn lọc các dự án có vốn đầu tư nước ngoài có giá trị, hiệu quả kinh tế - xã hội cao, công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, thúc đẩy đầu tư theo hình thức đối tác công tư cho các công trình trọng điểm có sức lan tỏa. Đổi mới công tác xúc tiến đầu tư; ưu tiên thu hút đầu tư xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp với các nhóm ngành điện, điện tử, cơ khí chế tạo để hình thành các chuỗi sản xuất công nghiệp trong vùng gắn công nghiệp khai thác với chế biến, chế tạo. Thu hút đầu tư, nâng cấp hệ thống cảng Đa Phúc để phát triển ngành dịch vụ logistic trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Thứ tám là Hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống; thúc đẩy hoạt động đổi mới, sáng tạo, chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; tăng cường đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ gắn với các ngành, lĩnh vực ưu tiên. Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, gắn kết, hợp tác giữa các trường đại học, viện nghiên cứu với khu vực công nghiệp và doanh nghiệp, phát huy vai trò hệ thống các điểm không gian khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các điểm kết nối cung cầu nhằm nâng cao chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh, tạo lập và phát triển thị trường đối với các sản phẩm chủ lực của từng địa phương trong tỉnh. Hình thành trung tâm triển lãm chợ vùng Việt Bắc để đẩy mạnh giao thương hàng hóa.

Thứ chín là Tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên gắn với phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân bảo vệ môi trường. Đầu tư đổi mới hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, thiên tai và biến đổi khí hậu. Xây dựng thí điểm một số mô hình quản lý rừng bền vững dựa vào cộng đồng kết hợp với phát triển du lịch sinh thái.

UBND tỉnh Thái Nguyên

Bạn đang đọc bài viết Kinh tế - Xã hội của tỉnh Thái Nguyên: Góc nhìn từ chỉ số tăng trưởng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Liên hợp quốc lập quỹ chống chịu khí hậu mới
Liên hợp quốc (LHQ) ngày 24/4 đã công bố kế hoạch triển khai quỹ chống chịu khí hậu mới nhằm tăng cường bảo vệ “những người tị nạn và cộng đồng phải di dời”, vốn đang bị vấn đề biến đổi khí hậu đe dọa.

Tin mới

Lào: Cho phép học sinh nghỉ học nếu nền nhiệt quá cao
Theo phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn, trước tình trạng nắng nóng kéo dài với nền nhiệt cao kỷ lục trên 40 độ C, Bộ Giáo dục và Thể thao Lào vừa chỉ đạo các nhà quản lý trường học trên cả nước xem xét cho học sinh nghỉ học nếu cần thiết.
Bài thơ: Thì hãy sống...
Thì cứ bình yên để mỗi ngày trôi đi thật nhẹ//Chiếc đồng hồ nhích từng giây từng giây, rất khẽ///Con chim sẻ ríu rít ngoài ban công//Heo may chở mùa thu qua sông///Cải ngồng hong nắng...