Chủ nhật, 28/04/2024 12:21 (GMT+7)

Năm 2024, tất cả các dự án có công trình cấp I, cấp đặc biệt đều phải áp dụng BIM

Tùng Lâm -  Thứ năm, 09/11/2023 10:12 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Lộ trình đến 2024, đối với tất cả các dự án có công trình cấp I, cấp đặc biệt không phân biệt nguồn vốn đều bắt buộc áp dụng BIM cho đầu tư xây dựng.

Thông tin trên được Trung tâm Nghiên cứu phát triển hạ tầng kỹ thuật (CIRD) thuộc Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng đư ra tại Hội thảo “Ứng dụng mô hình thông tin công trình (BIM) trong công trình hạ tầng kỹ thuật” tổ chức ngày 8/11 vừa qua.

Trung tâm Nghiên cứu phát triển hạ tầng kỹ thuật được Cục Hạ tầng kỹ thuật giao là đơn vị đầu mối nghiên cứu, phát triển và ứng dụng BIM cho công trình hạ tầng kỹ thuật, hỗ trợ các nhiệm vụ của Cục trong công tác quản lý nhà nước.

tm-img-alt
Toàn cảnh hội thảo

Đến 2024 Tất cả các dự án có công trình cấp I, cấp đặc biệt đều phải áp dụng BIM

Tại hội thảo, ông Vũ Đình Đang - Giám đốc Trung tâm cho biết: Lộ trình đến 2024, đối với tất cả các dự án có công trình cấp I, cấp đặc biệt không phân biệt nguồn vốn đều bắt buộc áp dụng BIM cho đầu tư xây dựng. Do đó, việc áp dụng BIM là vô cùng cần thiết, cần tất cả các đơn vị tham gia hoạt động đầu tư xây dựng phải điều chỉnh hoạt động cho phù hợp.

Theo TS Tạ Ngọc Bình - Trưởng phòng Đầu tư và xây dựng số, Viện Kinh tế xây dựng, BIM có thể được hiểu là việc sử dụng các tiến bộ của công nghệ thông tin để số hóa các thông tin của công trình thông qua mô hình không gian ba chiều (3D) nhằm hỗ trợ quá trình thiết kế, thi công, quản lý vận hành công trình; BIM là việc sử dụng kỹ thuật số chia sẻ về công trình để tạo điều kiện thuận lợi cho các quy trình thiết kế, thi công và quản lý vận hành, tạo nên một nền tảng tin cậy cho việc ra quyết định.

10 ứng dụng BIM trong thiết kế, thi công

ThS Nguyễn Danh Thắng - Tổng giám đốc Công ty CP Xây dựng DBIM, thành viên tổ chuyên gia Ban chỉ đạo BIM đã giới thiệu 10 ứng dụng BIM trong thiết kế, thi công.

Thứ nhất, xây dựng mô hình hiện trạng giúp mô tả hiện trạng thực tế công trình, khu vực xây dựng công trình; cung cấp tài liệu cho các giai đoạn tiếp theo; nâng cao tính chính xác của tài liệu tình trạng hiện có; cung cấp thông tin vị trí; trợ giúp trong việc lập mô hình và phối hợp thiết kế 3D, thi công trong tương lại; trực quan hóa.

Thứ hai, phân tích, tính toán, mô phỏng thiết kế để đạt được các giải pháp thiết kế tiết kiệm năng lượng; tối ưu hóa phương án; nâng cao chất lượng thiết kế; giảm thời gian chu kỳ phân tích thiết kế.

Thứ ba, phát triển thiết kế - mô hình thiết kế để duy trì tính minh bạch của thiết kế cho tất cả các bên có liên quan; kiểm soát chất lượng thiết kế, hồ sơ bản vẽ, cũng như chi phí và tiến độ; tạo sự hợp tác hiệu quả giữa các bên liên quan của dự án; trực quan hóa thiết kế.

Thứ tư, kiểm tra thẩm tra - Review Design nhằm đánh giá mức độ hiệu quả của giải pháp thiết kế so với nhiệm vụ thiết kế của chủ đầu tư, về mặt không gian, diện tích, thẩm mỹ và chi phí; kiểm tra mức độ đáp ứng của các giải pháp so với các tiêu chuẩn, quy định của nhà nước về quy hoạch kiến trúc, kết cấu, an toàn PCCC, sử dụng năng lượng…; so sánh, đánh giá tính ưu việt của các phương án thiết kế khác nhau; kiểm tra, phát hiện những vấn đề bất hợp lý của mô hình thiết kế.

