Thứ năm, 14/11/2024 15:15 (GMT+7)

Nên làm gì để tránh bị lừa khi mua nhà?

Luật Đồng -  Thứ ba, 26/09/2023 14:36 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nhà đất hay theo thuật ngữ pháp lý gọi là quyền sử dụng đất là một tài sản có giá trị rất lớn, do đó có nhiều người đã lợi dụng, dùng các thủ đoạn tinh vi nhằm lừa đảo, chiếm đoạt những số tiền rất lớn từ lĩnh vực mua bán nhà đất.

Việc mua bán nhà đất là một hoạt động diễn ra thường xuyên, liên tục bởi vì nhu cầu của con người về đất đai là nhu cầu thiết yếu. Có người mua đất để sinh sống, làm việc nhưng cũng có người lại mua để đầu tư.

Tuy nhiên, tựu chung lại, nhà đất hay theo thuật ngữ pháp lý gọi là quyền sử dụng đất là một tài sản có giá trị rất lớn, do đó có nhiều người đã lợi dụng, dùng các thủ đoạn tinh vi nhằm lừa đảo, chiếm đoạt những số tiền rất lớn từ trong lĩnh vực này.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ. Internet

Các thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo thường rất tinh vi và chuyên nghiệp, họ có thể sử dụng các thủ đoạn như: Bán đất đang có tranh chấp; bán đất thuộc quy hoạch trong lương lai có thể bị thu hồi; Bán đất không đúng với hình thức và sau này có khả năng phát sinh tranh chấp dẫn tới việc không cấp được GCNQSDĐ hoặc hủy Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất; cũng có trường hợp lừa đặt cọc một thửa đất không có trên thực tế hoặc không thuộc quyền sở hữu của họ; nhận tiền cọc nhưng không chuyển quyền sử dụng đất,…

Người có nhu cầu mua nhà đất cần phải có sự tìm hiểu kỹ càng về hoạt động này, các thủ đoạn mà các đối tượng thường sử dụng, và quan trọng cần phải có sự hiểu biết về pháp luật liên quan.

Sau nhiều vụ việc tranh chấp đất đai, Luật sư Nguyễn Văn Tuấn – Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS thuộc đoàn Luật sư thành phố Hà Nội đã chia sẻ một số những lưu ý khi mua nhà đất để tránh việc bị lừa đảo.

Thứ nhất, bạn cần phải tìm hiểu về thửa đất để xác định được tình trạng pháp lý của nó. Trước hết bạn cần phải trực tiếp đi xem hiện trạng thửa đất để xác định chính xác về chủ sở hữu và vị trí chính xác của thửa đất. Đồng thời khi quan sát thửa đất cũng như các thửa đất liền kề cũng có thể phần nào đoán được xem thửa đất đó có nằm trong quy hoạch xây dựng công trình phục vụ mục đích công cộng hay an ninh quốc phòng hay không.

Bước tiếp theo để kiểm tra về tính pháp lý của thửa đất, bạn nên yêu cầu người bán cung cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bạn kiểm tra, nếu trong trường hợp thửa đất đã bị thế chấp tại Ngân hàng thì phía Ngân hàng sẽ giữ giấy tờ này. Và để kiểm tra xem thửa đất này có đang bị cơ quan thi hành án thực hiện kê biên để thanh toán nghĩa vụ nào khác hay không thì bạn có thể lên trang thông tin điện tử của Cục thi hành án dân sự để tra cứu.

Theo kinh nghiệm thực tế, các cơ quan như cán bộ địa chính của UBND cấp xã, Phòng tài nguyên môi trường, Văn phòng công chứng tại địa phương đó thường nằm giữ được các thông tin pháp lý liên quan đến đất đai của chính địa phương đó, dó đó, bạn có thể tìm đến các cơ quan này để tra cứu thông tin liên quan đến thửa đất mình muốn mua.

Thứ hai, bạn cần phải nắm bắt được những quy định pháp luật liên quan đến việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Theo quy định của pháp luật liên quan đến đất đai hiện hành, việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất cần phải lập thành văn bản có công chứng. Rất nhiều trường hợp bên bán lừa cho người mua ký Hợp đồng viết tay thậm chí là lập vi bằng. Việc mua bán theo các hình thức đó là trái với quy định của pháp luật và có khả năng làm cho Hợp đồng bị vô hiệu. Theo nguyên tắc của luật dân sự, giao dịch dân sự vô hiệu không gây ảnh hưởng quá nhiều đến các bên chủ thể, tuy nhiên thực tế là có và còn làm mất thời gian, vướng tới những rắc rối pháp lý không cần thiết.

