Chủ nhật, 28/04/2024 03:38 (GMT+7)

Nguyễn Quỳnh và “Mãi thầm thì giữa quê”

Nhà thơ Đặng Vương Hưng -  Thứ bảy, 21/10/2023 09:16 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Đó là những nét chấm phá đa sắc màu, có cả buồn vui, thương nhớ, giận hờn mà Nguyễn Quỳnh đã thông qua chúng, để thể hiện tình cảm mặn nồng với quê hương.

Khoảng 5 năm gần đây, trong cộng đồng mạng “Lục Bát Việt Nam” nổi lên một cây bút nữ, sáng tác đều đặn và lặng lẽ công bố tác phẩm của mình; bước đầu đã gặt hái được thành công, với 3 tập thơ riêng được ấn hành bởi những Nhà xuất bản có uy tín, gây chú ý của dư luận: Khúc Vọng Hồn Quê (2019), Về Với Ruộng Đồng (2022) và nay là Mãi Thầm Thì Giữa Quê… Đó là Nguyễn Quỳnh, tên thật là Nguyễn Thị Lan. Tuổi Ất Mão (1975), sinh trưởng tại Gia Bình (Bắc Ninh) – Một vùng đất dày đặc những trầm tích văn hóa ngàn năm tuổi. 

Để tri ân vùng quê Gia Bình, nơi mình sinh ra và lớn lên, Nguyễn Quỳnh đã vừa đại diện Diễn đàn Lục Bát Việt Nam đăng cai, phối hợp với một số cơ quan đơn vị, và tổ chức thành công Ngày hội Lục Bát Việt Nam năm Quý Mão – 2023, bẳng kinh phí xã hội hóa. Với gần 30 câu lạc bộ Thơ đến từ nhiều vùng miền trên cả nước tham gia, sự kiện đã góp phần tích cực quảng bá văn hóa truyền thống và du lịch cho địa phương...

tm-img-alt
Nguyễn Quỳnh tặng tập thơ cho Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam Đồng Xuân Thụ trong buổi giao lưu về thơ với Nhà thơ Đặng Vương Hưng và Nhà văn Bùi Việt Mỹ, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà văn Hà Nội

Hiện nay, khi đã sống và làm việc tại Thủ đô Hà Nội, Nguyễn Quỳnh vẫn đang đảm nhiệm vai trò là Uỷ viên Ban Chấp hành Chi hội Thơ - Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh. Nhưng chị còn một chức danh thầm lặng, “quyền rơm vạ đá” phải “ăn ngủ cùng nó” thậm chí là “sống chết với nó” mà ít người biết đến: Chủ nhiệm Diễn đàn “Lục Bát Việt Nam”, với gần 40 ngàn thành viên đang ở khắp mọi miền Tổ quốc và cả cộng đồng người Việt ở nước ngoài! 

Công việc “bếp núc” Quản trị mạng của một Chủ nhiệm, cũng gần giống như “Tổng biên tập” một tờ Tạp chí nhỏ. Có khác chăng, đó là việc làm báo không chuyên, không có phóng viên, một người thường phải kiêm tất cả mọi việc, nhưng không có lợi nhuận, không ai trả lương, mà hoàn toàn vì sự nhiệt tình và đam mê. Thế nhưng vẫn phải lo lắng, chăm chút, xử lý các mối quan hệ giữa Tác giả và Bạn đọc. Đó chính là sự tương tác tức thời, mà lại là cảm xúc buồn vui của hàng vạn người đam mê trong một sân chơi tự nguyện, thật không hề đơn giản chút nào! 

Trong vô vàn những tinh hoa văn hóa của dân tộc, Thơ Lục Bát luôn là một tấm gương phản ánh tâm hồn, cảm xúc và tư duy của con người Việt Nam. Giữa làn sóng thơ Việt hiện đại, những người dám dấn thân cho Lục Bát không nhiều. Bởi thể loại này dễ làm, nhưng lại rất khó hay.   

