Thứ sáu, 26/04/2024 13:55 (GMT+7)

Người dân ùn ùn đổ ra đường, Hà Nội lo “vỡ trận” phòng chống dịch

MTĐT -  Thứ năm, 09/04/2020 12:12 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

“Tình hình bây giờ rất đáng lo, rất nguy hiểm, người dân chủ quan quá”, Chủ tịch Hà Nội chia sẻ lo ngại trước việc người dân ra đường ngày càng đông trong thời gian cách ly xã hội.

Chỉ thị 16 của Thủ tướng yêu cầu cách ly xã hội trong 15 ngày từ 1/4 đến 15/4 vì đây là khoảng “thời gian vàng” ngăn dịch bệnh lây lan.

Trong những ngày đầu, yêu cầu này được người dân thực hiện khá nghiêm túc, nhưng 2 ngày gần đây, lượng người dân đổ ra đường ngày càng nhiều, tình trạng tập trung đông người bắt đầu xuất hiện tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM.

Đường phố Hà Nội bắt đầu tấp nập trở lại. Ảnh: Dân trí.

Mới đây, trao đổi với VTCNews, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng cho rằng, việc cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị số 16 là giải pháp rất quyết liệt, mạnh mẽ, lần đầu tiên được áp dụng ở nước ta và trước mắt sẽ được áp dụng đến ngày 15/4.

Về vấn đề cách ly xã hội, đây là giải pháp căn cơ, rất quan trọng để làm sao giữ được khoảng cách giữa người với người, giữa cộng đồng với cộng đồng.

Đặc biệt Chỉ thị 16 yêu cầu chứ không chỉ là khuyến cáo người dân phải ở nhà. Chỉ thị cũng yêu cầu đóng tất cả cửa hàng không thiết yếu, dừng vận tải công cộng, quy định cự ly tiếp xúc giữa người với người là 2 m...

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng. Ảnh: VGP.

Đây là giải pháp mạnh mẽ chưa từng có tiền lệ. Trong khi chúng ta chưa đến mức phải công bố tình trạng khẩn cấp về y tế, chưa đến mức công bố thiết quân luật hay phong tỏa, việc ta làm tốt cách ly xã hội thì sẽ ngăn được dịch COVID-19 lan ra cộng đồng và lây chéo. Việc cách ly có thể phát hiện mầm mống của ổ dịch, phát hiện ca nhiễm mới sẽ xử lý và khoanh vùng luôn.

Theo ông, việc một số nơi, người dân còn lơ là, coi thường việc cách ly xã hội. Tôi cho rằng thế là không được vì rất nguy hiểm.

Phải thống nhất giữ khoảng cách để tránh lây nhiễm trong cộng đồng, lây nhiễm chéo. Như vậy mới vừa phòng chống dịch tốt vừa bảo đảm phát triển kinh tế và đời sống của người dân.

Quan điểm của Thủ tướng là tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 để kiểm soát chặt. Thủ tướng cũng yêu cầu địa phương thực thi nghiêm, đồng thời phê bình, nhắc nhở các địa phương còn để xảy ra tụ tập đông người.

Thủ tướng cũng giao cơ quan chức năng điều tra làm rõ, xử lý nghiêm hành vi tung tin sai sự thật, hành hung, chống người thi hành công vụ liên quan đến nhiệm vụ phòng, chống dịch hay hành vi tái chế khẩu trang để kiếm lời bất chính...

Người dân còn lơ là, coi thường việc cách ly xã hội là rất nguy hiểm. Ảnh: báo Dân trí.

Người dân còn quá chủ quan

Lo ngại về tình trạng này, trao đổi với Zing, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung bày tỏ lo ngại: “Người dân ra đường đông như thế này, có lẽ các giải pháp chống dịch sẽ vỡ trận thôi, vì chắc chắn trong cộng đồng còn có những ca nhiễm bệnh nhưng không có triệu chứng, biểu hiện gì mà vẫn có thể lây cho người khác”.

Nhiều lần nhắc đến cụm từ “rất nguy hiểm”, “rất đáng lo”, ông Chung nhắc đến bài học từ Singapore, vì không kiên quyết thực hiện nên số ca nhiễm đang tăng vọt, mỗi ngày hàng trăm ca nhiễm. Vì thế, quốc gia này đã phải ra lệnh thiết quân luật, đến nỗi trong một gia đình có 3-4 người trở lên cũng không được gặp nhau. Theo ông Chung, phải làm triệt để như vậy mới giải quyết được nguy cơ lây lan.

“Tình hình Hà Nội bây giờ rất đáng lo. Người dân chủ quan quá. Những ngày qua Trung ương và thành phố đã nỗ lực rất nhiều để đưa ra các giải pháp nhằm kiểm soát tốt dịch bệnh, nhưng nếu không thực hiện nghiêm, triệt để các giải pháp này từ đầu đến cuối, chúng ta sẽ thất bại”, ông Chung chia sẻ.

Thậm chí nhiều quán trà đá vỉa hè đã bày bán, người dân chủ quan không đeo khẩu trang. Ảnh: VTCNews.

Theo ông, cơ bản thành phố đã kiểm soát tốt dịch bệnh và nguy cơ lây nhiễm, song thực tế vẫn còn ca bệnh chưa tìm được nguồn lây, như ca bệnh 237 người Thụy Điển. Dù chỉ là 1 người, nhưng với tính chất loại virus này lây lan theo cấp lũy thừa, thì nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng còn rất lớn.

“Tình hình bây giờ rất đáng lo, rất nguy hiểm, người dân chủ quan quá”, Chủ tịch Hà Nội chia sẻ lo ngại trước việc người dân ra đường ngày càng đông trong thời gian cách ly xã hội.

Ông nhắc lại cảnh báo của nhiều chuyên gia trên thế giới, rằng chỉ cần 10% dân số không chấp hành các giải pháp chống dịch thì coi như kế hoạch của quốc gia bị phá vỡ.

Đặc biệt, ở Hà Nội, thống kê cho thấy có đến 1,7 triệu người già trên 60 tuổi và 2,2 triệu trẻ em từ cấp 1 đến cấp 3, nên lãnh đạo thành phố rất lo lắng về nguy cơ lây nhiễm. Và theo thực tế chứng minh, những ca nhiễm bệnh không có triệu chứng thường có thời gian ủ bệnh rất dài.

Cho đến nay, dịch vẫn diễn biến phức tạp, việc trở lại trường học của học sinh các cấp vẫn chưa thể quyết định, vì vậy, Chủ tịch Hà Nội đề nghị người dân tiếp tục thực hiện nghiêm yêu cầu về cách ly xã hội, vì từ nay đến ngày 15/4 chỉ còn 6 ngày nữa, và 6 ngày đó là cơ hội, là thời gian vàng để kiểm soát dịch bệnh.

Lãnh đạo chính quyền thành phố mong người dân chia sẻ, đồng thuận thực hiện các giải pháp, không chủ quan, lơ là vì số ca nhiễm ít vài ngày gần đây chưa thể nói lên điều gì. Nếu người dân tiếp tục chủ quan, đổ ra đường đông như hiện tại, chúng ta sẽ phải trả giá và nhận bài học “vỡ trận” như một số nước.

“Nếu ta chủ quan mà không chuẩn bị thì ta sẽ phải đón nhận thất bại tiếp theo”, ông Chung dẫn quan điểm của Tổ chức Y tế thế giới.

 P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Người dân ùn ùn đổ ra đường, Hà Nội lo “vỡ trận” phòng chống dịch. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.