Thứ hai, 29/04/2024 08:19 (GMT+7)

Những nhân tố đang làm đảo lộn "bản đồ" du lịch thế giới

MTĐT -  Thứ bảy, 26/08/2023 11:52 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nhật báo Le Figaro của Pháp cho rằng lĩnh vực du lịch đang tìm hiểu, đánh giá và thay đổi lại cách cung cấp dịch vụ để cố gắng thích nghi và đối phó với những rào cản mới.

Phân tích và nhận định xu hướng phát triển du lịch toàn cầu trong bối cảnh bùng nổ lạm phát, xung đột và biến đổi khí hậu, nhật báo Le Figaro của Pháp cho rằng lĩnh vực du lịch đang tìm hiểu, đánh giá và thay đổi lại cách cung cấp dịch vụ để cố gắng thích nghi và đối phó với những rào cản mới.

Du lịch được đánh giá là một lĩnh vực có khả năng chịu đựng để vượt qua mọi khủng hoảng. Tuy nhiên, những thách thức hiện tại mà ngành du lịch đang phải đối mặt, vốn đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của ngành này, gây thiệt hại không chỉ cho khách du lịch mà cả các nhà cung cấp dịch vụ.

tm-img-alt
Quang cảnh một điểm du lịch ở Singapore. Ảnh: AFP/TTXVN

Vụ cháy rừng kinh hoàng hồi tháng Bảy vừa qua trên các đảo tại Hy Lạp, gồm Rhodes, Corfou và Eubée, đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành du lịch nước này. 5 người thiệt mạng; 50.000 ha rừng bị tàn phá; động vật hoang dã bị tàn sát; hàng chục cơ sở kinh doanh, khách sạn, nhà cửa và xe cộ bị phá hủy... Tại Rhodes, 30.000 người đã được sơ tán khẩn cấp, trong đó có nhiều khách du lịch. Họ được chuyển đến các phòng họp, trường học, nhà thi đấu hoặc bến phà. Các công ty lữ hành đã đưa hàng ngàn du khách về nước, đồng thời cắt dịch vụ đến đảo trong một tuần.

Ở một nơi khác tại Hy Lạp, du khách phải đối mặt với đợt nắng nóng kéo dài nhất từng xảy ra trên đất nước này với nhiệt độ trên 40 độ C trong hơn 14 ngày liên tiếp. Du khách buộc phải tránh xa các di tích lịch sử vào những giờ nhiệt độ cao nhất trong ngày hoặc. Từ sáng sớm, Acropolis đã trở nên đông đúc do lượng du khách tới thăm.

Trên báo chí Hy Lạp, một câu hỏi được đặt ra: Sự nóng lên toàn cầu liệu có đe dọa ngành du lịch? Trên thực tế, nhiều chuyên gia đang đặt câu hỏi này trên toàn thế giới. Biến đổi khí hậu không phải là mối đe dọa duy nhất treo lơ lửng trên đầu các công ty lữ hành, chủ khách sạn, chủ nhà hàng, hướng dẫn viên và những người buôn bán đồ lưu niệm. Trong cả ngắn hạn và dài hạn, lĩnh vực này còn bị đe dọa bởi lạm phát khiến nhiều người châu Âu không có kỳ nghỉ vào mùa Hè này. Các cuộc xung đột địa phương hoặc quốc tế khiến một số điểm đến không thể tiếp cận được và ngăn cản nguồn khách du lịch tiềm năng rời khỏi đất nước của họ.

Ở Nga có nhiều công ty lữ hành tổ chức các chuyến du thuyền giữa Moskva và Saint Petersburg, các chuyến du lịch tại Siberia và kỳ nghỉ dưỡng tại hồ Baikal... Tuy nhiên, hoạt động này đã bị gián đoạn lâu dài do cuộc xung đột ở Ukraine. Không ai còn du lịch đến Syria nữa, nơi một thời được các đơn vị tổ chức các hành trình di sản và văn hóa rất ưa thích... Miền Nam Algeria, Libya và Afghanistan vẫn là những khu vực "không thể tiếp cận" đối với du khách. Niger không phải là một điểm đến du lịch nổi bật, song biến động chính trị tại nước này có thể ảnh hưởng đến du lịch tới châu Phi. Còn đối với Trung Quốc, việc đi du lịch là đã được nối lại, song chính quyền địa phương dường như không khuyến khích công dân của họ đi du lịch ở châu Á và châu Âu.

