Thứ hai, 29/04/2024 06:48 (GMT+7)

Năm 2018 vẫn mưa lắm, bão nhiều

MTĐT -  Thứ sáu, 13/04/2018 09:59 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ngày 12/4, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức cuộc họp báo thường kỳ, đáng chú ý cuộc họp đã đưa ra những nhận định xu thế thiên tai trong mùa mưa, bão năm 2018.

Năm 2018 sẽ có khoảng 12 - 13 cơn bão và ATNĐ

Tại cuộc họp, ông Trần Hồng Thái - Phó Tổng cục Trưởng Cục Khí tượng Thủy văn T.Ư cho biết, hiện tại Enso được xác định đang ở trạng thái La Nina. Nhiều khả năng Enso sẽ chuyển sang trạng thái trung tính từ nửa cuối năm 2018 với xác suất trong khoảng 55 - 65%.

Dự báo, sẽ có khoảng 12 - 13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) hoạt động khu vực Biển Đông, 5 - 6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta trong năm 2018. Vào đầu thời kỳ đầu mùa, bão và ATNĐ có xu hướng xuất hiện nhiều ở khu vực phía Bắc Biển Đông và xu hướng sẽ dịch dần về phía Nam Biển Đông trong những tháng cuối năm 2018. Khả năng cao bão và ATNĐ ảnh hưởng nhiều hơn tới khu vực Trung Bộ.

Nắng nóng diện rộng ở Bắc Bộ và Trung Bộ có xu hướng xuất hiện muộn hơn trung bình và mức độ không gay gắt như năm 2017.

Năm 2018 sẽ có khoảng 12 - 13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới. Ảnh minh họa: Internet.

Mùa khô năm 2018, ở khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên trên nhiều sông suối mực nước sẽ thấp nhất chuỗi số liệu quan trắc, tình trạng hạn hán, thiếu nước cục bộ khả năng cao xuất hiện ở khu vực này. Tình hình xâm nhập mặn ở Nam Bộ trong mùa khô ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm (TBNN) và tương đương năm 2016 - 2017.

Mùa mưa lũ năm 2018, đỉnh lũ trên các sông suối khu vực Bắc Bộ phổ biến ở mức biến động 2-3, một số sông suối nhỏ trên biến động 3. Lũ quét, sạt lở đất xảy ra tương đương năm 2017, đặc biệt tại các khu vực miền núi phía Tây Bắc Bộ.

Mùa lũ ở các sông ở khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên có khả năng xuất hiện sớm, đỉnh lũ năm 2018 trên các sông ở mức tương đương và cao hơn trung bình nhiều năm.

Trên lưu vực sông Mê Kông mùa lũ đến sớm hơn so với trung bình nhiều năm, đến cuối tháng 7 mực nước đầu nguồn sông Cửu Long có khả năng ở mức 2,5-3,0m; đỉnh lũ năm 2018, ở đầu nguồn sông Cửu Long khả năng ở mức biến động 2-3.

Tình hình mưa lũ có khả năng cũng cao hơn trung bình nhiều năm. Ảnh minh họa: Internet.

Khả năng dự báo sớm hơn

Về năng lực dự báo bão, thiên tai ông Thái cho biết, "năm 2018 năng lực dự báo, cảnh báo bão có thay đổi đáng kể".

"Điểm nổi bật trong công tác dự báo, cảnh báo bão từ năm 2018 là việc cảnh báo sớm. Việc dự báo đã nâng được thời hạn dự báo, cảnh báo bão sớm đến 5 ngày thay vì 3 ngày như trước đây.

Ví như trước đây khi xuất hiện bão thì chỉ có thể dự báo được 3 ngày sau, còn bây giờ khi có bão có thể dự báo dài tới 5 ngày.

Tương tự, với áp thấp nhiệt đới, có thể dự báo dài tới 3 ngày thay vì chỉ dự báo ngắn 1 ngày như trước đây", ông Thái cho hay.

