Thứ hai, 29/04/2024 09:15 (GMT+7)

Nỗi lo của doanh nghiệp, công nhân và người dân khi Khu công nghiệp Biên Hòa di dời

MTĐT -  Thứ sáu, 22/03/2024 09:38 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Việc di dời Khu công nghiệp Biên Hoà đồng nghĩa với việc hoạt động sản xuất của 76 doanh nghiệp và công việc của hàng chục ngàn lao động cùng người dân xung quanh sẽ phải thay đổi.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ

Khu công nghiệp Biên Hòa đã từng là biểu tượng của sự phát triển công nghiệp, hiện đại hóa của Việt Nam, với 76 dự án của các doanh nghiệp từ sản xuất vật liệu xây dựng, lắp ráp điện tử, hóa chất đến sản xuất các mặt hàng tiêu dùng. Tuy nhiên, mới đây, UBND tỉnh Đồng Nai đã quyết định chuyển đổi KCN Biên Hoà 1 thành khu đô thị - thương mại - dịch vụ và cải thiện môi trường. Điều này đồng nghĩa với việc hoạt động sản xuất của 76 doanh nghiệp và công việc của hàng chục ngàn lao động sẽ phải thay đổi. Nỗi lo lắng từ phía cộng đồng công nhân không tránh khỏi.

Chị Trần Thị Cúc, một phụ nữ làm nghề nấu ăn cho công nhân tại KCN Biên Hoà 1, chia sẻ lo lắng của mình khi công ty chuyển đi. "Nếu công ty đi, chúng tôi sẽ mất việc làm và thu nhập, và chúng tôi không biết phải làm gì để nuôi sống gia đình con cái."

Nhiều công nhân cũng thể hiện sự lo lắng về việc di dời nhà máy. Một số người cho rằng việc di chuyển sẽ gây ra sự xáo trộn và khó khăn trong việc tìm việc làm mới, đặc biệt với những người đã có cuộc sống ổn định tại khu vực này.

Ông Nguyễn Hải Hà, Phó Tổng Giám đốc công ty Great Kingdom, nói về những khó khăn trong việc di dời: "Việc đầu tư lại máy móc và tìm kiếm nguồn lao động mới sẽ gặp nhiều thách thức. Thậm chí, việc tìm nguồn lao động phù hợp với yêu cầu công việc có thể mất nhiều thời gian".

Ông Phan Văn Giang, 54 tuổi, nhân viên giám sát camera của một nhà máy thực phẩm hoạt động ở KCN Biên Hòa 1 từ năm 1976, nói việc di dời thời điểm này không chỉ vợ chồng ông dở dang mà hai con cũng sẽ gặp khó.

Vợ chồng làm cùng công ty, tổng thu nhập hơn 25 triệu đồng mỗi tháng, đủ nuôi con trai lớn theo đại học, con gái lớp 10 và mẹ già. "Tôi không dám nghĩ đến cảnh cả hai vợ chồng mất việc", ông Giang nói. Trường hợp nhà máy phải rời đi, ông sẽ là người đi theo để "cố giữ một suất lương". Vợ ông, 52 tuổi, công nhân khâu đóng túi, phải nghỉ hẳn bởi khó tìm được việc mới.

"Gia đình sẽ vất vả hơn vì tôi phải đi xa. Thu nhập của gia đình giảm một nửa. Một mình vợ phải lo việc nhà, chăm mẹ già", ông Giang nói.

Công ty ông Giang có 283 lao động, 70% sống ở Biên Hòa. Độ tuổi bình quân 45,5, trong đó trên 50 tuổi gần 100 người. Lãnh đạo nhà máy cho rằng nếu phải rời đi công nhân trực tiếp sản xuất, lớn tuổi, gắn bó lâu năm với công việc sẽ đối mặt với nhiều khó khăn.