Và trong số hàng vạn tác giả đã sáng tác bằng thể thơ 6/8 này, những người thành danh chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Đó thật sự là một thử thách lớn với Nguyễn Quỳnh. Bởi chị sẽ phải vượt qua và chiến thắng chính mình. Trước hết là vượt qua sự nhàm chán, đơn điệu, dễ dãi, bằng lặng và quen thuộc. Rồi sau đó còn phải vượt qua cái cũ kỹ, cổ hủ đã có từ ngàn đời, để làm sao cho hiện đại, mà vẫn giữ được hồn dân tộc và quê hương?  

"Mãi Thầm Thì Giữa Quê" là một tập thơ, với nhiều thể loại như: ngũ ngôn, lục ngôn, thất, bát ngôn và thơ tự do… Nhưng phần lớn vẫn là Lục Bát. Thể loại nào Nguyễn Quỳnh cũng không chỉ có những bài, những câu thơ hay, mà còn là những ký ức, hình ảnh và hương vị của quê hương.

Đó là những nét chấm phá đa sắc màu, có cả buồn vui, thương nhớ, giận hờn, mà Nguyễn Quỳnh đã thông qua chúng, để thể hiện tình cảm mặn nồng, tri âm tri kỷ với người mẹ, với quê hương và với những hình ảnh đẹp đẽ của làng quê Việt. Không hiếm những câu thơ cảm động như: “Mẹ hiền như đất giữa làng/ Như cây lúa nước như hàng tre xưa/ Lều tranh che nắng trú mưa/ Tháng năm mảnh ruộng sau mùa phơi lưng." Hoặc: “Xa ngày nặng nợ áo cơm/ Còn vành khăn trắng từ hôm mẹ về/ Đất lành ôm mẹ chở che/ Đồng hun hút gió ngoài đê cồn cào…    

Đã là người phố, có “bát ăn bát để rồi”, mà Nguyễn Quỳnh vẫn nhớ về cảnh “giáp hạt” khó khăn của làng quê xưa: “Tháng ba chiều cũng đã vơi/ Đêm nằm ngủ, bụng vẫn sôi réo ngày/ Mọt già kẽo kẹt quanh đây/ Trâu nằm nhai lại cỏ đầy nắng mưa…”. Còn rất nhiều những câu thơ gây được ấn tượng cho bạn đọc như: “Mẹ giờ chẳng nhớ tên con/ Đêm đêm vẫn thắp đèn còn chờ cha”… “Cồn cào đói cả trong chăn/ Mớ khoai nấu cám nhặt ăn còn nồng” .  

Và cũng không hiếm những câu thơ tình táo bạo đến bất ngờ: “Em như một nhánh bèo trôi/ Một đêm khát nhớ thèm lời ái ân”. Rồi “Gặp là như ấp men nồng/ Phía sau ngực áo phập phồng tìm anh”… “Sóng lòng ngang dọc, ngược xuôi/ Em không chịu nổi từ đôi mắt nhìn”…“Đêm qua uống rượu một mình/ Rồi say khướt - khát bạn tình nơi xa”. Những câu thơ này không chỉ diễn đạt cảm xúc, mà còn thể hiện tinh thần trách nhiệm, tình cảm mặn nồng với quê hương, cha mẹ và người thân trong làng xóm. 

Qua từng dòng thơ, Nguyễn Quỳnh đã tạo nên một bức tranh tâm hồn, thể hiện lòng biết ơn và sự tương thân tương ái đối với người thân và quê hương đất nước. Dấu ấn quê hương trong “Thầm Thì Giữa Quê" đã vẽ nên một tâm hồn, một tư duy và một tình thế đặc biệt cho tác giả.  

Không thiếu những câu thơ là lạ mà hay trong tập thơ "Mãi Thầm Thì Giữa Quê" đã chạm vào tâm hồn của người đọc, khiến họ cảm nhận được tinh thần gắn kết mạnh mẽ với quê hương và con người Việt, dù ở bất kỳ nơi nào trên thế giới phẳng, thời đại 4.0 này. Có lẽ vì thế mà "Thầm Thì Giữa Quê" của Nguyễn Quỳnh không chỉ là một bản sắc riêng của tác giả, còn là một hành trình đưa người đọc đi qua những cảm xúc, hồi ức và tình cảm sâu sắc của quê hương.