Tuy vậy, nhưng ông Thái cũng thừa nhận, công tác dự báo, cảnh báo cường độ bão và mưa hiện còn nhiều hạn chế.

"Dự báo cường độ bão và mưa lớn là hai vấn đề khó chung với cả những nước có công nghệ tiên tiến như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc.

Việt Nam cũng gặp khó khăn như vậy, đặc biệt là dự báo mưa vì hiện nay mạng lưới quan trắc của chúng ta còn rất thưa.

Khả năng dự báo bão sẽ sớm hơn. Ảnh minh họa.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong năm 2017 vừa qua, do hiện tượng Enso ở pha trung tính trong nửa đầu năm 2017 và chuyển về pha lạnh (La Nina) cuối năm 2017, nên nền nhiệt độ cả nước ở mức cao, các đợt rét đậm, rét hại ít và không kéo dài.

Bất thường là nắng nóng diễn ra kỷ lục ở nhiều nơi, đặc biệt là Hà Nội và các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ.

Nửa cuối năm 2017, mưa lớn diễn ra trên diện rộng và liên tục kéo dài ở các tỉnh vùng núi phía Bắc và các tỉnh Trung Bộ gây lũ, lũ quét, sạt lở.

Bão và áp thấp nhiệt đới xuất hiện tần suất kỷ lục ở Biển Đông, trong đó có 2 cơn bão cực mạnh là Doksuri và Damrey.

Lũ ở nhiều địa phương tuy xuất hiện muộn nhưng đỉnh lũ lại cực điểm của lịch sử. Như Hồ Hòa Bình vượt giá trị lịch sử cùng kỳ tháng 10, lũ sông Hoàng Long cao hơn mực nước lũ lịch sử năm 1985, đỉnh lũ trên sông Mã, sông Bồ, sông Vu Gia – Thu Bồn, sông Vệ đều ở mức tương đương mức lũ lịch sử. Lũ bất thường tại các tỉnh Sơn La, Yên Bái, Hòa Bình và Nghệ An.

P.V (tổng hợp theo Đại đoàn kết, KTĐT, TTO)

Bạn đang đọc bài viết Năm 2018 vẫn mưa lắm, bão nhiều. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Nghĩa Lộ (Yên Bái) khắc phục hạn hán do khô hanh kéo dài
Trong thời gian qua, do thời tiết khô hanh kéo dài, lượng mưa ít dẫn đến mực nước nhiều sông, suối và hồ, đập trên địa bàn tỉnh Yên Bái, trong đó có thị xã Nghĩa Lộ xuống thấp gây khó khăn trong việc dẫn nước phục vụ dân sinh và sản xuất nông nghiệp.
Cảnh báo tần suất La Nina và El Nino gia tăng
Ngày 25/4, các chuyên gia khí tượng cho biết hiện tượng thời tiết El Nino và La Nina - kéo theo những đợt nóng, lạnh, mưa hoặc hạn hán - sẽ diễn ra thường xuyên và khắc nghiệt hơn trong những năm tới.

Tin mới

Thiết kế cấp phối bê tông san hô
Thiết kế cấp phối bê tông san hô cấp độ bền B15, B20, B22,5 (sử dụng cốt liệu cát, đá san hô và nước mặn). Kết quả cho thấy, việc sử dụng vật liệu vật liệu, nước biển thay thế cho vật liệu truyền thống là khả thi.
Giữ lửa Chèo truyền thống trong lớp trẻ
Với mục tiêu tôn vinh, quảng bá giá trị đặc sắc của nghệ thuật Chèo Việt Nam, nhiều năm qua, trường Đại học Sân khấu điện tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng những tài năng trẻ có đam mê với loại hình văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc này.
Khai trương phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy
Tuyến phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy dài hơn 1km với hơn 100 ki ốt đa dạng chủng loại ngành hàng từ nhà hàng ẩm thực, đồ lưu niệm, đồ uống, ẩm thực đường phố... được trang trí bắt mắt nằm ngay trung tâm khu du lịch Bãi Cháy.