Lao động đã ổn định cuộc sống ở Biên Hòa với nhà cửa, con cái học hành. Do đó, nếu nhà máy chuyển đi xa, họ không thể đưa cả nhà đi cùng. Công nhân lâu năm được tăng lương theo thâm niên, thu nhập sau 15-20 năm làm việc đủ để nuôi được gia đình, con cái học hành. Trường hợp ở lại Biên Hòa tìm được việc với lương khởi điểm của công nhân mới "sẽ rất khó sống".

Công nhân của nhà máy sẽ rơi vào cảnh dở dang khi KCN Biên Hòa 1 chuyển đổi cũng là lo lắng của ông Phạm Cao Thanh Triều, Phó giám đốc Xí nghiệp Cao su Đồng Nai. Xưởng sản xuất phải di dời có 265 lao động, 90% có nhà ở Biên Hòa và khu vực lân cận. Công nhân nam chiếm số đông, độ tuổi 35-45.

Theo ông Triều, ở độ tuổi này lao động cần việc làm, thu nhập ổn định để nuôi con. Ngoài ra, họ chín về nghề, đảm bảo được năng suất tốt nhất. Tuy nhiên, nếu thất nghiệp tuổi ngoài 40 lại rất khó tìm việc mới. Các nhà máy tuyển công nhân sản xuất cần trẻ, khỏe, chi phí thấp và sử dụng được lâu dài.

Ông Lương Thanh Lộc, 48 tuổi, công nhân Xí nghiệp cao su Đồng Nai, nói mong được an tâm làm việc đến hưu. Do đó, khi nghe tin các nhà máy ở KCN Biên Hòa 1 phải di dời ông không khỏi lo lắng. Hơn 28 năm làm công đoạn ép suất cao su tạo mặt lốp xe, ông chưa biết sẽ làm gì nếu rời nhà máy.

Khó khăn lao động sẽ gặp phải cũng được đề án chuyển đổi KCN Biên Hòa 1 đề cập. Số lao động bị ảnh hưởng lên đến 21.000 người, làm việc tại 76 doanh nghiệp. Theo chính quyền Đồng Nai, KCN hình thành từ lâu nên phần lớn người lao động gắn bó ở đây nhiều năm, đang có cuộc sống ổn định tại TP Biên Hòa hoặc địa phương xung quanh.

Do đó, khi doanh nghiệp di dời đến địa điểm mới (thường xa KCN Biên Hòa 1), đa số người lao động không thể đi theo, vì khó khăn trong việc đi lại, nơi ở... Trong trường hợp nghỉ việc, lao động cũng khó tìm được việc làm mới do đã lớn tuổi. UBND tỉnh Đồng Nai dự kiến chi khoảng 1.270 tỷ đồng hỗ trợ đời sống người lao động, ổn định sản xuất, chi phí đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, có những nỗ lực từ phía chính quyền và các doanh nghiệp để hỗ trợ người lao động trong quá trình chuyển đổi. Hệ thống trường nghề và cơ sở đào tạo nghề đã sẵn sàng để hỗ trợ việc tái đào tạo nguồn lao động. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ như hỗ trợ nhà ở và việc làm cho người lao động cũng được đặc biệt chú trọng.

Với thời gian ngắn từ bây giờ đến khi phải giải toả hoàn toàn khu công nghiệp (dự kiến là năm 2025), nhiều người vẫn lo lắng về khả năng tìm kiếm việc làm mới và sự ổn định trong cuộc sống của mình.

An Na (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Nỗi lo của doanh nghiệp, công nhân và người dân khi Khu công nghiệp Biên Hòa di dời. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Thiết kế cấp phối bê tông san hô
Thiết kế cấp phối bê tông san hô cấp độ bền B15, B20, B22,5 (sử dụng cốt liệu cát, đá san hô và nước mặn). Kết quả cho thấy, việc sử dụng vật liệu vật liệu, nước biển thay thế cho vật liệu truyền thống là khả thi.
Giữ lửa Chèo truyền thống trong lớp trẻ
Với mục tiêu tôn vinh, quảng bá giá trị đặc sắc của nghệ thuật Chèo Việt Nam, nhiều năm qua, trường Đại học Sân khấu điện tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng những tài năng trẻ có đam mê với loại hình văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc này.