Thứ hai, 29/04/2024 05:50 (GMT+7)

“Mừng quá, có tiền mua gạo, mua đồ ăn rồi!”

MTĐT -  Thứ hai, 16/08/2021 09:59 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Dịch bệnh vẫn đang hoành hành các tỉnh phía Nam, Bình Dương là một trong những tỉnh thành phố bị ảnh hưởng nặng nề nhất!

Hàng nghìn doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động kéo theo cả trăm nghìn lao động không có việc làm. Những công nhân ngoại tỉnh vốn đã khó khăn, thời gian dài phải ở nhà không có việc làm, không có thu nhập dần rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Báo Lao Động cùng mạnh thường quân phối hợp với LĐLĐ tỉnh Bình Dương chăm lo cho người lao động vượt qua giai đoạn khó khăn.

LĐLĐ tỉnh Bình Dương trao hỗ trợ của chương trình “Tiếp sức cho công nhân, người lao động” do Báo Lao Động vận động từ Quỹ Dẫn Ánh Bình Minh - Ngân hàng Techcombank cho người lao động ở Bình Dương. Ảnh: Đình Trọng

Doanh nghiệp kiệt sức, người lao động mất việc làm

Đã hơn 3 tháng COVID-19 hoành hành, điểm nóng dịch bệnh ở Bình Dương vẫn chưa hạ nhiệt. Tính đến ngày 11.8, tỉnh Bình Dương đã phát hiện 32.800 ca mắc COVID-19. Để điều trị bệnh nhân, tỉnh đã phải lập 4 cơ sở bệnh viện dã chiến quy mô 13.000 giường bệnh. Các bệnh viện hồi sức cấp cứu cũng phải tăng cường để điều trị bệnh nhân diễn biến nặng. Tỉnh đang đẩy mạnh xét nghiệm sàng lọc F0 trong cộng đồng, thiết lập và bảo vệ vùng xanh (vùng an toàn). Bên cạnh đó thực hiện chiến dịch với mục tiêu tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho 2 triệu dân để tăng sức đề kháng.

Đến nay, cùng sự chi viện của cơ quan Trung ương và các tỉnh bạn, Bình Dương đang dốc toàn lực phòng chống dịch. Tuy nhiên vẫn chưa kiểm soát được đà tăng của số ca mắc COVID-19. Nhiều doanh nghiệp đã phải tạm dừng hoạt động, còn lại có khoảng 1.500 DN đang nỗ lực duy trì sản xuất bằng phương án “ba tại chỗ” và “1 cung đường, 2 điểm đến”.

Việc vừa sản xuất, vừa phòng dịch, chi phí rất lớn về sức người, sức của trong thời gian kéo dài khiến nhiều doanh nghiệp ở Bình Dương “kiệt sức”. Hai phương án sản xuất trên cũng chỉ là giải pháp tình thế, doanh nghiệp buộc phải duy trì để đảm bảo việc làm cho người lao động và không đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu cho thị trường. Nhưng chi phí xét nghiệm hàng tuần, chi phí phòng dịch, sinh hoạt của người lao động... đang tiếp tục đè nặng lên “đôi vai doanh nghiệp”.

LĐLĐ tỉnh Bình Dương cho biết, thống kê sơ bộ đến ngày 11.8 có 8.200 công nhân lao động là F0 và 40.000 lao động là F1,F2. Trên 500 doanh nghiệp bị ảnh hưởng, nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề. Việc này kéo theo hàng 100.000 lao động không có việc làm. Bà Nguyễn Kim Loan - Chủ tịch Liên đoàn Lao động Bình Dương cho biết, những lao động tự do, công nhân bị ngừng việc không lương, là những người khó khăn nhất trong lúc này.

Báo Lao Động chung tay cùng Bình Dương chống dịch

Tại Bình Dương, PV Báo Lao Động luôn có mặt ở các điểm nóng, cung cấp thông tin hình ảnh và diễn biến của dịch bệnh. Phát hiện các công nhân lao động gặp khó khăn, cùng với địa phương và tổ chức công đoàn hỗ trợ kịp thời.

Đáng chú ý, chia sẻ với những khó khăn của công nhân nghèo đang phải trải qua ở Bình Dương, Cần Thơ và Đồng Nai, Báo Lao Động đã vận động từ Quỹ Dẫn Ánh Bình Minh - Ngân hàng Techcombank thực hiện chương trình “Tiếp sức cho công nhân, người lao động”, hỗ trợ cho 3.000 người lao động với tổng giá trị lên đến 3 tỉ đồng.

Tại Bình Dương, 1.000 lao động khó khăn được hỗ trợ. Ban tổ chức sau khi bàn bạc quyết định hỗ trợ bằng tiền mặt mỗi người 1 triệu đồng. Việc hỗ trợ nóng bằng tiền với những mong muốn người lao động có thêm phần chi phí để mua gạo và thực phẩm thiết yếu trong lúc bức thiết.

LĐLĐ tỉnh Bình Dương đã tiếp nhận số tiền trên và đang rà soát trao cho những công nhân bị mất việc làm, không có thu nhập, người bị tai nạn, bị bệnh hiểm nghèo mà công ty tạm dừng hoạt động, những lao động tự do lớn tuổi mất việc làm bị cách ly...

Từ ngày 2.8, phóng viên Báo Lao Động cùng LĐLĐ tỉnh Bình Dương đã đến những điểm công nhân bị ảnh hưởng nặng nhất ở nhất Bình Dương để tiếp sức cho người lao động. Đã có 100 công nhân KCN Đại Đăng sống trong khu phong tỏa (P.Phú Tân, TP.Thủ Dầu Một), 300 người lao động nghèo trong chợ đầu mối Hàng Bông (P.Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một) và 300 công nhân (Công ty TNHH Ampacs International, khu công nghiệp Bàu Bàng, huyện Bàu Bàng) được nhận hỗ trợ mỗi người 1 triệu đồng...