Tai họa có nguy cơ làm đảo lộn bản đồ du lịch thế giới lâu dài nhất là sự nóng lên toàn cầu. Nhiều người đã điều chỉnh thói quen du lịch cho phù hợp với thời tiết, đi lặn biển trong những vịnh nước xanh trong và leo núi thay vì đi tham quan và khám phá. Theo ông Didier Arino, giám đốc của công ty tư vấn Protourisme, các du khách thích thời tiết ấm áp và nhiều ánh nắng, không lạnh và tốt hơn cả là không mưa. Ông chia sẻ: "Họ tìm kiếm nhiệt độ từ 25 độ C đến 30 độ C. Vượt quá mức này thì có thể chấp nhận được với du lịch ở biển. Tuy nhiên, đối với các chuyến du lịch ở đô thị thì thời tiết như vậy không còn thích hợp nữa".

Công ty phân tích dữ liệu Mabiran ở Tây Ban Nha đã phát triển một chỉ số nhận xét về khí hậu (climatic perception index) để đo lường sự hài lòng của du khách đối với điều kiện thời tiết và khí hậu tại các địa điểm du lịch. “Nghiên cứu của chúng tôi vào năm 2022 đã chỉ ra rằng nóng nực làm giảm mức độ hài lòng chung của khách du lịch ở Tây Ban Nha, Hy Lạp, Italy và Pháp. Kết luận này hoàn toàn trái ngược với tình hình ở Vương quốc Anh”, Giám đốc kinh doanh Carlos Cendra giải thích. Mặc dù vậy, hiện tại các số liệu cho thấy du lịch vẫn đang duy trì ổn định tại Tây Ban Nha và có thể vẫn chưa có sự giảm số lượng khách đến do nhu cầu du lịch lớn tại đây.

Tuy nhiên, một số chuyên gia lo lắng về hậu quả của biến đổi khí hậu đang gióng lên hồi chuông cảnh báo. Fabian Gonzalez, nhà phân tích tại công ty nghiên cứu du lịch Phocuswright, cho biết: "75% khách du lịch quốc tế chọn đất nước chúng tôi vì những bãi biển. Nếu nhiệt độ tăng thì mùa du lịch cao điểm, đặc biệt là trong thời kỳ đỉnh điểm của mùa Hè, có thể bị ảnh hưởng nặng nề".

Khó khăn mà ngành du lịch Tây Ban Nha đang phải đối mặt đó là sự phụ thuộc quá lớn vào các công ty tổ chức tour du lịch. Nếu nhu cầu từ các quốc gia như Đức hoặc Vương quốc Anh giảm xuống vì họ cho rằng Tây Ban Nha quá nóng, thì các khách sạn lớn có hơn 500 phòng sẽ gặp khó khăn. "Dù có thể thực hiện nhiều biện pháp như tăng số lượng điều hòa không khí hay trồng cây trên các tuyến đường chính… nhưng nếu nhiệt độ ngoài kia đã rất cao (45 độ C), thì nó vẫn là 45 độ C thôi’’, ông Fabian Gonzalez bổ sung.

Mặc dù vẫn còn quá sớm để có thể đưa ra một đánh giá định lượng, nhưng thực tế là đã có sự chuyển dịch của du khách đến các vùng có nhiệt độ ôn hòa hơn ở phía Bắc, mặc dù du khách có nguy cơ gặp mưa, gió và lạnh. Ông Alain Capestan, Chủ tịch công ty du lịch Comptoir des voyages xác nhận: "Những điểm đến có thời tiết lạnh có vẻ ngày càng được ưa chuộng". Iceland là một ví dụ. Nước này đã chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ số lượng du khách đến vào tháng Ba khiến các khách sạn rơi vào tình trạng thiếu phòng nghỉ.

