Chủ nhật, 28/04/2024 16:13 (GMT+7)

Nỗi khốn khổ của một gia đình

Mạc Tường Vi -  Thứ năm, 10/12/2020 14:57 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Dù có cố gắng đến đâu nhưng vợ chồng anh Ngọc Thân và chị Thu Thúy vẫn không thể thoát được nỗi cơ cực. Cái nghèo khổ vẫn đeo bám anh chị và 3 đứa con suốt nhiều năm qua.

Nhìn hoàn cảnh đôi vợ chồng trẻ sống ly biệt vì cuộc sống mưu sinh khiến không ít người xót xa, thương cảm.

Đứa con trai duy nhất của anh Thân và chị Thúy bị bại liệt từ nhỏ.

Anh Trần Ngọc Thân và chị Nguyễn Thị Thu Thúy yêu nhau từ thuở đôi mươi. Cũng như bao cặp đôi khác, họ kết hôn và nguyện ước xây dựng một gia đình nhỏ hạnh phúc với những đứa con ngoan ngoãn, một tổ ấm bình yên đúng nghĩa. 17 năm về trước, ngày biết tin chị Thúy mang thai, anh Ngọc Thân và vợ không giấu được sự xúc động, bởi lẽ con là kết tinh tình yêu và sẽ mở ra một giai đoạn mới cho cuộc sống hôn nhân của họ: một gia đình tràn ngập tiếng trẻ thơ cùng những điều mới mẻ. Thế nhưng, ngày con trai đầu lòng chào đời cũng là lúc họ khóc cạn nước mắt và suy sụp tinh thần. Đứa con đáng thương của họ bị tật nguyền bẩm sinh, cơ thể phát triển không bình thường như những đứa trẻ khác. Từ ngày em đến với thế giới cho đến nay đã 17 năm, thế nhưng cũng là 17 năm em nằm một chỗ, không nhận thức được xung quanh. Trong tiềm thức xa xôi, em cũng chỉ biết mẹ và cha.

Những năm qua, anh Thân và chị Thúy cố gắng chạy chữa cho đứa con trai xấu số của mình. Cả hai không hi vọng con sẽ làm nên điều kỳ tích mà chỉ có một ước nguyện giản đơn là cậu bé có thể qua được những cơn đau đang hành hạ. Đối với họ, mỗi ngày được nhìn thấy con là mỗi ngày vui và thật sự trọn vẹn dù cho vất vả đến bao nhiêu đi chăng nữa.

Anh Thân hằng ngày vẫn chăm sóc cho con trai. Cả nhà anh hiện đang nương tựa nhà cha mẹ

Ước nguyện của đôi vợ chồng thuở ban đầu cũng được đền đáp khi đứa con thứ 2 (hiện học lớp 8 và thứ 3 (hiện học lớp mẫu giáo) lần lượt ra đời. Hai cô con gái lành lặn, ngoan ngoãn cũng phần nào bù đắp cho anh Thân và chị Thúy. Thế nhưng, áp lực về kinh tế cũng bắt đầu đè nặng lên hai vợ chồng. Dù cố gắng đến đâu thì cái nghèo, cái khổ vẫn đeo bám gia đình anh Thân và chị Thúy trong nhiều năm qua. Có lẽ đối với họ, hai chữ "an nhàn" chỉ có trong giấc mơ và chưa một lần dám nghĩ đến ở thực tại.

Cách đây ít năm, anh Thân và chị Thúy từ Phú Yên lên Sài Gòn bán vé số. Hai cô con gái để lại ở quê cho ông bà chăm sóc, nhưng con trai bại liệt phải dẫn theo cùng vì không ai chăm nom. Mang con theo bên mình cũng là nỗi trăn trở lớn đối hai vợ chồng anh Thân và chị Thúy. Họ thương con phải dang nắng dầm mưa khi cùng cha mẹ bán vé số nhưng cũng không thể để con một mình ở nhà trọ. Cái khó, cái khổ trăm bề của người làm cha mẹ hơn ai hết, chính anh Thân và chị Thúy và người hiểu rõ nhất.

Vậy là sau một thời gian, anh Thân đưa con trai trở về quê, còn chị Thúy ở lại Sài Gòn. Hai vợ chồng chấp nhận sống ly biệt tất cả đều vì cuộc sống mưu sinh và thứ chính là vì các con.

Hiện anh Thân và 3 đứa con đang sống trong một căn nhà ọp ẹp, được dựng tạm bợ trên mảnh đất của bố mẹ. Ở quê, ai kêu gì anh Thân làm nấy, từ phụ hồ đến khuân vác... anh đều không từ chối, miễn là kiếm được đồng tiền chân chính. Thế nhưng, anh chỉ dám nhận công việc gần nhà để trưa tối còn chạy về nấu cơm cho các con và chăm sóc cậu con trai đang nằm một chỗ. Khi chị Thúy ở Sài Gòn kiếm nhặt từng đồng trên từng chiếc vé số để gửi về quê thì anh Thân ở quê nhà cũng lặn lội vất vả.

Giữa tăm tối cuộc đời thì chút ánh sáng héo hắt đã lóe lên trong anh Thân và chị Thúy, khi đứa con gái thứ hai có thành tích học tập tốt. Chia sẻ về con gái nhỏ đang học lớp 8, anh Thân nói trong niềm vui sướng cùng sự xúc động đến nghẹn ngào: "Sắp tới, con gái tôi sẽ đi thi bồi dưỡng học sinh giỏi. Nó đang trong thời gian ôn thi và cũng hay chia sẻ với tôi về việc học ở trường. Con bé ngoan lắm, thấy tôi đi làm về trễ là tắm rửa cho anh trai rồi tự nấu ăn để đi học".

Anh Thân chẳng dám ước nhiều, chỉ mong các mạnh thường quân thương mà giúp đỡ một phần để anh có động lực nuôi con ăn học đến nơi đến chốn, bởi vợ chồng anh hiện tại đều đã kiệt quệ, chẳng còn ai để vay mượn nữa.

Mọi sự giúp đỡ xin liên hệ:

Anh Trần Ngọc Thân; Địa chỉ: Thôn Mỹ Thạnh Tây, xã Hòa Phong, huyện Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên; Điện thoại: 0388 372 279.

Bạn đang đọc bài viết Nỗi khốn khổ của một gia đình. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Thiết kế cấp phối bê tông san hô
Thiết kế cấp phối bê tông san hô cấp độ bền B15, B20, B22,5 (sử dụng cốt liệu cát, đá san hô và nước mặn). Kết quả cho thấy, việc sử dụng vật liệu vật liệu, nước biển thay thế cho vật liệu truyền thống là khả thi.
Giữ lửa Chèo truyền thống trong lớp trẻ
Với mục tiêu tôn vinh, quảng bá giá trị đặc sắc của nghệ thuật Chèo Việt Nam, nhiều năm qua, trường Đại học Sân khấu điện tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng những tài năng trẻ có đam mê với loại hình văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc này.
Khai trương phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy
Tuyến phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy dài hơn 1km với hơn 100 ki ốt đa dạng chủng loại ngành hàng từ nhà hàng ẩm thực, đồ lưu niệm, đồ uống, ẩm thực đường phố... được trang trí bắt mắt nằm ngay trung tâm khu du lịch Bãi Cháy.
Khai mạc Lễ hội Tràng An năm 2024
Ngày 26/4, tại Danh thắng Tràng An, Lễ hội Tràng An năm 2024 đã chính thức được khai mạc. Đây là một trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.