Thứ hai, 29/04/2024 10:46 (GMT+7)

Nhiều nhà khoa học tán thành xả một triệu tấn nước thải từ Fukushima

MTĐT -  Thứ ba, 15/06/2021 15:52 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Các nước láng giềng lên án kế hoạch xả nước dùng làm mát các lò phản ứng nóng chảy của nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi ra biển, nhưng các nhà nghiên cứu nói rằng nguy cơ gây hại là rất thấp.

Đề xuất của Nhật Bản - đổ hơn một triệu tấn nước ô nhiễm từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi ra ngoài khơi bờ biển phía đông của nước này - đã bị các nước láng giềng, trong đó có Trung Quốc và Hàn Quốc, phản đối kịch liệt. Nhưng các nhà khoa học cho biết, rủi ro có thể sẽ rất thấp, nếu việc xả thải được thực hiện theo kế hoạch phù hợp.

Nhật Bản công bố đề xuất của mình vào tháng 4, khiến ngoại trưởng Hàn Quốc ban đầu bày tỏ "rất tiếc và quan ngại nghiêm trọng". Theo Tân Hoa xã, các nhà khoa học Trung Quốc cũng đã phản đối đề xuất này, trong đó Liu Senlin ở Viện Năng lượng Nguyên tử Trung Quốc, Bắc Kinh, mô tả đề xuất là "cực kỳ vô trách nhiệm".

Nhưng các nhà khoa học khác, và Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), đã phản bác rằng bức xạ trong nước thải đã qua xử lý sẽ rất thấp và nước sẽ được thải ra dần dần trong vài năm để giảm thiểu mọi rủi ro.

"Là một nhà khoa học, tôi phải có cái nhìn trung lập với vấn đề này, và nhìn vào các dữ kiện thực tế. Và các dữ kiện cho thấy, đây không phải việc gì đáng lo ngại", Jordi Vives I Batlle, nhà khoa học tại Trung tâm Nghiên cứu Hạt nhân của Bỉ, người nghiên cứu ảnh hưởng của bức xạ đối với các hệ sinh thái biển, cho biết.

Các nhà hoạt động môi trường phản đối kế hoạch xử lý nước thải Fukushima trước đại sứ quán Nhật Bản ở Seoul.

An toàn ngay cả trong tình huống xấu nhất?

Trận động đất và sóng thần tấn công bờ biển phía đông Nhật Bản vào ngày 11/3/2011 đã dẫn đến sự cố thảm khốc đối với hệ thống làm mát tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi. Trong thập kỷ tiếp theo, 1,25 triệu tấn nước biển đã được bơm qua các lò phản ứng bị hư hỏng để tản nhiệt cho các mảnh vụn nhiên liệu nóng chảy, và quá trình bơm vẫn tiếp tục diễn ra. Nước ô nhiễm đã được xử lý để loại bỏ chất phóng xạ và được chứa trong hơn 1.000 bể thép trong khuôn viên nhà máy.

Việc xả nước thải đã qua xử lý là một phần của hoạt động tiêu chuẩn ở các nhà máy điện hạt nhân. Tuy nhiên, theo Vives I Batlle, khối lượng khổng lồ tích tụ ở Fukushima, và nồng độ hạt nhân phóng xạ nguyên bản cao trong nước do tiếp xúc trực tiếp với lò phản ứng tan chảy, khiến cho việc xả thải của Nhật Bản trở thành một sự kiện khác biệt so với thông lệ.

Song không có gì trong kế hoạch của Nhật Bản cho thấy rằng nước đã qua xử lý sẽ chứa mức phóng xạ lớn hơn mức phóng xạ nền hiện có trong môi trường do các quá trình tự nhiên, Vives I Batlle, người đã tiến hành nghiên cứu ở Fukushima kể từ sau trận sóng thần, nói thêm.