Bằng việc điều hành Diễn đàn Lục Bát Việt Nam, với gần 40 ngàn thành viên, Nguyễn Quỳnh đã góp phần tích cực làm phong phú thêm văn hóa thơ ca Việt Nam, để lại dấu ấn đậm nét trong lòng người đọc và cả những ai trân trọng văn hóa truyền thống của dân tộc. 

Hy vọng 68 bài thơ (một con số chủ ý, mang ý nghĩa biểu tượng của Lục Bát) có trong "Mãi Thầm Thì Giữa Quê" giống như 68 bông hoa trong “Vườn cỏ thơm” sẽ lặng lẽ, bền bỉ tỏa hương. Nguyễn Quỳnh đã gợi mở một cảm xúc chân thành, một tâm hồn mềm mại mà bất kỳ người nào từng có một tình yêu thương sâu sắc đối với quê hương đều có thể cảm nhận. Những dấu vết về quê hương, tình cảm đối với thiên nhiên và con người đã đan xen vào từng câu thơ của chị, tạo nên một tác phẩm thơ đậm chất trải lòng và tâm trạng của người đàn bà sinh ra từ đồng ruộng và gắn bó với ruộng đồng đã bao năm. 

Bây giờ, dù Nguyễn Quỳnh đã về sống giữ phố đông như bao người “Thăng Long - Kinh kì - Kẻ chợ” khác, mà lòng chị vẫn "Mãi Thầm Thì Giữa Quê". Đó cũng chính là một nét đẹp của tâm hồn người Hà Nội xưa và nay chăng?          

Bạn đang đọc bài viết Nguyễn Quỳnh và “Mãi thầm thì giữa quê”. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Khai trương phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy
Tuyến phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy dài hơn 1km với hơn 100 ki ốt đa dạng chủng loại ngành hàng từ nhà hàng ẩm thực, đồ lưu niệm, đồ uống, ẩm thực đường phố... được trang trí bắt mắt nằm ngay trung tâm khu du lịch Bãi Cháy.
Khai mạc Lễ hội Tràng An năm 2024
Ngày 26/4, tại Danh thắng Tràng An, Lễ hội Tràng An năm 2024 đã chính thức được khai mạc. Đây là một trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.
Bài thơ: Tháng Tư này
Tháng Tư này còn gì để nhớ mong//Khi tình đã úa màu theo năm tháng//Kỷ niệm cũ vùi sâu miền dĩ vãng///Gợi làm gì thêm đau xót lòng nhau
Bài thơ: Áo lính về quê
Thỉnh thoảng con về thăm nhà///Thích mặc áo lính để mà nhớ xưa///Mẹ già trông nắng đợi mưa///Đọc trang sách cũ vẫn chưa rách lề 

Tin mới

Khai trương phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy
Tuyến phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy dài hơn 1km với hơn 100 ki ốt đa dạng chủng loại ngành hàng từ nhà hàng ẩm thực, đồ lưu niệm, đồ uống, ẩm thực đường phố... được trang trí bắt mắt nằm ngay trung tâm khu du lịch Bãi Cháy.
Khai mạc Lễ hội Tràng An năm 2024
Ngày 26/4, tại Danh thắng Tràng An, Lễ hội Tràng An năm 2024 đã chính thức được khai mạc. Đây là một trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.
Bài thơ: Tháng Tư này
Tháng Tư này còn gì để nhớ mong//Khi tình đã úa màu theo năm tháng//Kỷ niệm cũ vùi sâu miền dĩ vãng///Gợi làm gì thêm đau xót lòng nhau
Bài thơ: Áo lính về quê
Thỉnh thoảng con về thăm nhà///Thích mặc áo lính để mà nhớ xưa///Mẹ già trông nắng đợi mưa///Đọc trang sách cũ vẫn chưa rách lề