Đồng thời, khi mua các thửa đất mà người bán được nhận thừa kế thì bạn cũng cần phải lưu ý về việc người đó đã được chuyển quyền do nhận thừa kế đúng pháp luật hay chưa bằng việc kiểm tra các giấy tờ như Di chúc, Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế hợp lệ, Văn bản khai nhận di sản thừa kế,… Trong trường hợp không kiểm tra về vấn đề này, khi các đồng thừa kế của người bán có ý kiến, tranh chấp thì sẽ ảnh hưởng tới quyền lợi của bạn.

Thứ ba, Đối với tài sản là quyền sử dụng đất có giá trị rất lớn nên việc đặt cọc để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ được áp dụng rất thường xuyên. Tuy nhiên, đây là một bước có thể lợi dụng để lừa đảo từ người mua một số tiền khá lớn; hoặc có trường hợp đã nhận tiền đặt cọc nhưng lại không thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho bạn, hoặc do giá trị đất tăng cao nên không muốn bán nữa. Như vậy, bạn cần phải có sự chú ý về việc đặt cọc này, theo đó, các biện pháp có thể bao gồm: đảm bảo tính pháp lý của việc đặt cọc bằng cách lập Hợp đồng đặt cọc có Công chứng, ghi đầy đủ các thông tin chính xác của người đặt cọc, người nhận đặt cọc và tùy thuộc vào giá trị của nhà đất, tình hình thực tế mà lựa chọn mức tiền cọc phù hợp. Kèm theo Hợp đồng đặt cọc, bạn cũng cần phải lập biên bản/ văn bản khác xác thực việc giao tiền cọc kèm theo Hợp đồng đặt cọc để ghi nhận sự việc đã đưa tiền cho bên nhận cọc. Khi có tranh chấp phát sinh thì các tài liệu trên là căn cứ để bạn đòi lại các quyền lợi chính đáng của mình thông qua các biện pháp giải quyết tranh chấp như thương lượng, hòa giải hay khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền.

Thứ tư, sau khi đã ký xong Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất hợp pháp, nhiều trường hợp người bán không bàn giao tài sản, thực tế có khi thời gian chiếm dụng quyền sử dụng đất này kéo dài hàng chục năm. Do đó, cần phải có những biện pháp nhằm ngăn chặn việc này, đó chính là cài các điều khoản hoặc lập một Phụ lục riêng kèm Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản trên đất về việc bàn giao lại tài sản. Trong đó cần quy định rõ về thời gian bàn giao, địa điểm bàn giao chính xác để làm căn cứ yêu cầu các cơ quan giải quyết quyền lợi cho bạn.

Tóm lại, việc mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản trên đất luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro, bạn cần phải có sự am hiểu pháp luật và các thủ đoạn lừa đảo thường gặp để tránh bị xâm phạm quyền, lợi ích. Và đơn giản nhất là tìm kiếm nhờ sự giúp đỡ của các chuyên gia tư vấn uy tín, có kinh nghiệm thì mới có thể đảm bảo tốt nhất cho quá trình mua bán nhà đất của mình.

Bạn đang đọc bài viết Nên làm gì để tránh bị lừa khi mua nhà?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thông báo mất Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (lần 3)
Ngày 24/7/2024, UBND xã Cao Xá, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang đã có thông báo số 54/TB-UBND về việc mất Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Dương Xuân Hoàn và bà Nguyễn Thị Bích Thuận sử dụng đất tại thôn Dinh Thắm, xã Cao Xá, Tân Yên, Bắc Giang.
Thông báo mất Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (lần 2)
Ngày 24/7/2024, UBND xã Cao Xá, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang đã có thông báo số 54/TB-UBND về việc mất Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Dương Xuân Hoàn và bà Nguyễn Thị Bích Thuận sử dụng đất tại thôn Dinh Thắm, xã Cao Xá, Tân Yên, Bắc Giang.
Thông báo mất Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (lần 1)
Ngày 24/7/2024, UBND xã Cao Xá, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang đã có thông báo số 54/TB-UBND về việc mất Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Dương Xuân Hoàn và bà Nguyễn Thị Bích Thuận sử dụng đất tại thôn Dinh Thắm, xã Cao Xá, Tân Yên, Bắc Giang.
Trường hợp nào không được phép tách thửa đất mới nhất
Theo quy định của pháp luật VN, không phải bất kì trường hợp nào cũng được phép tách thửa đất ra những mảnh đất nhỏ. Nên khi muốn tách thửa đất, người dân cần biết một số trường hợp PL quy định về việc hạn chế hoặc không được thực hiện hoạt động tách thửa

Tin mới