Công ty Điện lực Tokyo, đơn vị vận hành Fukushima Daiichi, cho biết, việc xử lý đã loại bỏ hầu hết các hạt nhân phóng xạ, bao gồm cesium và stronti. Chỉ còn lại triti, và chất này phát ra một trong những liều lượng bức xạ thấp nhất so với bất kỳ hạt nhân phóng xạ nào, Vives I Batlle lưu ý.

Deborah Oughton, nhà hóa học hạt nhân và giám đốc Trung tâm Phóng xạ Môi trường tại Đại học Khoa học Đời sống Na Uy, bổ sung, tritium là một hạt nhân phóng xạ tự nhiên được tìm thấy trong môi trường và trong các sinh vật sống, bao gồm cả con người.

Oughton cho biết, mô phỏng của Nhật Bản về quá trình phát thải - sẽ diễn ra trong vòng hai đến ba năm - chỉ ra mức độ bức xạ sẽ ở “mức cho phép trong nước uống”. “Tác động trực tiếp đến môi trường và sức khỏe con người của phóng xạ, theo ý kiến của tôi, sẽ rất, rất thấp", Oughton nói.

Ngay cả trong các tình huống xấu nhất, được mô phỏng bởi Vives I Batlle, trong đó tất cả nước được giải phóng cùng một lúc trước khi qua xử lý hoàn toàn - mức độ bức xạ trong môi trường biển tiếp xúc vẫn sẽ “ít độc hại hơn 100 lần so với bức xạ nền", Oughton nói.

Hơn 1.000 bể chứa nước bị ô nhiễm nằm rải rác xung quanh địa điểm của Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi ở Okuma, Nhật Bản.

Trong một động thái nhằm giảm bớt nỗi lo ngại của cộng đồng, IAEA đang làm việc với chính phủ Nhật Bản để lập kế hoạch thực hiện và giám sát việc xả thải.

Rafael Grossi, Tổng giám đốc của IAEA, cho biết: “Chúng tôi sẽ trực tiếp ở đó trong giai đoạn lập kế hoạch, giai đoạn hiệu chuẩn, khi xả thải diễn ra, và sau khi xả thải".

Tuy nhiên, Oughton nhấn mạnh, ngành đánh bắt cá của Nhật Bản sẽ phải chịu tác động lớn, nếu việc xả thải làm mất lòng tin của cộng đồng. Việc giám sát theo dõi phải nghiêm ngặt và cẩn thận, để trấn an “rằng hàm lượng phóng xạ trong hải sản không gây hại cho sức khỏe con người”, Oughton nói.

Nguồn: https://www.nature.com/articles/d41586-021-01225-2

https://www.sciencemag.org/news/2021/04/japan-plans-release-fukushima-s-contaminated-water-ocean

Theo Hoàng Kỳ/ Khoa học & Phát triển

Bạn đang đọc bài viết Nhiều nhà khoa học tán thành xả một triệu tấn nước thải từ Fukushima. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Mỗi ngày nên đi bộ bao nhiêu bước để duy trì sức khỏe?
Cuộc sống ngày nay thường bận rộn và nhiều người dường như không có đủ thời gian để tập luyện hoặc tham gia các hoạt động thể thao phức tạp. Tuy nhiên, đi bộ lại là một hoạt động vận động đơn giản, dễ dàng tích hợp vào lịch trình hàng ngày.

Tin mới

Thiết kế cấp phối bê tông san hô
Thiết kế cấp phối bê tông san hô cấp độ bền B15, B20, B22,5 (sử dụng cốt liệu cát, đá san hô và nước mặn). Kết quả cho thấy, việc sử dụng vật liệu vật liệu, nước biển thay thế cho vật liệu truyền thống là khả thi.
Giữ lửa Chèo truyền thống trong lớp trẻ
Với mục tiêu tôn vinh, quảng bá giá trị đặc sắc của nghệ thuật Chèo Việt Nam, nhiều năm qua, trường Đại học Sân khấu điện tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng những tài năng trẻ có đam mê với loại hình văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc này.