Ngoài ra, đường dây nóng của Báo Lao Động đã nhận được nhiều thông tin phản ánh, xin hỗ trợ khẩn cấp lương thực thực phẩm từ công nhân, người lao động. Trước tình thế cấp thiết, phóng viên phụ trách địa bàn của Báo Lao Động đã xác minh thông tin, sau đó gửi đến các địa phương và tổ chức công đoàn kịp thời tiếp sức cho người lao động.

Có thể kể đến trường hợp anh thợ hồ có con bị tai nạn gãy tay, hết gạo ở phường Mỹ Phước, thị xã Bến Cát. Trường hợp của nữ công nhân may cụt chân không còn tiền, không còn lương thực, hai mẹ con chỉ biết ở trong phòng trọ ở phường Phú Lợi. TP.Thủ Dầu Một. Nhóm hơn 100 công nhân quê Hà Giang không có việc làm, trong phòng trọ đã “hết sạch” đồ ăn... Báo Lao Động đã kết nối thông tin phối hợp với tổ chức công đoàn và mạnh thường quân, trao hỗ trợ kịp thời cho những lao động khó khăn này.

Tiếp tục tiếp sức cho người lao động

Giữa lúc khốn khó, chỉ biết ở trong phòng trọ chưa đầy 15m2 chờ dịch qua, nhận được 1 triệu đồng hỗ trợ, nhiều người rưng rưng thốt lên : “Mừng quá, có tiền mua gạo rồi!”. Chị Neáng Sóc Khươn (44 tuổi - quê An Giang, đang làm việc ở công ty gỗ trong KCN Đại Đăng) chia sẻ: “Gần 1 tháng nay tôi không có thu nhập, nhưng còn phải lo cho 4 đứa con. Nhận được số tiền này tôi sẽ mua thêm gạo và rau củ quả để ăn dần vì không biết dịch bệnh sắp tới như thế nào”.

Làm chung công ty với chị Sóc Khươn, anh Bùi Văn Nhi (46 tuổi, quê Đồng Tháp) chia sẻ: “Mừng quá, tôi có tiền mua gạo và đồ ăn rồi. Một tháng 2 vợ chồng chỉ có thu nhập 8 triệu đồng, chi tiêu hết 4-6 triệu đồng, còn dư 2 triệu đồng để gửi về quê cho con và phòng thân. Những ngày qua không đi làm, không có tiền, trong phòng trọ sắp hết gạo. Hai vợ chồng lại không có nhiều người thân ở đây để hỗ trợ. Dịch bệnh chỉ biết ngồi ở phòng trọ chờ hết dịch được đi làm trở lại”.

Với những người lao động lớn tuổi kiếm sống “đắp đổi qua ngày” ở chợ Hàng Bông thì số tiền chương trình do Báo Lao Động tổ chức gửi tặng càng quý. Hầu hết đã ở nhà 1 tháng họ phải cách ly trong phòng trọ do dịch bệnh. Nhận được tiền và gạo, nhiều người mừng không thốt nên lời. Bà Mã Thị Nhỏ - 56 tuổi, làm công nhân vệ sinh nhiều năm ở chợ. Xảy ra dịch bệnh, bà Nhỏ thuộc diện F1 phải đi cách ly tập trung mới về. “Gần 1 tháng nay không có thu nhập. Nếu chỉ hai vợ chồng tôi cơm cháo qua ngày cũng được, nhưng khổ cái phải nuôi cháu nhỏ do con để lại nên rất khó khăn. Được hỗ trợ 1 triệu đồng trong lúc này, tôi mừng lắm, có thêm tiền mua đồ ăn cho cháu” - bà Nhỏ nói.

Ông Nguyễn Đình Khánh - Phó Chủ tịch thường trực LĐLĐ tỉnh Bình Dương nhận định: “Qua đợt trao quà của chương trình “Tiếp sức cho công nhân, người lao động” có thể thấy sự vui mừng phấn khởi của công nhân, người lao động. Những phần quà đến đúng lúc người lao động gặp khó khăn cần sự hỗ trợ. LĐLĐ tỉnh Bình Dương xin gửi lời cảm ơn đến Báo Lao Động và Ngân hàng Techcombank đã chung tay cùng tổ chức công đoàn chăm lo cho người lao động trong tình hình hiện nay”./.

Đình Trọng/Báo Lao động

Bạn đang đọc bài viết “Mừng quá, có tiền mua gạo, mua đồ ăn rồi!”. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

MTĐT

Cùng chuyên mục

Tin mới

Thiết kế cấp phối bê tông san hô
Thiết kế cấp phối bê tông san hô cấp độ bền B15, B20, B22,5 (sử dụng cốt liệu cát, đá san hô và nước mặn). Kết quả cho thấy, việc sử dụng vật liệu vật liệu, nước biển thay thế cho vật liệu truyền thống là khả thi.
Giữ lửa Chèo truyền thống trong lớp trẻ
Với mục tiêu tôn vinh, quảng bá giá trị đặc sắc của nghệ thuật Chèo Việt Nam, nhiều năm qua, trường Đại học Sân khấu điện tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng những tài năng trẻ có đam mê với loại hình văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc này.
Khai trương phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy
Tuyến phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy dài hơn 1km với hơn 100 ki ốt đa dạng chủng loại ngành hàng từ nhà hàng ẩm thực, đồ lưu niệm, đồ uống, ẩm thực đường phố... được trang trí bắt mắt nằm ngay trung tâm khu du lịch Bãi Cháy.