Thứ năm, điều phối thiết kế - 3D Coordination nhằm phát hiện các xung đột (va chạm cứng, va chạm mềm và va chạm về tiến trình triển khai), từ đó đưa ra phương án thiết kế tối ưu, phát hiện và giảm xung đột tại hiện trường, giúp giảm RFI và thay đổi đơn hàng; hình dung trình tự xây dựng; giảm thiểu rủi ro và tiết kiệm chi phí, giảm thời gian thi công; tăng năng suất thi công; tạo bản vẽ hoàn công chính xác.

Thứ sáu, quản lý khối lượng.

Thứ bảy, quản lý chi phí.

Thứ tám, quản lý và theo dõi tiến độ công trình.

Thứ chín, giám sát thi công (đưa ra các yêu cầu đến các đơn vị tham gia vào dự án, theo dõi tiến độ quản lý chất lượng thi công, quản lý biên bản nghiệm thu).

Thứ mười, mô hình hoàn công.

TS Trần Hoài Anh - Phó Cục trưởng Cục Hạ tầng Kỹ thuật, Bộ Xây dựng khẳng định: BIM giúp các bên tham gia dự án có cái nhìn tổng thể và khái quát bằng mô hình trực quan, từ một bản vẽ thiết kế có thể cụ thể hóa toàn bộ những hạng mục bên trong của dự án; BIM đồng thời hỗ trợ rất nhiều cho công tác giám sát, quản lý, lưu trữ hồ sơ, cũng như công tác vận hành, bảo trì của toàn bộ công trình về sau.

Đại diện Cục Hạ tầng Kỹ thuật hy vọng thời gian tới những nội dung trong lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là không gian ngầm sớm được luật hóa để có thể thuận lợi hơn cho lộ trình áp dụng BIM.

Chủ trương ứng dụng BIM của Chính phủ và các Bộ, ngành

Tháng 12/2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án áp dụng BIM trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình tại Quyết định số 2500/QĐ-TTg. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 258/QĐ-TTg ngày 17/03/2023 về lộ trình áp dụng BIM trong hoạt động xây dựng, chia thành 3 giai đoạn.

Giai đoạn 1, từ năm 2023, áp dụng BIM bắt buộc đối với các công trình cấp I, cấp đặc biệt của các dự án đầu tư xây dựng mới sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công tư bắt đầu thực hiện các công việc chuẩn bị dự án.

Giai đoạn 2, từ năm 2025, áp dụng BIM bắt buộc đối với các công trình cấp II trở lên của các dự án đầu tư xây dựng mới sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công tư bắt đầu thực hiện các công việc chuẩn.

Sau khi theo dõi, đánh giá giai đoạn 1 và giai đoạn 2, Chính phủ sẽ đưa ra lộ trình áp dụng cụ thể cho giai đoạn 3.

Việc áp dụng BIM đã được quy định tại nhiều VBQPPL như: Luật Xây dựng, Nghị định số 15/2021/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng, Nghị định số 10/2021/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng hay Thông tư số 12/2021/TT-BXD về ban hành định mức xây dựng.

Ngày 2/4/2021, Bộ Xây dựng đã ban Quyết định số 348/QĐ-BXD hướng dẫn chung áp dụng Mô hình thông tin công trình (BIM) và Quyết định số 347/QĐ-BXD về việc công bố hướng dẫn chi tiết áp dụng Mô hình thông tin công trình (BIM) đối với công trình dân dụng và công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị.

Bạn đang đọc bài viết Năm 2024, tất cả các dự án có công trình cấp I, cấp đặc biệt đều phải áp dụng BIM. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Khai trương phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy
Tuyến phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy dài hơn 1km với hơn 100 ki ốt đa dạng chủng loại ngành hàng từ nhà hàng ẩm thực, đồ lưu niệm, đồ uống, ẩm thực đường phố... được trang trí bắt mắt nằm ngay trung tâm khu du lịch Bãi Cháy.
Khai mạc Lễ hội Tràng An năm 2024
Ngày 26/4, tại Danh thắng Tràng An, Lễ hội Tràng An năm 2024 đã chính thức được khai mạc. Đây là một trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.
Bài thơ: Tháng Tư này
Tháng Tư này còn gì để nhớ mong//Khi tình đã úa màu theo năm tháng//Kỷ niệm cũ vùi sâu miền dĩ vãng///Gợi làm gì thêm đau xót lòng nhau