Ngày nay, thời tiết đã trở thành một yếu tố quan trọng trong việc lựa chọn kế hoạch đi nghỉ. Valérie Laroche, giám đốc kinh doanh của công ty lữ hành Selectour, chia sẻ rằng chủ đề này thường được thảo luận khi đặt chỗ với khách hàng. Các lâu đài ở Scotland, các vịnh Na Uy và các hồ ở Thụy Điển đang được ưa chuộng. Tại Pháp, vùng Bretagne và Normandie đang trở nên hấp dẫn hơn.

Các nước miền Nam có nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch (ở Hy Lạp, lĩnh vực này tạo ra hơn 1/4 GDP và sử dụng 1/5 lực lượng lao động) đang tìm cách để đối phó với vấn đề này. Ông Fabian Gonzalez đề xuất việc tạo ra các trải nghiệm du lịch đa dạng hơn: "Du khách đến Madrid để tham quan một bảo tàng lớn không cần quá quan tâm liệu đang là mùa Hè hay mùa Đông. Mallorca đã phát triển du lịch đạp xe dọc theo các bãi biển của mình và hòn đảo này đã trở thành một trong những điểm đến hàng đầu ở châu Âu cho đạp xe". Tuy nhiên, không dễ để quảng bá các vùng ít nổi tiếng như Galicia, Cantabria hoặc Asturias ven biển Đại Tây Dương.

"Chúng ta cần tạo ra nhu cầu. Không có khách hàng nước ngoài nào sẽ chỉ chọn Tây Ban Nha và họ sẽ thường xuyên thay đổi giữa khu vực Địa Trung Hải và Đại Tây Dương", chuyên gia Fabian Gonzalez khẳng định. Trước và sau mùa du lịch chính (trước tháng Sáu và sau tháng Chín) cũng là một sự lựa chọn thay thế, tuy nhiên ít phù hợp với các gia đình do lịch học của con em họ.

"Đối với ba điểm đến trong mùa Hè của người Pháp (Hy Lạp, Tây Ban Nha, Tunisia), nơi sóng nhiệt ở mức gần như không thể chịu nổi vào mùa Hè, chúng ta sẽ thấy du khách kéo đến nhiều hơn vào mùa Xuân và mùa Thu, dẫn đến sự giảm sút lưu lượng khách du lịch vào tháng Bảy và tháng Tám. Việc này sẽ làm cho các điểm đến trở nên dễ tiếp cận hơn”, ông Jean-Pierre Mas, Chủ tịch của công ty du lịch Entreprises du Voyage, khẳng định. Các đợt nắng nóng lặp đi lặp lại sẽ buộc các nhà khai thác giảm giá dịch vụ và sản phẩm trong mùa cao điểm.

Một vấn đề quan trọng khác trong ngành du lịch hiện nay, đó là sự chuyển đổi từ mô hình du lịch truyền thống sang mô hình du lịch bền vững hơn. Các chuyên gia cho rằng du lịch cần phải tập trung vào bảo vệ môi trường, sử dụng ít tài nguyên hơn (đặc biệt là nước) và có tác động tích cực đối với cả cộng đồng địa phương và du khách. Khách hàng cũng ngày càng quan tâm hơn tới khía cạnh này./.

Bạn đang đọc bài viết Những nhân tố đang làm đảo lộn "bản đồ" du lịch thế giới. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo TTXVN

Cùng chuyên mục

Liên hợp quốc lập quỹ chống chịu khí hậu mới
Liên hợp quốc (LHQ) ngày 24/4 đã công bố kế hoạch triển khai quỹ chống chịu khí hậu mới nhằm tăng cường bảo vệ “những người tị nạn và cộng đồng phải di dời”, vốn đang bị vấn đề biến đổi khí hậu đe dọa.

Tin mới

Thiết kế cấp phối bê tông san hô
Thiết kế cấp phối bê tông san hô cấp độ bền B15, B20, B22,5 (sử dụng cốt liệu cát, đá san hô và nước mặn). Kết quả cho thấy, việc sử dụng vật liệu vật liệu, nước biển thay thế cho vật liệu truyền thống là khả thi.
Giữ lửa Chèo truyền thống trong lớp trẻ
Với mục tiêu tôn vinh, quảng bá giá trị đặc sắc của nghệ thuật Chèo Việt Nam, nhiều năm qua, trường Đại học Sân khấu điện tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng những tài năng trẻ có đam mê với loại hình văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc này.